Tháng 3/2018, Lanvin một lần nữa gây bất ngờ khi tiết lộ Giám đốc Sáng tạo Olivier Lapidus sẽ ra đi chỉ sau chưa đầy một năm tại vị. Anh sẽ quay về với thương hiệu riêng của mình: Maison Lapidus. Không chỉ Lapidus, Giám đốc Điều hành Nicolas Druz cũng sẽ rời Lanvin sau nhiều năm gắn bó. Từ khi “đoạn tuyệt” với Giám đốc Sáng tạo Alber Elbaz từ tháng 10/2015, có vẻ như nội bộ nhà mốt lâu đời bậc nhất Paris chưa bao giờ ngừng dậy sóng. “Lanvin đã tồn tại suốt 125 năm qua. Và điều đó sẽ phải được tiếp tục. Nhà mốt sẽ không đóng cửa chỉ bởi giám đốc sáng tạo đã rời đi. Mọi người đều đang và sẽ vẫn làm việc hết sức mình, dù chúng tôi đang ở một trong những giai đoạn nhạy cảm nhất.” – một phát ngôn viên của nhà mốt cho biết. Tuy nhiên, nếu muốn giữ vững ngôi vị của mình, Lanvin cần nhanh chóng tìm được một “thuyền trưởng” đủ vững vàng trước khi quá muộn.
Một mình một ngựa, Giám đốc Sáng tạo Christopher Bailey biến Burberry từ thương hiệu mang đậm giá trị truyền thống Anh Quốc trở thành một trong những cái tên dẫn đầu làng thời trang cao cấp. Pha trộn hài hòa giữa nét lãng mạn đặc trưng của xứ sở sương mù và các xu hướng thời trang mới nhất, Burberry nhanh chóng được những tín đồ thời trang sành điệu đón nhận nồng nhiệt. Không chỉ riêng hình ảnh, Christopher Bailey còn đưa Burberry lên ngôi đầu về thương mại điện tử với mô hình “see now, buy now” độc đáo. Chính vì thế, quyết định rời khỏi Burberry của ông là một thông tin gây bất ngờ và hụt hẫng với công chúng. Bailey đã để lại cái bóng quá lớn trong suốt 17 năm qua, do đó, hành trình tìm kiếm vị trí người kế nhiệm thay ông tại Burberry gặp phải không ít chông gai.
Thông tin Riccardo Tisci trở thành người kế nhiệm của Christopher Bailey được công khai sau đó giống như một phát đại bác bắn thẳng vào thế giới thời trang cao cấp, bởi phong cách gothic và streetwear mà nhà thiết kế người Ý theo đuổi dường như chẳng ăn nhập tí nào với hình ảnh và những giá trị mà Burberry gắn bó trước đây. Tuy vậy, là người từng đưa Givenchy từ lãng quên trở lại tâm điểm của sự chú ý trong suốt 12 năm gắn bó cùng nhà mốt này, Riccardo Tisci vẫn được kỳ vọng về khả năng tạo nên những thành công ấn tượng tiếp theo cho Burberry. Dù vậy, người hâm mộ chỉ biết mình đã có thể thở phào nhẹ nhõm hay chưa vào tháng 9 năm nay, sau khi Riccardo Tisci giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên của mình dành cho Burberry.
Là một trong những nhà mốt có lịch sử lâu đời nhất thế giới, nhưng trước kia, Louis Vuitton chưa từng chứng tỏ được thế mạnh của mình trong lĩnh vực thời trang nam. Gia nhập gia đình Louis Vuitton vào năm 2011, Giám đốc Nghệ thuật Kim Jones thực sự không nhận được nhiều kỳ vọng. Vậy mà chỉ trong vài năm ngắn ngủi, nhà thiết kế người Anh đã biến Louis Vuitton trở thành cái tên đáng gờm nhất của làng thời trang nam. Vốn đã dày dạn kinh nghiệm khi chèo lái thương hiệu riêng của mình trước đây, Kim Jones mang hơi thở trẻ trung đường phố đến nhà mốt di sản Pháp lâu đời. Thường xuyên cộng tác cùng những nghệ sĩ nổi tiếng và cả các thương hiệu khác, sức ảnh hưởng từ những sáng tạo của ông càng được khuếch đại bội phần.
Trong BST Thu Đông 2017 của Louis Vuitton, Kim Jones ra mắt những thiết kế kết hợp cùng thương hiệu streetwear đình đám Supreme. Mang sắc đỏ nổi bật, những sáng tạo đặc biệt này đã tạo nên cơn sốt chưa từng có trong lịch sử thời trang. Không chỉ đem tới hình ảnh mới mẻ và tạo sức hút mãnh liệt cho Louis Vuitton đối với cộng đồng Millennials, bộ sưu tập còn là tuyên ngôn mạnh mẽ về sức ảnh hưởng của streetwear cũng như tầm nhìn kinh doanh nhạy bén của Kim Jones. Có lẽ chính vì lý do này, Kim Jones đã ngay lập tức được bổ nhiệm làm Giám đốc Sáng tạo cho Dior Homme – một thương hiệu dù thành công nhưng lại đang trong giai đoạn khủng hoảng hình ảnh. Cựu Giám đốc Sáng tạo của Dior Homme – Kris van Assche thì được thuyên chuyển đến thương hiệu Berluti để giữ vị trí Giám đốc Nghệ thuật thay cho NTK Haider Ackermann. Cả 3 thương hiệu Louis Vuitton, Dior Homme và Berluti đều thuộc tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới LVMH.
Tuy vậy, trước khi ra đi, Kim Jones vẫn kịp thời để lại “món quà” cuối cùng của mình. Ông đã giới thiệu Virgil Abloh – một nhân tố mới mẻ hứa hẹn sẽ làm nên chuyện – cho vị trí kế nhiệm mình. Là một trong những cái tên gây tranh cãi nhất làng thời trang hiện đại, nhà sáng lập của Off-White đã ngay lập tức trở thành thỏi nam châm thu hút sự chú ý về phía Louis Vuitton. Bộ sưu tập đầu tay của Virgil cho Louis Vuitton sẽ ra mắt tại Paris trong tháng 6 này, hứa hẹn tiếp tục tạo nên một cơn sốt mới cho nhà mốt.
Cũng vào cuối năm nay, “ông trùm tái thiết thương hiệu” Hedi Slimane sẽ tiếp tục với dự án mới của mình tại nhà mốt Céline. Đón nhận Céline từ tay Giám đốc Sáng tạo Phoebe Philo ngay lúc thương hiệu đang ở đỉnh cao, áp lực đặt lên Hedi Slimane không hề nhỏ. Không hấp tấp như khi còn ở Saint Laurent với một loạt động thái thay đổi nhận diện thương hiệu và thiết kế cửa hàng ngay khi chưa ra mắt bất cứ thiết kế mới nào, lần này, ở Céline, Hedi tỏ ra điềm tĩnh và thận trọng hơn. Thông tin “giật mình” nhất cho đến lúc này chính là Hedi Slimane sẽ cho ra mắt dòng sản phẩm nam giới đầu tiên cho Céline. Chưa ai đoán được âm hưởng rock’n’roll của ông sẽ hòa hợp thế nào cùng giai điệu tối giản tại Céline, nhưng chắc chắc đó sẽ là một tiết mục đáng chờ đợi!