Trịnh Hội - Lòng tôi chưa bình an - Tạp chí Đẹp

Trịnh Hội – Lòng tôi chưa bình an

Bộ Sưu Tập

Nói gì thì nói, cuộc hôn nhân với Nguyễn Cao Kỳ Duyên chính là cánh cửa đưa Trịnh Hội ra “ánh sáng”. Đám cưới bên bờ biển đẹp như mơ, hạnh phúc được coi là ngọt ngào bất chấp sự chênh lệch tuổi tác và nhiều điều khác nữa cũng không khỏi để người ta có những dự cảm bất an mơ hồ.

Rồi họ ly hôn, chấm dứt những bàn cãi còn chưa hết về đám cưới, và mở ra những xôn xao về sự chấm dứt quá bất ngờ. Họ biết cách im lặng. Mỗi người chọn một cách im lặng riêng cho những dấu hỏi của quá nhiều người biết họ.

“Tôi thích phụ nữ có lòng trắc ẩn”

Trịnh Hội – người đàn ông hôm nay có một tuổi thơ thế nào? Ai là người đã ảnh hưởng nhiều nhất đến suy nghĩ của anh, sự trưởng thành của anh?

Có thể nói tuổi thơ của tôi có khá nhiều biến động. Gia đình bị ly tán, ba phải đi học tập cải tạo, cả nhà có một thời gian từ Sài Gòn phải về Phú Quốc sinh sống trước lúc quay trở lại Sài Gòn và sau đó sang Úc định cư khi tôi vừa tròn 14 tuổi. Từ nhỏ cho đến thời điểm vào đại học tôi chỉ ở gần mẹ nên mẹ là người tôi chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Sau này tôi có dịp đi làm ở Hồng Kông và đã học được rất nhiều từ người luật sư Anh nổi tiếng: Bà Pam Baker – một người đàn bà rất cứng rắn, thẳng thắn nhưng cũng rất nhân hậu và luôn sẵn sàng đứng lên bênh vực cho lẽ phải, sự công bình và những kẻ yếu thế.

Tôi tò mò về cái tên Trịnh Hội, nó có ý nghĩa gì vậy?

Ba tôi tên Trịnh Chỉnh, ông Nội tên Trịnh Nghiêm. Ba mẹ tôi đều là nhà giáo, gặp nhau ở một buổi họp nên đặt cho tôi cái tên “Hội” để ghi nhận lại kỷ niệm ấy. Tôi có ý định là mai này nếu có con trai, tôi sẽ đặt cho nó cái tên Hè để vừa nghe xong cả tên lẫn họ là thích liền: Trịnh Nghiêm Chỉnh Hội Hè! Bạn thấy có được không?

Nghe nói anh có con nuôi? Anh kỳ vọng gì vào con cái mình, sau này?

Trước đây tôi không nghĩ có con là điều quan trọng. Có lẽ lúc ấy mình còn ham vui nên thích có một cuộc sống tự do, thoải mái và không bị bó buộc vào bất cứ vướng bận gì. Nhưng thời gian sau này, tôi nhận thấy có sự thay đổi trong cách suy nghĩ của mình và cảm thấy rất thích có con.

Đây là một bản năng tự nhiên, nó đến và tôi cảm thấy rất khó để giải thích vì thật sự mà nói ở trên đời này, chúng ta cần có nhiều cha mẹ để nuôi dưỡng những đứa trẻ lạc loài hơn là sinh ra thêm các đứa trẻ khác. Nếu có dịp, tôi cũng sẽ tiếp tục nhận con nuôi. Mười năm về trước, lúc tôi còn làm trong các trại tị nạn ở Philippines, tôi đã có nhận làm cha đỡ đầu hai bé, một bé trai tên Minh 4 tuổi và một bé gái tên My 5 tuổi, lúc cha bé tự tử và mẹ bé gặp nhiều khó khăn.

Trịnh Hội về Việt Nam làm phim, qua Bhutan dự lễ lên ngôi của ông hoàng là bạn anh, trở về Úc, sang Mỹ… – Những chuyến đi có thể là tình cờ, có thể công việc hoặc cũng có thể là… chạy trốn. Toàn là phỏng đoán cho đến khi tôi “chụp” được anh, để phần nào giải mã người đàn ông đẹp trai này, là ai? 

