Trò chuyện với Ekip DFS 5 - Tạp chí Đẹp

Trò chuyện với Ekip DFS 5

MIX & MATCH

Biên đạo múa Trần Ly Ly: Tôi phải dũng cảm thôi

Đây là show diễn lớn, vừa mang tính trình diễn vừa mang tính nghệ thuật, nên rất cần sự sáng tạo. Kịch bản vốn đã rất hay, và nhiệm vụ của chúng tôi là sáng tạo, biến hóa làm sao để chương trình hay hơn kịch bản. Ở đây, tôi được cộng tác với cả một ê kíp lớn, mỗi người làm việc độc lập, nhưng phải hiểu nhau và phối hợp ăn ý để ra được sản phẩm chung. Đó là cái khó. Nhưng làm việc với tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam rất thích. Anh ấy là đạo diễn suy nghĩ tổng thể, làm việc chu đáo và rất mở. Anh ấy rất biết lắng nghe và biết tổng hợp sự sáng tạo của mọi người. Lẽ đương nhiên, sự sáng tạo trong một chương trình như DFS là rất cần thiết.

Tôi đã làm nhiều chương trình, và mỗi chương trình, dù lớn hay nhỏ, tôi đều rất tập trung và lo lắng cho nó. Dù đã làm các chương trình thời trang, nhưng đây là lần đầu tiên tôi làm một vở kịch thời trang lớn, nên nó là một bài toán mới. Tất nhiên sẽ có sức ép, nhưng tôi tự tin vào bản thân mình. Hơn nữa, nếu không bắt đầu thì không bao giờ làm được. Phải dũng cảm thôi! Nhưng tôi nghĩ nó hơi quá sức mình!

Diễn viên chính Đặng Linh Nga: Nhất định tôi sẽ diễn tốt

Tôi đã tham gia DFS một lần, nhưng trong vai trò người mẫu. Còn lần này được mời vào múa, tôi vô cùng bất ngờ và hồi hộp. Tôi đang chuẩn bị tốt nghiệp, chương trình học rất căng, nhưng khi nghe nói về nội dung DFS lần này, tôi đã nhận lời ngay, vì rất muốn được thử mình trong một chương trình vũ kịch thời trang. Tôi hy vọng lần này mọi người sẽ thấy một Linh Nga khác – không phải Linh Nga múa dân gian, mà là Linh Nga múa hiện đại, và nhất định tôi sẽ diễn tốt! Vì đây là nghề và cũng là tâm huyết của tôi. Sau khi nhận được quyết định của nhà trường là tôi về Việt Nam và tập luyện ngay. Tuy nhiên, tôi đã có sự chuẩn bị trước đó 1 tháng về kỹ thuật và một số động tác. Tôi cũng kiêng ăn cho người nhẹ nhõm hơn để có thể hoàn thành một số động tác múa hiện đại. Tôi sẽ thể hiện tất cả những gì mình có cho DFS lần này!

Nhà thiết kế Trương Thanh Hải với bộ sưu tập: “Bóng ma trong nhà hát”

Đối với tôi, người diễn viên có cái gì rất huyền bí. Họ to lớn, vĩ đại, họ điên cuồng, bay bổng, họ chân thành trong những giả dối, điêu ngoa. Điều làm cho một con người bình thường đột nhiên trở nên phức tạp như thế, tôi tin là do Nghiệp, là những đam mê, những thăng hoa, những lận đận mà người nghệ sĩ luôn vận vào mình.

Trong bối cảnh của DFS 5, màn trình diễn của tôi sẽ lột tả vẻ lộng lẫy huy hoàng của những bóng ma trong nhà hát, nơi sinh ra NGHIỆP, nơi để những khát khao, những vinh quang luôn hừng hực trong mỗi nghệ sĩ. Để rồi nơi ấy cũng sẽ là ngục tù, giam hãm họ, từ đời này sang đời khác, để hào quang gắn liền với cô đơn, để danh vọng luôn kéo họ xa với thực tại. Những nhân vật của họ sống mãi, là nét đẹp tích góp từ sự hy sinh thoát mình khỏi thế gian.

Tôi pha trộn giữa trang phục sân khấu cổ và nét đẹp đương đại. Vì miêu tả thế giới tâm linh huyền bí nên tôi có cộng hưởng “vẻ đẹp” âm u tạo sự độc đáo cho bộ sưu tập lần này.

