“Trí cô đơn trong những ước mơ của mình”

Mày mò với các nhạc cụ dân tộc, nhưng từ lúc ấy, Trí lại bộc phát cho người đối diện một cảm nhận rằng anh đang muốn vượt ra ngoài những thứ đó, đi về một hướng mới và xa lắm.



Những năm của tuổi 20 đó, chúng tôi chỉ thỉnh thoảng gặp nhau ở các phòng thu, nghe, gặm nhấm và có cách phát triển của mỗi người. Nhưng Đức Trí nghiêng về hòa âm hơn là ca khúc. Trong thời buổi chương trình Làn Sóng Xanh của truyền thanh làm điểm tựa và nhạc trẻ đang quay trở lại trong nhiều sự chống đối đáng sợ, những người chơi nhạc trẻ như tôi, Đức Trí, Ngọc Lễ, Minh Châu… dù không có cơ hội gặp nhau nhiều, nhưng vẫn dõi theo nhau từng công việc một – như một cách để bắt kịp với dòng chảy, không muốn tụt hậu trong cuộc cách mạng âm nhạc không tuyên bố của thời kỳ đó.




Và ngay những buổi đầu, khi nghe bản hòa âm cho cuốn băng cassette của ca sĩ Hồng Nhung mang tựa đề “Chợt nghe em hát” (tác giả Trần Quang Lộc và Lã Văn Cường), việc đầu tiên là tôi chạy đi tìm Trí ở phòng thu Viết Tân, ở ngõ hẻm còn lầy lội khi mưa tại quận Bình Thạnh, chỉ để khen rằng “hay quá Trí!”.




Cái cảm giác chung khoái trá vì thấy nhạc trẻ Việt không lạc hậu, không dẫm chân tại chỗ đã gắn kết các câu chuyện của tôi và Đức Trí. Lúc đó, Trí mới bộc lộ rằng mình đang viết một số ca khúc. “Nghe thử nha!”, Trí cầm guitar và hát. Ông Viết Tân đi ngang, khều, chọc “sến quá!”. Một năm sau đó, cái ca khúc còn ngần ngại đó của Trí vụt bật lên, trở thành một trong những bài hát được giới trẻ ưa chuộng nhất. Lời hát “Ai đã từng khóc vì yêu, xin hãy yêu nhau thật nhiều…” trong bài “Ta chẳng còn ai”, bị Trí băn khoăn, coi là “sượng” nhiều nhất, giờ thì nghe cũng quen thuộc lắm rồi.



Lối viết nhạc của Trí polyphonique (phức điệu) lắm. Mỗi bài hát của anh khi vang lên, không hình dung hết sự cộng hưởng của nó, sẽ khó cảm nhận đó là một bài hát hay. Có lẽ vì vậy, Trí rất khó khăn khi cho ra một bài hát. Cẩn thận và thường tự mình hòa âm cho mỗi bài như đặt tên cho đứa con của mình. Thế giới nghệ sĩ cũng lắm kiểu thú vị. Ngồi với nhạc sĩ Trần Tiến, mỗi khi muốn anh hát cho nghe, thiếu đàn, anh quát lên: “Đếch cần, gõ chén hát cũng được”. Chung quanh bàn nhậu đang râm ran, bỗng nhiên im bặt nghe Trần Tiến gõ chén nghêu ngao. Còn với Đức Trí – cũng y như Võ Thiện Thanh – thì muốn khoe một bài hát mới, cứ “ghé qua nghe đi, trời ơi, muốn nghe hay phải qua đây”.



Qua đây, tức qua phòng của các hắn, hoặc ghé quán cafe, mấy hắn cẩn thận chép ra CD, nhờ quán có âm thanh hay phát giùm. Đoạn sau này thì đơn giản hơn, cũng nhờ MP3 Player.




Trí muốn làm cái gì cũng chuyên nghiệp, cái gì cũng tiêu chuẩn nhưng thị trường Việt Nam có lẽ chưa đúng thời điểm cho những nỗ lực của Trí. Muốn nhiều lắm, nhưng Trí dường như cũng cô đơn trong các mơ ước của mình. Và có lẽ, những project mà Trí làm cho ca sĩ Hồ Ngọc Hà là những thứ mà chúng tôi – nhóm 3 kẻ gàn dở trong âm nhạc – thích thú và cho là thành công nhất.




“Mình nghĩ cách ‘binh’ bài cho Hồ Ngọc Hà của Trí vậy là OK lắm rồi”, Võ Thiện Thanh cứ nhắc đi nhắc lại khi cầm album đầu tay của Hồ Ngọc Hà mà Đức Trí đưa. Bản thân tôi cũng có một linh cảm như vậy. Nên khi Hồ Ngọc Hà gặp và nói chuyện về việc bắt đầu muốn làm ca sĩ, tôi đã gợi ý là Đức Trí sẽ thích hợp nhất với chất giọng của Hà.





Những câu chuyện của giới văn nghệ nghe có vẻ quàng xiên như vậy đó, nhưng lại mở ra nhiều dấu ấn độc đáo cho nhạc trẻ Việt Nam.

 


Trở lại câu chuyện 3 kẻ gàn dở. Đó là thời gian mà Đức Trí, Võ Thiện Thanh và tôi cứ liên tục “giao ban” ở cafe Audiophile, thảo luận về âm nhạc và bàn về việc làm một cuộc cách mạng bí mật: mỗi người sẽ cùng nhau thể nghiệm những project khác nhau, góp sức đẩy phong trào nhạc trẻ ở Sài Gòn sôi động trở lại, theo một nghĩa tử tế nhất. “Mình phải làm, chứ không thể ngồi trách thị trường được”, Đức Trí ra tuyên ngôn như vậy.



Duyệt và đóng dấu cái “cộp”. Thói quen của Trí là trách mình trước, trước khi trách người khác nên anh cứ cặm cụi làm hết ngày này qua tháng nọ, thậm chí không kịp nhìn sang bên cạnh hàng xóm.




Cuộc cách mạng son trẻ đó, chúng tôi tự bàn bạc và “phân công”. Trí làm những gì nghiêng về New age hay blue, Võ Thiện Thanh thì bao sân electronics, tôi thì rock.




Những ý tưởng nồng nhiệt và dễ thương đó vẫn là một trong những ký ức khó phai về hành trình âm nhạc của tôi, cho dù đó là nỗ lực (xin lỗi Trí và Thanh trước) tuyệt vọng của tụi mình. Từ mơ ước rẽ một đường đi cho đến bị thị trường xô ép vào chân tường, vẫn là những điều đáng cảm động, ngay cả khi chúng ta không còn ở tuổi 20.



Bài: Tuấn Khanh

Ảnh: Hellos



From the same category