Travel blogger Phan Thế Anh: Nếu đi nhiều giúp ích cho sáng tạo một, ở nhà nâng cấp sáng tạo tới 10! - Tạp chí Đẹp

Travel blogger Phan Thế Anh: Nếu đi nhiều giúp ích cho sáng tạo một, ở nhà nâng cấp sáng tạo tới 10!

Sống

Đối với một người xem sáng tạo là nguồn sống, dùng hành trình của những chuyến khám phá làm nội dung cho các chia sẻ của mình, travel blogger Phan Thế Anh gặp vô vàn khó khăn trong chuỗi ngày giãn cách kéo bất tận từ Đài Loan (Trung Quốc) đến Việt Nam. Thế nhưng chia sẻ cùng Đẹp, Thế Anh cho hay anh đã “nâng cấp” khả năng sáng tạo của mình, cũng như hé lộ những bí quyết tìm kiếm năng lượng tích cực hiện hữu xung quanh mỗi người.

Hàng chục ngày cách ly và giãn cách liên tục như một bài test về khả năng thích nghi

Cơ duyên nào đưa anh từ một du học sinh trở thành travel blogger?

Ban đầu, tôi vốn chỉ muốn chia sẻ những kỷ niệm khi đi du lịch, cũng như muốn cho ba mẹ thấy cuộc sống du học muôn màu của mình ở Đài Loan, và đồng thời giúp ba mẹ hiểu thêm về du lịch, văn hoá của các nước bạn, nói nôm na là du lịch cùng con trai qua ống kính máy ảnh.

Tuy nhiên thích chia sẻ thôi chưa đủ, nếu nói về cơ duyên thì tôi nghĩ nằm ở sự hiểu biết của mình về ngôn ngữ và cuộc sống ở nước ngoài. Vì tôi đã sống ở Hàn Quốc hơn 3 năm và Đài Loan hơn 5 năm, tôi nghĩ những trải nghiệm thực tế của du học sinh sẽ thú vị và có điểm độc đáo hơn so những travel blogger chỉ đến đây trong một khoảng thời gian ngắn để giới thiệu về các nước này.

Điều anh nhớ nhất về Đài Loan là gì?

Vì học về ngành Marketing và cũng đang là giảng viên về bộ môn này nên tôi rất hứng thú với việc Đài Loan xây dựng du lịch thành công như thế nào. Các địa danh của Đài Loan dù không xuất sắc như Việt Nam, nhưng cách quảng bá du lịch rất hay và tạo động lực cho không chỉ khách nội địa mà còn khách nước ngoài đến thăm nơi này.

Du khách có thể nhớ đến Đài Loan như một xứ sở hoa, vì mỗi tháng Đài Loan đều quảng bá một loại hoa. Chẳng hạn như đến Hoa Liên phải ghé thăm đồi hoa Kim Châm, ghé Dương Minh Sơn phải đến các thung lũng hoa cẩm tú cầu; và đặc biệt dịp mùa xuân, các lễ hội hoa anh đào được tổ chức khắp nơi. Tôi cũng rất thích cách người Đài Loan tạo nhiều lớp học miễn phí giới thiệu về cách làm trà sữa trân châu, những món đặc sản đến khách nước ngoài.

Là một nơi rộn ràng với nhịp sống tất bật như vậy, người dân ở đây đối diện với dịch bệnh như thế nào?

Tôi trải qua 3 lần lockdown. Lần gần nhất là tháng 6 vừa rồi, khi Đài Loan nới lỏng lệnh lockdown, tôi tranh thủ trở về; sau đó lại hay tin là bên đó tiếp tục lockdown vì có ca nhiễm mới. Tình hình dịch bệnh được ổn định rất nhanh, mất khoảng 2 đến 3 tháng. Thậm chí, khi chính phủ chưa thông báo người dân không được phép ra đường, thì mọi người tự giác ở trong nhà. Khi dịch lắng xuống, những công ty ở Đài tập trung phát triển du lịch nội địa, nên du lịch tại đây hồi phục rất nhanh.

Anh đã chuẩn bị những gì để bắt đầu thích nghi với cuộc sống thời dịch?

Khi dịch mới bùng phát, tôi thật sự rất hoang mang và sốc. Việc xuất nhập cảnh, tất cả kế hoạch của tôi đều đảo lộn. Nhưng mà ngẫm kỹ thì mọi chuyện cũng không quá tệ, trước đây do di chuyển nhiều cũng khiến việc chia sẻ thiếu chiều sâu. Nhờ vậy, tôi có khoảng thời gian nghỉ để suy nghĩ hướng phát triển mới, xây dựng kế hoạch cho bản thân trong tương lai.

Anh đã trải qua cảm giác phải ăn tết xa nhà? Anh học được gì từ trải nghiệm đó?

Tết vừa qua là dịp đầu tiên tôi ăn Tết ở nước ngoài. Vì không thể xuất cảnh, tôi quyết định dành thời gian này để tổ chức các chuyến đi nho nhỏ cho các bạn sinh viên Việt Nam ở trong trường. Tôi còn học các lớp nấu món ăn Đài như tiểu long bao, trà sữa trân châu với mong muốn khi về nước có thể cho ba mẹ trải nghiệm ẩm thực Đài Loan do con trai mình nấu. Nhìn chung, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu muốn vượt qua khó khăn, bản thân phải luôn tránh được cảm giác tiêu cực.

Về Việt Nam, anh tiếp tục cách ly 21 ngày. Có kỷ niệm nào đáng nhớ không?

