Tam giác tình cảm của cặp đôi “Reply 1988” Ryu Jun Yeol – Lee Hyeri – Han So Hee đã gây ra nhiều bàn tán xôn xao trong thời gian gần đây. Trước khi công khai mối quan hệ với nam diễn viên, Han So Hee đã khẳng định mình không thích các chương trình “transit love” trong story đáp trả diễn viên Lee Hyeri. Từ đó, “transit love” trở thành từ khóa được nhắc đến dày đặc khắp các trang mạng xã hội không kém “drama” tình ái này.
“Transit love” trong tiếng Hàn là “hwan-seung yeon-ae”. Trong đó, “hwan-seung” có nghĩa là chuyển đổi, còn “yeon-ae” được hiểu là quan hệ tình cảm. Giới trẻ Hàn Quốc thường sử dụng thuật ngữ này để chỉ những người chia tay mối tình cũ chưa bao lâu đã vội yêu đương với người mới. Không chỉ có vậy, “transit love” còn được dùng để nói đến người đang có người yêu nhưng lại đi “rắc thính” với người khác. Suy cho cùng, họ hầu như không tốn nhiều thời gian để chữa lành hậu chia tay. Thế nhưng, sự tổn thương mà người cũ phải chịu đựng có thể mất một khoảng thời gian dài để chữa lành.
“Transit love” có thể là lối thoát cho mối quan hệ tình cảm không có đích đến. Nó là lựa chọn của những người cảm thấy mông lung hoặc nhàm chán trong khoảng thời gian dài yêu đương. Họ không còn cảm nhận được sự nồng nhiệt, thú vị ở đối phương nên muốn gặp gỡ và tìm cảm giác mới mẻ từ bên ngoài. Vì thế, ngay sau khi chấm dứt mối tình cũ, họ sẽ tiến đến với mối quan hệ mới. Còn với người từng gặp tổn thương trong chuyện tình cũ, họ sẽ mong muốn tìm kiếm mối quan hệ khác để quên đi quá khứ và cho bản thân một khởi đầu mới.
Mặt khác, “transit love” được xem là biểu hiện cho một mối quan hệ hời hợt khi một trong hai người mập mờ “chân trong chân ngoài”. Đây là “cách yêu” bị ghét cay ghét đắng tại Hàn Quốc và một số nước châu Á. Đó là lý do tại sao chuyện tình cảm giữa Han So Hee và Ryu Jun Yeol vướng phải nhiều công kích trên mạng xã hội. Nghi vấn về mối tình “transit love” này được cho là vì thời gian quen nhau tương đối ngắn của cả hai sau khi nam diễn viên “Reply 1988” kết thúc mối tình 7 năm trước đó chưa lâu. Trong tâm thư xác nhận mối quan hệ, việc Han So Hee đề cập đến thời điểm chia tay của Ryu Jun Yeol và Hyeri cũng đẩy tranh cãi và nghi ngờ lên đỉnh điểm. Đáng nói, nữ diễn viên xác nhận chuyện tình cảm chỉ sau chưa đầy một ngày phủ nhận mối quan hệ tình cảm với đồng nghiệp và khẳng định mình không phải là người thứ ba.
“Transit love” được đánh giá là thiếu sự tôn trọng trong mối quan hệ đối với cả người cũ lẫn người mới. Đối với người cũ, họ cảm thấy bản thân bị phản bội và bỏ rơi. Trong khi đó, người mới có thể nghĩ rằng họ vô tình trở thành người thay thế để bù đắp những tổn thương và nỗi đau chia tay của người còn lại.
Từ khóa này cũng đã dẫn đến những tranh luận cho câu hỏi: “chia tay bao lâu thì có thể có người yêu mới?”. Paulette Kouffman Sherman, nhà tâm lý học và tác giả của cuốn “Dating From the Inside Out”, cho rằng thật khó để xác định con số cụ thể, vì mỗi cá nhân sẽ có mốc thời gian chữa lành tổn thương trong tình yêu khác nhau. Điều này phụ thuộc vào trạng thái sẵn sàng của mỗi người. Một số người cần vài tháng, thậm chí vài năm để hồi phục tinh thần, buông bỏ cảm xúc dành cho người cũ và đón nhận một tình yêu mới. Nhưng cũng có những người sẵn sàng mở cửa trái tim cho một kết nối mới chỉ sau vài tuần chia tay.
Nhà tâm lý học thần kinh, tiến sĩ Sanam Hafeez (hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Columbia, Mỹ) khuyến khích mọi người nên dành thời gian để nghỉ ngơi hậu chia tay, không nên vội tìm kiếm tình yêu mới chỉ vì sợ cô đơn hay muốn quên đi người cũ. Hãy dành thời gian cho bản thân, suy ngẫm về mối quan hệ vừa qua, nghĩ về cảm xúc và những điều mình tìm kiếm trong một mối quan hệ. Đây cũng là cách thể hiện sự tôn trọng cho cả mối quan hệ trong quá khứ lẫn tương lai.