Trở lại với tuổi trẻ bằng những bộ phim chuyển thể

Các tác phẩm phim chuyển thể từ nguyên tác văn học vốn không phải là chuyện hiếm, tuy nhiên để có được một bộ phim hài lòng cả những người xem lẫn các fan của truyện thật không phải dễ dàng. Lứa tuổi thanh thiếu niên là khoảng thời gian đẹp đẽ và rực rỡ nhất trogn đời người, vì thế những tác phẩm văn học dành cho thanh thiếu niên cũng đầy đủ các cung bậc từ li kì, hư ảo tới hài hước, gai góc, chân thật…Cùng Đẹp Online điểm qua một số bộ phim chuyển thể trong đó, người xem cảm thấy mình như một cô cậu bé đang lớn lên trong những ngày tháng trẻ trung.

  1. Series về Harry Potter


Khi nhắc tới những bộ phim chuyển thể đã làm nên tuổi thơ của cả một thế hệ, không thể không nhắc tới series về Harry Potter, chuyển thể từ bộ tiểu thuyết ăn khách của nữ nhà văn J. K. Rowling. “Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt”, vượt lên khỏi một series phim giải trí cho thanh thiếu niên thông thường, Series phim về cậu phù thuỷ Harry Potter đã định hình cả một thế hệ, thổi “phép thuật” vào từng tâm hồn trẻ niềm tin về một sứ mệnh quan trọng mà mỗi con người sinh ra đều mang giữ. Thế giới phù thuỷ qua bàn tay nhào nặn của nhiều đạo diễn tài ba trong “Harry Potter” vừa mang màu sắc hư ảo, vừa gần gũi và hấp dẫn với mọi lứa tuổi.

2.  “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”


Dựa theo tập truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” khiến những ai đã trót yêu nguyên tác phải rung động một lần nữa khi ngồi trước màn ảnh rộng. Không cầu kì, phô trương, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là tấm vé trở về tuổi thơ cho bất kì ai, với những hình ảnh bình dị nhưng đẹp đến ngỡ ngàng về một làng quê Việt trong tiềm thức mỗi người. Góp nhặt những câu chuyện nhỏ nhặt để làm nên một thông điệp lớn, bộ phim tôn vinh cái đẹp giản dị của những tâm hồn trong trẻo như buổi sớm như Thiều, Tường.

3.  “The Perks of Being a Wallflower” (Câu chuyện tuổi teen)


Charlie, một cậu học sinh trung học nhút nhát, sống nội tâm, chịu những tổn thương tâm lý nặng nề vốn là nguyên tác trong tiểu thuyết của tác giả Stephen Chobsky. Những “kẻ ngoài cuộc” như thế, chúng ta có thể gặp ở bất cứ đâu, sau những góc khuất của trường học, những dãy bàn tăm tối cuối lớp…Chobsky đã sử dụng chất liệu hiện thực ấy để xây dựng nên Charlie, nhưng người khiến nhân vật này hiển hiện trước mắt người đọc chính là Logan Lerman, một diễn viên tuổi đời còn rất trẻ. Xuất hiện trong bộ phim chuyển thể, bên cạnh những cái tên như Emma Watson, Erza Miller…bộ ba đã làm nên những câu chuyện cảm động về tình bạn, tình yêu, ý nghĩa cuộc sống. Một Charlie Kelmeckis ( Logan Lerman ) rụt rè, trái tim đầy yêu thương nhưng từng chịu những thương tổn tâm lý nặng nề vì bạo hành học đường. Một Sam (Emma Watson) mạnh mẽ và bất cần, một Patrick (Erza Miller) lúc nào cũng rạng rỡ nhưng sâu trong thâm tâm cậu thiếu niên ẩn giấu những nỗi buồn vô hạn. Từng khoảnh khắc, từng câu thoại trong “The Perks of Being a Wallflower” đều tiệm cận sự hoàn hảo, vì bắt rễ từ hiện thực và dường như đây là câu chuyện đời mà mỗi diễn viên tự nói lên bằng diễn xuất của mình.