Sau này, tôi đã bảo lãnh cả 3 mẹ con sang Úc và hiện các bé đang theo học trung học ở Melbourne. Thật ra tôi cũng không đặt nhiều kỳ vọng gì ở hai bé, hay sau này, nếu tôi có con đẻ. Điều tôi mong mỏi nhất là các bé sẽ trở thành những người hữu dụng trong xã hội và chọn được những lối đi riêng cho mình bất kể là ở lãnh vực nào.

Nhưng trước khi kết hôn, Trịnh Hội là một người đàn ông như thế nào nhỉ? Những sở thích, thói quen và sự chú ý của anh đến người khác phái ra sao?

Trước hay sau khi kết hôn và ngay cả hiện tại, tôi luôn là một thằng con trai, đàn ông… bình thường như mọi thằng đàn ông khác. Thường tôi thích chơi thể thao (tennis, bơi), đọc sách, báo (nhất là vào buổi sáng cuối tuần), đi du lịch và nhất là đi làm ở những nơi xa lạ, khác người. Bởi thế đối với người khác phái tôi cũng thích những người như vậy: có cá tính đặc biệt, tự nhiên, tự tin, tự lập và quan trọng nhất là có nhiều lòng trắc ẩn.

Người phụ nữ nào chẳng giàu lòng trắc ẩn! Cái đó dường như là bản năng thiên phú, trong một số “ca” đã gặp, anh tìm thấy tín hiệu của sự trắc ẩn như thế nào?

Tôi không tin là vậy. Mỗi người mỗi khác. Có người chỉ có một chút lòng trắc ẩn nhưng rất giỏi giang trong công việc nội trợ. Tôi không cần một người như vậy. Tôi thích và muốn có được một người vợ có nhiều lòng trắc ẩn và cảm thông với những người kém may mắn hơn mình, hoặc vì một lý do nào đó họ đang gặp khó khăn, bị xua đuổi.

Riêng đối với bản thân tôi, tôi nghĩ là để làm một người đàn ông đúng nghĩa bạn phải có ít nhất 3 yếu tố đó là: Nhân, Trí, Dũng. Chữ Nhân luôn phải là chữ đi đầu. Sau đó mới cần đến Trí và Dũng đứng hạng chót.

Thế còn mối tình đầu tiên trong đời anh? Là khi anh bao nhiêu tuổi?

Lúc ấy hình như cả hai chỉ vừa sắp tròn 16 tuổi nên một nụ hôn cũng chẳng dám trao. Lần đầu tiên tỏ tình, tôi chỉ dám nắm tay thôi nhưng tim thì đã đập loạn xà ngầu. Nàng rất đẹp, rất lãng mạn, nhưng cũng rất đa tình. Và vì thế chỉ sau vài tháng nàng đã bỏ tôi một cái rụp!

“Sự im lặng đến từ lòng tự trọng”

Rồi khi kết hôn, anh làm thế nào để thích nghi với cuộc sống gia đình? Có những tính cách nào phải kiềm nén xuống, những thói quen mới nào hình thành ở Trịnh Hội?

Nói thật tôi không muốn nhắc nhiều đến quá khứ, nhất là trong thời điểm này. Tôi chỉ có thể trả lời là tôi cũng giống như mọi người, sự tự do, dung túng của một kẻ độc thân đã phải kiềm nén xuống và thay vào đó là đời sống gia đình và sự học hỏi một số thói quen của người Bắc vì gia đình tôi rặt gốc Sài Gòn và tôi lại sống tự lập từ khi ra trường, ở chung với các bạn bè Úc, Mỹ nên tôi chẳng biết gì nhiều về các lễ nghi, tập quán, thói quen của người Bắc cho đến khi kết hôn.

Người Bắc có đặc điểm gì khác với người Sài Gòn vậy, theo anh?

Theo tôi sự khác biệt lớn nhất giữa người Nam và người Bắc là cách nói chuyện và trình bày, hành xử vấn đề. Người Bắc thường không nói ra hết những gì họ đang suy nghĩ như người Nam. Dĩ nhiên ở đây tôi chỉ có thể nói chung chung mà thôi vì mỗi người mỗi khác.

