Thế hệ của anh đã được xếp vào hàng “đạo diễn già”, còn thời trang rất cần sự đột phá, mà đột phá thường rơi vào người trẻ. Vậy DFS lần này có thể trông chờ vào sự đột phá nào trong tay một đạo diễn như anh?
Điện ảnh là lĩnh vực tôi hiểu rõ, nên xin lấy nó làm ví dụ. Tôi thấy những tác phẩm “bom tấn” ở Hollywood hầu như không có đạo diễn trẻ. Phần lớn là đạo diễn già, nhưng họ làm rất trẻ, rất nhanh, rất sốc và áp dụng công nghệ rất mới. Vì thế trong nghệ thuật rõ ràng không có khái niệm tuổi, và già-trẻ về tuổi đời khác với già-trẻ trong suy nghĩ. Nếu tôi xơ cứng về cách suy nghĩ thì đó là già, và ngược lại. Trong lĩnh vực sân khấu, tôi là tay ngang và mới bước vào, nên tôi coi mình là người trẻ trong làng sân khấu tuy có thể già trong nghề gốc là điện ảnh. Khi trẻ, mình thích thể nghiệm, nếu có kinh nghiệm từ kiến thức nền thì nó giúp mình làm tốt hơn, trơn tru hơn. Ở đây, tôi có rất nhiều thể nghiệm, và nhiều hơn là kinh nghiệm. Còn Tạp chí Đẹp mời tôi, nghĩa là họ thấy tôi hợp và mong chờ điều gì đó ở tôi.
Vậy “tay ngang” Phạm Hoàng Nam đã chuẩn bị gì khi bước vào cuộc chơi này?
Khi nhận kịch bản, tôi đã đọc rất nhiều về tôn giáo Việt Nam và văn hóa Việt Nam cổ. Và tôi thuyết phục ban lãnh đạo Tạp chí Đẹp chú trọng tính chuyên nghiệp ở phần công nghệ, nhưng phần nghệ thuật lấy bên nghiệp dư hoặc những người theo tư duy khác ở Hà Nội, mà yếu tố quan trọng là văn hóa phải thấm sâu vào họ. Motif kịch bản theo văn hóa Bắc Bộ, nên không thể nào giải thích cho từng nghệ sĩ từ phương Nam về văn hóa Bắc Bộ trong vòng 1 tháng.
Tuy ý đồ có vẻ to tát, nhiều công nghệ phức tạp, nhưng văn hóa phông nền chỉ là cái cớ để mình chuyển tải câu chuyện. Tôi không bao giờ quên chương trình này là chương trình thời trang, phần thời trang của nó là quan trọng nhất. Và đó là show thời trang nghệ thuật, chứ không phải thời trang để bán quần áo. Nói cách khác, đây là catwalk, nhưng là catwalk không bình thường.
Không bình thường là sao?
Chọn địa điểm, chọn cách diễn xuất, và đặt hàng các nhà tạo mẫu ngay từ đầu theo kịch bản. Tạp chí Đẹp từng làm show ở Hà Nội mang tên “Cơn ác mộng của người thợ may”, đó là hướng đi rất độc đáo. Tất nhiên, thời trang cần được đặt vào đúng vị trí của nó, dù làm cái gì nó vẫn là thời trang, vẫn là quần áo, bởi có quy định rõ ràng rồi, từ ánh sáng, từ điểm nhìn của khán giả đến bộ quần áo. Người ta không thể nào bắc ống nhòm để xem thời trang được, mà phải cảm giác như sờ vào vải, cảm nhận được chất liệu của nó, ánh sáng phải đủ tưng bừng từng nét vải, chứ đừng tạo màu mè, hoa hoét trên đó. Cả người mẫu cũng vậy, phải khoe được đầy đủ nét đẹp của bộ thời trang và sáng tạo của người thiết kế. Tôi luôn ý thức phải làm sao nổi bật được sáng tạo của những nhà thiết kế thời trang trong phần của họ. Kịch bản chỉ hay khi mỗi chương hồi hoàn toàn ăn khớp với bộ thời trang đó và làm tư tưởng chủ đạo cho thời trang đó.