4. “The Chronicles of Narnia” (Biên niên sử Narnia)


Mọi đứa trẻ đều mơ về miền đất hứa, nơi có những sinh vật kì lạ, phép thuật, nơi trí tưởng tượng được thoả sức bay bổng và sự dũng cảm được thử thách. Thật kì diệu làm sao khi cánh cửa dẫn tới thế giới Narnia ấy lại được giấu sau tủ quần áo. Dựa theo bộ truyện cùng tên của nhà văn C. S. Lewis, “The Chronicles of Narnia” thoả mãn mọi tưởng tượng của những nhóc tì khi theo chân 4 anh em nhà Pevensie chống lại mụ Phù Thuỷ Trắng. Gồm 3 bộ phim nối tiếp nhau tương ứng với nguyên tác, series ngoài việc phô diễn thế giới thần tiên kì ảo thách thức những nhà thám hiểm nhỏ tuổi, thì những bài học tinh thần quý giá trong phim cũng được lồng ghép vô cùng khéo léo để tránh tính giáo điều mà vẫn đảm bảo các khán giả nhỏ sau khi thưởng thức vẫn tự mình rút ra được những kinh nghiệm cho riêng mình.

5. “Đất phương Nam”


Chuyển thể từ tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, bộ phim truyền hình ra mắt năm 1997 “Đất phương Nam” cho tới nay vẫn được trình chiếu tại một số kênh, đài địa phương. Điều đó phần nào cho thấy sức hấp dẫn của bộ phim cho tới ngày nay, dù đã gần 20 năm trôi qua. Một miền Nam sông nước bình dị, trù phú nhưng loạn lạc dưới gót giày của thực dân Pháp đã được “Đất phương Nam” khắc hoạ xuất sắc. An, Cò và những con người từng đi qua đời của hai cậu bé đã làm nên bức tranh con người Nam Bộ đặc sắc, thực tế và vẫn đầy hấp dẫn.

6. Series về Percy Jackson


Bộ tiểu thuyết về Percy Jackson của Rick Riordan đã được chuyển thể thành hai bộ phim trung thành với tên gốc của nguyên tác: ‘Percy Jackson & the Olympians: The Lightning Thief’ (2010) và ‘Percy Jackson & the Olympians: Sea of Monsters’ (2013) (Percy Jackson: Kẻ cắp tia chớp (2010)/ Percy Jackson: Biển quái vật (2013). Xoay quanh câu chuyện về một cậu thiếu niên bình thường bỗng một ngày phát hiện ra mình là con lai giữa người phàm trần và vị thần tối cao tưởng như chỉ tồn tại trong thần thoại Hy Lạp, Percy Jackson đưa người xem tới thế giới của những chiến binh, quái vật và thần thánh. Hai tập phim đã đưa những gì người đọc vốn chỉ có thể tưởng tượng trên trang giấy nay hiển hiện trên màn ảnh, từ những vị thần quyền uy như Zeus hay Poseidon tới các quái vật đáng sợ như Charybdis, Kronos…

7.     “The Book Thief” (Kẻ trộm sách)


“The Book Thief” bắt đầu bằng lời của Thần Chết: “Cùng với những chuyện khác, thì đây thực ra chỉ là một câu chuyện nhỏ về: Một đứa bé gái. Vài lời nói. Một người chơi đàn xếp. Vài gã người Đức cuồng tín. Một tay đấm Do Thái. Và khá nhiều vụ ăn trộm. Tôi đã nhìn thấy kẻ trộm sách ba lần”. Bộ phim dựa trên nguyên tác cùng tên của nhà văn Markus Zusak, thực sự đã “đánh cắp trái tim người xem”, khi khắc hoạ một tâm hồn non nớt khao khát học hỏi và thương yêu bị đày đoạ trong tăm tối của chiến tranh, nhưng rồi được những cuốn sách cứu rỗi. Có thể nói, với những người yêu sách, bộ phim của đạo diễn Brian Percival và biên kịch Micheal Petronđã dẫn dắt họ đi về những ngày tháng trẻ thơ run rẩy lần giở từng trang sách với sự nâng niu gần như kính cẩn. Còn với những người trẻ, đây là một bài học nghe – nhìn chạm tới trái tim về tình yêu thương, giá trị tâm hồn vượt lên những rào cản về chủng tộc, văn hoá, chiến tranh…

8.     “Hugo” (Cuộc phiêu lưu của Hugo)


Khi những thước phim đầu tiên của “Hugo” được trình chiếu, những ai từng đọc nguyên tác của nhà văn Brian Selznick hiểu rằng tinh thần của truyện đã được đạo diễn Martin Scorsese giữ nguyên trên nền phim đượm màu thời gian này. Hơn thế nữa, vị đạo diễn tác giả đứng đằng sau thành công của những “Taxi Driver” (Quái xế) hay “Goodfellas” (Hảo bằng hữu) chứng minh mình còn là bậc thầy kể chuyện khi chỉ bằng ánh sáng và hình ảnh 3D được xử lý đẹp tới ngỡ ngàng, cuộc phiêu lưu của cậu bé Hugo được hình dung bằng cả con mắt và trí tưởng tượng của người xem.


From the same category