Trò chơi không cần đồ chơi - Tạp chí Đẹp

Trò chơi không cần đồ chơi

Sống

Khám phá công dụng mới của những đồ vật quen

Dựng một tấm chăn để làm pháo đài và chơi với bé trong đó. Điều này cần rất nhiều trí tưởng tượng và có thể bạn sẽ mất cả một buổi chiều để chơi với bé, tuy nhiên, lợi ích mà bạn thu về thì không hề nhỏ chút nào. Hoặc bạn cũng có thể lật ngược chiếc bàn lên để giả vờ làm thuyền cho bé cùng chơi.

Hãy tận dụng tất cả những đồ vật trong nhà để đưa vào một trò chơi tưởng tượng. Bé có thể đặt lại tên cho các đồ vật, tạo cho chúng những công dụng mới. Càng chơi nhiều, não của bé càng được kích thích và có những sáng tạo tuyệt vời.

Làm ảnh nghệ thuật những ngày mưa

Thu lượm những vật dụng gia đình như nút bấm, các mảng giấy màu sắc, nắp chai, những chiếu hộp nhỏ. Cung cấp cho bé băng dính, keo dán và 1 mảnh bìa các – tông. Chỉ bằng đó thứ, bạn đã đủ để bé vui chơi và sáng tạo khi trời mưa, bé không ra ngoài được. Bé sẽ cắt dán và sáng tạo bức tranh nghệ thuật của riêng mình. Hãy khuyến khích bé nói về những thứ mình đang làm. Đặt các câu hỏi mở: “Đây là cái gì?”, “Con thích gì nhất trong bức tranh này?”, “Bức tranh này có thể thêm cái gì vào được nữa không?”. Hãy nhớ rằng, sáng tạo là cả một quá trình chứ không chỉ nằm ở sản phẩm cuối cùng. Hãy luôn động viên bé mạnh dạn nói ra và làm những thứ mình nghĩ.

Cùng bé tìm hiểu khi chờ đợi

Khoảng thời gian bé chời đợi trong văn phòng của nha sĩ hay trước bữa ăn trong nhà hàng rất thích hợp để chơi một số trò giả tưởng như:

+ Trò “Nếu”: Đặt giả thiết và hỏi bé xem điều gì sẽ xảy ra “Nếu mỗi gia đình có một chiếc tàu không gian?” hoặc “Bé sẽ xây nhà như thế nào nếu sống trên một hòn đảo nhiệt đới?”

+ Trò lựa chọn “Hoặc/hay là”: Bạn đưa ra một vài những sự lựa chọn khác nhau như: “Con thích sống trên sa mạc hay trên đỉnh núi?”, “Con thích thăm Bắc cực hay Đại dương”?. Hãy khuyến khích bé trả lời và sáng tạo ra nhiều câu hỏi.

+ Trò “Bào chữa tưởng tượng”: Đặt giả thiết một hôm nào đó, bạn không làm những công việc thường ngày của mình, hãy cùng bé tưởng tượng và đưa ra những lý do giải thích cho việc đó. Ví dụ: “Tôi không đi đổ rác được vì có con rắn độc ở sân sau”.

Không chỉ giúp bé phát huy tính sáng tạo và tư duy logic. Câu trả lời của bé có thể khiến chính bạn cũng phải thấy thú vị, ngạc nhiên và nhận ra đôi khi trẻ em còn thông minh hơn người lớn.

Vừa đi đường vừa chơi trò chơi

Bạn và bé về nhà từ những nơi quen thuộc như trường học, cửa hàng tạp hóa, hãy yêu cầu bé suy nghĩ tìm những cách khác nhau để về nhà. Điều này không chỉ đơn thuần là tìm một con đường khác mà nó còn giúp bé tưởng tượng, suy nghĩ nhiều khả năng xảy ra cho một tình huống cụ thể. Bạn có thể đặt những câu hỏi mở để gợi ý cho bé như: Con muốn đi bằng xe gì? Xe đạp, xe máy, ô tô hay thậm chí là máy bay trực thăng? Trả lời và bàn luận về những thức đó, bé sẽ được kích thích để sáng tạo và hào hứng với những ý tưởng của bản thân. Công việc sáng tạo chính là giúp bé tìm kiếm nhiều giải pháp cho một vấn đề, và đôi khi, chính những suy nghĩ kì dị tưởng như không thể lại trở thành những phát minh vĩ đại.

Lúc đi bộ về nhà cũng là cơ hội để bạn giúp bé xây dựng óc quan sát và trí tưởng tượng. Bạn có thể yêu cầu bé quan sát và chỉ ra năm thứ mới trên đoạn đường quen thuộc, năm thứ cần sửa chữa hoặc yêu cầu bé tả về năm thứ mà bạn và bé vừa đi qua. Khi đi qua những ngôi nhà, hãy cùng bé dự đoán xem ai đang sống trong nhà, một cặp vợ chồng lớn tuổi, những con mèo hay có những người ngoài hành tinh sống trong đó?

Tôn trọng nỗ lực sáng tạo của trẻ

Những gì bé cho là hấp dẫn chưa hẳn là điều người lớn cho là bổ ích và ngược lại, những gì bạn cho rằng đó thực sự là một bức tranh trừu tượng tuyệt vời thì đối với bé, đó chỉ là nhũng dải màu xanh đỏ vô vị. Nghiên cứu chỉ ra rằng con người sẽ sáng tạo hơn khi họ không bị áp lực về kết quả cuối cùng hay bị đánh giá như thế nào. Bởi thế, khi bé mang sản phẩm từ trường học về nhà hay làm những bức hình ở nhà để khoe với bạn, bạn không nên có phản ứng chê bai hay tỏ ra không hài lòng. Hãy hỏi tại sao bé lại thích những thứ đó, kiên nhẫn và chú ý lắng nghe. Điều này sẽ làm cho bé thấy thành qua lao động của mình được tôn trọng và sẽ có động lực để sáng tạo và cố gắng nhiều hơn.

Theo Sức khỏe Gia đình

Thực hiện: depweb

04/10/2012, 15:49