Chương trình thời trang hiện đại nhưng lại mang yếu tố văn hóa dân gian. Anh giải thích thế nào?
Truyền thống là cái đế, khi không có cái đế thì không xây lên được. Hiện đại ở đây là phần trên của cái đế đó. Văn hóa là cái nền gây cảm hứng, là thứ trang trí, gợi mở cho mình làm chương trình, nhưng bản thân thời trang là hiện đại. Cụ thể, toàn bộ chất liệu là truyền thống, từ ý tưởng kịch bản, chuyện cõi âm, đạo mẫu, lên đồng, và những người làm chương trình đều bám vào đó. Nếu làm lên đồng thật thì đó là truyền thống, nhưng lấy cảm hứng để múa – ngôn ngữ biểu hiện của nghệ thuật – thì lại là hiện đại. Hoặc lên đồng không thể thiếu chầu văn, nhưng hát chầu văn từ đầu đến cuối sẽ rất chán: người nghe thì không nghe nổi, mà người mẫu không bước theo được.
Thời trang phải có nhịp, phải có sự kết hợp giữa không gian với âm nhạc điện tử, v.v, tất cả những cái đó là hiện đại. Trên cái đế là nhạc dân gian, âm thanh nhạc điện tử sẽ trộn vào, có lúc thậm chí không dùng nhạc, chỉ toàn tiếng động để người xem chìm đắm vào không gian rất đặc biệt của âm thanh. Và đương nhiên làm sao để người mẫu có nhịp mà bước. Chúng tôi sẽ cố gắng tạo cho Trung tâm Hội nghị Quốc gia một không gian hoàn toàn khác. Tôi sẽ phô ra những thứ cần phô và che những thứ cần che, để chỉ còn lại những thứ đẹp nhất theo ý đồ của show diễn. Cái đẹp nhất sẽ là cầu thang màu trắng và vòm trần.
Anh định tôn vẻ đẹp thời trang trong DFS 5 bằng cách nào?
Trong các DFS tôi thích nhất chương trình đầu tiên, nhưng xét về thời trang thì tôi thích chương trình số 4. Chương trình số 1 là chương trình độc đáo nhất – kịch bản rất hay, nhưng làm phần thời trang yếu đi, mang tính phục vụ cho chuyện sắp đặt nhiều hơn. Lần này tôi rút kinh nghiệm từ hai cái đó, kịch bản rất hay, nhưng thời trang phải là ưu tiên trước hết. Tôi vẫn tôn những nhà thiết kế thời trang lên hàng đầu bởi họ là những người quan trọng nhất. Làm sao để những tác phẩm của họ được khoe ra một cách hoàn hảo nhất, chứ không phải là dùng thời trang để minh hoạ cho mình. Tôi có trả lời một tờ báo rằng DFS là một thương hiệu và tất cả êkíp làm việc để cho thương hiệu đó đẹp hơn, đẳng cấp hơn chứ không phải đánh bóng tên tuổi của riêng mình. Sân khấu hấp dẫn nhưng thời trang bị chìm thì tức là người ta đi xem một buổi trình diễn sắp đặt chứ không phải xem thời trang. Như thế thì không phải là thành công.
Điểm rơi trong chương trình này là gì?
Điểm rơi, ngay từ cấu tạo kịch bản, chính là lúc lên đồng. Bỏ đi cái ý nghĩa mê tín dị đoan thì lên đồng thực chất là sự thăng hoa, cái thăng hoa khi tinh thần, lý trí cộng lại, bung ra mạnh mẽ nhất, biến thành sự thăng hoa của chính người nghệ sĩ. Nhưng tất nhiên mỗi bộ thời trang trong chương trình có điểm rơi khác nhau. Thời trang phải xem được, cảm giác được, bằng âm thanh, ánh sáng, khoảng cách.
