Tôi làm việc với Trí từ liveshow “Nhật Thực” tại TP.HCM. Trí lúc đó đang được để ý vì bộ sưu tập được giải đặc biệt của cuộc thi Fashion Connections Singapore, chưa có gì trong tay nhưng chăm chỉ và đầy tham vọng. Trí đề nghị làm trang phục cho “Nhật Thực” và làm việc rất trách nhiệm. Cái gì rơi vào tay Trí cũng thành thời trang, từ quần áo, thiết kế đồ họa đến nội thất. Cảm nhận đầu tiên của tôi về Trí là thông minh, nhạy cảm và có ý chí.
Tôi biết chị vẫn giữ vài bộ đồ cách đây vài năm do Trí thiết kế cho liveshow của chị. Tại sao vậy?
Có hai yếu tố cơ bản trong thẩm mỹ ăn mặc của tôi: một là mặc những trang phục mang tính thời đại, hợp mốt, như khoác lên người lịch sử đời sống; hai là mặc đồ mang tính tiên phong. Ở phương Tây đang thịnh hành phong trào sưu tập đồ vintage, tức là những trang phục từ thập kỷ 90 trở về trước. Thời trang lúc đó chưa nhuốm màu công nghiệp hóa, chủ yếu là thiết kế và may tay. Điểm ăn tiền của đồ vintage là độ bền, họa tiết tuyệt đẹp và mỗi tấm áo đều mang hơi thở riêng. So sánh với nhiều thương hiệu bây giờ, mua mắc tiền mà trông vẫn dại dại vì làm hàng loạt, thì đồ vintage có hồn hơn nhiều. Những trang phục tôi giữ lại của Công Trí là từ dạo tự vẽ kiểu, tự làm, có cá tính riêng nên bền bỉ gần 10 năm nay vẫn đẹp và đáng để giữ.
Trong những bộ đồ ấy, cá tính thuộc về người may hay người mặc?
Người may và người mẫu phải gặp nhau ở một điểm cơ bản: mặc lên có đẹp hay không. Nếu mặc đẹp thì là đúng đồ đúng người.
Chính Công Trí mong chờ ở chị một nhận xét thực lòng về sản phẩm và cách làm việc của anh ấy?
Xét về chiều dài sự nghiệp thì tôi thấy Trí thành công trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu hơn là thiết kế. KIN của Trí đạt tiêu chuẩn công nghiệp: Giới showbiz ưa chuộng, ai mặc cũng đẹp, giá cả ngang với đồ hiệu. Với vị trí hiện tại, Trí thừa sức khai thác mình hơn, làm những dự án đặc trưng Công Trí song song với việc xây dựng hình ảnh khách hàng. Đấy là thiển ý của tôi.
Gần đây, Trí tạo trang phục cho Hồ Ngọc Hà trở thành một “fashion icon” (biểu tượng thời trang). Xu hướng nghệ sĩ và nhà thiết kế song hành ở Việt Nam tất yếu đã phải xảy ra, như những gì đã có với Madonna, Beyonce hay Lady Gaga?
Không chỉ gần đây mà muôn thuở ngành giải trí thế giới các tên tuổi lớn luôn gắn liền với một người hay một nhóm thiết kế hình ảnh, chẳng hạn sự hợp tác giữa Bjork và Alexander McQueen, Madonna với Jean Paul Gaultier, Beyonce với Thierry Mugler… Trong đó, tính thời thượng của thiết kế song hành tuyệt hảo với cá tính nhân vật đem lại thành công lớn cho cả đôi bên. Trí thành công với Hà Hồ, Tùng Dương… và như tôi đã nói, làm đẹp cho nhiều người nhưng lại có vẻ hơi giống nhau. Tôi thấy nhiều bộ Phương Vy mặc cũng giống Hà Hồ, và nhiều đồ của Hồ Quỳnh Hương lại giống Thanh Thảo. Tôi không rõ là do thiết kế hay do yêu cầu ca sĩ?
Ca sĩ – nhà thiết kế, nên dung hòa nhau như thế nào?
