Giao tích văn hóa Ấn Độ diễn ra liên tục tại Việt Nam hơn 2000 năm qua. Trong nghệ thuật điều đó là kết tinh chói sáng trong nghệ thuật Phật giáo, Ấn Giáo ở hai vương quốc Champa Chân Lạp còn sống động với những di sản đền tháp và điêu khắc tuyệt mỹ ở Miền Trung. Với nhiều người ở thành phố, triển lãm “Kết nối – Việt Nam Ấn Độ” này là cơ hội để được tiếp xúc với nghệ thuật đương đại từ đất nước xa xôi mà rất gần gũi ấy.
Ba họa sĩ lão thành là ba nhân cách nghệ sĩ vững chãi, độc đáo với bút pháp điêu luyện. Jang s. Verman (1954) với nội lực tâm linh thâm hậu và hành vi biểu đạt tạo hình trực cảm mạnh mẽ để lại những dấu vết thị giác tinh lọc trên mặt tranh. Prabhinder Lall (1955) dấn sâu vào những đối lập hình nét trừu tượng lý tính rạch ròi với sắc độ màu và mảng biểu cảm mông lung lắng đọng khi thể hiện những mâu thuẫn nhân văn của đô hị hóa và công nghiệp hóa. Sankarin Mitra (1959) làm hiển thị bằng thứ hội họa biểu hiện-tượng trưng những xúc cảm của người mẹ thiên nhiên nguyên thủy,dâng hiến cái tính nữ như một bản nguyên của đời sống trần gian có thể đầy khoái lạc và vô vọng.
Những kết nối thẩm mỹ nhân văn rất ngẫu nhiên ẩn dấu dưới bề mặt các tác phẩm khiến triển lãm trở thành một thể thống nhất (hiếm có ở các triển lãm giao lưu kiểu này) một sự kiện độc đáo không thể bỏ qua, một món quà nghệ thuật quý giá giành cho thành phố Hồ Chí Minh.