Trọng Tấn – “Tôi không còn…bùn đất để nhắc con”


Thua Sơn Tùng M-TP ngay trên chính “sân nhà”

– Cụ thể là hai cha con anh “buôn” chuyện gì?

– À, thì nói linh tinh, trừ… nhạc đỏ! Bởi vì món khoái khẩu của cậu ấy là hip hop, Michael Jackson, Justin Bieber, 5S online, Sơn Tùng M-TP… kia, chứ không phải là mấy bài bố Tấn vẫn hay hát…

– Trông “giai cả” nhà anh có vẻ lành hiền giống bố đấy chứ? Lạ nhỉ!

– Ừ thì có ai bảo là không lành hiền đâu! Nhưng sở thích, đôi khi nó là câu chuyện môi trường, thế hệ… Có điều, cái “máu văn nghệ” thì nghe chừng cũng là “giỏ nào, quai nấy” đấy! Thế nào mà cũng lọ mọ lên mạng, túm được mấy bản hit của mấy “bác” kia, về cover lại, biểu diễn ở trường, giống phết! Chất giọng thì là ổn đấy, lấy cao độ rất chuẩn, chắc nhịp. Lại còn học thêm cả piano, hip hop nữa, đủ món. Chả hiểu về sau có theo nghiệp bố.

– Theo đâu không biết, nhưng nghe chừng là bố bị “thua”… Sơn Tùng M-TP ngay trên chính “sân nhà” đấy nhỉ?

– Thua là cái chắc (cười)! Nhưng thôi, tôn trọng sở thích. Cũng may, dạo trước tôi hay thu ở nhà, hoặc lúc trên xe cũng hay mở đĩa của mình để tranh thủ test bài, nên các con hầu hết thuộc. Đại loại đủ để biết bố Tấn hay hát bài gì, hoặc thỉnh thoảng hát một câu gì đó trong mấy bài “tủ” của bố, thế là vui rồi!

– Trong trường hợp nào thì anh can thiệp vào sở thích của con?

– Là khi các cháu thờ ơ với những gì mà tôi nghĩ là bổ ích cho chúng. Chẳng hạn như khi VTV1 phát bản tin thời sự, cũng là giờ cơm, thì đó là giờ bắt buộc phải xem “tập thể”, kể cả thời sự thế giới. Kể ra thì cũng hơi già với chúng nó, nhưng đâu có thừa. Còn nếu như mê thế giới động vật thì được khuyến khích là cùng xem Animal Planet, Discovery… với bố. Riêng món này thì chả phải ép.

– Càng ngày, đời sống thị thành càng khiến con người ta phải rời xa những vật nuôi trong nhà. Từ bờ tre thửa ruộng mà ra, anh có nghĩ, đấy cũng là một thiệt thòi của trẻ?

– Đúng rồi. Đôi khi tôi cũng không hình dung nổi, ngày hôm nay tôi sẽ hát thế nào nếu như trong hành trang làm nghề của mình thiếu đi những chú dế, con sâu thời ở làng. Vì thế, ở bất kỳ chỗ ở mới nào, tôi cũng đều để ý trừ ra một góc cho cái “sự nghiệp nuôi con gì, trồng cây gì” của mình. Nhà có thể không cần quá to, nhưng nhất thiết phải có một khoảnh vườn nho nhỏ, đủ để nuôi mấy chú chim, chú cá. Như cái nhà ở quê, tôi còn nuôi cả chó, công, gà, trĩ… Tất nhiên là phải nhờ người trông giúp, nhưng ít ra để mỗi lần về quê, các con có được cảm giác gặp lại những người bạn nhỏ quen thuộc của mình. Nhìn chúng nựng yêu mấy con cún con hay vuốt ve con công, con trĩ…, không biết sao tôi thường có cảm giác yên tâm kỳ lạ. Cái mầm của yêu thương là đấy, chứ đâu!

– Tôi đã từng thấy cái nhà ở quê của anh. Nếu là để giúp “ôn nghèo kể khổ”, làm gương cho con thì nghe chừng là… phản chứng nhỉ?

– Ừ thì giờ cũng khó mà bắt trẻ con phải sống trong một cái nhà không có điều hòa lắm. Mỗi thời một khác. Ngay cả như mình đây, đôi khi mình cũng không nhớ hết được là mình đã đi qua những trưa hè nắng nóng khủng khiếp ấy thế nào, khi thậm chí còn không có cả một cái quạt điện. Chỉ nhớ láng máng để kể lại cho con rằng, có những lúc bố phải dội nước lên trần nhà cho dịu bớt cái nóng. Bùn đất, thì đúng là tôi không còn để nhắc con, hay nói cách khác là không còn “bằng chứng” nữa. Nhưng thỉnh thoảng vẫn phải tái hiện tuổi thơ của bố cho con nghe (cũng là một dạng “tuổi thơ dữ dội”) để từng chút, từng chút một, gõ vào tâm thức của con, hy vọng dần già con sẽ hiểu điều mình muốn nói…

– “Bài ca không quên” với người này, đã dễ gì cũng là “bài ca không quên” với người khác, nhất là trẻ nhỏ?

