Trí Nguyễn có trở thành một TONY JAA Việt Nam? - Tạp chí Đẹp

Trí Nguyễn có trở thành một TONY JAA Việt Nam?

Bộ Sưu Tập

Con đường của Trí Nguyễn đang đi khá giống với Tony Jaa – ngôi sao võ thuật tầm cỡ quốc tế của điện ảnh Thái Lan – một trong những diễn viên hiếm hoi của châu Á có phim được Hollywood chấp nhận và đạt doanh thu triệu đô. Nhưng với Trí Nguyễn thì sao?

Tony Jaa là ai?

Cách đây vài năm, chẳng ai biết đến cái tên Tony Jaa. Cho đến 2003, khi bộ phim “Ong-bak: Muay Thai Warrior” (tựa Việt là “Truy tìm tượng phật”) có Tony Jaa thủ vai chính công chiếu và làm sửng sốt bất cứ ai từng xem qua phim này.

Với slogan quảng cáo “3 không” ấn tượng: Không đóng thế, không kỹ xảo, không dây cáp – bộ phim thực sự làm cả châu Á rúng động với những cảnh hành động cực kỳ ngoạn mục chưa từng thấy trên màn ảnh. Và ngay lập tức người ta đã xem Tony Jaa là kẻ thách thức số 1 ngôi vị Vua Kung Fu của Lý Liên Kiệt và Thành Long.

Bản thân Thành Long cũng ngưỡng mộ tài năng của Tony Jaa và từng mời anh tham gia “Rush Hour 3”, nhưng Tony đã từ chối vì… quá bận!

Đạo diễn ăn khách số 1 của nước Pháp Luc Besson đã đích thân giới thiệu và phát hành phim “Ong-bak: Muay Thai Warrior” tại Pháp. Nhưng phần thưởng lớn nhất của Tony Jaa và điện ảnh Thái Lan, là sự chấp nhận của thị trường phim danh giá nhất thế giới – thị trường Mỹ, khi bộ phim công chiếu trên 3.000 rạp tại đây và đạt doanh thu hơn 4 triệu USD!

Cùng một con đường, hai số phận!

Tony Jaa và Trí Nguyễn cùng xuất thân trong nghề điện ảnh với vai trò đóng thế (stunt) cho các phim hành động. Cả hai đều đã có cơ hội vươn mình thoát khỏi bóng tối để trở thành những diễn viên hành động thực thụ. Nhưng ở họ có những khác biệt khá quan trọng mang tính bước ngoặt của sự nghiệp.

Về ngoại hình

Tony Jaa dáng người thấp đậm, rắn chắc và cơ bắp. Anh không đẹp trai theo những tiêu chuẩn nhưng gương mặt toát ra vẻ chất phác dễ gần gũi với người bản xứ.

Nhưng quan trọng hơn, vẻ đẹp của Tony Jaa “rất Thái Lan” – yếu tố quyết định nếu muốn được sự thừa nhận của thị trường điện ảnh quốc tế – cái mà vĩ mô hơn, chúng ta vẫn gọi đó là “bản sắc dân tộc”! Hollywood chấp nhận Tony Jaa cũng như đã từng chấp nhận Châu Nhuận Phát, Thành Long, Lý Liên Kiệt… cũng bởi yếu tố quan trọng đó!

So với Tony Jaa, Trí Nguyễn cao lớn bảnh bao hơn. Gương mặt của Trí Nguyễn cá tính góc cạnh và đậm chất xi-nê, nhưng anh lại có đôi mắt phù hợp chỉ để đóng vai… phản diện, chứ không phải đóng vai những anh hùng chính nhân quân tử! Cũng chính đôi mắt này đã khiến anh ít chất Việt Nam nhất.

Với ngoại hình trên, Trí Nguyễn nếu tham gia phim nước ngoài, có thể dễ dàng vào vai một người Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản… chắc chắn giống hơn là vào vai người Việt. Trước khi Trí Nguyễn nổi tiếng, đã từng có nhiều người lầm tưởng anh là một diễn viên… gốc Hoa!

   
 Johnny Trí Nguyễn.  Tony Jaa.

