Mới đây, trong bài viết của mình, GS Tương Lai cho rằng: Văn hiến nằm trong chiều sâu nhân bản và nền tảng nhân văn Việt Nam. Đó chính là “cái gốc văn hóa của đời người”. Vì thế, sự nghiệp trồng người phải khởi đầu từ việc vun đắp cái gốc văn hóa này.
Đây là nhân tố quyết định thành bại của mọi đường lối, cũng là nhân tố quyết định sự tồn vong của đất nước, sự thịnh suy của 1 triều đại hay 1 thể chế, sự phát triển hay suy thoái của 1 dân tộc.
Không chăm lo cái gốc đó mà chỉ tỉa tót cái ngọn để có ngay bóng mát, chắp vá những giải pháp vụn vặt trong việc gặt hái để có hoa, có quả mà nhìn ngắm và dâng hiến, thì khó để cho sự nghiệp trồng người đem lại hiền tài cho đất nước, bồi đắp “nguyên khí” quốc gia.
Khi truy tìm sự xuống cấp của đạo lý xã hội, khi bận rộn với những chủ trương chỉnh đốn Đảng với phê và tự phê, khi phân tích nguyên nhân để tìm ra những giải pháp vực dậy hệ thống GD- ĐT đang là nỗi lo lắng của cả xã hội thì cần hiểu rằng, điểm tựa của mọi quyết sách nhằm xoay chuyển tình thế không gì khác là cái gốc văn hóa.”[1]
Thay đổi “tư duy” trồng người…
Đây có thể nói là 1 gợi ý, ở phương diện nào đó chính là hướng đi, 1 cách “trồng người”, nếu nhìn ở tầm “vĩ mô” thì “những người có trách nhiệm” với nền GD nước nhà cần phải hết sức lưu ý.
Quả thật nhìn lại tất cả những tồn tại, thiếu sót, thậm chí là những tiêu cực trong ngành GD của chúng ta mà rất nhiều lần dư luận xã hội lên tiếng chất vấn “những người cai quản” nền GD nước nhà thời gian qua, chung quy cũng do cái “điểm tựa văn hóa“ của xã hội đang bị bào mòn, thậm chí băng hoại.
Đây cũng chính là vòng luẩn quẩn trong cái quy trình “trồng người” còn nhiều bất cập của ngành GD thời gian qua.
Có thể thấy, chúng ta tuy có “khai trường”, “khai giảng” nhưng “khai trường”, “khai giảng“ lại không gắn với việc “khai sáng” và “khai phóng“ sức ì của mỗi cá nhân (cũng là sức ì của dân tộc). Chưa xem nó như một “điểm tựa văn hóa” cực kì quan trọng cần phải đặt lên trên hết.
Vì thế, đã dẫn đến hậu quả là chúng ta tự làm hao mòn, thậm chí là mất đi “nguyên khí” của quốc gia, của dân tộc mình. Vô tình làm cản trở vòng quay bánh xe lịch sử trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa.
Khai giảng tại Trường THPT chuyên Chu Văn An. Ảnh: Văn Chung/ VNN |
Trong nhiều trường hợp, chúng ta hay thường hay nhắc đi nhắc lại những “lời vàng ý ngọc” của người xưa, nhưng hình như chủ yếu nhắc để cho… sang. Hoặc là để trang trí là chính, chứ thật sự vẫn chưa hiểu hết và nhất là rất ít khi biết vận dụng sao cho phù hợp với tình hình mới, đừng nói là “làm theo”.
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia“ đúng không? Quá đúng! Nhưng môi trường GD hiện nay có thật sự giúp phát hiện ra “hiền tài” không khi mà có quá nhiều thành tích và danh xưng ảo?
Hay trong trường hợp đã phát hiện ra “hiền tài” rồi thì nuôi dưỡng không đúng, thậm chí có khi tạo ra những “rào cản” hữu hình lẫn vô hình làm cho “hiền tài” ngày một “rơi rụng”?
Trong lần giao lưu trực tuyến với độc giả báo Tuổi trẻ mới đây, GS Ngô Bảo Châu đã phát biểu: Ðúng là có quá nhiều nhà khoa học trẻ phải lãng phí thời gian và năng lượng của mình để vượt qua những rào cản hành chính do chúng ta tự đặt ra.
Bên cạnh việc cải thiện điều kiện sống, điều kiện làm việc, tôi nghĩ chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách làm việc để tiết kiệm thời gian cho cán bộ trẻ. Ðừng coi các giảng viên trẻ, các nhà khoa học trẻ là đối tượng để sai vặt nữa.“ [2].
