Trẻ “cuội” vì đâu?

Buổi sáng đi chợ về, vừa đặt chân tới cửa, chị Vũ Thị Lan (30 tuổi, ngụ Q Bình Thạnh, TPHCM) nhìn thấy bé Hoa, 5 tuổi, con gái chị, nghịch tay làm đổ chiếc bình hoa xuống sàn đánh “choang” một cái. Chị vừa lên tiếng trách, chẳng cần đến 1 giây suy nghĩ, bé Hoa đã liến thoắng: “Không phải con đâu mẹ. Miki làm bể bình bông đó!”. Miki mà bé Hoa nhắc đến là con mèo lông xù mà chồng chị Lan đã cất công mua về tặng con.

Muôn vẻ “cuội” nhí

Không chỉ đổ lỗi cho mèo, cả ông bà ngoại, bé Hoa cũng không tha. Tuần trước, thấy mình mất một ít tiền lẻ trong tủ, chị Lan đoán là bé Hoa lấy tiền mua kem. Hôm trước, bé đòi ăn kem nhưng chị không cho vì bé đang viêm họng. Dò hỏi con, chị Lan nghe bé chối quanh co. Sau đó, “bí” quá, bé Hoa nói ngay trước mặt mọi người: “Hôm qua con thấy bà ngoại lén lấy tiền trong tủ của mẹ đó. Bà ngoại ra chợ ăn chè một mình, không dẫn con đi theo!”. Câu nói của bé Hoa làm mọi người… ngã ngửa. Đến lúc này thì chị Lan đâm lo: “Chẳng biết con nhỏ học ở đâu ra thói nói xạo hết chuyện này tới chuyện kia. Thiệt tình không biết làm sao với con!”.

 

Trong khi đó, vợ chồng anh Minh Chương, chị Thu Nhã (Biên Hòa, Đồng Nai) cũng đau đầu không kém trước thói quen “cuội một cây” của cậu con trai 10 tuổi Quang Minh. Quang Minh thường xuyên xin tiền mẹ để đóng quỹ lớp, cậu bảo lớp hay tổ chức giúp đỡ các bạn có gia đình khó khăn, đi thăm trại trẻ mồ côi… Lần gần nhất, khi nghe Minh xin 100.000 đồng để mua quà sinh nhật tặng cô giáo, chị Nhã bán tín bán nghi, bèn điện thoại cho cô lựa lời hỏi thăm. Nào ngờ, cô giáo nói sinh nhật cô qua lâu rồi, mà cô cũng không bao giờ chịu để phụ huynh hay học sinh mua tặng quà mình như thế. Chuyện vỡ lẽ, chị Nhã mới hay con trai mình đang nghiện game online nặng. Hóa ra, bao nhiêu tiền trước đây xin mẹ, cu cậu đều mang “nướng” hết vào các tiệm net.

Vì sao bé xạo?

Chuyên viên tâm lý Công Thị Bích Hồng (Câu lạc bộ Làm cha mẹ – Hội quán các bà mẹ, Hà Nội) cho biết, trẻ nói dối tùy thuộc vào từng độ tuổi và mức độ cũng khác nhau. Thường, trẻ có thể bắt đầu nói dối từ 2 – 3 tuổi vì lúc này trẻ đã phần nào biết làm chủ ngôn ngữ, trí não phát triển. Ở lứa tuổi này, trẻ nói dối thường là vô thức, ngô nghê, nhằm tránh những rắc rối có thể gặp phải. Lên đến các lứa tuổi lớn hơn, trẻ nói dối vì nhiều nguyên nhân như do trẻ chưa phân biệt được giữa thực tế và tưởng tượng, trẻ mong muốn được khen ngợi, trẻ sợ bị la mắng, đánh đập, trẻ mong ước điều ngược lại điều mình làm hay đã xảy ra…

“Khi cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào trẻ, tạo cho bé áp lực nhưng trẻ lại không thực hiện được, có thể trẻ sẽ nói dối để khỏi chịu sự trách mắng”, chuyên viên tâm lý Công Thị Bích Hồng khẳng định.

Không chỉ thế, đôi khi trẻ còn nói dối để gây sự chú ý của người lớn trong những gia đình ba mẹ thiếu quan tâm đến con. Cũng có trường hợp trẻ xem nói dối như một kiểu “thành tích”, “chiến công” qua mặt được ba mẹ và thường tìm cách nói dối để thỏa mãn cảm giác này. Cũng có lúc trẻ nói dối là để “kiểm tra” phản ứng của ba mẹ trước hành động của mình, nếu ba mẹ không nhất quán, không có những nguyên tắc đề ra thì trẻ sẽ tiếp tục… nói dối.