Về võ công

Tony Jaa là một võ sư thực thụ, là một người trung thành với Muay Thái – môn võ cổ truyền của Thái Lan với “đặc sản” là những chiêu thế từ cùi chỏ và đầu gối. Từ phim “Ong-Bak” rồi “Tom Gum Yoong” cho đến phim mới nhất là “Ong-Bak 2”, đạo diễn đều cho Tony Jaa được toàn quyền phô diễn những kỹ năng điêu luyện để tôn vinh các tuyệt chiêu Muay Thái của dân tộc mình.

Trong rừng phim võ thuật trên thế giới, Tony Jaa chỉ là lính mới nhưng anh đã nhanh chóng để lại dấu ấn với bản sắc võ thuật không lẫn vào đâu được.

Trí Nguyễn có căn bản võ thuật từ nhỏ, nhưng sở trường của anh là Wushu – một môn võ nghệ thuật của Trung Quốc thiên về biểu diễn. Sau này trở thành một chuyên gia đóng thế của Hollywood, rồi chỉ đạo cảnh hành động, do đó võ thuật trong phim của Trí Nguyễn thiên về dàn dựng và sử dụng động tác của máy quay để tạo hiệu quả.

Những chiêu thức võ thuật của Trí Nguyễn cũng là những chiêu thức thường thấy trong các phim hành động võ thuật của Mỹ hoặc Hongkong.

Do đó khi xem “Dòng máu anh hùng” – bộ phim võ thuật trình làng của Trí Nguyễn – khán giả Việt chỉ đón nhận nó như những bộ phim hành động Hongkong khác mà họ từng xem.

Có khác một chút đó là cảm giác tò mò ban đầu theo kiểu “Việt Nam làm phim hành động coi cũng được quá!”, chứ không tạo được hiệu ứng giống như khán giả Thái rầm rộ kéo đến rạp thưởng thức nghệ thuật Muay Thái mà Tony Jaa đã từng mang đến cho phim “Ong-Bak”.

Đây cũng là một điều rất đáng tiếc, bởi võ thuật cổ truyền Việt Nam – Vovinam – cũng độc đáo, đẹp mắt và nổi tiếng không thua kém so với các nước. Giá như…

Về diễn xuất

Phần lớn các diễn viên võ thuật hành động đều không được đánh giá cao về diễn xuất, Tony Jaa và Trí Nguyễn cũng vậy. Như đã nói ở trên, việc Trí Nguyễn chỉ thích hợp với loại vai phản diện sẽ là một bất lợi không nhỏ trong việc thể hiện hình ảnh của một người hùng hành động.

Đó là chưa kể hạn chế diễn xuất lớn nhất của Trí Nguyễn là ở giọng nói, cả âm sắc lẫn âm vực đều rất mỏng và yếu. Điều này sẽ khiến anh không đủ sức tạo ra sự thuyết phục trong lời thoại, để có thể dẫn dắt khán giả tin rằng trước mặt họ, anh thật sự là một người hùng hành động.

Thêm nữa, vụ scandal trong đời sống riêng tư đến “quá sớm” với Trí Nguyễn cũng khiến con đường tạo dựng hình ảnh thần tượng người hùng của anh trở nên khó khăn hơn.

Có 2 vấn đề rất quan trọng cho thấy sự khác biệt giữa Tony Jaa và Trí Nguyễn. Thứ nhất, Tony Jaa lớn lên và trưởng thành hoàn toàn ở Thái Lan, do đó hiểu biết văn hóa và tinh thần dân tộc của anh được thể hiện trọn vẹn trong các bộ phim.

Còn Trí Nguyễn sang Mỹ từ năm 9 tuổi – anh chỉ mới nói rành tiếng Việt trong vài năm trở lại đây – do đó việc thuyết phục với khán giả Việt bằng những vai diễn Việt vẫn là một thử thách không nhỏ đối với anh.

Thứ hai, thành công của Tony Jaa được sự góp sức rất lớn của một công nghệ điện ảnh phát triển hùng mạnh nhất nhì châu lục. Còn đối với Trí Nguyễn, tất cả những thành quả mà anh tạo được cho đến nay, đều do anh tự thân vận động trong một nền điện ảnh lạc hậu và yếu kém nhất nhì châu lục!


Có thể nói đây là một sự khác biệt mấu chốt, một rào cản cực lớn khiến anh khó có thể trở thành một Tony Jaa của Việt Nam!
 Biết sao được, khi lực bất tòng tâm!

Thực hiện: depweb

15/06/2009, 15:25