Trọng Tấn: Đừng mổ xẻ chuyện Sơn Tùng chua chát quá! - Tạp chí Đẹp

Trọng Tấn: Đừng mổ xẻ chuyện Sơn Tùng chua chát quá!

Sao

Đồng thời, giọng ca số một của dòng nhạc đỏ tiết lộ về dự án mở trường của anh trong tương lai gần.

Nếu mở trường chúng tôi sẽ đứng lớp.

–  Tôi vừa hay tin, anh và Thanh Lam dự kiến mở một trường đào tạo về âm nhạc. Hóa ra đây mới là lý do chính khiến anh rời Nhạc viện: Một Thanh Bùi ở “đầu cầu” Hà Nội?

– Ý tưởng, thực ra chỉ mới lóe lên cách đây chưa lâu, và không liên quan gì đến việc tôi rời Nhạc viện hai năm về trước. Và tôi cũng chưa từng có dịp tham quan mô hình đào tạo của Thanh Bùi tại Tp.HCM để học hỏi hay cố gắng khác biệt.

Ca sĩ Trọng Tấn.

Nói từ “trường” ở đây tôi e rằng hơi to tát quá, mà chính xác hơn, trong một tương lai gần, nó sẽ là một trung tâm đào tạo các tài năng âm nhạc trẻ, với mong muốn bổ khuyết cho thị trường âm nhạc của Hà Nội cũng như cả nước những con chim ra ràng cứng cáp hơn, tự tin hơn, bằng vào kinh nghiệm hơn 10 năm đứng lớp Nhạc viện của tôi và cả kinh nghiệm cọ xát thực tế của những người thầy đồng thời là những nghệ sỹ biểu diễn có “trường phủ sóng” khá rộng như Thanh Lam, Trọng Tấn…

– Thanh Lam làm nghề thì rõ ràng là quyết liệt rồi, nhưng một mặt, cũng là một con người đầy bản năng và ngẫu hứng. Anh nhìn vào đâu để tin vào “yếu tố sư phạm” ở chị ấy?

– Chỉ cần đứng gần Thanh Lam quan sát chị ấy nấu ăn thôi (phải nói là ngon vô cùng), mới thấy hết con người đảm đang, tận tụy và đong đầy trăn trở, nhiệt tâm của chị ấy khi chăm chút một ai đó và chăm chú vào một điều gì đó. Chăm bẵm tài năng, ở một khía cạnh nào đó, tôi nghĩ cũng giống như một món ăn vậy, nguyên liệu là một phần, nhưng còn cả trong cách chế biến, bày biện nữa.

– Hiện tại đã có ít nhất 4 địa chỉ đào tạo âm nhạc có tiếng tại Hà Nội. Anh không sợ mình đang “chở củi về rừng” sao? Đừng quên là một “bàn tay ma thuật” như Đàm Vĩnh Hưng cũng đã từng động đến “lãnh địa” này dù cuộc này có vẻ như chưa được mát tay cho lắm!

–  Tôi thì chưa từng biết đến ý tưởng đó của anh Đàm Vĩnh Hưng nhưng tôi tin là nếu như anh ấy trực tiếp đứng lớp, thì chắc chắn sẽ thu hút được rất nhiều học trò. Đó cũng là lý do để sau đây, tôi và Thanh Lam, cũng như nhiều nghệ sỹ biểu diễn khác… sẽ trực tiếp đứng lớp. Cố nhiên, không phải cứ hát hay và nổi tiếng thì sẽ biết cách đứng lớp và truyền lửa cho người khác, hai chuyện đó đôi khi khác nhau. Càng không thể chỉ đơn giản là góp gạo thổi cơm chung, ai có gì góp nấy, mạnh ai nấy dạy. Và còn rất nhiều điều phải tính đến chứ không thể “lãng mạn chủ nghĩa” mà làm được. Nhưng nếu như làm được một cách chuyên nghiệp, bài bản, thì tôi cho rằng, “củi” chả bao giờ là thừa cả, dù là ở “rừng”.     

– Muốn hay không muốn thì thị trường hiện nay cũng đang rộng cửa đón những sản phẩm của truyền hình thực tế và vẻ như, nó đang làm thay nhạc viện cả công đoạn đào tạo. Anh có nghĩ ở đó cũng có “củi”?