Nhưng tôi có cảm giác họ “giữ kẽ” nhiều hơn, xã giao nhiều hơn (nếu không muốn nói là giỏi giao tiếp hơn!), ưa bóng bẩy, gián tiếp nhiều hơn, và hình như là khen nhiều hơn người Nam (mặc dù chưa chắc đấy thật sự là những gì họ nghĩ!). Tôi nói ra như thế này không biết là có đụng chạm đến ai không nhưng đấy thật sự là những gì chính tôi đã trải qua và nhận thấy sau một thời gian dài làm việc và chung đụng với người Bắc, ở Việt Nam lẫn cả ở hải ngoại.

Trong gia đình, ở Mỹ, người đàn ông thường phải làm những việc gì? Nó có khác với vị trí của người đàn ông Việt Nam ở Việt Nam không? Anh thì sao?

Nói chung thì có khác một chút nhưng không nhiều, nhất là đối với thế hệ của chúng tôi. Ở Mỹ, ở Úc hay ở ngay cả Việt Nam tôi thấy cũng có nhiều người đàn ông vào bếp giúp vợ con lau nhà, rửa chén. Tôi cũng không là một ngoại lệ. Nhưng dĩ nhiên nói chung thì làm đàn ông ở Việt Nam sướng hơn ở Mỹ vì ở bên này đàn bà là thứ nhất. Thứ hai là thú vật. Sau đó mới tới đàn ông.

Là con rể trong gia đình ông Nguyễn Cao Kỳ, anh có thoải mái không?

Lúc còn là con rể thì rất là thoải mái. Tôi rất thương và kính mẹ Đặng Tuyết Mai, người mà tôi vẫn và sẽ luôn gọi là mẹ. Bà là một người có rất nhiều sự từ tâm, luôn nghĩ đến gia đình, con cái và tuy là dân học trường Pháp và đã trải qua rất nhiều sóng gió trong đời nhưng vẫn còn rất Việt Nam, sống rất có tình có nghĩa, quý phái nhưng thân thiện, sang trọng nhưng gần gũi.

Đối với người giúp việc, ngày xưa cũng thế, bây giờ cũng thế. Bà xem họ như người trong nhà, luôn nhẹ nhàng chia sẻ và không cho họ có cảm giác là họ đang ở thế thấp hơn bà. Trong cuộc sống tôi nghĩ chúng ta có thể đánh giá một con người lúc họ đối xử với một người khác dù người đó chẳng giúp được gì nhiều cho họ.

Lúc đó tôi nghĩ chúng ta mới biết thật sự họ là ai và bản chất của họ thế nào. Riêng đối với bố Nguyễn Cao Kỳ thì tôi không gặp nhiều cũng không có dịp sống gần nên không có hình dung rõ nét.

Có dự cảm nào về sự đổ vỡ không? Ngay cả khi người ta đang hạnh phúc nhất?

Cho tôi xin tạm miễn trả lời câu hỏi này. Có hay không có dự cảm thì gương đã vỡ, tình đã phai, nhắc lại để làm gì? Khi chúng ta đang hạnh phúc nhất có mấy ai có dự cảm về sự đổ vỡ, chia ly? Tôi là người có một cuộc sống và cái nhìn khá lạc quan nên vì vậy nó thường chẳng giúp được gì nhiều cho tôi trong vấn đề này.

Câu hỏi này chờ đợi một câu trả có thể khái quát hóa hơn là chờ đợi anh trả lời về chính cuộc hôn nhân của mình?
(Im lặng)

Anh có nhớ thời điểm nào chữ “ly hôn” đột nhiên xuất hiện giữa vợ chồng anh không? Cảm giác của anh khi đó?

Cũng như câu trả lời trên, rất tiếc là trong thời điểm này tôi không thể nào nói khác đi được. Nếu trả lời, tôi muốn câu trả lời của mình phải đầy đủ và thành thật. Còn nếu không thì im lặng là tốt nhất.

Sự im lặng này đến từ sự cẩn trọng của một luật sư hay sự tổn thương (phải có chứ, dù ít hay nhiều) từ một người đàn ông vừa đổ vỡ? Khi đau đớn nhất, anh làm gì?

Sự im lặng đơn giản đến từ lòng tự trọng của riêng mình và cho mình. Những gì của quá khứ nên trả lại cho quá khứ. Có những việc chỉ cần chia sẻ với những người thân là đủ, không cần phải giãi bày với thiên hạ. Việc tư ra việc tư, việc công ra việc công.

