Hai ngày một đêm, với 14km đường rừng và gần 1.000km đường bộ cùng rất nhiều nhân duyên, tôi đã có được những trải nghiệm khó quên với vô số “lần đầu”. Không thể nói là không sợ, nhưng cảm giác xâm chiếm lấy tôi nhiều nhất khi chuyến đi này kết thúc là lòng biết ơn. Mong sao trái tim tôi luôn đủ rộng mở để chấp nhận lựa dòng như nước suối ở Đamb’ri, dám dấn thân, dám trải nghiệm để rồi nhìn ra và trở về với biển lớn đã tự có bên trong mình.
Tất cả bắt đầu bằng việc đột nhiên tôi muốn rời khỏi thành phố để đến một nơi thiên nhiên trong lành, yên tĩnh. Lang thang một hồi, tôi được một người bạn giới thiệu về Odo Into The Wild. Lúc đó là 9 giờ tối thứ Sáu, tour duy nhất còn chỗ trên trang web là tour đi thác Đamb’ri. Tôi nhắn tin hỏi thử và chẳng mong đợi gì một câu trả lời nhanh chóng. 11 giờ đêm, họ phản hồi rằng nếu muốn, tôi có thể tham gia ngay chuyến đi khởi hành vào 4 giờ sáng hôm sau.
2 giờ sáng thứ Bảy, tôi đóng gói đồ đạc xong xuôi và đúng 4 giờ thì có mặt ở nhà xe Phương Trang, trong lòng không mang một mong đợi gì. 7 giờ sáng, tôi thấy mình đang đứng ở trạm dừng Madagui, trời rất xanh, nắng vàng ruộm và mát mẻ. Người dẫn đường tên Hoàng Anh tới đón đoàn chúng tôi – 6 hành khách xa lạ – đến điểm tập kết của tour trekking rừng nguyên sinh Đamb’ri. Đó là một bìa rừng cao su cạnh đường quốc lộ. Hai porter (người khuân vác đồ) đã đứng đợi sẵn. Một người sẽ đi vào rừng trước bằng một con đường hiểm trở nhưng nhanh hơn, còn một người đi cùng chúng tôi. Ngoài những thành phần chính như vậy thì đoàn còn có một khách mời danh dự – chú chó Đông Cô mới 4 tháng tuổi của người dẫn đường. Tám người một chó tiến vào rừng Đamb’ri.
Xuyên qua rừng cao su, mở ra trước mắt chúng tôi là một dòng sông xanh mướt chảy cuồn cuộn. “Mới là nước hạ nguồn của Đamb’ri thôi mà đã xanh như vậy đấy“, anh Hoàng Anh cất tiếng khi thấy mọi người trầm trồ. Chiếc cầu sắt gỉ sét nối với một mảng xanh rì của khu rừng già, nó rung lên bởi cả sức gió và chuyển động của những bước chân. Cẩn thận chỉ đi hai người một lượt, lúc tôi đang đi đến giữa thì cây cầu đột nhiên rung lắc dữ dội. Ngoảnh lại, là một chiếc xe máy điều khiển bởi hai người đồng bào. Thì ra khi đi rừng, họ vẫn chạy thẳng xe máy lên cầu suốt. Mặc vẻ ngoài trông có vẻ mong manh, chiếc cầu lại khá chắc chắn và đủ tốt cho đồng bào ở đây trong bao nhiêu năm qua; còn với chúng tôi, những con người được bao bọc bởi hộp kính văn phòng và sự an toàn, tiện lợi của những xa lộ rải bê tông phẳng phiu, thì chiếc cầu là cái gì đó khá thách thức.