– Nó là game show mà, đúng không, là một cuộc chơi, nơi người chơi được hậu thuẫn hết sức bởi một ekip đồng bộ, hùng hậu, lại được lên sóng truyền hình trực tiếp nhiều đêm. Đến một nghệ sỹ thành danh thì cũng chỉ dám mơ đến thế là cùng, cho live show của mình. Nhưng vấn đề là ra khỏi đó thì sao? Bệ đỡ nào mới thực sự là lâu dài và chắc chắn nhất? “Củi” thì cũng có dăm bảy loại, có loại đượm lửa, có loại không. Cũng như, giá trị thưởng thức và giá trị giải trí nhiều khi không thể đặt cạnh nhau được, dù trong thị trường, tất cả đều có chỗ.

Bao dung thường giúp xoay chuyển tình thế tốt hơn

– Anh biết là Tùng Dương, trong một lần đến hát ở sân trường, đã được yêu cầu hát bài gì không? Không phải “Ôi quê tôi” hay “Con cò” nhé, mà là… “Em của ngày hôm qua”, sợ chưa? Nào, nếu là anh?

– Chả sao cả, vui mà! Vì đương nhiên là không thể bắt các em học sinh cấp 2, cấp 3 phải thích những bài chính ca như  “Việt Nam quê hương tôi” hay những bài kén khán giả như trong “Độc đạo” được rồi! Nên ở vào độ tuổi của các em, nếu có thích một dáng vẻ “thời trang” như Sơn Tùng thì cũng là dễ hiểu.

Ca sĩ Sơn Tùng.

“Ngay cả pháp luật cũng thế thôi, bên cạnh bước lý, còn có bước tình, từng nấc, từng nấc một. Chỉ khi cái xấu đã trở nên hệ thống và trở thành bản chất, gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì người ta mới phải tính đến chuyện ly gián, loại trừ”
Ai rồi cũng dần dần sẽ lớn và sẽ dần biết rõ hơn về những thứ mình thiếu, mình cần, vào lúc nào. Rồi đâu sẽ có đó, đâu cũng sẽ vào đó cả thôi. Không chỉ thị trường tự nó sàng lọc, mà chính tự mỗi chúng ta cũng sẽ là một màng lọc tốt nhất cho mình, khi chúng ta dần trưởng thành. Tôi vì thế chưa từng làm nghề trong sự chán nản và lo lắng.

– Ừ thì “đâu ra đấy”, nhưng biết đâu, “đấy lại chẳng ra đâu”! Khi rõ ràng, sự nổi tiếng lúc này quá thể dễ dàng, cả “ăn gian” hay “phát hiện kẻ gian” cũng trở nên dễ dàng hơn trong thời của mạng. Nghi án đạo nhạc vừa qua của Sơn Tùng, hay bên thể thao là nghi án gian lận tuổi của Công Phượng – chẳng hạn, bị dư luận ném đá tơi bời. Anh thấy sao?

– Cái xấu, cái sai thì đương nhiên cần phải lên án và đưa ra ánh sáng, bằng cách nào đó, bất luận đó là người già hay người trẻ. Nhưng một mặt, thay vì mổ xẻ một cách quá sâu cay, chua chát, nên chăng, hãy bao dung với những người trẻ, nếu như họ phạm sai lầm, sai sót lần đầu. Vì nếu như không cẩn thận, chính chúng ta cũng phạm phải sai lầm, bởi có bao điều còn xấu xa, sai quấy hơn thế có thể xảy ra khi con người ta, và nhất là một người trẻ trở nên bất mãn với cuộc đời.

Kinh nghiệm cho thấy, trong nhiều chuyện, sự bao dung thường giúp xoay chuyển tình thế tốt hơn. Ngay cả pháp luật cũng thế thôi, bên cạnh bước lý, còn có bước tình, từng nấc, từng nấc một. Chỉ khi cái xấu đã trở nên hệ thống và trở thành bản chất, gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì người ta mới phải tính đến chuyện ly gián, loại trừ.

– Anh hẳn biết, ở chợ giời, người ta bày bán rất nhiều đĩa lậu của Trọng Tấn?

– Phải, và tôi cũng đã từng nhẩm tính: Kể mà mỗi cái đĩa, chỉ cần bán 10 nghìn thôi, và có chừng 1 triệu người mua đĩa cho mình, thì cũng đã thu về được 10 tỷ bạc rồi, cho mỗi một lần ra đĩa. Đây, hầu hết, mọi người chỉ mong thu hồi được vốn, đã mừng.

Nhưng biết làm sao, khi không riêng gì âm nhạc, mà cả xã hội mình, khắp nơi nơi đều đổ xô dùng hàng nhái và tự huyễn hoặc rằng, đó cũng là một thứ “đẳng cấp”.

– Xin cảm ơn anh và chúc “thầy giáo” Trọng Tấn một ngày 20/11 thật vui tươi và ấm áp!  

Bài: Thư Quỳnh


logo

Thực hiện: depweb

20/11/2014, 09:50