Đây là lần thứ hai tôi tham gia DFS và cũng là lần thứ hai tôi trình làng bộ sưu tập mới ở Hà Nội. Tuy tôi là người Nam bộ, nhưng tôi tin những sáng tạo nghệ thuật của mình sẽ được khán giả Hà thành cảm nhận.  Tham dự DFS lần thứ hai, tôi làm việc khá thoải mái. Vì đã làm việc với êkip DFS nhiều năm nên hầu như mọi người hiểu yêu cầu của nhau, và hiểu rằng cần làm việc hết mình, tôi hết sức tin cậy sự hỗ trợ của êkip này.

DFS là chương trình thời trang được đầu tư đúng hướng. Đó là điểm khác biệt của DFS với những chương trình thời trang khác. Ý tưởng chương trình rất hay, tuy nhiên cần phải tư duy nghiêm túc để mảng thời trang không bị lệch lạc khi thưởng lãm. Tôi đã rất cố gắng. Địa điểm chương trình thường gắn liền với phong cách và quan niệm chung của cả chương trình. Tôi hoàn toàn hài lòng với những sự lựa chọn khéo léo này. 

Tôi tin mình là một nhà thiết kế (NTK) đủ xứng đáng, đủ tin cậy để được chọn vào hàng ngũ NTK cho DFS, và tôi sẽ băn khoăn nếu như mình không phải là người được chọn.

Nhà thiết kế Công Trí với Bộ sưu tập: “Siêu thoát”

Nhà thiết kế Công Trí – thương hiệu uy tín và “đắt giá” (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) của thời trang Việt hiện đại, là gương mặt để nhiều ngôi sao gửi… “phần nhìn” của mình, và cũng là cái tên mà chương trình thời trang nào cũng muốn “trưng” lên. Có lẽ vì thế mà sự xuất hiện của Công Trí tại DFS vẫn luôn là sự chờ đợi nhất!

Tôi tham gia DFS nhiều lần! Tôi chỉ bỏ một chương trình duy nhất vì những kế hoạch riêng, chứ có điều kiện là tôi sẵn sàng tham gia. Lí do thứ nhất, là tôi chưa tìm được sân chơi nào khác để mình thoải mái làm việc. Hai năm trở lại đây DFS vẫn là sân chơi nghệ thuật hàng đầu trong lĩnh vực thời trang. Lí do thứ hai, cũng rất thẳng thắn là ai tham gia một cuộc chơi nào, dù là cuộc chơi thương mại hay nghệ thuật đều có mục đích. Trong năm qua tôi không tham gia chương trình lớn nào, mà tập trung vào công việc kinh doanh, nên DFS là cơ hội để mình phô diễn ý tưởng và đánh bóng tên tuổi. Mỗi người có cách suy nghĩ về sự nghiệp, tương lai của mình. Tôi quan niệm, một viên ngọc tốt trải qua thời gian vẫn là viên ngọc tốt, và nó sẽ không bị lu mờ theo thời gian nếu được đánh bóng kỹ.

DFS lần này không đặt nặng xu hướng thời trang, mà mang tính nghệ thuật – kết hợp âm thanh, ánh sáng, vũ đạo và trang phục, nên lần này tôi cũng không đưa ra xu hướng gì. Điểm đặc biệt lần này là trang phục của tôi được thiết kế trên ý đồ kịch bản đã có sẵn. Màn biểu diễn của tôi xuất hiện ở phần cuối của câu chuyện: nhân vật chính – cô gái quay trở lại gặp người yêu rồi chia cách vĩnh viễn. Ý trong kịch bản là như vậy, nhưng cách tôi làm thì hoàn toàn chủ động. Tôi muốn bộ sưu tập của mình mang sự siêu thoát, tên của bộ sưu tập cũng là “Siêu thoát”. Ở đây, tôi sẽ không bám theo người nữ chính, mà theo những sự liên quan khác như cỏ cây hoa lá, động vật muông thú. Vùng đất người nam và người nữ gặp nhau cũng chuyển động theo. Màu sắc không phải sự sinh sôi nảy nở, mà đó là sự trở mình, là cảm xúc mà khi mọi vật đều chết, nó cũng được lay động bởi tình yêu, tính nhân bản, nhân văn.

