Làm thế nào để thu hút nhiều lượt xem của công chúng là điều tối quan trọng mà đa phần các ca sĩ khi phát hành MV đều bận tâm. Áp lực này với những gương mặt từng sở hữu sản phẩm triệu view càng thêm nặng nề. Đó chính là lý do không ít ca sĩ, nhà sản xuất dù tiếng tăm vẫn sẵn sàng làm mọi cách để kéo sự chú ý của công chúng về sản phẩm của họ.
Dễ dàng nhận thấy, với sự phát triển của mạng xã hội và các công cụ số, hiệu ứng viral đóng vai trò quan trọng để một sản phẩm, từ đồ ăn, phương tiện, công nghệ cho đến nghệ thuật, được chú ý mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường âm nhạc Việt Nam vẫn chưa hình thành ngành công nghiệp ghi âm (nghệ sĩ chủ yếu chọn hình thức phát hành thông qua internet), viral trở thành mục tiêu sống còn, chi phối gần như toàn bộ đời sống của những sản phẩm âm nhạc.
Lời bài hát hay là status Facebook?
Đầu năm 2018, khi câu nói “quan trọng là thần thái” trở thành trào lưu gây sốt trên mạng xã hội, rất nhanh trí, Only C và Karik cho ra đời ca khúc có tựa đề giống hệt. Trước đó, vào năm 2016, Only C cũng từng sáng tác “Yêu là tha thu”, lấy cảm hứng từ cách phát âm từ “tattoo” (hình xăm) của Sơn Tùng M-TP. “Mình thích thì mình yêu thôi” – một sáng tác của nhạc sĩ Dương Khắc Linh được Hồ Ngọc Hà và Noo Phước Thịnh thể hiện cũng là sản phẩm ra đời dựa trên câu nói “Mình thích thì mình vẽ lên thôi” có tính viral của giọng ca Thái Bình…
Sau MV cổ trang tuyệt đẹp tạo tiếng vang “Sống xa anh chẳng dễ dàng” (2017), đầu tháng 10/2018, thông tin Bảo Anh trở lại với sản phẩm âm nhạc mới khiến người hâm mộ háo hức mong chờ. MV này càng gây tò mò hơn khi trước đó được quảng bá với hashtag viết tắt từ 3 chữ cái #NLD. Tên bài hát, sau đó, được hé lộ là “Như lời đồn”, một sáng tác của Khắc Hưng. Nếu nói lái tên ca khúc, không ít người sẽ ngượng miệng.
Cách quảng bá gây tò mò của Bảo Anh không mới, bởi tháng 6 năm nay, khi chuẩn bị ra mắt MV “Duyên mình lỡ”, Hương Tràm cũng đã dùng hashtag #DML để thu hút dư luận. Bên cạnh hình thức viết tắt, một số tựa đề ca khúc cũng từng khiến dư luận xôn xao khi chỉ cần nói lái hoặc nói chệch đi sẽ cho ra những từ ngữ kém văn hóa. Có thể kể đến “Như cái lò” (sáng tác: Khắc Hưng), “Thu dẩm” (sáng tác và trình bày: LK), “Nắng cực” (sáng tác: Phạm Toàn Thắng)…
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu cụm từ được viết tắt không dẫn khán giả đến những liên tưởng nhập nhằng giữa lành mạnh với dung tục. Trong khi đó, người khơi mào, dẫn dụ cho các suy tưởng đó lại phủi bỏ trách nhiệm với lập luận “ai nghĩ bậy người đó chịu”! Trào lưu này thật ra không mới, nhưng vẫn chưa bao giờ kém hiệu quả bởi mạng xã hội mỗi ngày lại sản sinh ra hàng tỷ thứ hay ho, có khả năng được sử dụng làm chất liệu cho những status trôi trên Facebook.
