Tầm nhìn hạn chế vì sương mù là hiện tượng khá phổ biến tại Việt Nam và là nguyên nhân gây ra không ít vụ tai nạn. Làm thế nào để lái xe an toàn trong điều kiện thời tiết này?
Vài ngày trở lại đây, dưới ảnh hưởng của khối không khí lạnh, nhiều tỉnh tại miền Bắc, trong đó có Hà Nội có hiện tượng sương mù dày đặc vào buổi sáng hoặc tối. Màn sương dày đặc khiến tầm nhìn của mọi người tham gia giao thông đều bị hạn chế. Có những khu vực tại miền núi, đứng cách nhau 3 đến 5m đã không nhìn rõ người.
Hiện tượng này phần nào ảnh hưởng đến tầm quan sát và làm tăng nguy cơ va chạm giao thông. Trong điều kiện thời tiết như vậy, để đảm bảo an toàn khi lái xe, cần lưu ý điều gì? Những kinh nghiệm dưới đây có thể sẽ giúp ích cho bạn “chiến đấu” với sương mù khi lưu thông trên đường.
Như thường thấy ở miền Bắc, sương mù thường xuất hiện vào sáng sớm và tầm chiều tối cho đến đêm khuya đúng vào thời điểm đi làm và tan tầm ở thành phố. Còn đối với vùng núi cao hay những khu vực gần sông hồ hoặc biển, thì đây là khoảng thời gian “cực hình” cho cánh tài xế.
Bởi vậy, nếu không có việc cần gấp, bạn có thể tránh di chuyển trong khoảng thời gian này. Trong trường hợp buộc phải ra đường, nên bớt chút thời gian để kiểm tra phương tiện (đèn, đèn cảnh báo, phanh và lốp) và kỹ năng lái của bản thân trước khi khởi hành, lựa chọn cách di chuyển cho phù hợp với điều kiện thời tiết như vậy.
Hiện nay, trên một số xe chỉ được trang bị đèn gầm (ánh sáng trắng) mà nhiều người vẫn nghĩ đó là đèn sương mù (ánh sáng vàng). Với ánh sáng trắng của đèn gầm và đèn pha, khi di chuyển trong sương mù dầy đặc, sẽ bị tán và hấp thụ sáng nên không thể giúp người điều khiển làm tăng khả năng quan sát. Chỉ những xe có đèn sương mù màu vàng mới hỗ trợ được tài xế trong điều kiện thời tiết như vậy.
Tuy nhiên, nếu chủ sở hữu xe có thói quen lưu trữ một vài miếng ny-lông màu vàng hoặc đỏ (loại giấy gói oản) trong xe, thì đôi lúc nó sẽ trở thành “phao cứu sinh” để vượt qua sương mù thay vì bạn phải dừng lại dọc đường. Những miếng ny-lông màu khi được dán vào đèn pha, sẽ có tác dụng gần như đèn sương mù.
Khi di chuyển, nên bật tất cả các loại đèn chiếu sáng có gắn trên xe, trong đó đèn pha giữ nguyên vị trí chiếu gần (cốt) còn đèn cảnh báo nguy hiểm (màu vàng) ở trạng thái nháy liên tục, nhằm báo hiệu cho các xe khác đang cùng lưu thông. Nếu xe có trang bị đèn sương mù, bạn nên tắt đèn pha để làm tăng hiệu quả của ánh sáng vàng.
Nên nhớ, mặt đường lúc có sương, sẽ ẩm ướt, nên lốp xe đóng vai trò hết sức quan trọng với mỗi tình huống phanh dừng xe. Đi trên đường có phủ lớp nước, quãng đường phanh của bất kỳ xe nào cũng dài hơn so với đường khô, do vậy nên vận hành ở tốc độ an toàn theo khả năng của từng người và giữ khoảng cách với xe phía trước nhiều hơn gấp đôi so với thông thường.
Đồng thời, hạn chế tối đa việc tăng tốc, cũng như tuyệt đối tránh chạy xe ở tốc độ cao trong vùng sương mù. Tạo thói quen quan sát đồng hồ công-tơ-mét để nắm được tốc độ của xe, tắt nhạc và thỉnh thoảng hé mở cửa kính để lắng nghe âm thanh của xe cộ lưu thông trên đường và nắm bắt những gì đang diễn ra bên ngoài chiếc xe.
Tuy nhiên, việc này có thể sẽ làm cho mặt trong của kính chắn gió bị mờ. Cùng với đó, hơi nước trong không khí chắc chắn cũng đang phủ dầy trên kính lái nên tầm nhìn sẽ bị giảm xuống rất nhanh. Do vậy, bạn nên sử dụng kết hợp chức năng sấy kính của hệ thống điều hòa và tăng tốc độ cần gạt nước nếu cần thiết.
Trong quá trình di chuyển trong sương mù, sẽ rất có lợi nếu xe của bạn đi theo sau một chiếc xe khác. Khi đó, bạn có thể tận dụng ánh đèn của xe đi phía trước để định hướng lộ trình nhưng vẫn phải chủ động giữ khoảng cách an toàn. Hạn chế tối đa việc phanh gấp, vì rất có thể phía sau cũng có người đang lấy xe bạn làm “kẻ” dẫn đường.
Tận dụng lề đường, vạch sơn kẻ đường và biển báo để quan sát lộ trình của mình. Tuyệt đối tránh dừng xe giữa đường hoặc nơi đông người qua lại khi có sương mù. Trong trường hợp, xe bị chết máy hoặc không thể điều khiển được, hãy cố gắng nhanh chóng đưa xe vào lề đường, tắt hết các loại đèn có ánh sáng trắng, bật đèn cảnh báo khẩn cấp, nhấc chân lên khỏi bàn đạp phanh và rời khỏi xe.
Trước mỗi chuyến đi, nếu điều kiện sương mù quá dày đặc, đừng mạo hiểm tính mạng của bản thân và những người xung quanh, hãy nghĩ tới việc hoãn cuộc hành trình. Ngược lại, hãy tạo thói quen chuẩn bị thật kỹ kế hoạch và những vật dụng cần thiết cho mỗi chuyến đi dài.
Theo Dân Trí