Tránh xa các chấn thương - Tạp chí Đẹp

Tránh xa các chấn thương

Sức Khỏe

Những sai lầm trong việc lựa chọn máy tập cũng như phương pháp tập luyện có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bạn. Vì vậy, tập luyện để tăng cường sức khỏe và giữ gìn dáng vóc có sự tư vấn của bác sĩ vật lí trị liệu chuyên môn là tốt nhất. 

Dưới đây là lời khuyên hữu ích của bác sĩ Cao Độc Lập, nguyên Trưởng khoa Khám bệnh (BV Việt Đức) và bác sĩ đông y Trần Hoàn Đức với một số loại máy tập thông dụng.



1. Máy massage rung lắc: Rất tốt vì loại này giúp vận động cơ toàn thân, làm cho cột sống và cơ lưng mềm dẻo, giúp cơ bụng săn chắc. Phụ nữ thường lựa chọn loại máy này để thu gọn vòng eo, giảm lượng mỡ thừa phần bụng hoặc phần hông. Tuy nhiên, bạn không nên lắc trên rốn mà phải để dưới vùng rốn. Đối với những bệnh nhận bị bệnh thần kinh tọa, bệnh về xương chậu thì không nên sử dụng loại máy này.

Ngoài ra, nếu sử dụng máy rung lắc không đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến cột sống. Đặc biệt, đối với những người đang bị vôi hóa hoặc chấn thương cột sống, viêm dính cột sống thì tuyệt đối không sử dụng phương pháp tập luyện này.

2. Các loại máy chạy, đi bộ trên không (trường hợp tập với cường độ cao): Có tác dụng tăng cường thể lực toàn thân. Tuy nhiên, đối với những người có cân nặng quá dư thừa thì không nên sử dụng phương pháp tập luyện này vì việc đi bộ hay chạy bộ nhiều có thể gây thoái hóa khớp gối và khớp háng, ảnh hưởng tới cột sống vì các cơ quan này phải chịu tải nặng trong quá trình tập luyện kéo dài, đi lại nhiều gây hại cho gân cốt.

3. Các loại máy tập nặng hay đòi hỏi kĩ thuật phức tạp hơn như giàn tạ đa năng, ghế cong, máy chèo thuyền: Người tập phải có sức khỏe đảm bảo và được hướng dẫn kĩ thuật chính xác chứ không phải cứ vớ lấy là tập hoặc mua máy về tự tập tại nhà. Ví dụ như với ghế cong là bài tập cho xương sống mềm dẻo, cơ lưng khỏe hơn nhưng nếu tập sai kĩ thuật, người tập có thể bị thoái hóa cột sống hoặc đứt dây chằng…

Lưu ý
Do những hậu quả của việc tập luyện không đúng cách gây ra, bạn nên chọn phương pháp tập phù hợp với sức khỏe, lứa tuổi và tiền sử bệnh tật của từng người:

– Đối với phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh, có nhiều vấn đề trong thay đổi nội tiết, tim mạch như hay bị tăng huyết áp, đau đầu, chóng mặt… thì nên chọn các phương pháp tập nhẹ, tránh xa các bài tập nặng có động tác giật cục như cúi gập người, xoay người mạnh dễ gây xơ hóa xương khớp, gây biến chứng hoặc phải dồn sức quá mức trong thời gian nhất định.

– Ở lứa tuổi trung niên, phụ nữ nên chú ý tập toàn thân để duy trì sức khỏe và sự mềm dẻo của toàn cơ thể thay vì chỉ tập trung cho các bài tập tiêu mỡ, vì khi ngừng tập thì các phần mỡ thừa lại phát triển.

– Không nên tập quá nặng và thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến cơ, xương, dây chằng. Thời gian phù hợp nhất là tập trong khoảng từ 15-20 phút cho các bài tập có động tác vừa phải.

– Phân bố tập cho các vùng cơ thể không đồng đều sẽ khiến các vùng cơ thể bị quá tải hoặc có vùng cơ thể không được kích thích hoạt động nên việc tiêu hao năng lượng bị hạn chế.  

>> Tôi muốn tập trung luyện tập để khắc phục một số nhược điểm, nhưng lại sợ được cái nọ, mất cái kia. Ví dụ như tập máy đi bộ trên không, máy Perfect Tình Yêu để làm săn chắc bụng nhưng lại sợ các động tác kéo đẩy sẽ làm to vai, bắp tay…

Điều này không đáng lo ngại vì mỗi máy tập đều chỉ có hiệu quả khi bạn luyện tập đúng với chức năng của nó. Những loại máy tập ở nhà đã được nghiên cứu và thiết kế sao cho người tập sẽ có được kết quả mong muốn với từng mục đích tập và đúng công năng của máy. Máy tập ngực thì chỉ có hiệu quả cao nhất ở phần ngực, các bộ phận khác không bị ảnh hưởng nhiều.

Ngoài ra, các cơ của phụ nữ không dễ bị nở ra như bạn nghĩ. Cơ bắp chỉ nở ra khi bạn tập với cường độ rất nặng như các vận động viên thể hình. Để cho cơ bắp nở nang, ngoài chế độ ăn uống, đôi khi họ còn phải dùng thuốc tăng cơ.

>> Thời gian luyện tập tốt nhất là khi nào?

Vào buổi sáng, việc luyện tập sẽ giúp cơ thể mềm mại, tinh thần tỉnh táo, minh mẫn, dồi dào năng lượng để giúp bạn có một ngày làm việc hiệu quả. Nếu quá bận rộn vào buổi sáng, bạn có thể tập vào giờ tan sở. Tuy nhiên sau một ngày làm việc vất vả, cơ thể đã tiêu hao nhiều năng lượng nên khi luyện tập sẽ làm cho bạn dễ bị mệt hơn tập buổi sáng.

>> Trước khi tập với máy, nên khởi động ra sao?

Bạn nên có một bài khởi động các cơ bắp, làm cho cơ thể nóng lên rồi mới bước lên máy tập để tránh bị tình trạng chuột rút các cơ hoặc bị chấn thương.
Bài khởi động cụ thể:

– Gập cơ cổ, giữ thân người đứng yên, xoay đầu qua trái, qua phải, gập đầu phía trước, ngửa đầu ra phía sau.

– Bài tập cho vai: Dang hai tay thẳng ra hai bên, sau đó gập hai tay lại song song với mặt đất hướng mũi bàn tay về phía trước mặt. Xoay các khớp vai hướng từ trong ra ngoài, rồi từ ngoài vào trong.

– Xoay các khớp cổ tay và cuối cùng là xoay khớp hông, khớp đầu gối và khớp cổ chân.

>> Trong lúc luyện tập tại nhà, nếu bị chấn thương phải làm gì?

Trong lúc luyện tập có thể sẽ xảy ra chấn thương khi tập không đúng cách. Chỉ cần cảm thấy cơ thể có điều gì đó không ổn như đau lưng, đau khớp gối, đau hông,… thì phải dừng tập ngay và đi đến bệnh viện để được các bác sỹ chẩn đoán chấn thương, không tùy tiện xử lý tại nhà.

Nhiều người chỉ nghĩ đơn giản là do mình tập nhiều nên mới bị đau, chỉ cần ở nhà bôi dầu nóng vào là hết. Tập nhiều chỉ xảy ra tình trạng đau ở các cơ do chưa quen với cường độ tập chứ không đau ở các khớp. Cần phải loại bỏ suy nghĩ này!


Thực hiện: depweb

17/06/2010, 16:37