Tên tuổi, hình ảnh và những thông tin riêng tư thuộc về cá nhân và được bảo mật theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều người bị “chôm” thông tin một cách trắng trợn nhưng vẫn làm ngơ hoặc chỉ bức xúc để đó. Vấn đề bảo vệ quyền của cá nhân cũng chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa
Tên tuổi bị ăn trộm trên facebook
Để chứng tỏ đẳng cấp mình không thua kém bạn bè, Tú Quỳnh (17 tuổi, Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng tham gia trò kết hôn online. Thay vì việc lấy tên thật, Quỳnh dùng ngay tên tuổi cũng như địa chỉ thật của người chị họ của mình là Thu Hương để tham gia kết hôn. Khi có giấy chứng nhận kết hôn trong tay, Thu Quỳnh liền đăng lên trang facebook của mình kèm với lời bình đây mới là đẳng cấp dân chơi. Tiếp đó, Quỳnh bật mí với bạn bè: Cứ lấy tên tuổi, địa chỉ của người khác thì sợ gì rắc rối, cứ thế cô cùng bạn bè của mình đua nhau đi “kết hôn online”.
Sau khi Quỳnh đưa giấy đăng kí kết hôn ấy lên mạng được gần một tuần, chủ nhân của tên tuổi, địa chỉ kia đã gặp không ít rắc rối. Mỗi ngày, Thu Hương nhận được hàng chục cuộc gọi của bạn bè trách cứ và hỏi tại sao kết hôn lúc nào mà giấu nhẹm đi? Đã giấu thì giấu luôn đi còn khoe lên mạng làm gì nữa chứ. Rắc rối hơn, Hương còn nhận phải cái nhìn đầy oán hờn của người yêu, kèm theo đó là những ánh mắt nghi hoặc, miệt thị của chị gái người yêu làm cùng công ty với cô bắn về phía cô mỗi lần qua phòng Hương. Có lẽ, trong con mắt của họ lúc này, Hương là một kẻ dối trá, lừa lọc, là người phụ nữ không đoan chính, đăng kí kết hôn mà không tổ chức đám cưới…
Số là trước khi tờ giấy đăng kí kết hôn ảo kia được đưa lên mạng gần một tuần, Hương và người yêu đang giận nhau. Trong lúc giận dỗi, cô nói với người yêu rằng: “Anh đừng thách em, em lấy người khác cho anh coi”. Đó là lý do khiến mối nghi ngờ trong người yêu Hương càng lớn và tình yêu đẹp của cô đang có nguy cơ tan vỡ vì một trò đùa ác!
Thư tín, điện tín cũng bị xâm phạm
Trong khi thực hiện bài viết này, PV nhận được phản ánh của anh Dương Văn Toán (xóm Thượng Vụ 1, xã Thành Công, Phổ Yên, Thái Nguyên) về việc anh liên tục bị xâm phạm thư tín cá nhân. Anh và gia đình rất bức xúc nhưng khi phản hồi chỉ nhận được cái lắc đầu và những lý do nhầm lẫn rất vô lý của người phụ trách bưu tá của xã.
Cuối tháng 2/2012, anh Toán nhận được một thư gửi chuyển phát nhanh của người thân ở quận Đống Đa (Hà Nội). Tuy nhiên, khi thư đến tay anh thì đã bị bóc, bì thư rách bung ra. Anh cho biết đây không phải lần đầu tiên anh rơi vào tình cảnh này, trước đó, cuối năm 2011, anh có nhận hai thư chuyển qua đường bưu điện nhưng khi đến tay thì cái bị bóc, cái bị xé rách một góc. Khi nhận được phản ánh của anh, ông Nguyễn Văn Kiên (Bưu tá xã Thành Công) giải thích, thư bị bóc là do nhầm lẫn, còn rách góc cũng dễ hiểu bởi trong quá trình vận chuyển không cẩn thận. Ông Kiên còn thẳng thừng tuyên bố: “Có lá thư thôi mà, sao anh phản ứng dữ vậy?”. Do anh Toán và gia đình do không nắm rõ luật nên chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt.
Theo lời anh, tại quê anh, chuyện thư và các bưu phẩm bị bóc trước khi đến tay người nhận là “chuyện thường ngày ở huyện”, chẳng bao giờ có ai thắc mắc kiện cáo vì những khái niệm về bí mật thư tín hay quyền cá nhân hoàn toàn xa lạ.
Trao đổi với PV về vấn đề này luật sư Nguyễn Văn Tú, giám đốc Công ty luật Fanci (Hà Nội) cho biết: “Điều 38 Bộ luật Dân sự đã quy định rõ bí mật đời tư, đọc thư cá nhân phải được sự đồng ý của cá nhân đó hoặc chỉ có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới được kiểm soát theo quy định của pháp luật. Do đó, các cá nhân, tổ chức không có chức năng, thẩm quyền thì không được phép kiểm tra những thông tin đời tư của bất kỳ ai”.
