Trọng Tấn – “Tôi không cần đến sự lung linh”

Nhưng chỗ Tấn ngồi tiếp chuyện tôi (cái phòng khách rộng thênh thênh nhìn ra cái giếng trời đầy cây xanh và nắng) lại cho biết rằng, ít nhất, vợ con anh đã được “ấm thân” đến mức nào nhờ giọng hát trời cho ấy. Vậy mà đã là lúc Tấn dợm nhắc đến hai chữ “giải nghệ”, nhẹ như không…

Trọng Tấn 

“Kìm cương” Thanh Lam, Tùng Dương – khó đấy!

– Vẻ như anh không mấy mặn mà lên báo. Đó là vì anh hơi khép kín hay dòng nhạc của anh, chỗ đứng đã tạo dựng được của anh… thì không nhất thiết phải ầm ĩ?

– Tôi nghĩ, đó chỉ đơn giản là sự khác nhau về quan điểm sống. Có người chỉ cần một cơ hội để lên báo. Nhưng cũng có người cần một lý do. Tôi nghĩ mình thuộc dạng thứ hai. Mà lý do để lên báo, một cách đúng nghĩa, thực ra đâu có nhiều.

– Kể ra thì, để lên báo bây giờ cũng đâu có khó! Thậm chí chỉ cần một cái tít: “Chọn giày loại nào để cao hơn?” cũng đã đủ… đưa Trọng Tấn lên báo rồi vậy?

– Hồi giờ, tôi ngại vào mạng cũng vì thấy nhà nhà lên báo dễ quá. Trăn trở về nghề thì ít, mà nghệ sĩ ăn gì mặc gì giá bao tiền, yêu ai bỏ ai vì sao nên nỗi… thì cứ như cơm bữa. Làm thế tất nhiên cũng không ảnh hưởng gì “hòa bình thế giới” nhưng kể mà nói trong lúc chuyện phiếm với nhau thì chắc là hợp lý hơn chăng? Tôi không nghĩ mặt báo là nơi để những người của công chúng thi nhau nói chuyện phiếm.

– Không chỉ thận trọng khi lên báo mà nghe đâu, anh cũng rất thận trọng khi nhận lời làm khách mời? Kể cả đó là Bằng Kiều, với những live show mà anh cũng biết chắc là sẽ cháy vé?

– Thì chính vì là cháy vé! Để bán vé thì chắc chắn không phải rồi. Vậy thì tại sao lại là tôi, có nhất thiết? Tôi chắc chắn sẽ không nhận lời làm khách mời, nếu như chỉ để lấp chỗ trống và cho người khác… đi thay đồ. Chỉ nhận lời khi chính bản thân tôi cũng phải được xem là một “ẩn số” của đêm nhạc, trong phép kết hợp, làm mới đó.

– Anh có dùng đến câu hỏi đó khi làm khách mời của Thanh Lam, Tùng Dương không?

Tùng Dương, Thanh Lam thì khác, vì tôi gần như có thể tự trả lời. Tôi biết họ cần gì ở mình và mình có thể làm gì trong đêm nhạc của họ. Với Thanh Lam, thì tôi biết mình cần phải là một bức tường thành vững chãi, với những câu hát lộng lẫy hơn, mạnh mẽ hơn, để “hãm” bớt người đàn bà quá rực cháy kia và khiến chị mềm hơn, nữ tính hơn. Điều đó, một giọng tenor có thể làm được, nữa là một giọng tenor chính thống. Còn với Tùng Dương, thì có khi tôi lại cần phải nhẹ nhàng hơn, uyển chuyển hơn, ở những chỗ cần nâng niu, nắn nót. Để bên kia, Dương mặc sức mở khẩu độ, lên cao chói sáng, ở những chỗ cần to hơn, mạnh hơn, bằng cái chất giọng hơi “nặng”, hơi “khê” là đặc thù rất duyên của cậu ấy. Đổi vai là một cảm giác rất thú vị khi đứng cạnh Tùng Dương. Để làm “tròn vai” khi hát với Thanh Lam hay Tùng Dương thì việc chính của bạn là phải… “kìm cương”. Không đủ mạnh mẽ thì đừng mơ kìm cương hai “con ngựa bất kham” ấy, một khi họ “tung bờm”…

– Vậy cạnh Bằng Kiều, anh… làm gì?