“Siêu thoát” gồm 30 bộ, đều là đồ của nữ. Những bộ đầm dài có kích thước rất rộng, theo khối và mảng lớn, nhìn vào sẽ thấy tổng thể thống nhất, chứ không phải tiểu tiết, đính bèo, đá pha lê, ôm dáng người, tạo đường cong cơ thể giống trước nay tôi vẫn làm. Lần này tôi làm thời trang theo kiểu biểu diễn ấn tượng chứ không phải thời trang đời thường. Màu của đất, của bụi – be và nâu – vẫn là gam màu chính. Chất liệu là lưới và cotton nhiều. “Siêu Thoát” vẫn mang sự lộng lẫy, nhưng không phải ở chi tiết áo quần, màu sắc – thuộc về thời trang, mà là tinh thần của bộ sưu tập. Khán giả sẽ thấy vạn vật như đang hừng hực chuyển động, chứ không phải những bộ trang phục lướt trên sàn làm duyên làm dáng!

Nhà thiết kế Hà Linh Thư – Pearl Hà: Bộ sưu tập "Phân định”

Là người thực hiện bộ sưu tập mở đầu cho “Bí ẩn của linh hồn”, lần này tôi sử dụng hai màu sắc tương phản mạnh mẽ đen và trắng – tách ra khỏi những gam màu rực rỡ khác của cuộc sống – đó là sự chia ly giữa hai con người, là sự giằng xé nội tâm, là hai mặt đối lập trong một con người, là sự tranh đấu giữa sự sống và cái chết…

Tôi tham gia 3 kỳ DFS với tư cách cá nhân, như một phần trong công việc của mình. Khi đã xác định đi theo con đường thiết kế chuyên nghiệp, tôi đặt mục tiêu mỗi năm phải giới thiệu ít nhất 2 bộ sưu tập, và những bộ sưu tập dành cho DFS cũng là một trong số đó.

Nhắc đến Pearl Hà là người ta nghĩ ngay đến lụa và hoa, nhưng lần này sẽ là đen – trắng và những chất liệu ngoài lụa. Tôi không coi đây là sự phá cách, mà đơn giản là một bước tiếp theo trong con đường phát triển của mình. Nói gì thì nói, thời trang Việt Nam vẫn còn non trẻ, và người ta cũng chỉ thấy tôi qua một vài bộ sưu tập, chưa thể đánh giá một cách toàn diện. Tôi xác định con đường của mình phải chậm rãi và dài lâu. Mỗi năm, tùy theo cảm xúc, theo xu hướng thế giới và yếu tố thị trường, tôi sẽ đưa ra khuynh hướng cụ thể, và là một bước tiến nhưng không chệch khỏi con đường đã chọn.

Những dấu ấn cá nhân trong mỗi bộ sưu tập của tôi luôn thấm đẫm trong mình nét văn hóa Hà Nội, như người ta nói là rất “người Hà Nội”. Tuy vậy, tôi không có ý định đóng vai trò đại diện cho giới thiết kế Hà Nội, và điều đó cũng không có nghĩa là tôi thiếu tự tin.

NTK Tiến Lợi: Bộ sưu tập “Thăng hoa”

Tham dự DFS lần này tôi thiết kế 30 mẫu trang phục dạ hội xuất phát từ ý tưởng về sự giao thoa đông tây, kết hợp phong cách thiết kế châu âu qua chất liệu và màu sắc Á đông. Người Á đông nói chung và người Việt Nam nói riêng thường có những suy nghĩ mang tính tâm linh, luôn mơ ước và mưu cầu sự may mắn, hạnh phúc.  Chính vì vậy, tôi sử dụng những màu cơ bản như đỏ, tím, hồng, đen, vàng, xanh… để tạo ra một khung cảnh mùa xuân tươi mới trong suy nghĩ và tâm tưởng, tạo ra sự thăng hoa trong tâm hồn con người. Đó cũng là màu sắc đặc trưng cho những dịp lễ hội, cho những giây phút thăng hoa của chàng trai trong câu chuyện tâm linh khi chàng đi tìm những “bí ẩn của linh hồn”, đi tìm lại người con gái mà anh đã mất.

