Trông người mà ngẫm đến ta - Tạp chí Đẹp

Trông người mà ngẫm đến ta

Tin Tức

1. Sau LHP quốc tế Hà Nội, hai cái tên Lê Hoàng và Phi Tiến Sơn tiếp tục được nhắc đến tại giải Cánh diều năm nay với tư cách đạo diễn có phim tranh giải.

Cảnh trong phim “Cát nóng” của Lê Hoàng

Lê Hoàng nổi tiếng sắc sảo trong vai trò nhà báo, giám khảo nhưng những bộ phim anh đạo diễn gần đây lại khiến nhiều người nghĩ nhà báo Lê Hoàng và đạo diễn Lê Hoàng là hai người khác nhau. Bộ phim Cát nóng anh đạo diễn được chọn chiếu khai mạc LHP quốc tế Hà Nội đã khiến nhiều người thất vọng vì một tác phẩm điện ảnh kém hấp dẫn, kết cấu lỏng lẻo, còn diễn viên thì quá “đơ”.

Bộ phim này cũng chẳng khá hơn là mấy tác phẩm điện ảnh giải trí mùa Giáng sinh 2011, Tối nay 8h, đã bị coi là bước lùi của chính Lê Hoàng. Cũng giống như bộ phim truyền hình “Thiên thần áo trắng” với những hotgirl Miu Lê, Midu…, “Tối nay 8h” khiến người ta phải bực bội khi vào rạp với những lời thoại khiến người ta bực mình chưa kể nội dung phi lý và diễn xuất cũng như giọng nói không thể chịu nổi của anh chàng diễn viên chính Tùng Lâm.

Đúng 10 năm trước, Lê Hoàng đã gây chấn động phim Việt với Gái Nhảy, bộ phim đánh dấu sự ra đời của dòng phim thị trường và dòng phim Tết Việt. Tuy nhiên, những tác phẩm sau đó từ Trai Nhảy đến Lọ lem hè phố đều chẳng khá hơn là mấy. Những khán giả sau này hầu như không ai biết đến những bộ phim nghệ thuật mà Lê Hoàng từng thực hiện như Chiếc chìa khóa vàng, Ai xuôi vạn lý.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn và các diễn viên trong “Đam mê” tại LHP quốc tế HN.

Phi Tiến Sơn cũng vậy. Năm 2011, khi xem “Xin thề anh nói thật”, nhiều khán giả đã vô cùng bực mình không chỉ vì nội dung phim, những tình huống vô lý không chịu nổi, diễn xuất của cặp diễn viên chính mà còn vì tổng thể của phim quá dở, đến nỗi nhiều người còn đề nghị dừng phát sóng phim này trên truyền hình.

Hơn 1 năm sau, Phi Tiến Sơn lại tái xuất với bộ phim điện ảnh Đam mê. Không hiểu vì lý do gì mà bộ phim vô cùng dở này lại được chọn để tranh giải LHP quốc tế Hà Nội khi nội dung thì nhạt, thông điệp khó hiểu, nhân vật xây dựng khiên cưỡng, lời thoại “trên trời” khiến người xem phát bực. Đam mê có thể nói là một bộ phim luận đề thất bại, bị BGK lẫn báo chí chê hết lời và kết cục là không được trao giải nào.

Khó có thể hình dung đạo diễn của Đam mê với Lưới trời, một bộ phim thành công năm 2003 là một dù ê kíp gần như được giữ nguyên (đạo diễn, biên kịch, nữ diễn viên chính Kim Khánh).

 

Cảnh trong phim “Xin thề anh nói thật”, “thảm họa” truyền hình Việt 2011. 

Thật khó tìm ra được một cái tên mà trải qua nhiều năm, qua nhiều bộ phim vẫn giữ được phong độ ổn định và làm khán giả kinh ngạc vì những tìm tòi mới. Khán giả muốn họ vẫn là họ, với lối làm phim riêng nhưng liên tục cho ra những tác phẩm điện ảnh với những thử nghiệm mới lạ. Rất tiếc là chưa có một đạo diễn nào làm được việc đó. Nhiều người hoặc đã từ lâu không làm phim và “chết” cùng những bộ phim cũ, hoặc đã không thể vượt qua được chính mình.

2. Oscar, lễ trao giải điện ảnh danh giá nhất hành tinh vừa kết thúc cách đây không lâu và vẫn còn được nhiều người nhắc tới.

Hình ảnh đạo diễn người Áo Michael Haneke với mái tóc bạc phơ lên bục nhận giải cho Phim hay nhất cho phim “Amour” đã trở thành một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất của lễ trao giải. 