Một ca sĩ tìm đến nhà thiết kế chắc chắn vì thích sản phẩm của anh ta. Một nhà thiết kế hợp tác với ca sĩ thì mệt hơn, cần tìm hiểu gu thẩm mỹ và âm nhạc của nhân vật, lấy cảm hứng từ nhân vật để đưa vào sáng tạo hình ảnh. Nếu ca sĩ không có thẩm mỹ, âm nhạc nhạt nhòa thì chỉ trông chờ vào tài nhào nặn của của nhà thiết kế. Tôi thấy trường hợp này là chủ yếu. Sự hợp tác thành công hai chiều chỉ khi ca sĩ có khả năng truyền cảm hứng sáng tạo cộng hưởng với bản lĩnh nhà thiết kế.
Như một người bạn, chị nhận xét gì về con người và công việc của Trí?
Biết Trí từ những ngày đầu tiên tôi không hoài nghi cậu ấy sẽ thành công như bây giờ. Tính trách nhiệm, khả năng điều hành người và việc, sự khôn ngoan nói đúng lúc làm đúng chỗ là ưu điểm vượt trội ở Trí. Hai liveshow của
tôi tại Sài Gòn, Trí giúp về trang phục và đến tận sân khấu phục sức cho tôi từ đầu đến cuối, cẩn thận dặn dò tôi cảm ơn những người khác, không câu nệ tôi có nhắc tên cậu ấy trên sân khấu hay không. Trí với tôi luôn luôn ân cần, chu đáo.
Chắc cậu ấy không hề biết, tôi nhớ đến Trí đôi khi vì những ân tình nho nhỏ nhiều hơn cả những trang phục tôi đã mặc.
Tôi không hiểu rõ những khó khăn của người làm thời trang để nhận xét khách quan về Trí. Trí thành công với thiết kế an toàn, khôn ngoan, bán sự sang trọng cho thương hiệu là một lựa chọn tỉnh táo. Nếu hỏi, tôi sẽ góp ý Trí tạo dựng một dòng sản phẩm trang phục may sẵn cho nam giới, chất liệu vải tốt, phù hợp môi trường, kiểu dáng đơn giản, hiện đại. Đưa kiểu phục sức của Trí vào kinh doanh tại sao không nhỉ?
Tôi vẫn còn nhớ, khi chuẩn bị cho cuộc thi, Công Trí hỏi tôi rất kỹ lưỡng về những yêu cầu của cuộc thi và sở thích cá nhân của tôi. Khi các thí sinh gặp nhau, rất nhiều người hỏi đồ của tôi mang hiệu gì. Tôi nói đó là đồ hiệu nổi tiếng ở Việt Nam và nhà thiết kế này đã thiết kế riêng cho tôi để đến với cuộc thi. Đa phần, các thí sinh khác mua đồ hiệu có tiếng trên thế giới nên họ rất thích những bộ trang phục của tôi, bởi chúng không nằm trong bộ sưu tập của nhà mốt nào trên thế giới, không giống ai nhưng vẫn mang những yếu tố thời trang mới mẻ. Trong suốt cuộc thi, bạn bè thế giới cũng như những người trong ban tổ chức đều khen ngợi chiếc váy dạ hội đêm chung kết của tôi.
Trên mạng thì người ta bình chọn trang phục đẹp nhất của Hoa hậu Úc, nhưng trong cuộc thi, mọi người đều dành thiện cảm cho bộ dạ hội màu trắng mà Công Trí cất công thực hiện, đính đá tỉ mỉ và với phần tà váy bằng một chất liệu gì đó rất bay bổng. Nhưng ít người biết là tôi có tới hai bộ trang phục dạ hội đặc biệt, còn một chiếc màu cam nữa được Công Trí thiết kế theo phong cách Hy Lạp cổ đại rất sang trọng và mơ mộng. Nó đẹp đến nỗi tôi giữ lại cho riêng mình đến bây giờ chỉ để làm kỷ niệm.
Võ Hoàng Yến (Đức Huy ghi)
|