– Cùng là hai giọng tenor, nhưng lại là một sự đối nghịch, như chính cái tên của mỗi người vậy, để khi hòa vào cũng không thể bị lẫn: một đằng rất mảnh, rất thanh, mà vẫn đầy nội lực; một đằng dày và chắc nịch. Khi tôi hiểu rằng đó là lý do lựa chọn, tôi mới nhận lời xuất hiện trong đêm nhạc Bằng Kiều, để chúng tôi được cùng là “2 trong 1”.

Trọng Tấn

– Rất thành công khi kết hợp với nhiều giọng ca khác nhau, vì sao anh không mạnh dạn làm mới mình hơn bằng việc tỏa rộng hơn trên nhiều thể loại?

– Không nên nhầm lẫn giữa việc mình làm được và việc mình làm tốt. Khi hát bằng sở đoản, đó là bạn đang hát bằng lý trí. Nhưng khi hát bằng sở trường, đó mới thực là lúc bạn được thả lỏng và hát bằng cảm xúc. Tự tôi, tôi biết mình không phải là một giọng ca đa màu sắc và vì thế, mạo hiểm theo cách đó chắc gì đã là một gợi ý tốt. Ngay như Tùng Dương cũng thế thôi, khi cậu ấy hát chính ca, cũng như những dòng nhạc sở đoản khác, thì cần hiểu, đó là một cuộc dạo chơi. Còn con đường chính cậu ấy đi, thì vẫn phải là “Độc đạo”.

– Kể ra, anh cũng ít đi dạo nhỉ? Trừ khi, được “dọn cỗ”?

– Đôi chút. Bạn chưa nghe album Vol.9 “Ngõ vắng xôn xao” của tôi sao? Toàn là “Vĩnh biệt mùa hè”, “Em và tôi”, “Lối cũ ta về”,“Thà làm hạt mưa bay”… cả đấy chứ! Chỉ là bản audio thôi nhưng bán tốt lắm. Nhưng chắc là tới đây cũng cần phải chủ động hơn thật. Thử xem!

– Ngoài những đêm diễn lung linh ánh đèn sân khấu nói trên, thì chủ yếu sự nghiệp của anh lại là đi hát… phục vụ hội nghị, lễ kỷ niệm… – nơi nhạc đỏ “một mình một chợ”. Đã có ai gọi anh là “ca sĩ… ban ngày” chưa nhỉ?

– Thì tôi cũng vẫn thường bảo, cái câu “ăn như múa, ngủ như ca, la cà như nhạc” là đúng với ai, chứ quyết không đúng với tôi. Vì có những hôm tôi phải cầm mic hát từ lúc 7, 8 giờ sáng. Nhưng oải nhất là phải hát lúc 1 giờ 30, là lúc người ta cần “xốc dậy tinh thần cho đại biểu”. Một “múi giờ” phải nói rất khó chịu với một người hát vì đó là lúc mà mọi dây thần kinh cảm xúc gần như chùng xuống…

– Vậy mỗi khi được về lại với những sân khấu chuyên nghiệp lung linh ánh đèn, có bao giờ thoáng một cảm giác… “mừng mừng tủi tủi”?

– Dĩ nhiên, là nghệ sĩ thì ai cũng muốn được làm nghề trong những điều kiện tốt nhất, được biểu diễn trên những sân khấu kích thích sự thăng hoa nhất. Và nói thẳng ra là ở một đất nước phát triển, sẽ không có chuyện mời ca sĩ về hát ở các cơ quan, xí nghiệp… như ở mình mà bất cứ người dân nào cũng cần được thưởng thức nghệ thuật ở trong những môi trường chuyên nghiệp nhất. Nhưng một mặt, khi đứng hát ở những nơi mà khán giả ít có điều kiện được xem ca sĩ hát trực tiếp, có nơi thậm chí còn chẳng có đủ ánh sáng chứ đừng nói là âm thanh, bạn lại sẽ cảm nhận được một sự “lung linh” khác, không đến từ ánh đèn mà là từ những ánh mắt, đôi khi có cả những giọt nước mắt – điều mà bạn chỉ có thể nhìn rõ khi là một “ca sĩ của ban ngày”… Tiếc chăng là những xúc cảm tuyệt đẹp đó ở những khán giả của tôi đã không có được một không gian thích hợp để thăng hoa…

Không lo sắm phanh thì cũng bị cuốn vào cám dỗ như chơi!

– Khi tôi nói với anh mấy chữ “mối quan hệ lâu năm”, anh nghĩ tôi sắp nói đến điều gì?