– Phải rồi, trẻ con là chúa hay quên mà! Nên để hiểu được sâu sắc việc đấy, mình tin là các con chưa đủ lớn khôn để hiểu. Thậm chí, ngủ một đêm là chúng quên ngay. Nhưng trong vô thức thì có đấy, nếu mỗi một ngày, mình cứ kiên nhẫn giỏ lên đó từng giọt, từng giọt một. Biết đâu có ngày con sẽ ngợ ra, và rồi nhận biết. Phải dùng cách “chậm dần đều” thế thôi, không khác được đâu, vì không thể nào bắt con chín ép…

– Anh thì rõ không phải là người “sướng từ trong trứng”, nhưng trẻ con nhà anh, khi mở mắt ra là đã thấy một gia cảnh “dễ thở”. Từ mình suy ra, anh có bao giờ lo con sẽ khó mà chống đỡ với thử thách, khi chưa từng nếm khổ?

– Cứ bảo, bố là “gương vượt khó”, nhưng biết đâu, “vượt sướng” còn khó hơn nhiều! Vượt khó, nói thế thôi, nó cũng có… cái dễ của nó đấy: nó gần như chỉ có một con đường, một mục tiêu duy nhất, cứ thế cắm đầu mà đi, không lo ai níu, ai gọi. Nhưng “vượt sướng”, thì khó đủ bề, vì bao nhiêu cái kéo tay, cám dỗ (đôi khi không ngờ), nó cản đường mình…
Tuổi thơ từng là “dữ dội”, nhưng tuổi thơ cũng yên vui và trong lành kinh khủng: Chơi trốn tìm, chơi thả đỉa ba ba, đánh khăng đánh đáo, cái sự “chia sẻ tập thể” thời ấy – nó rất là tốt… Nhưng giờ thì ngay cả trong những cuộc picnic, ngoại khóa ở trường, con đã dễ gì tìm thấy những niềm vui đơn giản đó, đã thực sự hòa mình vào đó. Trẻ con bây giờ, tôi thấy chúng nó đáng thương hơn trước, vì rõ ràng là thiếu đi sự hiện hữu của tuổi thơ. Sách vở, bút mực được trang bị chả thiếu thứ gì, nhưng cũng lại thiếu đi niềm vui sách mới, và cả năm học mới. Trường đẹp lớp đẹp, nhưng chương trình học thì vẫn quá nặng, so với một đứa trẻ, và tuổi thơ mà nó cần được thụ hưởng, mà là một cơ hội không thể có lại lần hai trong đời. Sau này lớn lên, nó sẽ có gì để nhớ, để nói với nhau, và với con về tuổi thơ của nó? Là học và học ư? Mỗi học không, liệu có thể nên người?

Rồi ra, còn bao nhiêu cám dỗ ngoài đời, cũng là lo đấy! Nhưng thôi, vẫn phải để con sống đời sống của con, đi trên con đường của con. Cùng lắm là định hướng, chứ không thể phán xét hay cấm đoán con được. Tin là có những bài học, phải chính cuộc sống mới dạy con được, và thậm chí còn làm tốt điều đó hơn cả bố mẹ của chúng. Cũng may, trẻ con nhà này, chả biết có phải nhờ gene hay không, mà nói chung là tương đối lành (cười).

Nguyên tắc của tôi là không nên “bơi quá xa bờ”

– Anh có nhớ, tôi từng gọi anh là “ca sĩ ban ngày” không, vì… chuyên hát hội nghị? Điều đó có nghĩa, anh hẳn là dành được nhiều thời gian cho con hơn, so với đồng nghiệp?

