Trở thành Thủ tướng Anh trong bối cảnh Brexit: con đường Theresa May chọn ngay từ lúc đầu đã là bão tố - Tạp chí Đẹp

Trở thành Thủ tướng Anh trong bối cảnh Brexit: con đường Theresa May chọn ngay từ lúc đầu đã là bão tố

Women Empower Women

Khi nội bộ nước Anh chia rẽ sâu sắc sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016, người ta đã từng kinh ngạc chứng kiến một Theresa May đánh bại các chính trị gia nổi tiếng hơn, trở thành nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử nước Anh – sau “bà đầm thép” Margaret Thatcher.

Sau 3 năm cầm quyền và lèo lái đất nước này trong “cơn bão” Brexit, vào ngày 24/5/2019, một lần nữa bà Theresa May tiếp tục làm cả thế giới kinh ngạc khi tuyên bố sẽ rời khỏi vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ. Người phụ nữ mang trong mình sự kiêu hãnh và can trường ấy đã không thể kiềm lại sự xúc động trong câu nói cuối cùng: “Tôi luôn biết ơn sâu sắc và cảm thấy vinh dự vì đã được trao cơ hội quý giá để phục vụ đất nước tôi yêu”.

Nỗ lực 3 năm vì tương lai “riêng một góc trời” của Anh trên bản đồ châu Âu

Việc Anh tham gia và hội nhập trong EU cũng như các tiền thân của tổ chức nay từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi của chính giới nước này. Cuộc khủng hoảng kinh tế của một vài nước thành viên cộng thêm khủng hoảng người nhập cư vào châu Âu như giọt nước làm tràn ly, gây sức ép lên chính phủ của Thủ tướng David Cameron thời bấy giờ. Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Cameron vẫn ủng hộ việc Anh nên duy trì trong EU, vì vậy chính phủ của ông buộc phải tổ chức trưng cầu dân ý lần hai (lần đầu tiên là vào năm 1975) để đánh giá mức độ ủng hộ của người dân với tư cách thành viên EU của nước mình.

Bà Theresa May sinh ngày 1-10-1956 tại Eastbourne, thị trấn ven biển ở miền nam nước Anh. Từ năm 12 tuổi, bà đã có mong muốn trở thành chính trị gia. Bà tốt nghiệp Đại học Oxford trước khi được bầu vào quốc hội năm 1997.

Kết quả trả về vào ngày 23/6/2016 như một cú giáng định mệnh lên chính phủ của ngài Cameron, với tỷ lệ người ủng hộ Brexit (ghép từ Britain và exit, từ chỉ yêu cầu Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland rút tư cách thành viên khỏi EU theo Điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu) là 51.9%. Thống kê này đã thể hiện một sự phân hoá sâu sắc giữa các xứ trong Vương quốc Liên hiệp, khi hầu hết các điểm bỏ phiếu ở Anh và Wales đều chọn rời EU, trong khi cử tri Bắc Ireland và Scotland muốn ở lại Liên minh này. Đặt cược con đường chính trị vào cuộc bỏ phiếu và nhận lấy thất bại, Thủ tướng David Cameron cay đắng tuyên bố “thoái vị”.

Ngày 13/7/2016, Vương quốc Anh có tân thủ tướng mới, nữ chính trị gia tài giỏi của đảng Bảo thủ – bà Theresa May. Trọng trách quan trọng của bà chính là tiến hành quá trình rút Anh ra khỏi EU trong khoảng thời gian hai năm, từ 29/3/2017–29/3/2019. Trong thời hạn hai năm hợp lệ nói trên, chính phủ của bà May đã tiến hành vô số các cuộc đàm phán cùng EU để đưa ra những thỏa thuận có lợi cho Vương quốc Anh hậu Brexit. Không chỉ bảo vệ người dân nước Anh, “thỏa thuận về sự công bằng” mà bà đề ra còn giúp thời gian sinh sống của các công dân EU ở Anh không bị rút ngắn vì Brexit.

