“Sau lớp hoá trang” là triển lãm cố định đầu tiên về nghệ thuật Tuồng được thực hiện với mong muốn nâng cao nhận thức của khán giả trong nước cũng như giới thiệu với du khách nước ngoài về nghệ thuật sân khấu Tuồng, một nét văn hoá cổ truyền Việt Nam đang dần mai một trong xã hội hiện đại.
Nghệ thuật trang điểm khuôn mặt có lẽ là khía cạnh đặc trưng và nổi bật nhất trong biểu diễn Tuồng, nhưng không phải là tất cả. Vì vậy, triển lãm “Sau lớp hoá trang” giúp nhìn xa hơn những chi tiết vẽ mặt để tìm thấy những nét độc đáo khác của loại hình nghệ thuật sân khấu lâu đời.
Với lịch sử xấp xỉ 800 năm, Tuồng đã từng bước phát triển và hoàn thiện các khâu từ hoá trang, và trang phục, đạo cụ đến âm nhạc. Xuyên suốt quá trình ấy, Nhà hát Tuồng Việt Nam đóng góp một phần không nhỏ trong cố gắng gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này của dân tộc.
Nhằm đem đến cho khán giả một cái nhìn tổng quan về nghệ thuật Tuồng, triển lãm được chia thành 4 không gian trưng bày chính. Phòng truyền thống giới thiệu khái quát về lịch sử lâu đời của Tuồng, bao gồm những danh nhân có công phát triển môn nghệ thuật này và những cuốn kịch bản Tuồng cổ viết bằng chữ Nôm.
Khu triển lãm về nghệ thuật hoá trang trưng bày hơn 30 chiếc mặt nạ phỏng theo các nhân vật Tuồng kinh điển như Triệu Khuông Dẫn trong Nữ tướng Đào Tam Xuân hay Khương Linh Tá trong Sơn Hậu.
Không gian triển lãm tại tầng hai giới thiệu trang phục và nhạc cụ sử dụng trong biểu diễn Tuồng. Bên cạnh đó, triển lãm trưng bày hơn mười nhạc cụ thường thấy trong các sân khấu Tuồng đương đại.