– Là việc tôi quyết định rời Nhạc viện Hà Nội, sau bao năm trời gắn bó?

Trọng Tấn

– Cứ cho là thế đi! Một quyết định chẳng dễ dàng?

– Cũng mất một đôi năm cân nhắc. Bao lần định rồi lại thôi. Và đến lúc quyết định thì áp lực hóa ra còn lớn hơn mình tưởng. Đã gần như không ai chịu nghĩ rằng dù gì, đó cũng chỉ là một quyết định dừng lại của một công chức nhà nước, như bao công chức nhà nước khác mà thôi. Vị trí của tôi trong môi trường giáo dục ấy đâu phải là không thể thay thế. Sự nghiệp giáo dục của một địa chỉ uy tín như nhạc viện đâu phải trông vào một hay một vài người. Còn nếu như vẫn nặng nợ nặng tình với công việc ấy thì tôi cũng có thể tiếp tục làm điều đó tại nhà mình mà không nhất thiết phải đứng trong một tập thể mà ít nhiều tôi từng khiến họ bị ảnh hưởng.

Chẳng hạn như sự cố tôi “bỏ diễn” tại Lào từng được mổ xẻ ầm ĩ trên báo, trước khi tôi được hiểu. Rồi thì lịch biểu diễn dày đặc, làm sao tôi có thể chu toàn công việc được giao của tôi ở Nhạc viện được? Rời nhạc viện, vì thế, với tôi không phải là một quyết định ích kỷ mà là của một người có tự trọng.

– Còn một “mối quan hệ lâu năm” khác, bền chặt hơn: Người phụ nữ anh đã chọn? Tôi nhớ anh từng kể, đó là một mối tình “nhét thư hộc bàn”, vì chính xác đó là một cô bạn cùng lớp?

– Chỉ có thể lý giải đó là do duyên số, để vì sao những mối tình học trò khác thường tan vỡ, còn chúng tôi thì không, và sau bao năm, nó vẫn còn đó, và hiển hiện ngay trước mặt mình, như không thể khác…

– Vậy mà, có một cậu bạn của tôi lại cay đắng kết luận rằng: “Ở đời, ngốc nhất là lấy vợ bằng tuổi, lại còn là… bạn học, vì mình có cố gắng bao nhiêu đi nữa thì cũng bị ‘đối tác’ nhìn bằng cái nhìn của thời… ‘mài đũng quần’, không hơn không kém?”

– (cười) Thôi thì, mỗi người có một quan điểm sống khác nhau vậy! Cùng một chuyện, nhưng có người có thể nghĩ thế này, người khác lại nhìn thế khác. Người ta khác nhau, thường là ở con mắt nhìn mà thôi. Vợ chồng, tôi nghĩ, bất luận là bằng hay hơn tuổi, bạn học hay không là bạn học, thì để đi được đường dài với nhau, cũng đều là không đơn giản, giữa đời sống hiện đại với quá nhiều cám dỗ này. Không lo mà sắm một cái phanh cho thật tốt, là cũng dễ bị cuốn vào như chơi đấy! (cười).

– Ôi, một người trông chắc chắn như anh mà cũng… thấy thế sao? Khổ nỗi là đàn bà con gái thời nay lại cứ gọi là tươi hơn hớn và “thoáng thôi rồi là thoáng” mới chết!

– Cũng chả hẳn! Ngày xưa các cô chỉ đội có mỗi cái khăn mỏ quạ, mà các cụ cũng đã đủ chết khiếp rồi! Khác chăng là ngày xưa các cụ chỉ quanh quẩn ở làng, nên cũng khó mà giấu cái “chết khiếp” ấy đi đâu. Còn giờ thì… có bao nơi để “giấu”. Vợ chồng, để yên ổn ra, tôi nghĩ tốt nhất là hãy cố nhìn vào những điểm chung của nhau, và ngồi với nhau được nhiều hơn, hay cùng nhau đi đâu đó, đôi khi chỉ cần cùng nhau đi mua quần áo hay thăm họ hàng thôi vậy… là cũng đã đỡ bị “lạc” nhau rồi. Còn nếu như cứ vợ đi đằng vợ, chồng đi đằng chồng, đầu tiên đôi khi chỉ là những cuộc nhậu không thôi, rồi khi về tới nhà thì mệt, không buồn nói chuyện, chưa kể là từ bàn nhậu còn có thể nảy sinh bao nhiêu mối quan hệ…, rồi cứ thế mà rời xa nhau dần… Tôi thích định nghĩa “hạnh phúc gia đình là một tình bạn cao cấp” vì thấy nó đúng. Là bạn, thì có thể cảm xúc không được lung linh như thuở đầu hò hẹn, nhưng vì nó là “tình bạn cao cấp” nên rất có thể, cảm xúc sẽ có những lúc thăng hoa và sống lại. Đừng quên, để soi gương, thì cả hai người đều phải cùng là gương…