Ngoài quần áo, thời trang là kết hợp của âm thanh, ánh sáng. Ánh sáng là điều mà dường như thời trang Việt Nam còn thiếu. Nó là lợi thế hay là yếu tố nguy hiểm cho chương trình của anh?
Cái lo lắng nhất của tôi lúc này chính là ánh sáng. Cái đó phụ thuộc quá nhiều yếu tố. Tôi muốn được cộng tác với kỹ sư ánh sáng giỏi nhất, thiết bị tốt nhất, lắp đặt công phu nhất. Hiện tôi mời anh Dũng Martin, chuyên gia ánh sáng, gắn bó với Đẹp từ lâu, cũng là chiến hữu làm nhiều chương trình cùng tôi và là người giỏi kinh nghiệm trong nghề. Yên tâm một phần con người, nhưng thiết bị, thời gian lắp đặt tôi chưa yên tâm. Ánh sáng cho trang phục là thứ tôi chăm chút nhiều nhất, sau đó mới đến các yếu tố nhìn khác.
Gam màu có mờ ảo, bí ẩn như tính chất chủ đề?
Tôi sẽ làm thuận dòng, nhưng sẽ nghịch so với không gian. Cớ là tâm linh nhưng tông màu lên từng cấp độ khác nhau, theo quan niệm tâm lí thì nó sẽ dẫn dắt từ lúc tăm tối nhất cho tới lúc sáng chói nhất, từ lúc lạnh lùng nhất cho tới lúc ấm nóng nhất, cũng như cách yêu, người ta có thể rơi từ thời điểm thất vọng nhất, tuyệt vọng nhất, đau khổ nhất, nhưng nó sẽ sưởi ấm lên khi tình yêu lên đến đỉnh điểm. Nó thăng hoa đến mức thậm chí cái sống cái chết có thể hòa lẫn làm một, người ta sẽ tìm lại được tình yêu của mình. Tuy nhiên đó lại chỉ là giấc mơ, là tâm linh. Cuối cùng cái kết trả lại đúng thực chất của nó, quá tôn thờ nó thì nó là ảo ảnh thôi. Tất cả cái đó đều được dẫn dắt bằng ánh sáng. Quần áo là yếu tố số 1 ở đây và hình ảnh xung quanh sẽ được căn chỉnh theo. Âm thanh, ánh sáng, mọi thứ đều lên đồng một lúc.
Vậy thực chất công việc cụ thể của một đạo diễn thời trang là gì?
Có hai mảng: sáng tạo và tổ chức. Có nhiều chương trình, kịch bản là của tôi và tôi đạo diễn, nhưng trong chương trình này là đồng sáng tạo. Kịch bản ban đầu thô sơ nhưng là những ý chính. Lên đồng, tâm linh là hai điểm chốt và điểm thứ ba là sàn diễn – cầu thang ở sảnh Trung tâm Hội nghị. Tạo thành một vở diễn dựa trên ba điểm chốt đó là việc của tôi. Tôi phải phát triển thế nào và dùng những công cụ gì – công cụ ở đây là kỹ thuật và con người – để làm nên chi tiết đó. Tôi luôn ý thức được nếu cho tôi cái bút chì tôi sẽ kí họa, cho tôi cây cọ và hộp sơn thì tôi sẽ vẽ sơn dầu và cho tôi cái bút cọ vẽ màu nước thì tôi vẽ màu nước. Tôi không bao giờ lẫn lộn. Trước hết, phải thống nhất xem bức tranh ở đây vẽ bằng chất liệu gì. Còn mục đích bao giờ cũng phải đẹp. Đạo diễn ở đây là người phát triển ý đó theo từng chi tiết và gắn kết các bộ phận khác, từ máy móc đến con người, hai cái đó quan trọng như nhau./.