– Thật ra, “ban ngày” cũng chả hẳn, vì lịch diễn nhìn chung lung tung lắm, không theo một trật tự nào. Cái việc bố hay đi đã gần như là một “đặc sản” trong nhà rồi. Có dạo đi suốt, con còn níu tay phụng phịu: “Con không muốn bố đi nữa”, hay những lúc đi xa về, cả hai đứa lao bổ vào mình, cũng là cay mắt lắm chứ, nhưng việc cần làm thì vẫn phải làm thôi.
Thế nên, bài học, thì tôi gần như giao phó hết cho bà xã (hai bằng đại học của “nàng” là chủ yếu để “phụng sự” cho việc đó), phần tôi, chủ yếu là dạy con chơi. Tôi, thì được cái là không ưa đàn đúm. Xong việc là hầu như chỉ muốn về nhà, bỏ cặp ra là chơi ngay với con, dạy con chơi bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông. Hay đơn giản hơn, là rủ con cùng xem tivi, mấy chương trình thế giới động vật, và giải thích cho con hiểu, điều gì trong thế giới loài vật là cũng giống với loài người, hay con người cũng có thể học hỏi chúng. Tôi thậm chí còn tranh thủ dạy con về giới tính, về cách biểu lộ tình cảm, ngay khi cùng xem cảnh động vật âu yếm, vờn đuổi nhau. Những chuyện khó nói đấy, chính ra, càng nên tranh thủ nói với con lúc chúng còn nhỏ, chứ lớn lên, con ngại, mà bố cũng ngại, nhất là với con gái…
Không đủ thời gian dành cho nhau thì chỉ có cách duy nhất là tranh thủ và tận dụng bằng hết mọi lúc có thể. Chẳng hạn như chung nhau một đoạn đường ngắn từ nhà đến điểm đón đưa của trường hay ngược lại, vào những hôm trời mưa, hay những hôm không vướng lịch diễn… Rồi thì tha con đi diễn, ở mấy điểm loanh quanh Hà Nội, vào những hôm con ít bài tập. Trò chuyện với con trên xe phải nói là một cảm giác thú vị, nhất là dọc đường cao tốc, lúc khuya khoắt. Vì có những chuyện, người ta chỉ có thể nói với nhau lúc đang trên đường, lại là đường dài, ý như là “tức cảnh sinh tình” vậy! Trẻ con, càng thế. Càng lắc lư, lại càng ríu rít…
Cũng có những cuộc còn cho cả nhà đi, và cho đứng hẳn trong cánh gà mà xem bố hát. Cái cảm giác đấy, trông thế thôi, nhưng khá là đặc biệt đấy nhé: Vì phải nhìn gần, thật gần như thế, con mới tin đấy chính là bố mình, bố mình thật, chứ không phải là một ông ca sĩ XYZ nào đó trên sân khấu… Rồi trên đường về, nếu còn sớm, thì sẽ tranh thủ cho các cô cậu ấy ghé chỗ này chỗ kia, nếm món này món nọ, ngó cái này cái khác. Được thế, mình mới cảm thấy mình không phải đi làm, mà là đi chơi, đi tận hưởng cuộc sống…

– Tôi, thì rất thích nghe anh hát. Có những bài, cho đến giờ, chắc chắn chỉ có thể là anh. Có thất vọng chút chăng là đôi khi anh hơi bị an toàn quá, ngại làm mới, ngại phá cách. Dạy con, anh có cốt vậy không: An toàn, quan trọng hơn cá tính?

– Tôi nghĩ là tôi hiểu khán giả của tôi hơn bạn: Nếu trong mắt họ, tôi là một người đàn ông mặc vest, thì không có lý gì tôi phải biến cái áo vest ấy thành áo dài, mà cùng lắm, mỗi lần gặp lại, là đính thêm một bông hoa ở đâu đó, hay thay một cái cà vạt, thậm chí, chỉ cần thêm một tí đường viền, một cái khuy… – Thế thôi, có khi, cũng đã là đủ, với tôi, với họ. Quan trọng nhất, cơ bản nhất, vẫn cứ phải là cái “bộ vest” đó, như họ từng biết, từng thích, và cá tính của người mặc, đôi khi nằm trong chính cái “an toàn” mà bạn nói. Có thể mở rộng hết cữ độ mà mình có thể – Đúng, tôi đồng ý! Nhưng nguyên tắc của tôi là không nên bơi quá xa bờ.
Dạy con, tôi cũng chủ yếu cốt hướng đến sự tự nhiên, hài hòa. Còn cá tính, đôi khi nó nằm sẵn trong máu, hoặc còn phải để cuộc đời từng bước đắp lên nó, chứ không phải cứ nhào mà được.

– Nghe đâu, anh khá… đào hoa? Và thêm lần nữa, lại không dám “bơi xa bờ”? “Bài ca trăm tấn” níu lại, hẳn cũng là con cái?

– Không biết có hòn đảo nào ngoài xa kia đủ để thúc mình vượt đại dương không nhỉ? Trói, thì cũng khó mà trói được, nhất là trói đàn ông, khó đấy! Neo, thì cũng chả biết thế nào, vì biết đâu, càng già càng… dại. Chỉ e, là Trọng Tấn giờ này đã bơi tới bờ, không còn nhìn thấy đảo xa, tàu lạ. Cầu giời là thế! (cười).
Bài: Thư Quỳnh
Photo: Le Lai (Lieta Studio)
 

From the same category