Trọng Tấn

Những cái liên quan đến hình thức đều không… liên quan đến tôi

– Anh có để ý những vạt dây leo vẩy nến ngoài kia không, phía trên lá to hơn hẳn, vì sao thế nhỉ?

– Vì phía trên, nó được nắng hơn mà!

– Đã bao giờ anh sợ mình bị “cớm nắng” không, trong một môi trường quá “hộp”?

– Thực ra, tiếng là làm nghề này, nhưng tôi cũng không quá cần sự lung linh lắm đâu! “Cớm nắng” trông thế thôi, nhưng đôi khi cũng có hay của nó đấy! Vì biết đâu, nó cũng là một kiểu “sống chậm” mà ngày hôm nay, bao người trong chúng ta mong muốn. Còn hơn là có nhiều người cứ cố tạo ra sự lung linh giả tạo, cứ như là cũng đang “được nắng”…

– Trong những bộ vest của anh, có chiếc nào là hàng hiệu?

– Dường như những cái liên quan đến hình thức đều không… liên quan đến tôi thì phải! (cười). Mặc, tôi chỉ cốt sao cho tươm tất là được, trong khả năng cảm nhận của mình. Tôi luôn quan niệm, phải có cái bên trong thì mới có cái bên ngoài, thay vì ngược lại. Vì thế, cả khi trên sân khấu lẫn khi về lại đời thường, tôi chỉ cốt sao sống và hát thật chân thành, thế mới bền được…

– Chầm chậm mà thành, “anh trai làng” Trọng Tấn giờ này đã là một người đàn ông thành đạt đúng nghĩa rồi đấy nhỉ: một chỗ đứng đáng trọng trong nghề, lo được cho vợ con một điều kiện sống đảm bảo nhất… Ngoái lại “thuở cơ hàn”, anh thấy sao?

– Thực ra tôi chẳng bao giờ có thói quen “tổng kết” đời mình cả, cho dù đã kịp đi qua những quãng đời đáng nhớ. Chỉ đơn giản là mỗi quãng, mỗi chặng, mình lại cố nhích lên một chút thôi, như cái cách vợ chồng tôi xây được cái nhà đầu tiên trong đời: năm nay xây tầng 1, năm sau xây thêm tầng 2… rồi dần dần, cái nhà cũng thành hình, hơn những gì mình từng nghĩ mình có thể. Chỉ biết là trong hành trình sống ấy, tôi chưa từng bao giờ cảm thấy chán nản, bế tắc, vì lúc nào cũng có việc để làm, để cố. Rồi ngay cả khi mọi thứ không còn được thuận lợi nữa: giọng hát không còn được như xưa, show diễn ngày càng ít đi… – chẳng hạn, thì cũng sẽ không sao cả. Cùng lắm là lại về quê, lại làm một anh chàng nông dân như chính nơi mình đã từng xuất phát, đã từ đồng đất rơm rạ mà ra, trồng cây rau, xem sâu bò trên đó…, mà không vui sao?

– Khi nhìn một con sâu bò trên lá, anh nghĩ gì?

– Sự sống hiện hữu.

– Ô, tôi tưởng là sự sống bị đe dọa?

– Ừ, nên nhiều người cũng nghĩ là cần giết con sâu! Nhưng tôi thì tôi lại thấy, đấy ít ra, là một sự vận động có thực: hoa nở, sâu bò, lá tìm cách quang hợp… Còn hơn là không được nhìn thấy nó.

 Text: Thu Quynh
Photo: Trupi

>>> Có thể bạn quan tâm: Một cuộc đối thoại tự nhiên, để câu chuyện tự dẫn dắt hóa ra có thể bộc lộ nhiều điều về Trang Phạm. Và hóa ra, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt bởi các chân dài, Trang vẫn có thể sống đời sống giản dị, nghiêm túc và yên tĩnh như thế.


From the same category