Một con đường nhỏ giấu mình dưới đám cây cỏ cao đến gối, phía trên là giàn cây quyện vào nhau thành một cái cổng đầy bí ẩn, tôi tưởng tượng phía sau đó sẽ là một thế giới diệu kì như “Alice in the Wonderland”. Đi tới đâu, anh Hoàng Anh giới thiệu các loài cây cho chúng tôi tới đó. Toàn những kiến thức mới toanh với các sinh vật thành thị. Đầu tiên là cây cộng sản, một loài cây có tác dụng cầm máu cho các chiến sĩ khi đóng quân trong rừng. Tiếp theo là cây ping pong, người dân tộc hay phơi khô lá cây này để hút như thuốc lá. Đi sâu một đoạn nữa, tôi được chứng kiến một điều thật hi hữu: cây tre cổ thụ mọc hoa. Những bông hoa tre có màu ngả nâu, nở kín theo từng cành cong trĩu xuống. Sự kiện này chỉ xảy ra khoảng 80-130 năm một lần, những cây tre cùng loài ra hoa gần như đồng thời trên toàn thế giới, bất kể vị trí địa lý và thời tiết. Hiện tượng này được gọi là trổ bông tập thể. Sau khi nở, hoa tre sẽ đồng loạt chết trong khoảng vài năm, để rồi sau đó những chồi non sẽ lại mọc lên, bắt đầu một chu kì mới.
Mùa mưa đã cận kề, các loài sinh vật dưới tán rừng nhiệt đới bắt đầu sinh sôi, trong đó có nấm linh chi. Đoàn chúng tôi được đặc cách hái hai tai nấm để tối về bãi trại làm một ấm trà cho dễ ngủ. Lúc cầm chiếc tai nấm mới hái trên tay, hít hà mùi nấm ngọt vương vấn hơi ẩm, mân mê bề mặt trơn láng lấp lánh, toàn thân tôi tràn ngập lòng biết ơn bởi sự tiếp xúc tươi nguyên với mẹ thiên nhiên. Tôi – một cá thể lớn lên từ thành thị, luôn cảm thấy nỗi thôi thúc kiếm tìm để lấp đầy những khoảng trống bên trong và cả bên ngoài bằng tiền bạc, vật chất, sự công nhận. Tìm kiếm miệt mài là thế nhưng chưa bao giờ thấy đủ. Vậy mà vẫn là tôi – đứng giữa cánh rừng nguyên sinh, lại thấy mình đã đủ lắm rồi. Mọi điều đã có sẵn, chỉ là tôi có nhìn ra hay không.
Nguy cơ hết nước trong lúc đi rừng không phải là hiếm, bởi vậy dân đi rừng đã học được cách bổ sung nước bằng những loài thực vật có sẵn trong rừng. Trên đường trekking, chúng tôi được giới thiệu rất nhiều loại cây có thể làm dịu cơn khát. Ấn tượng nhất là cây cổ ruột, một loại dây leo thân gỗ lớn bằng bắp tay một người vạm vỡ. Loài cây này có thân rỗng như một đường ống nước vươn dài vắt vẻo khắp các cành cổ thụ xuyên suốt rừng nguyên sinh. Chỉ cần dùng dao chặt một đoạn, dốc xuống là có nước chảy ra từ lõi cây. Khi giọt nước đầu tiên chạm xuống lưỡi, cảm giác mát lạnh xen lẫn vị ngọt của gỗ lan tỏa khắp khoang miệng. Tôi nghĩ bụng, so với thứ nước này, hai chữ “tinh khiết” nhan nhản trong các mẩu quảng cáo nước khoáng thật vô cùng sáo rỗng.
Vượt qua con dốc cao, điểm nghỉ đầu tiên của chúng tôi là một con suối lớn. Những tấm lá chuối được trải lên một phiến đá vuông vức như chiếc bàn ăn hoàn hảo giữa thiên nhiên. Đồ ăn trưa có xôi, ít đồ chua và thịt nướng từ chợ phiên của người dân tộc mới được mua ban sáng. Ăn trưa xong, anh Hoàng Anh nhặt một thân tre lớn gần đó chặt ra từng đoạn làm thành những cái cốc nhỏ. Trong đoàn có người mê cà phê nên đã chuẩn bị sẵn. Uống cà phê Arabica có mùi hoa quả từ chiếc cốc còn thơm mùi tre tươi bên suối, cả đoàn như được tiếp sức để tiếp tục hành trình.
