Do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, các tín đồ của chủ nghĩa xê dịch đành gác lại kế hoạch du lịch cho đến khi dịch bệnh hoàn toàn bị đẩy lùi. Sự đóng băng của ngành du lịch khiến không ít travel blogger, những người xem du lịch vừa là niềm đam mê vừa là một phần công việc, đối mặt với nhiều khó khăn vì không thể sản xuất nội dung mới cũng như duy trì sự tương tác của người xem với kênh thông tin của mình. Và đó cũng là nỗi trăn trở mà Travip Việt Phương, một trong những “chân đi” có tiếng trong làng blogger du lịch Việt với tần suất trên dưới 100 chuyến bay/năm, phải đối mặt.
Travip Việt Phương không còn là cái tên quá đỗi xa lạ đối với các tín đồ dịch chuyển, đam mê khám phá muôn nẻo đường mới lạ trong và ngoài nước. Trước khi chạm ngõ với lĩnh vực blogger du lịch, Travip từng làm phóng viên thường trú tại Bangkok (Thái Lan). Ngoài ra, anh còn là tác giả của tựa sách “Chạm ngõ thiên đường” được xuất bản năm 2016.
Do đặc thù công việc của một travel blogger buộc phải gắn bó với hành trình tìm kiếm và khám phá những miền đất mới, các nền văn hóa cũng như con người nơi bản địa, quả thật tồi tệ nếu buộc một blogger về du lịch phải “chôn chân” ở nhà suốt một khoảng thời gian khá dài, thậm chí không thể dự đoán được khi nào cơn đại dịch qua đi và mọi thứ trở về quỹ đạo cũ. “Cứ thử làm một blogger về du lịch và hàng không toàn thời gian xem, bạn sẽ nhận ra rằng không đi, không bay thì sẽ không có nội dung để sản xuất chương trình hay viết bài. Dẫn đến việc kênh sẽ chết, trang web sẽ chết. Đó còn chưa kể việc hợp tác với các nhãn hàng liên quan đến lĩnh vực này cũng hoàn toàn đóng băng“, Travip chia sẻ.
Nhớ về chuyến du lịch gần đây nhất, trước khi buộc phải “chôn chân” tại nhà, anh cho biết thêm: “Tôi đi Maldives cùng mẹ và trở về Việt Nam đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán. Đó cũng là khoảnh khắc nhiều hoang mang nhất, bởi tin tức về dịch ở Vũ Hán bắt đầu nghiêm trọng hơn và Việt Nam cũng như nhiều nước khác bắt đầu chịu ảnh hưởng. Đeo khẩu trang trên máy bay, tôi cố gắng giữ bình tĩnh để quay vlog và nói chuyện với khán giả qua máy quay nhưng thực tình đầu tôi bắt đầu ‘nhảy số’, nghĩ về những viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra vài tháng tới. May mắn là tôi đã giữ được bình tĩnh và tinh thần lạc quan.”
Vào tháng 2, khi tình hình dịch trong nước chưa đến mức phức tạp và con số ca nhiễm chỉ dừng lại ở 16 người, Việt Phương nhận thấy vấn đề còn “dễ thở” vì vẫn đi lại một cách giới hạn ở trong nước và các nước trong khu vực. Chỉ có điều phải cẩn thận hơn, giữ gìn vệ sinh để tránh lây nhiễm. Ê kíp trong nhóm Yêu Máy Bay cùng thống nhất đưa ra quy trình đảm bảo an toàn và vệ sinh mỗi khi buộc phải đi quay vlog, chủ yếu là trong nước. Ví dụ như khi đến chỗ đông người, lên phương tiện công cộng đều phải đeo khẩu trang và mặc áo khoác cũng như quần dài để tránh tiếp xúc bề mặt. Thậm chí về đến khách sạn, mọi người buộc phải cởi hết quần áo đi ngoài đường, trên tàu xe, máy bay ra và để vị trí riêng, rửa tay ngay cũng như sát trùng các chỗ tay hay tiếp xúc như vòi nước, tay nắm cửa…
“Sang tháng 3, một chuyến công tác đầu tháng cũng cùng lúc xuất hiện ca bệnh thứ 17, đánh dấu làn sóng thứ 2 dịch đổ bộ vào nước ta. Đó cũng là chuyến đi quay vlog duy nhất trong tháng 3 trước khi mọi thứ phải ngừng lại. Phải ngồi ở nhà, hạn chế ra đường, mệt mỏi là một chuyện, cuồng chân là một chuyện, nhưng lấy nội dung đâu ra để duy trì kênh lại là chuyện đau đầu hơn” – Việt Phương tâm sự.