Âm nhạc đâu chỉ gây tò mò
Trước sự phát triển của mạng xã hội, nhạc sĩ, ca sĩ theo đuổi dòng nhạc thị trường là những người nhanh nhạy nắm bắt các xu hướng và ngày đêm miệt mài chạy theo hiệu ứng viral. Có lẽ, nó không chỉ là những con số triệu view mà còn làm nên danh tiếng, phản ánh sức hút của chính cá nhân đó, mang đến hàng loạt quyền lợi phía sau, từ lời mời biểu diễn đến trở thành đại diện hình ảnh của các nhãn hàng. Đã qua rồi cái thời ca sĩ có thể sống được chỉ bằng việc phát hành băng đĩa. Dĩ nhiên, những màn đánh đố, gây tò mò cho khán giả không phải lúc nào cũng thành công. Công chúng ngày càng thông minh, họ biết được đâu là những sáng tạo có đầu tư, đâu là “rác văn hóa” cộp mác sản phẩm nghệ thuật.
Bảo Anh, Hương Tràm hay một số trường hợp vừa đề cập có thể đã đạt được mục tiêu. Thế nhưng, đường dài của những tác phẩm ăn xổi như thế sẽ tồn tại bao lâu khi xu hướng qua đi? Sự xuất hiện của những sản phẩm được quảng bá là công phu, đầu tư ấy liệu sẽ đóng góp gì cho thị trường nhạc Việt, nếu ngay cả chất giải trí lành mạnh cũng không có? Hay nó đang phản ánh sự cạn nghĩ của chính ca sĩ và đội ngũ làm truyền thông trong sáng tạo, cũng như cho thấy sự ích kỷ của họ khi chỉ biết nghĩ đến bản thân, thỏa mãn cái tôi nhất thời và một số người hâm mộ mà coi thường số đông công chúng? Cuối cùng, có đáng hay không khi danh tiếng nghệ sĩ vất vả gây dựng suốt chừng ấy năm bị tẩy chay vì tham vọng thu hút sự chú ý bất chấp mọi giá?
Còn nhớ cách đây hơn 1 năm, MV “Như cái lò” vừa ra mắt đã được báo chí và cộng đồng mạng bàn tán, chia sẻ rầm rộ. Chủ nhân của ca khúc tại thời điểm đó có lẽ cảm thấy sự đánh đổi này là xứng đáng, khi những lời chỉ trích, lên án của khán giả đồng nghĩa với việc lượt xem MV trên YouTube sẽ nhảy số vùn vụt. Nhưng sau 1 năm nhìn lại, liệu mấy ai còn khái niệm về cái tên Sambi, người góp giọng trong ca khúc (thực chất, cô là một nhạc sĩ trẻ tài năng, từng mang về 11 cúp Bài hát Việt trước khi đổi tên và bị quên lãng)?
Rõ ràng, cách mà người nghệ sĩ đối xử với sản phẩm của họ cũng quyết định dòng đời và tuổi thọ của nó. Không bàn đến những bài hát chất lượng được làm ra với mục đích phục vụ khán giả và tôn trọng nghệ thuật, những ca khúc mà ấn tượng duy nhất đập vào mắt người xem chỉ là tựa đề gây sốc và những ký tự hashtag trôi vô nghĩa trên Facebook rồi cũng sẽ bị thay thế bởi những trào lưu mới mẻ hơn.
Xin kết lại bằng chia sẻ rất đáng suy ngẫm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: “Tôi đánh giá rất thấp những cá nhân đã mang trên vai tấm áo nghệ sĩ mà cứ muốn thể hiện cái ngông, cái thô tục trong những tác phẩm của mình. Là một nghệ sĩ đúng nghĩa, nên định hướng chứ đừng hùa theo khán giả, vì nói thẳng, đại đa phần khán giả trẻ dân trí còn thấp. Nếu chúng ta cứ xuề xòa với những cái tên như thế rồi biện minh rằng ‘do mọi người nhạy cảm suy diễn chứ tôi chả có ý gì’ thì sớm muộn cũng sẽ xuất hiện nhan nhản những bài có tựa đề kinh khủng hơn thế”.