Khi về Việt Nam tôi phải thực hiện cách ly 21 ngày tại cơ sở cách ly tập trung và 7 ngày tại nhà. Từ đó đến nay tôi vẫn đang làm việc tại nhà. Lần cách ly này khiến tôi trân trọng cơ hội trở về nhà nhiều hơn. Ở trung tâm cách ly, chỉ được làm việc trên một chiếc giường, tập thể dục, ăn uống tại chỗ ngủ, không được ra ngoài. Đó là 21 ngày thử thách khi phải thích nghi với môi trường mới, nhưng cũng cho tôi thấy công tác quản lý nghiêm của Việt Nam trong phòng chống dịch.

Sáng tạo thời này cần đi đôi với sự linh hoạt

Là một travel blogger, lệnh hạn chế di chuyển gây ra những trở ngại gì cho anh?

Có một sự thật rằng chúng ta luôn có thể biến đam mê của mình thành những dạng thức khác nhau. Ví dụ như trong hoàn cảnh không thể đi trải nghiệm để làm video review, tôi tận dụng các khía cạnh khác như ẩm thực chẳng hạn, để nói về sự đặc biệt của một điểm đến. Tôi chuyển hướng sang những nội dung ở nhà nhiều hơn, định hướng làm những video dạng chia sẻ, nói về những kinh nghiệm của mình trong marketing. Thời điểm dịch xảy ra, tôi thực hiện những nội dung như cách chỉnh hình đẹp, cách trở thành người truyền cảm hứng, mẹo dưỡng da cho các bạn nam.

Sáng tạo ở giai đoạn này chính một bài học linh hoạt từ những thứ sẵn có.

Liệu có loại cảm giác nào chỉ riêng “người cuồng chân” mới gặp phải trong mùa dịch không?

Cũng một khoảng thời gian lâu rồi tôi chưa được thỏa chí vi vu khắp nơi, đối với một người lấy sự sáng tạo làm năng lượng, thì cảm giác này không hề dễ chịu. Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện tại sao mình không hiên thực hóa suy nghĩ bằng những cách khác? Thế là tôi đầu tư cho kênh TikTok của mình, chuyển tải các nội dung và suy nghĩ về các địa điểm du lịch mình yêu thích. Tôi muốn tạo động lực cho mọi người nghĩ nhiều hơn về việc hết dịch mình nên đi đâu, làm gì và thưởng thức món ngon nào.

Nỗi lo về một tương lai bất định hiện là bất an của số đông, anh có ngoại lệ không?

Tôi nghĩ không ít thì nhiều mọi người sẽ đặt câu hỏi ngày mai sẽ ra sao? Nỗi lo sợ thường sẽ lan đi rất nhanh so với những thông điệp tích cực. Đôi lúc, tôi cũng cảm thấy chán nản, mệt mỏi, lo sợ. Thường thì tôi sẽ thả lỏng cơ thể, nói chuyện với gia đình, giỡn với cháu, tiếp nhận thông tin có chọn lọc, rèn luyện sức khỏe ít nhất 1 tiếng mỗi ngày. Thay vì than phiền, tôi duy trì tâm thế đón nhận nhiều hơn. Và quan trọng hơn hết, để tránh rơi vào cảm giác về một tương lai chênh vênh thì tôi học cách kiểm soát nó, bằng cách thiết lập mục tiêu cho ngày mới và hoàn thành chúng.

Có một nguồn cảm hứng mới nào đến với anh trong khoản thời gian này không?

Sau khi hết dịch, tôi định hướng sẽ phát triển các video bằng tiếng nước ngoài. Tôi cảm thấy rằng rất ít các kênh Youtube bằng tiếng nước ngoài do người Việt làm để giới thiệu về cuộc sống văn hoá Việt Nam. Tôi có thế mạnh về ngôn ngữ, nên muốn làm các video mới giới thiệu đến bạn bè quốc tế về Việt Nam.

Anh đã tận dụng 120 ngày giãn cách vừa qua như thế nào?

Tôi học online mỗi ngày khoảng 5 lớp, đọc hơn 300 bài nghiên cứu khoa học để viết nghiên cứu khoa học lấy bằng tiến sĩ, dạy 1 lớp online về chiến lược Marketing cho sản phẩm mới, hỗ trợ tư vấn nhóm sinh viên khởi nghiệp của trường tôi đang làm.

Thay vì gọi năm 2020-2021 là năm của “đại dịch”, theo từ điển của mình, anh gọi là gì?

Linh hoạt, vì đối với những người làm việc ở nhà, linh hoạt trong công việc cũng như sáng tạo là cần thiết để đạt được thành công.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

10s Q&A
1. Một sự thật ít người biết về anh?
Từ năm 2015 đến nay, tôi vẫn là giảng viên trường Đại học Quốc tế Miền Đông bộ môn Marketing bên cạnh công việc travel blogger.
2. 3 món muốn ăn nhất khi lệnh giãn cách nới lỏng?
Bún đậu mắm tôm, bún chả, bánh xèo.
Hai năm rồi tôi chưa được ăn và về Việt Nam vẫn chưa được ăn (cười).
3. Khi mọi thứ an toàn trở lại, việc anh làm đầu tiên là gì?
Cùng ba mẹ du lịch ở Phú Quốc.
4. Một câu quote yêu thích?
“Khi một cánh cửa đóng, một cánh cửa khác sẽ mở ra, nhưng chúng ta thường quá chần chừ và nuối tiếc cánh cửa đã đóng, do đó không thể thấy một cánh cửa khác đang mở ra chào đón chúng ta.”
Ảnh: NVCC

Thực hiện: Huyền My Trương

29/09/2021, 07:00