Đã đi trekking vài lần nhưng đây là chuyến tôi được lội suối nhiều nhất, khoảng 8-10 đoạn suối cả chặng đi và về, vì thế mà tích lũy được một số kinh nghiệm của dân chuyên nghiệp. Dù nông hay sâu, đa phần suối đều có đá ở dưới. Những tảng đá ngầm này rất trơn bởi rong rêu phủ kín, nếu giẫm lên thì khả năng ngã là 90%. Thay vì thế, tôi lách chân tìm khe giữa các tảng đá, ở đó có các “điểm cát” rất đầm và cứ men theo các điểm cát này để lội qua.
Liêng và K’Sor là hai anh porter của đoàn chúng tôi. Cả hai đi rừng từ năm 4-5 tuổi. Chỉ cần nhìn thân hình cũng có thể nói các anh là “sản vật” của núi rừng với nước da nâu đồng rắn rỏi, các múi cơ cuồn cuộn – kết quả của nhiều năm trời lội suối băng rừng. Ở thành phố, người ta dốc sức tập luyện trong phòng gym cũng chỉ để có được những thân hình như vậy. Có một thứ tinh thần tự nhiên rất cuốn hút nơi những người thợ rừng này. Bản năng, hồn nhiên, tự do. Bất cứ lúc nào, hễ có hứng là các anh lại cởi áo, lấy đà từ mỏm đá cao rồi vẽ vào không trung một đường nhảy điệu nghệ trước khi tiếp nước bằng một tiếng ùm sảng khoái.
Dù đã là người của rừng, nhưng đối với Liêng và K’Sor, rừng vẫn bí hiểm và linh thiêng. Anh Liêng tâm sự: “Ngày xưa người đồng bào mình khai thác, săn bắn từ rừng nhiều lắm, đến một thời điểm, thú dữ cũng tránh mặt mình”. Rồi anh tiếp: “Muốn kiếm ăn, lao động, bây giờ bọn anh trồng cây sầu riêng thay vì khai thác rừng. Ngày xưa là thợ rừng, giờ cùng với kiểm lâm bảo vệ rừng, thay phiên nhau trông coi. Rừng mất thì mình cũng không còn gì”.
Những tưởng bản thân chuyến đi đã là một điều bất ngờ, không ngờ khi trekking được vài tiếng, tôi phát hiện ra một chuyện còn bất ngờ hơn: tôi đến kỳ kinh nguyệt. Đáng ra phải hơn một tuần nữa mới tới kỳ, và tôi thì chẳng chuẩn bị gì cho sự kiện này. Sau tầm 30 phút xin đoàn dừng lại nghỉ vì bị cơn đau bụng trước kỳ kinh hành hạ, tôi bắt đầu tìm cách giải quyết tình hình. Một người trong team Odo có mang theo 5 viên Panadol, và trong đoàn có người mang theo băng vệ sinh, nhưng rất ít, cùng một cuộn giấy vệ sinh. Tôi lẩm nhẩm tính toán và cuối cùng cũng tìm được giải pháp phù hợp để không trở nên quá thảm hại. Tuy nhiên, sự kiện này đã tăng độ khó và khổ của chuyến đi lên rất nhiều. Bài học rút ra là tôi sẽ luôn mang theo cốc nguyệt san trong mọi chuyến đi.
Toilet Review
Ai đó có thể dễ dàng bỏ qua phần này, nhưng với tôi, toilet trong mỗi chuyến đi rừng là vấn đề rất đáng để nghĩ tới.
Nhà vệ sinh do Odo chuẩn bị là nhà vệ sinh khô (composting toilet), khá phổ biến ở các tour trekking có đơn vị tổ chức quan tâm đến môi trường. Tôi từng gặp nhà vệ sinh kiểu này lần đầu ở tour trekking Tú Làn của Oxalis. Nó có cấu trúc bệ ngồi như bình thường, nhưng lót bằng các vật liệu khô, hút ẩm như cát, vỏ trấu. Sau khi đi vệ sinh, người ta cũng dùng những vật liệu này để lấp lên, khá sạch sẽ và không gây mùi. Giấy vệ sinh là loại tự hủy để thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, nhà vệ sinh của Odo hơi nhỏ nên những người có thân hình lớn sẽ hơi loay hoay.