Đấy là câu châm ngôn của tôi. Còn khi đau đớn ư? Cũng như nhiều người, khi bị té đau tôi thường… khóc trước, than thân trách phận với đời, với các bạn bè thân thiết nhưng sau đó thì ráng đứng dậy để đi tiếp. Đâu còn cách nào khác, phải không?

   


“Bình an 100% thì chưa”

Ý nghĩa của hạnh phúc với anh có “biến màu” theo hoàn cảnh sống và độ tuổi?

Nói chung thì cũng không có khác nhiều. Ngày xưa đối với tôi, sống độc thân, có dịp đi đó đây làm được những việc hay cho mình và cho đời là hạnh phúc nhất. Bây giờ thì có lẽ nó… cũng vậy. Có khác chăng là đôi khi tôi cũng nghĩ nếu như có ai yêu thương mình, muốn lấy mình làm chồng và chịu sinh cho mình một hai đứa con thì chắc cũng hạnh phúc lắm!

Bây giờ, đã chia tay Kỳ Duyên được một khoảng thời gian đủ dài, hay chưa dài với anh? Anh đã thấy lòng bình an chưa?

Cũng khó mà nói thế nào là đủ dài hay chưa đủ. Nếu hỏi lòng tôi đã bình an 100% chưa thì có thể câu trả lời sẽ là chưa. Nhưng thành tâm mà nói nó đã bình an hơn rất nhiều so với năm 2008.

Anh có bị cảm giác “sợ hãi” khi nghe nhắc tên hoặc thậm chí là phải gặp lại người cũ vì mình đã đau đớn quá không?

Câu trả lời ngắn gọn là không. Thỉnh thoảng tôi và Kỳ Duyên vẫn liên lạc với nhau và thời gian vừa qua chúng tôi cũng vừa làm việc chung với nhau qua chương trình Thúy Nga “Dancing with the Stars”. Một khi DVD được phát hành, các bạn thử tìm xem lúc tôi cùng đứng trên sân khấu với Kỳ Duyên, thấy tôi có bị “sợ hãi” lắm không?

Anh là một luật sư, nhưng anh cũng tham gia văn nghệ khi trở thành một MC hoặc diễn viên điện ảnh… Anh làm những việc đó để mưu sinh hay đơn giản, vì đam mê?

Tôi đã từng làm luật sư thiện nguyện ở Hông Kông và Philippines gần 10 năm nên chắc chắn nó là một sự đam mê mãnh liệt. Riêng việc làm MC hoặc diễn viên điện ảnh thì lại càng không phải là một việc làm để mưu sinh vì nó không làm ra được nhiều tiền cho lắm, nhất là ở Việt Nam.

Tôi thích làm MC và đóng phim đơn giản là vì tôi thích văn nghệ, thích học hỏi những điều mới lạ và nhất là cảm thấy rất vui khi có dịp được làm việc chung với các anh chị em nghệ sĩ, nhất là với các thế hệ đi trước.

Anh thích diễn viên nào nhất và nhân vật nào trong phim ảnh thế giới cho anh ước mơ được đóng vai đó?

Bên nam có lẽ tôi thích nhất là Anthony Hopkins, Sean Penn. Bên nữ thì chắc chắn phải có mặt của Meryl Streep, Julia Roberts. Riêng về nhân vật thì chắc có lẽ tôi phải chọn điệp viên James Bond 007 vì nó hoàn toàn chẳng giống tôi một tí ti nào và vì vậy vào được một vai như vậy chắc phải vui và khác lạ lắm lắm!

“Buồn: khóc. Cảm động: khóc. Thế mới chết!”

Tại sao anh đồng ý đóng phim “14 ngày phép”? Khi đọc kịch bản, anh nghĩ gì?

Đơn giản là vì tôi muốn thử sức của mình và được mời. Đâu phải ngày nào tôi cũng được chọn để đóng vai chánh, có phải không? Đấy vừa là một sự may mắn, vừa là một sự thách thức, mà tôi không ngờ là nó đã đến với tôi quá tình cờ và nhanh chóng như vậy. Sau khi đọc xong kịch bản, điều đầu tiên tôi cảm nhận là thấy ở Dũng có một vài điều giống tôi. Hơi ngố ngố, cù lần, dễ tin người và yêu thiên nhiên, đất nước.

Người ngố ngố, cù lần hình như thường dễ bị lợi dụng và đôi khi bị trả giá?