1001 lý do xâm phạm ảnh và bí mật đời tư
Sau một thời gian chát chít, nhắn tin, Dũng (Phú Xuyên, Hà Nội) quyết định gửi ảnh cho Hồng, người anh đang tán tỉnh. Trong tấm hình là một chàng trai với nụ cười duyên, đầy vẻ nam tính khiến Hồng không khỏi xiêu lòng. Hồng tự hào post (đăng tải) ảnh lên facebook với dòng ghi chú đầy yêu thương: “Người trong mộng của tôi” rồi đánh dấu cho bạn bè cùng xem.
Sau khi nhận được những lời bình luận đầy ngưỡng mộ của mọi người, Hồng bắt đầu chiến dịch tận thu ảnh của Dũng. Nói đến đây, Dũng cười cười: “Đấy không phải ảnh của em mà là của thằng bạn thân, làm sao em có thể gửi cho cô ấy hàng tá ảnh được. Cô ấy đòi nhiều quá em đành chạy đi mượn laptop của bạn về coppy ảnh dùng dần”. Nhưng bạn chỉ có vài cái ảnh, nên Dũng không thể đáp ứng yêu cầu của Hồng nên nói dối không thích chụp ảnh. Khi có tình cảm chân thành với Hồng, Dũng quyết định hẹn gặp bạn gái trên mạng để nói rõ sự thật. Thế nhưng đáp lại anh là những giọt nước mắt tủi hờn của Hồng.
Không giống với Lam, chị Nguyễn Thị Hoài (Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) luôn tìm cách kiểm tra hộp thư thoại, tin nhắn của cô con gái đang học lớp 9 của mình. Chị Hoài tâm sự: “Biết kiểm tra như vậy là đang xâm phạm đời tư của con gái mình nhưng tôi không thể không làm. Kiểm tra để nhắc nhở và có cách quản lý chứ nó đang tuổi dậy thì, tôi lo lắm. Lo nhất là cháu có bạn trai rồi bỏ bê chuyện học hành”.
Nói đến về việc xâm phạm quyền riêng tư của cô con gái, chị Hoài thở dài: “Mình là muốn tốt cho nó nên mới kiểm tra điện thoại, ai ngờ nó lại trách mình không tôn trọng nó”. Rồi chị kể: Một lần vô tình đọc được những tin nhắn không phù hợp với tuổi của con gái mình chị mới tá hỏa. Chị cầm điện thoại của con gái xông thẳng vào phòng học của con để lên lớp. Đáp lại chị là ánh mắt ngỡ ngàng, sau đó chuyển sang giận dữ. Con gái chị nói: “Đây là quyền tự do của con, mẹ không có quyền can thiệp vào. Hơn nữa, những tin nhắn này, không như những gì mẹ nghĩ, con chỉ là khuyên nhủ cô bạn của con mà thôi”. Thế nhưng chị không tin, quay sang mắng nhiếc cô bé thậm tệ. Khi chị dừng lại, cô bé chỉ nói một câu: “Con hận mẹ”. Sau hôm ấy, con gái chị không nói chuyện với chị và tự ý nghỉ học. Dù chị đã xin lỗi và hứa không xâm phạm đến quyền tự do riêng của cô bé nhưng từ đó con gái chị luôn sống khép mình và lảng tránh mẹ.
Có những trường hợp lúc đầu chỉ là mượn tên để trêu đùa nhau nhưng lại gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đó là trường hợp của Hà và Lý. Biết Lý đã có người yêu nhưng Hà vẫn không lùi bước. Hà luôn quan tâm hết mực tới Lý trong công việc lẫn cuộc sống khiến Lý bắt đầu rung rinh. Hàng ngày, thay vì việc tụ tập bạn bè sau khi tan ca, Hà chạy sang chỗ Lý chơi, đợi để đưa cô về nhà. Chỉ cần Lý hắt hơi, sổ mũi, dù gió mưa, anh vẫn chạy ra ngoài mua thuốc về cho cô… Tình cảm Hà dành cho Lý cả công ty đều biết. Mọi người vẫn âm thầm, động viên Hà cố gắng để giành mỹ nhân về cho mình. Để giúp Hà đạt được ý nguyện, mọi người trong công ty đã đăng ký kết hôn ảo cho họ rồi đặt trên bàn làm việc của hai người. Khi biết chuyện, chưa cần hỏi rõ trắng đen, người yêu của Lý đùng đùng nói lời chia tay!
Theo một số chuyên gia pháp lý, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã có những quy định mang tính nguyên tắc về việc bảo vệ thông tin cá nhân. Điều 31 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh và Điều 38 quy định về quyền bí mật đời tư. Tuy luật quy định rõ như vậy nhưng trên thực tế, không phải ai bị xâm phạm quyền nhân thân cũng sẵn sàng kiện ra tòa.
Hệ lụy tai hại
Ngoài việc dùng thông tin cá nhân của người khác với mục đích bông đùa, rất nhiều trường hợp, người trong cuộc phải lãnh đủ khi thông tin về tài khoản ngân hàng bị trộm, bị kẻ xấu dùng để rút tiền ngân hàng, làm giả thẻ thanh toán để mua hàng trên mạng.
Theo NĐT