Sau nhiều giờ vượt dốc đứng, lội suối, băng rừng, đoàn đến bãi trại vào khoảng 3 giờ chiều. Đây là một vùng suối mùa khô, có những hòn đá nổi nhẹ và nước trôi mềm mại qua các khe nhỏ. Dọc cồn lớn nổi ngay giữa suối là 4-5 chiếc lều đã được anh K’Sor đến trước dựng lên. Một khoảnh đất kéo dài từ đó vừa vặn để làm khu bếp và chỗ ngồi ăn giữa suối. Anh Hoàng Anh dắt mọi người đi bơi ở một hồ nước nhỏ, còn tôi ngồi trên bờ do sự cố của mình, chờ đến giờ cơm tối.
Bữa tối do anh K’Sor tự tay chuẩn bị, là những món đồ nướng từ nguyên liệu địa phương. Thịt cá rất tươi nên không cần tẩm ướp gì nhiều ngoài chút muối, ớt cùng lửa đúng độ. Đồ ăn được xếp trên lá chuối xanh mướt và đẹp mắt. Trong giây phút, tôi nhận ra đây chính là trải nghiệm đúng nghĩa nhất với từ “xa xỉ”.
Theo giấc, 4 rưỡi sáng tôi tỉnh dậy. Đống lửa cháy cả đêm lúc này đã gần lụi, còn sót chút khói lảng bảng bay lên hòa vào sương sớm. Mọi người trong đoàn đều đang ngủ. Có vẻ như cuộc nói chuyện đêm qua kéo dài đến tận sáng mà tôi không biết.
Duy chỉ có một thành viên dậy sớm cùng với tôi: Đông Cô. Từ một chú chó nhỏ sợ sệt, sủa liên tục vì muốn chối từ chuyến đi rừng này, giờ Đông Cô đã dạn dĩ hơn và tung tăng khám phá khắp nơi. Đông Cô sủa lớn khi thấy tôi dậy nên anh Liêng và anh K’Sor cũng thức giấc theo. Tôi xin hai anh cốc nước ấm theo thói quen rồi men theo dòng suối, trèo lên mỏm đá lớn cạnh hồ. Bình minh, mọi vật đều tĩnh lặng, chỉ có ánh sáng là khe khẽ trở mình. Ngồi xuống và thực hành thiền buông thư bên mỏm đá, tôi cảm nhận rõ sợi dây kết nối giữa thiên nhiên và thân tâm.
Sau khi dùng bữa sáng do anh K’Sor nấu, cả đoàn sửa soạn đồ đạc để tạm biệt bãi trại, trekking ra khỏi rừng. Đamb’ri đang mùa bướm bay, Đông Cô mải miết chạy trước đuổi theo chúng. Khi dừng chân ở một căn nhà gỗ bỏ hoang để đợi xe trung chuyển tới đón, anh Hoàng Anh nói với chúng tôi rằng tour trekking này sẽ tạm đóng cho đến khi mùa lũ đi qua, đây có thể là đoàn cuối cùng đi Đamb’ri vào đợt mở cửa này. Một lần nữa, tôi cảm thấy mình may mắn.
Tại: www.odointothewild.com
Chi phí: 1.600.000VNĐ/người
– Tour đi thác Đamb’ri được xếp hạng level 2 dành cho những người có thể lực vừa phải, có tập luyện hằng ngày và đã từng có kinh nghiệm đi trekking.
– Nên chọn quần áo trekking bán ở các cửa hàng chuyên đồ leo núi. Vải của chúng nhẹ và nhanh khô, đỡ gây sức nặng khi đi rừng và lội suối.
– Giày trekking được thiết kế để đỡ trơn trượt và có các lỗ thoát nước tránh tích nước gây nặng chân. Loại giày này khác với giày hiking, running.