Ông là một trong những cái tên được nhắc nhiều nhất trong năm qua sau khi bộ phim đầy ám ảnh “Amour” (được trình chiếu trong chương trình Panorama tại LHP quốc tế Hà Nội tháng 11/2012 với tên Chuyện tình) giành giải Cành cọ vàng. Thật kinh ngạc là ở tuổi 70, râu tóc bạc trắng, ông vẫn miệt mài làm phim và liên tục cho ra những tác phẩm xuất sắc, dù kinh phí không hề cao.

Sở dĩ những bộ phim của Michael Haneke luôn được chờ đợi vì người ta biết xem phim ông chắc chắn hay, chắc chắn dữ dội và chắc chắn có những thử nghiệm mới. Trước đó, năm 2009 Michael Haneke cũng đã từng gây chấn động với bộ phim đen trắng Das weiße Band (Dải dzuy-băng trắng) do ông viết kịch bản và đạo diễn. Bộ phim này đã giành Cành cọ vàng năm 2009 và kế đến được đề cử 2 tượng vàng Oscar năm 2010. Vậy mà chỉ 3 năm sau, ông đã trở lại LHP Cannes danh giá với Amour và ẵm tiếp giải cao nhất. 

 

Michael Haneke trên trường quay “Amour”

Thật đáng kinh ngạc khi từ năm 2000-2012, Michael Haneke đã thực hiện tới 7 phim, trung bình 2 năm lại có 1 phim mới và liên tục trong các năm 2000, 2001, 2005, 2009, 2012 đều có phim tranh giải Cành cọ vàng, phim nào cũng được coi là hiện tượng của năm. Điều này không chỉ chứng tỏ sức làm việc phi thường mà còn cho thấy đẳng cấp làm phim bậc thầy của Michael Haneke.

Nếu như châu Âu có Michael Haneke thì nước Mỹ có thể tự hào vì Woody Allen. Nhà làm phim Hollywood chính hiệu này cũng có một danh mục phim đồ sộ do ông viết kịch bản và đạo diễn suốt hơn nửa thế kỷ qua. Ở tuổi 77, Woody Allen vẫn liên tục thực hiện các dự án phim mới và từ thập niên 1970 đến nay, chưa năm nào sự nghiệp phim ảnh của ông bị gián đoạn, thậm chí trong 1 năm Woody Allen còn ra mắt 2 phim.

Sự nghiệp phim ảnh đáng ngưỡng mộ của Woody Allen không chỉ có những bộ phim mang đậm màu sắc cá nhân của ông và còn được trang hoàng bởi hơn 100 giải thưởng danh giá, 4 tượng vàng Oscar (trên tổng số 23 đề cử mà các phim ông đạo diễn đã giành được).

Mỗi bộ phim của Woody Allen luôn khiến người xem háo hức chờ đợi bởi dù chúng rất Woody Allen nhưng không tác phẩm nào giống nhau. Chúng luôn được giới phê bình và người xem tán thưởng bởi sự độc đáo, sâu sắc. Các bộ phim gắn mác Woody Allen dường như vượt qua mọi giới hạn của sự sáng tạo, luôn mới, luôn thách thức người xem và luôn khiến người ta phải thán phục người đã đứng sau tác phẩm hoàn hảo ấy. 

Từ Midnight in Paris, đến Vicky Cristina Barcelona, từ Match Point đến Annie Hall, từ Bullets Over Broadway đến Manhattan…, dù ở thời điểm nào, chọn bối cảnh và câu chuyện ở đâu, Woody Allen luôn khiến người xem phải ngả mũ.

 

Woody Allen (phải) và hai diễn viên trong “Midnight in Paris”.

Woody Allen giống như một nhà làm phim độc lập luôn phiêu lưu với những cuộc thử nghiệm điện ảnh mới, dù đã cận kề tuổi 80. Woody Allen không cho tuổi tác có cơ hội đánh gục sức sáng tạo và khả năng làm việc của mình, ngược lại, ông luôn chứng minh một điều hiển nhiên: “gừng càng già càng cay”.

Tất nhiên, để cho ra một bộ phim hay còn cần nhiều yếu tố: chi phí, môi trường làm phim chuyên nghiệp, diễn viên, kỹ thuật… nhưng một bộ phim đâu nhất thiết phải có bối cảnh hoành tráng, kỹ xảo lóa mắt hay chi phí “khủng”. Điều này Michael Haneke đã chứng minh được với “Amour”

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

09/03/2013, 22:07