Tiến hành Brexit trong khi “không có bất kỳ thỏa thuận có lợi nào” nghĩa là Vương quốc Anh sẽ cắt đứt quan hệ với EU mà không có giai đoạn chuyển tiếp và vấp phải những khó khăn nhất định cho kinh tế và xã hội là điều hiển nhiên. Chính phủ của bà Theresa May và nhiều người khác tin rằng điều này sẽ gây tổn hại lớn.

Tuy nhiên trong thời hạn ấy, những khoản thỏa thuận hiếm hoi đạt được giữa bà và EU đều không được Quốc hội Anh thông qua. Lúc bấy giờ, Thesera May gần như chỉ có hai sự lựa chọn, một là nước Anh không nhận được sự bảo trợ và có khả năng mất phương hướng, ngã đổ hậu Brexit, hai là bà phải đánh đổi uy tín cá nhân và chức vụ để hoà hoãn thêm với EU, kéo dài cơ may giúp đất nước sẵn sàng hơn trước tương lai “riêng một góc trời” trên bản đồ châu Âu. Và vị Thủ tướng của Vương quốc Anh chọn vế thứ hai.

Đứng đầu ngọn sóng đơn độc vẫn nỗ lực đến giây phút cuối cùng

Quá trình Brexit vì vậy được hoãn lại lần lượt từ tháng 4/2019 đến tháng 10/2019, vấp phải nhiều sự chỉ trích cũng như dấy lên làn sóng phẫn nộ trong lòng nước Anh. Lãnh đạo Công đảng Anh – Jeremy Corbyn lên tiếng cáo buộc bà đang đưa nước Anh vào khủng hoảng, hỗn loạn và chia rẽ. Ông cho rằng, việc bà May trì hoãn đi đến thỏa thuận đồng nghĩa với bà đang ép các nghị sỹ phải lựa chọn giữa việc chấp nhận một thỏa thuận mà họ từ chối hoặc buộc phải rời EU mà không có thỏa thuận. Thậm chí, các thành viên ủng hộ Brexit từ đảng Bảo thủ cũng quay lưng với bà vì lo ngại rằng Brexit có thể “không bao giờ” xảy ra.

Năm 2010 – 2016, bà giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, chịu trách nhiệm các vấn đề biên giới, nhập cư, luật pháp và trật tự, bà luôn nhấn mạnh không dung thứ cho việc nhập cư bất hợp pháp.

Một số nhà phân tích cho rằng Thesera May đã tiến hành trình tự của Brexit theo một cách sai lầm khủng khiếp: đó là đàm phán với EU trước khi đạt được sự đồng thuận trong nội bộ. Những bước đi sai lầm của bà đã thể hiện qua cục bộ rối ren hiện tại, nhưng việc chưa thể giải quyết tiến trình Brexit không phải là vấn đề của riêng bà, mà là câu chuyện của cả Quốc hội và hệ thống chính trị nước Anh. Thậm chí, sau khi bà rời khỏi vị trí cầm quyền cũng không có gì đảm bảo cho sự thống nhất và đoàn kết của đảng Bảo thủ sẽ đến với người kế nhiệm.

Theresa May vẫn luôn mạnh mẽ trước những áp lực, điều hòa một số đông chia rẽ và không khoan nhượng, cố gắng lèo lái tương lai nước Anh đến một hiệp ước nhằm bảo vệ những gì tốt nhất.

Những vấn đề bà gặp phải khi quản lý nhà nước phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của bà. Theresa May đơn giản là một người đứng giữa sự chao đảo và thù địch vốn đã lên đến cực điểm trong lịch sử và có quá ít đồng minh trong tình thế “căng như dây đàn” ở nước Anh: đảng Bảo thủ bị phân lập, nghị trường bị chia rẽ và quần chúng ngày càng tỏ ra cực đoan hơn.