Việt Phương cho hay, anh cùng ê kíp mất ngủ mấy tuần liền để suy nghĩ xem phải xoay sở như thế nào nếu kênh không có nội dung hoặc nội dung không đủ hay trong thời điểm này. Có thể khán giả sẽ thông cảm và ủng hộ bằng cách xem lại các vlog cũ nhưng điều đó nếu có xảy ra cũng không đáng kể. Liệu họ sẽ ủng hộ mình được bao lâu?
Ban đầu, anh lập ra lịch phát cho từng tuần trong nguyên tháng 4 để biết mình cần làm gì. Sau đó kiểm tra kho dữ liệu để tận dụng những data chưa sử dụng. May mắn là đội ngũ của Yêu Máy Bay lưu giữ các source khá kỹ và vẫn còn nhiều nội dung chưa được thực hiện. Và rồi, với tần suất 3 số vlog/tuần, anh và đồng đội đã phủ kín lịch phát sóng của tháng 4 và nửa đầu tháng 5.
Đây không phải là lần đầu Travip bị đóng băng mọi hoạt động của mình. “Thời gian còn làm phóng viên ở Bangkok (Thái Lan) từ 2006-2010, tôi cũng từng trải qua nhiều đợt khủng hoảng khiến cả thành phố bị đặt lệnh giới nghiêm hay mọi hoạt động bị tê liệt vì biểu tình. So với những trải nghiệm khi đó thì lần này mọi thứ đóng băng lâu hơn nhưng cũng không phải là không thể vượt qua. Luôn có cách giải quyết vấn đề, dù giải pháp đó hay hay dở, khả quan hay bất khả thi thì điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh và lạc quan“, anh chia sẻ thêm.
Không thể thực hiện bất kỳ chuyến đi nào trong lúc dịch bệnh hoành hành không đồng nghĩa với việc thời gian tạm nghỉ ở nhà là vô nghĩa, mà đây sẽ là khoảng thời gian để lên kế hoạch tương lai kỹ càng hơn, đầu tư chất xám nhiều hơn. Travip cho hay: “Hôm rồi tôi có làm một vlog về chuyện sân bay Changi của Singapore tạm đóng cửa nhà ga số 2 trong 18 tháng vì nhu cầu sụt giảm do đại dịch. Mặc dù lý do đưa ra là vậy, nhưng họ lại tận dụng khoảng thời gian đóng cửa đó để nâng cấp nhà ga, để có thể đón thêm 5 triệu lượt khách mỗi năm. Trong lúc hiện tại chưa làm được gì thì hãy chuẩn bị cho tương lai. Tôi thấy đó cũng là một ý tưởng hay. Trong thời gian này, thu nhập của tôi giảm đến 70% do mọi hoạt động đều đóng băng. Cũng may, thời gian này, tôi không đi lại, nghĩa là không tốn chi phí nên số tiền ít ỏi kiếm được vẫn đủ duy trì cuộc sống.
Ở nhà nhiều hơn, Việt Phương tranh thủ tập thể dục với huấn luyện viên online, điều mà anh không làm được trong gần 4 năm qua kể từ khi chuyển sang làm travel blogger toàn thời gian. Anh cũng tận dụng thời gian ít bận rộn hơn để phát triển kênh YouTube mới là Travip Vlog để chia sẻ nhiều trải nghiệm cá nhân hơn so với kênh Yêu Máy Bay. Đồng thời, anh cũng nghiên cứu các nền tảng khác như TikTok để tạo thêm sân chơi cho mình. Ngoài ra, anh còn tranh thủ thời gian để xem phim, điều mà khi còn đi lại quay vlog liên tục là một thứ quá đỗi xa xỉ với anh.
Về những dự định sau khi đại dịch chính thức kết thúc, Travip không ngần ngại mà trả lời ngay rằng: “Có lẽ tôi phải bay ngay đi thăm những người thân trong gia đình, họ hàng cùng những người bạn. Sau đó, có thể sẽ phải đi nhiều hơn và liên tục để làm đầy lại kho tư liệu của mình. Lưu giữ nhiều tư liệu sẽ cực kỳ có lợi cho một người làm travel blogger như tôi. Và tôi cũng sẽ dùng kênh của mình để quảng bá và thúc đẩy ngành du lịch vươn xa hơn“.