Lời phát biểu này của GS Châu đã phơi bày 1 sự thật về sự phũ phàng trong cách “trồng người” nói chung, trong nền GD ta hiện nay rất đáng để mỗi người suy ngẫm. Cho nên muốn lấy lại “nguyên khí quốc gia“, nhất định ngành GD cần phải triệt để thay đổi tư duy “trồng người” kiểu này!
GD trong trường học của chúng ta nhìn kỹ, phần nhiều chỉ mới dừng lại ở việc “khai tâm” một cách rất chung chung thông qua những khẩu hiệu giáo điều, sáo rỗng và lỗi thời. Điều này tất yếu dẫn đến 1 kết quả tai hại, chúng ta tưởng đâu đã làm cho cái tâm của các em sáng ra, nhưng ngược lại có khi chỉ làm cho trì trệ, thậm chí là hoang mang và mất niềm tin.
Giáo dục phải có cái “tâm” lớn?
Nói cách khác, ở đây có 1 độ chênh rất xa giữa những khẩu hiệu, những bài học làm người trên sách vở với “thực tế cuộc đời” mà các em học sinh đã vô tình hay buộc phải chứng kiến hàng ngày trong chính môi trường GD các em đang thụ hưởng. Dẫu các em có hoài nghi, thắc mắc cũng hiếm khi được “người lớn” “giải tỏa” 1 cách thật dân chủ và thỏa đáng.
Mặt khác, bản thân nền GD còn “khai tâm” cho những người trẻ bằng những việc làm không trung thực của “người lớn”. Vì thế, hậu quả tất yếu mà xã hội phải gánh chịu là sự giả dối đang diễn ra một cách tràn lan và không thể kiểm soát.
GD dễ dãi chấp nhận những thành tích ảo; đã tạo kẽ hở và dung dưỡng những tệ nạn mua bán bằng cấp, thì tất yếu xã hội sẽ bị mất phương hướng trong việc nhìn nhận, đánh giá con người ở chiều sâu của tâm hồn và trí tuệ, mà chủ yếu chỉ thông qua những mảnh bằng xanh đỏ (có khi do mua bán đổi chác mà có).
Cho nên, nếu nói văn hóa xã hội của chúng ta đang “lâm nguy” thì lỗi này phần nhiều do GD mà nên, cụ thể là do “cách trồng người” sai lầm của nền GD.
Vấn đề là những người đứng đầu ngành GD có dám dũng cảm thừa nhận những sai sót và khiếm khuyết của nền GD hiện nay hay không? Có thật sự ý thức rõ vai trò, và sứ mệnh cực kì quan trọng của mình trong việc “tái cấu trúc các giá trị văn hóa đang bị đảo lộn“ hiện nay, của đất nước hay không?
Dũng cảm nhìn nhận vấn đề này đồng nghĩa với việc “mở ra cơ hội” nhằm góp phần tìm ra phương án “trồng người” khả thi và hiệu quả nhất cho ngành GD trong tương lai.
Tóm lại, “trồng người” bằng cách nào?là 1 câu hỏi rất khó trả lời. Trong hoàn cảnh xã hội ta hiện nay thì đáp án cho câu trả lời này càng khó gấp bội. Tuy nhiên, tìm được trả lời được cũng đồng nghĩa với việc ngành GD nước nhà không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, mà quan trọng hơn “những người có trách nhiệm” với ngành GD đã làm được một việc thiện, 1 việc có ích!
Một việc thiện không dành cho bất kỳ 1 cá nhân nào mà là 1 việc thiện cho quốc gia, cho dân tộc! Dĩ nhiên muốn làm được việc thiện này thì người làm GD nhất định phải có cái tâm “lớn”!
Vì thế, đây sẽ thách thức rất lớn không chỉ với riêng ngành GD mà còn của cả dân tộc trên hành trình hội nhập và phát triển! Nhưng dù khó đến mấy, cũng vẫn có cách để giải quyết; và dù khó đến mấy cũng phải làm.
Vấn đề là chúng ta có thật sự dám nghĩ, dám làm; có thật sự lo nghĩ cho vận mệnh dân tộc và đất nước trong tương lai hay không mà thôi?
Theo Vietnamnet
—————————–
Chú thích:
[1]: Nhân ngày khai trường nghĩ về sự nghiệp trồng người – Tuần Việt Nam
[2]: “GS Ngô Bảo Châu: Đừng sai vặt nhà khoa học trẻ” – Báo Tuổi trẻ ngày 01/09/2012