Mỗi nghệ sĩ đều cố gắng tìm cho mình sự xuất hiện mang tính đẳng cấp, và với mỗi nhà thiết kế, được tham dự DFS là một vinh dự, bởi đó không chỉ là chương trình thời trang thuần túy mà là cả một đẳng cấp trình diễn, hướng tới sự hội nhập và sánh ngang với sân khấu khu vực.

Ở DFS 5, yếu tố kịch bản được đặt lên hàng đầu, mỗi cá nhân đều phải thể hiện hết khả năng của mình nhưng luôn nằm trong một tổng thể hài hoà, một sân khấu tổng hợp những kỹ thuật tinh tế nhất, hiện đại nhất. Tôi thích được tham gia một chương trình luôn mới lạ, độc đáo như DFS hơn là một màn trình diễn thành công trong một chương trình thời trang bình thường.

13 năm trong nghề thiết kế đã cho tôi nhiều cơ hội trình diễn, những buổi diễn trên sân khấu không xa lạ mới mẻ gì đối với tôi. Nhưng có thể nói, 13 năm với từng ấy lần xuất hiện trên các sân khấu tôi vẫn không cưỡng lại được mơ ước tham dự DFS, được đứng trong ekip thực hiện chương trình để thử nghiệm và khẳng định.

Nhà thiết kế Văn Thành Công: Bộ sưu tập “Phiêu diêu”

Dựa trên kịch bản rất độc đáo của chương trình là “Bí ẩn của linh hồn”, tôi đã sử dụng những chất liệu, hoa văn, màu sắc… huyền bí tạo nên cảm giác hư ảo cho người xem. 35 bộ đều mang một màu trắng tinh khiết trên chất liệu voan lụa trắng và oganza được trang trí bằng các họa tiết lập thể màu đen vừa đối lập, vừa hòa quyện. Bên cạnh đó, tôi cũng sử dụng phương pháp tỉa giấy trang trí rất thủ công làm điểm nhấn riêng, mới lạ cho bộ sưu tập lần này. Chính vì sự bay bổng lạ lùng ấy mà bộ sưu tập có tên là “Phiêu diêu”.

Tôi theo dõi DFS từ chương trình đầu đến nay nên khi nhận được lời mời, tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc. Có lẽ đây là lần trình diễn tạo nhiều áp lực nhất cho tôi khi tham gia bởi sự quy mô, tính chuyên nghiệp của DFS 5.
Ê kíp thực hiện chương trình đã hợp tác rất chặt chẽ và tôn trọng ý đồ của từng nhà thiết kế. Tôi rất hứng thú với những sáng tạo của họ, nhất là cách chọn địa điểm. Vì trong thời trang, không chỉ một yếu tố trang phục cá nhân là vẻ đẹp duy nhất mà không gian và hoàn cảnh cũng như khán giả chiêm ngưỡng cũng là những yếu tố rất quan trọng để tạo nên sự phấn khích, thăng hoa cho nhà thiết kế.

Một trong những điều thú vị khi tham gia DFS là tôi đã tìm thấy sự hòa hợp về ý tưởng trong những thiết kế đầy tính sáng tạo, táo bạo của các sản phẩm điện thoại di động thời trang, phong cách của Samsung như X830, E570, E830 và kiệt tác nghe nhìn LCD Bordeaux Plus mang đầy tính nghệ thuật với thiết kế trang nhã, hình ảnh chân thực. Tôi rất vui mừng khi được Samsung lựa chọn với vai trò như một “đại sứ thiện chí” cho những sản phẩm công nghệ của họ. Trong Đẹp Fashion Show lần này, những bộ trang phục của tôi sẽ xuất hiện song hành cùng với X830, E570, E830 như những đồ trang sức công nghệ cao không thể thiếu trong đời sống thẩm mỹ con người.

Tôi nghĩ có lẽ tất cả các nhà thiết kế Việt Nam đều mong muốn được tham dự DFS. Hy vọng DFS luôn mở rộng cánh cửa nghệ thuật và tạo điều kiện tốt nhất cho những gương mặt thiết kế trẻ Việt Nam phát triển tài năng và lòng yêu nghề của mình.

Thực hiện: depweb

05/04/2007, 17:25