Ngày 24/05 vừa qua, trong một bài diễn văn ngắn Theresa May bất ngờ thông báo sẽ từ chức Chủ tịch đảng Bảo Thủ vào ngày 07/06/2019 và sẽ giữ chức Thủ tướng Anh đến khi chọn ra người kế nhiệm vào cuối tháng 7/2019. Bà thẳng thắn chia sẻ: “Tôi đã tham gia rất nhiều cuộc họp với quyết tâm đàm phán được thỏa thuận tốt nhất có thể để Vương quốc Anh thuận lợi rời khỏi EU. Và đó cũng là điều tiếc nuối nhất với tôi khi chưa thể hoàn thành sứ mệnh của mình. Tôi sẽ không bình luận về quan điểm của từng ứng viên nhưng với tôi mà nói lựa chọn tốt nhất vẫn là: Brexit và đi kèm với thỏa thuận. Đây chính là quan điểm bất di bất dịch của tôi”.

Người phụ nữ quyền lực nhất nhì xứ sương mù không kiềm được sự xúc động trong bài diễn văn từ chức Chủ tịch Đảng Bảo Thủ

Dù mong muốn đất nước rời khỏi châu Âu với những điều khoản chắc chắn hơn nhưng Theresa May đành dừng lại kế hoạch 3 năm cùng lời tuyên bố năm nào hãy còn dang dở: “Sau khi rời khỏi EU, chúng ta sẽ tạo ra một vai trò tích cực cho Vương quốc Anh trên thế giới và nước Anh sẽ là một quốc gia dành cho tất cả mọi công dân, thay vì chỉ cho một số ít người có đặc quyền. Đây sẽ là nhiệm vụ của chính phủ. Cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng một nước Anh tốt đẹp hơn. Bexit chính là Brexit và chúng ta sẽ rút khỏi EU trong sự thuận lợi nhất”.

Phải nói rằng Brexit không phải là sự lựa chọn ban đầu của bà, nhưng nó đã như chi phối giai đoạn cầm quyền của bà nhiều đến mức bà chẳng thể đạt được điều gì khác. Xét cho cùng, bà là nạn nhân của một thứ hoàn cảnh có sẵn và hệ lụy của nó sẽ còn kéo dài đến người kế nhiệm sau này.

Chưa bao giờ chúng ta nhìn thấy sự nỗ lực và năng lượng của nữ chủ nhân thứ hai của tòa nhà số 10 phố Downing có một phút giây lụi tắt.

Với một người phụ nữ đã cống hiến cả đời cho đất nước và dành 3 năm chỉ làm một việc duy nhất: đó là hoàn tất quá trình Brexit thì việc rút lui không phải là chương cuối trong sự nghiệp của bà. Điều này tỏ rõ khi bà nhấn mạnh sẽ không từ chức “cho đến khi tìm được người kế vị phản ánh định hướng và xứng đáng với niềm tin của bà”. Vị trí thủ tướng có thể vẫn được giữ lại với bà tới tháng 7 hoặc thậm chí tháng 12 năm nay nếu lãnh đạo đảng Bảo thủ tập hợp được sự ủng hộ nhằm tăng thêm thanh thế cho bà trước các nghị sĩ và thành viên thuộc hai đảng.

Theresa May đã dành trọn đời để phục vụ cho đất nước bà yêu quý và xứng đáng có được sự nhìn nhận bất kể là khen hay chê một cách công tâm cùng sự trân trọng.

Theresa May đã mạnh mẽ dấn thân vào cơn bão Brexit và vẫn chưa thể làm tan cơn bão ấy, trả lại cho nước Anh một bầu trời xanh trong. Người ta có thể chỉ trích bà đã khiến quá trình Brexit bị đình trệ nhưng xét đến tận cùng, nếu không có sự nỗ lực và kiên trì của bà thì Brexit có thể đã đi đến hồi kết mà chẳng có gì được đảm bảo cho nước Anh. Đất nước nào cũng không thể thiếu những vị trí lãnh đạo, và còn cần nhiều hơn sự dũng cảm để nắm giữ vị trí ấy trong tình hình rối ren hiện tại của nước Anh. Theresa May đã tận hiến để phục vụ tổ quốc của bà và xứng đáng có được sự nhìn nhận như một viên gạch nối trong thời kỳ đen tối để toàn nước Anh có thể hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. Có thể khen chê, nhưng công tâm nhất bà cần có được sự trân trọng đúng nghĩa.

Thực hiện: Huyền My Trương

20/06/2019, 15:30