Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Festival nghề truyền thống Huế 2023, không gian Triển lãm “Thiết kế thủ công sáng tạo” đã thu hút 17 cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà thiết kế với những sản phẩm thủ công độc bản, mang tính sáng tạo, ứng dụng cao.
Diễn ra từ 28/4 – 5/5/2023, Triển lãm Thiết kế thủ công sáng tạo thủ công đã thu hút sự quan tâm của công chúng cùng hàng ngàn lượt khách thăm quan. Sự kiện được tổ chức nhằm tôn vinh các nghệ nhân có những sáng tạo đột phá mang tính ứng dụng, làm mới các sản phẩm, đề cao tính truyền thống gắn với hội nhập và phát triển.
Đến với triển lãm, du khách không chỉ ấn tượng với không gian được thiết kế sang trọng và hiện đại mà còn “mãn nhãn” với những sản phẩm nghệ thuật có tính ứng dụng cao. Các tác phẩm được sản xuất bởi sự kết hợp kỹ thuật giữa truyền thống và hiện đại, thông qua sự sáng tạo của các nghệ nhân, họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế trong cả nước đã đem đến cho khách tham quan những trải nghiệm sâu sắc.
Tại triển lãm, những loại hình nghệ thuật tưởng chừng bị thất truyền đã được phục dựng lại vô cùng ấn tượng. Trong đó phải kể tới các sản phẩm bằng nghệ thuật pháp lam của nghệ nhân Đỗ Hữu Triết. Tác giả cho biết, pháp lam Huế là kỹ thuật tráng men màu thủy tinh trên kim loại, bắt nguồn từ châu Âu, sang Trung Quốc và du nhập vào Việt Nam từ thời vua Minh Mạng (1820-1841), được sử dụng rất nhiều trong trang trí nội ngoại thất cho các cung điện ở Huế. Đỗ Hữu Triết cũng chính là nghệ nhân mang tới ngọn lửa đặc biệt được thực hiện bằng kỹ thuật kính pháp lam trong suốt hiện đại, sử dụng trong đêm Khai mạc và Bế mạc Festival Nghề truyền thống Huế.
Đặc biệt, trong không gian triển lãm này, ban tổ chức đã triển khai thiết lập kỷ lục thế giới với tác phẩm “Bản đồ Việt Nam” bằng tăm do Kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long – một người con của xứ Huế thực hiện.
Nghệ nhân Lê Ngọc Thuận (Quảng Nam) cũng mang đến triển lãm với 4 tác phẩm “Làng củi lũ” được làm từ gỗ vớt trên sông Thu Bồn (Quảng Nam) trong các đợt lũ. Qua tác phẩm của mình, anh muốn truyền tải thông điệp đến với mọi người hãy bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, thay đổi cách nhìn nhận một sản phẩm và tư duy sáng tạo cho làng nghề.
Bên cạnh đó, tại triển lãm cũng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật độc đáo và ấn tượng khác như: bộ gốm mỹ thuật và sản phẩm gốm ứng dụng, gốm đương đại của Lê Huy, Nguyễn Thị Thu Thủy, Hà Thị Vinh, Ngô Thị Nhung, Giao Nguyễn; nghệ phẩm trúc chỉ của Phan Hải Bằng, sản phẩm đậu bạc của Hồng Hạnh, áo dài của Đặng Viết Bảo, tranh ghép vải của Lê Việt Cường, giày thời trang kết hợp với nghệ thuật truyền thống của Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, các sản phẩm được ứng dụng từ tre của TreviBike và Trần Xuân Hiến…
Ban Tổ chức hy vọng, ngoài việc thưởng ngoạn các sản phẩm được trưng bày tại đây, công chúng và khách tham quan còn được giao lưu, tương tác và trực tiếp trao đổi với các nghệ nhân, họa sĩ, kiến trúc sư và nhà thiết kế liên quan đến các vấn đề đổi mới, sáng tạo để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.
Tham dự triển lãm, Đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) bày tỏ vinh dự khi được đồng hành và góp phần vào thành công của triển lãm Thiết kế thủ công sáng tạo “Triển lãm đã mang lại cơ hội kết nối cho SASCO SHOP, hệ thống cửa hàng bán lẻ hoạt động 30 năm tại Sân bay với các làng nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… để cùng đưa các sản phẩm thủ công sáng tạo độc đáo Việt Nam đến với hàng chục triệu lượt du khách mỗi năm tại cửa ngõ sân bay TSN”, đại diện nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong khuôn khổ “Triển lãm thiết kế thủ công sáng tạo”, chương trình Creative Talk với chủ đề “Sáng tạo để bảo tồn nghề truyền thống” cũng được tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh, cũng như sáng tạo sản phẩm dựa trên nghề truyền thống, từ các diễn giả có uy tín trong ngành thủ công sáng tạo của Huế và trong nước. Đối với mỗi họa sĩ, nghệ nhân mỗi tác phẩm tạo ra không chỉ là thành quả của sự sáng tạo, mà đó còn là sự trăn trở về việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống. Điển hình như câu chuyện của nghệ sĩ Phan Hải Bằng, nghệ thuật trúc chỉ không chỉ là giấy làm từ tre mà đó còn là các nghệ thuật đồ họa. Giấy trong nghệ thuật của Phan Hải Bằng được khai thác hầu hết các nguyên liệu xơ sợi sẵn có từ rơm, tre, mía, chuối, bèo, bắp, dứa, dâu, lá, cỏ… Trúc chỉ đưa giấy từ một chất liệu nền thuần túy trở thành một nghệ thuật, có thể đối thoại với những phương tiện kỹ thuật được thi triển trên nó, để hình thành những tác phẩm độc đáo, nhiều tầng ý nghĩa cả về thị giác lẫn nội dung chuyển tải.