Cùng một sự việc, nếu một người khác nhìn vào có thể cho là tôi bị lợi dụng. Nhưng riêng tôi thì không. Ở đời đã có vay là sẽ có trả. Trả giá cho hôm nay để có được một bài học nhớ đời thì tại sao không? Có một điều tôi khá giống Dũng là rất cả tin.

Ai bảo vậy là tôi tin vậy, không chất vấn, đặt vấn đề cho đến khi được cho biết sự thật. Lúc ấy mới té ngửa, à, thì ra mình vừa mới bị gạt! Cũng đau lắm chứ nhưng biết làm sao bây chừ? Lỡ sinh ra như vậy rồi, đâu còn cách nào để chữa!

Anh có đồng tình với hành động và suy nghĩ của nhân vật anh đóng trong “14 ngày phép”?

Cái này cũng tùy. Trong phim Dũng có rất nhiều hành động và suy nghĩ khác với những thằng con trai khác, trong đó có tôi. Phim mà! Nhưng ngược lại cũng có những phân đoạn tôi rất thích cách suy nghĩ của Dũng và ước gì mình cũng có cảm nghĩ như thế: những xúc cảm của Dũng lúc máy bay sắp đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, lúc anh về Sóc Trăng thăm gia đình của Thảo, và lúc hai người cùng lắng nghe lời hát của người vợ hát cho chồng nghe trước lúc chia tay…

Dường như nhân vật đó có đôi nét giống anh, vì bạn bè anh kể rằng, anh không biết uống rượu, nhậu nhẹt và đến vũ trường thì gọi một lon Coke?

Đúng là tôi không biết hút thuốc hoặc uống rượu và mỗi khi đi club thì chỉ biết uống nước ngọt. Cũng đúng là Dũng có đôi nét giống tôi. Nhưng thành thật mà nói thì không chỉ riêng tôi mà ngay cả đạo diễn Khoa hay nhà sản xuất Jimmy thì ai cũng thấy có một phần của mình trong nhân vật Dũng. Là những người xa quê hương từ nhỏ và lớn lên ở nước ngoài, tôi nghĩ ai mới về Việt Nam lần đầu cũng có những cảm giác khá khù khờ, khác biệt đó.

Bây giờ, Trịnh Hội sống thế nào? Một ngày của anh? Anh thường làm gì vào buổi sáng và trước khi đi ngủ?

Cuộc sống của tôi nay đây mai đó, nhất là trong những ngày tháng vừa qua nên không ngày nào giống ngày nào. Năm 2009 tôi đã quyết định là năm tôi cần phải “dưỡng thương”, làm ít nghĩ nhiều, nhìn lại những gì mình đã trải qua để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Vì vậy từ đầu năm đến giờ tôi đã đi du lịch và đi làm sang khá nhiều nước trên thế giới như Bhutan, Laos, Cambodia, Thailand, Úc, Anh, và cả vùng Trung Âu. Cũng như tiếp tục làm MC trong các chương trình văn nghệ ở hải ngoại và thỉnh thoảng viết báo.

Dự định sắp tới của anh là gì? Với nghệ thuật, anh còn muốn tham dự vào cuộc chơi này nữa không?

Tôi cũng có một vài dự tính nhưng không biết có làm được hay không nên cũng khó nói. Từ lúc ra trường cho đến bây giờ, đây là lần đầu tiên tôi không bị bó buộc vào bất cứ vấn đề hoặc công việc gì nên cũng thích được bay nhảy cho đến cuối năm trước khi đi tìm một nơi để mình dừng chân nương tựa và định cư một thời gian dài.

Với nghệ thuật tôi mong là mình sẽ được tiếp tục tham dự vào cuộc chơi cho đến khi nào không còn ai muốn mời tôi trình diễn nữa.

Có bao giờ Trịnh Hội khóc? Tại sao?

Điều này là dĩ nhiên rồi. Lúc nhỏ ở nhà tôi có biệt danh là “mít ướt” vì tôi rất dễ bị mủi lòng. Chưa bị đòn nhưng tôi đã lo khóc trước. Khi buồn tôi khóc. Những lúc xem phim nào quá hay, hoặc quá cảm động tôi cũng khóc. Thế mới chết chứ. Có ai biết cách làm sao để bớt khóc không?

Ducky CK (thực hiện)

Thực hiện: depweb

08/06/2009, 17:22