 

“Xì – tốp” con

Chuyên viên tâm lý Công Thị Bích Hồng khuyên các bậc cha mẹ nên bình tĩnh khi phát hiện con mình nói dối, không nên nóng vội trầm trọng hóa vấn đề. Việc cha mẹ nên làm là tìm hiểu xem vì sao con mình nói dối, bởi nguyên nhân có thể là vì một số lý do khách quan hay chính do cha mẹ. Chẳng hạn, trẻ nói dối bảo đau bụng không muốn đến trường, nhưng rất có thể nguyên nhân là ở trường trẻ hay bị bạn bắt nạt, cô giáo làm trẻ sợ hoặc con không hòa nhập được với các bạn trong lớp…

Đối với trẻ ở tuổi chưa đi học, cha mẹ nên hiểu việc bé nói dối phần nào cũng là một cột mốc đánh dấu sự phát triển ngôn ngữ, trí tưởng tượng của trẻ. Cha mẹ không nên vội cho trẻ là hư hỏng mà la mắng, trách phạt. Điều cha mẹ nên làm là uốn nắn trẻ dần dần bằng những lời giải thích cụ thể, giúp trẻ hiểu vì sao không nên nói dối. Nếu không được uốn nắn từ nhỏ, trẻ có thể dễ lặp lại việc nói dối dù không cố ý.

“Việc la mắng hay trừng phạt khi phát hiện trẻ nói dối chỉ là biện pháp nhất thời, trẻ có thể vì sợ mà sửa đổi trước mặt nhưng sau đó sẽ tiếp tục nói dối để tránh bị đánh, bị phạt ở những lần sau và rất có thể trở nên trơ lì. Việc áp dụng biện pháp đánh đòn, trừng phạt còn chứng tỏ cha mẹ thiếu kiên nhẫn, muốn đạt nhanh mục đích bắt trẻ thừa nhận sai lầm mà không kiên trì tìm hiểu tận gốc rễ nguyên nhân”, chuyên viên tâm lý Bích Hồng cũng cho biết.

 

Trong cuộc sống, chẳng mấy ai tránh khỏi việc đôi khi phải dùng đến lời nói dối. Trẻ nhìn thấy điều này ở cha mẹ và có thể học theo. Bởi vậy, tốt nhất cha mẹ nên làm gương, hạn chế nói dối trước mặt trẻ. Trong trường hợp bất đắc dĩ, cha mẹ cần giải thích rõ ràng để trẻ hiểu lời nói dối đó không có hại. Chẳng hạn, một người bạn định rủ bố đi nhậu, bố dặn con khi có ai điện thoại đến thì bảo bố không có ở nhà, liền sau đó, bố nên giải thích cho con hiểu bố phải nói dối, rằng bố mệt, uống rượu bia không tốt cho sức khỏe, bố muốn được ở nhà cùng gia đình… Ngoài ra, khi trẻ thú nhận sự thật, cha mẹ nên khen ngợi và khuyến khích trẻ nói thật ở những lần sau. Những lời khen ngợi tích cực sẽ giúp trẻ cảm nhận được giá trị của sự thật thà.

Trẻ nói dối có thể là… bệnh?

Ngoài nguyên nhân tâm lý, nói dối có thể là triệu chứng của bệnh rối loạn thần kinh, điển hình là rối loạn nhân cách.

Để nhận biết trẻ có nói dối do rối loạn tâm thần hay không, cha mẹ có thể dựa vào các dấu hiệu sau: Trẻ có sự thay đổi trong sinh hoạt, nếp sống, kết quả học tập giảm sút, hay sợ sệt, lo âu, có thể hốt hoảng, việc nói dối lặp đi lặp lại thường xuyên một cách khó hiểu. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ở các bệnh viện có chuyên khoa tâm thần kinh, thông qua những trao đổi với trẻ bằng ngôn ngữ, hình vẽ, trò chơi… bác sĩ sẽ phát hiện trẻ đang gặp vấn đề gì và có hướng khắc phục, điều tiết lại hành vi của trẻ. (theo bác sĩ Nguyễn Văn Ca, Phó trưởng khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện 175, TP.HCM)

Con nói dối, ba mẹ đừng…

– “Tung hứng” theo chuyện nói dối của con hòng để trẻ không thể chối cãi nữa mà “khai” sự thật. Cách này vô tình khiến cha mẹ “dạy” trẻ cách loay hoay, chối tội lòng vòng. Lần sau, trẻ sẽ tiếp tục… cảnh giác bố mẹ.

– Áp đặt những bài rao giảng đạo đức khô cứng với con trẻ. Cha mẹ nên giúp con nhận thức bằng những trải nghiệm thực tế, dễ hiểu.

– Nói với trẻ “ba mẹ sẽ không thương con nữa nếu con còn nói dối”. Tình thương của cha mẹ dành cho con là vô điều kiện. Nên tạo niềm tin là con sẽ luôn được ba mẹ yêu thương, giúp con tự tin nói thật, sống thật.

– “Dán nhãn” là trẻ dối trá. Cách này rất dễ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, khiến bé mặc cảm và trở nên dối trá thật.

Theo Thế giới Gia đình


From the same category