Ngày 10/08/2011, Trung Quốc cho chạy thử chiếc Hàng không mẫu hạm Thi Lang, vốn là chiếc hàng không mẫu hạm Varyag của Liên Xô. Chỉ vài ngày sau cả hai siêu Hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng nguyên tử của Hải quân Mỹ là USS Ronald Reagan và USS George Washington đã gần như một lúc hiện diện ở Hồng Kông và Biển Đông. Ngày 13/08/2011 vừa qua, nhiếp ảnh gia Na Sơn đã có một ngày tham quan và trải nghiệm khó quên trên chiếc Hàng không mẫu hạm USS George Washington theo lời mời của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam khi nó đang hoạt động ngoài khơi bờ biển Việt Nam, trên Biển Đông.
Sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, 8h sáng ngày13/08/2011, giữa những chiếc máy bay dân sự đủ màu của các hãng Hàng không đang đậu trong sân đỗ, xuất hiện 2 chiếc máy bay quân sự Grumman C-2A Greyhound của Hải quân Hoa Kỳ. Sau ít phút chào hỏi và giới thiệu qua về an toàn bay, viên phi công có nụ cười rất tươi cất giọng “Bây giờ đề nghị quý vị mặc các thiết bị an toàn vào rồi đi theo tôi, chúng ta sẽ có một chuyến bay rất đỗi bình thường, chả khác gì khi quý vị bay trên máy bay của Vietnam Airlines cả cho tới khi hạ cánh – hơi xóc một chút nhưng hy vọng mọi người sẽ thấy thú vị với kiểu đáp mà chúng tôi gọi là “Kéo đuôi lại”.
“Chiếc C-2A Greyhound là máy bay quân sự chuyên chở hàng hóa và quân sĩ của Hải quân Mỹ. Nó được lắp các hàng ghế ngược lại so với thông thường – nghĩa là lưng ghế hướng ra phía trước, đề phòng khi hạ cánh do quán tính người ngồi sẽ bị đập mặt vào lưng ghế trước. May mắn là tôi được xếp vào chỗ ngồi cạnh 1 trong 2 ô cửa sổ hiếm hoi của máy bay nên có thể quan sát được chút ít bên ngoài. Nhờ vậy mà tôi nhận ra hướng bay khi chúng tôi rời khỏi bờ biển đã bay ngang trên Côn Đảo và sau đó hướng ra biển Đông.
Phi đạo cất cánh trên tàu USS George Washington và nhiều tàu sân bay khác của
Mỹ rất ngắn, chỉ độ 100m. Máy bay sẽ được “bắn” lên bằng hệ thống đẩy trợ lực
như kiểu bắn giàn thun để máy bay đạt vận tốc cất cánh. Thời gian tăng tốc từ
0-150 dặm/h chỉ vẻn vẹn hơn 1 giây.
Khoảng hơn 1 giờ bay, chúng tôi được trải nghiệm kiểu hạ cánh “kéo đuôi lại” mà viên phi công đã nói. Hóa ra nó có một cái tên chính thức là hạ cánh bắt chụp – “arrested landing”. Máy bay chạm mặt đường băng khá mạnh và chỉ tích tắc sau đã được bắt dính lại, đứng yên. “Welcome to our ‘Big Boy”, cơ trưởng hét lên với chúng tôi trong tiếng gầm rú động cơ”.
Bản thân tôi đã từng có dịp đặt chân lên những chiếc tanker chở dầu khổng lồ hay những chiếc tàu xây lắp biển dài mấy trăm mét của ngành dầu khí trước kia nhưng vẫn không khỏi choáng ngợp khi đứng trên USS George Washington cạnh một dãy dài những chiếc trực thăng Seahawk SH- 60 quan sát những phản lực cơ chiến đấu F/A-18F Super Hornet cất cánh hạ cánh – “đặc sản” của những tàu sân bay. Hệ thống ống phóng thủy lực giúp máy bay có thể đạt tốc độ lớn để cất cánh mà không cần đến đường băng dài.
Một chiếc phản lực cơ chiến đấu F/A18E Super Hornet đang hạ cánh xuống sân bay trên hàng không mẫu hạm USS George Washington trong chuyến hải hành, tuần tiễu Thái Bình Dương, ngang khu vực Biển Đông. F/A-18E Super Hornet chỉ chở được một phi công trong khi F/A-18F Super Hornet thì chở được hai phi công.
Thưc tế khi cất cánh khỏi tàu trở về đất liền, máy bay của chúng tôi được phóng đi với vận tốc từ 0km/h – gần 300km/h trong thời gian chỉ hơn 1 giây đồng hồ. Cảm giác lúc ấy người như bị nén lại nhỏ xíu trong một cái máy ép khổng lồ. Ngay bên dưới sân bay là Hangar chưa bảo dưỡng máy bay với 4 thang máy thủy lực có thể đưa một chiếc máy bay từ đó lên tới sân bay, sẵn sàng xuất kích trong vòng vẻn vẹn 9 giây. Tàu USS George Washington đang chở theo 70 máy bay các loại và có thể mang tối đa theo thiết kế tới 90 chiếc máy bay cánh cứng và trực thăng. Nó cũng mang theo gần 2.000 tấn bom cũng như các loại tên lửa, hỏa tiễn khác nhau.
Chiếc chiến đấu cơ phản lực F/A-18F đang vào đường băng để hạ cánh.
Không chỉ có hơn 100 chuyến cất – hạ cánh mỗi ngày trong khi tàu vẫn di chuyển với vận tốc 30 knots (56km/h) trên biển, tàu sân bay USS George Washington là một căn cứ thực sự với hơn 5200 quân nhân thuộc cả lực lượng Hải quân và Không quân phối hợp ăn ý, nhịp nhàng với nhau – và đó là “vũ khí hỏa lực mạnh nhất chúng tôi có chứ không phải những vũ khí tối tân hay máy móc công nghệ kia” – Hạm trưởng David Lausman cho biết khi lên thăm đài chỉ huy. Và cũng theo ông, không chỉ là một cỗ máy chiến tranh, những tàu sân bay Mỹ, trong đó có USS George Washington còn làm một số sứ mạng khác như là cứu hộ, trợ giúp khi những thảm họa thiên nhiên xảy đến.
Màn hình trong phòng chỉ huy tác chiến.
Một góc phòng ăn trên tàu. Mỗi ngày, bếp ăn làm ra hơn 18.000 suất ăn,
phục vụ hơn 5.200 binh sĩ và thủy thủ đoàn.
Trên trong Hangar của tàu. Sĩ quan chỉ huy cho biết, chỉ mất đúng 9 giây để đưa 1 chiếc máy bay từ
đây nâng lên đường băng bằng thang máy để sẵn sàng tác chiến.
Hỏa tiễn, tên lửa không-đối-không và không-đối hạm dùng để trang bị cho máy bay chiến đấu.
Khi cơn động đất sóng thần ở Indonesia xảy ra năm 2004, tàu USS George Washington là chiếc tàu chiến có mặt đầu tiên để trợ giúp vì ngoài hệ thống bệnh viện, bác sĩ với máy móc đầy đủ trên tàu, nó còn có thể cung cấp nguồn nước sạch lên tới 400.000 ga-lông (1,5 triệu lít) và cung cấp 18.000 suất ăn mỗi ngày. Trong trận động đất, sóng thần xảy ra hồi đầu năm ở Nhật, tàu cũng có mặt kịp thời để làm các công tác trợ giúp nhân đạo.