Nhiều sở VH-TT&DL còn vận động nhau đòi hưởng phần lệ phí vượt quá mức “gợi ý” của Tổng cục Du lịch. “Tổng cục Du lịch chỉ làm rất ít việc, chúng tôi phải giữ lại 60% mới đảm bảo công bằng”, ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM nhấn mạnh.
Giữ không nổi đành cho truy lĩnh
Thông tư 48/2010 của Bộ Tài chính quy định sở VH-TT&DL thu lệ phí cấp mỗi thẻ hướng dẫn viên (HDV) quốc tế là 650.000 đồng, nội địa 400.000 đồng. Số tiền này được phân bổ: Sở giữ lại 30%, chuyển Tổng cục Du lịch 60%, nộp ngân sách 10%. Trước đó, khi Bộ Tài chính đề nghị một số địa phương góp ý dự thảo thông tư này, UBND TP.HCM đã đề xuất địa phương hưởng 60%, Tổng cục Du lịch 30%, nhưng không được chấp thuận.
Mâu thuẫn bắt đầu bùng phát từ khi Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) công bố giá bán 110.000 đồng/thẻ, trong đó phần dây đeo và bao da giá 20.000 đồng. Do phải “gánh” tiền mua thẻ, các sở chỉ còn thực hưởng 10.000 đồng/thẻ nội địa, 85.000 đồng/thẻ quốc tế nên càng cấp càng… lỗ! Còn Tổng cục Du lịch nghiễm nhiên được hưởng lần lượt 380.000 đồng và 240.000 đồng.
Lình xình việc “ăn chia” lệ phía cấp thẻ hướng dẫn viên (ảnh minh họa – Tuổi Trẻ) |
Trước sức ép từ địa phương, một thứ trưởng Bộ Tài chính đã ký công văn hỏa tốc đề nghị Bộ VH-TT&DL nghiên cứu tỷ lệ % lệ phí để lại cho các bên cho phù hợp thực tế. Ý kiến tham gia gửi về Bộ Tài chính trước 30/8/2010 để bộ này xem xét điều chỉnh. Tuy nhiên, tất cả đều rơi vào im lặng hoặc hứa hẹn… suông! Trong hai công văn thắc mắc gửi Tổng cục Du lịch và cầu cứu UBND TP.HCM can thiệp với các bộ liên quan, ông Khánh cho hay lãnh đạo Tổng cục hứa hẹn sẽ “gánh” tiền mua thẻ, song mãi không thấy hướng dẫn chính thức thực hiện…
Tới tháng 10/2011, Tổng cục Du lịch mới trả lời hai sở TP.HCM, Bình Định: Thừa nhận các địa phương gặp khó khăn và thông báo đã lên phương án hỗ trợ bao da, dây đeo cho mỗi thẻ cấp ra. Dằng dai mãi đến cuối tháng 3/2012, cơ quan này mới chính thức thông báo: Từ đầu 2011, hầu hết các sở chỉ phát trần trụi cái thẻ từ với lý do thiếu tiền mua dây – bao. Vì thế, Tổng cục Du lịch sẽ cấp dây – bao cho những thẻ “cởi trần” đã cấp từ 2011 đến cuối quý I/2012 nhằm đảm bảo tính đồng bộ.
Một cán bộ Sở VH-TT&DL Hà Nội cho rằng lý do cho truy lĩnh không thuyết phục: “Tôi không rõ những sở nào cấp thẻ “cởi trần” song Hà Nội và TP.HCM cấp quá nửa tổng số thẻ toàn quốc đều đầy đủ dây – bao. Bởi nếu bần tiện quá, cơ quan quản lý chắc chắn bị HDV coi thường”. Sở VH-TT&DL Ninh Bình chỉ cấp 24 thẻ năm 2010 và 13 thẻ năm 2011, cũng đều đủ bộ cả.
Vị cán bộ sở Hà Nội phân tích thêm: Luật Du lịch quy định trong 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ xin cấp thẻ đủ tiêu chuẩn, sở có trách nhiệm xem xét, cấp cho HDV. Như vậy, những sở đàng hoàng cấp thẻ trọn gói chẳng được truy lĩnh là bao. Rốt cuộc, Sở VH-TT&DL TP.HCM chỉ được nhận bộ dây – bao cho hơn 50 thẻ chưa phát cho HDV của cuối quý I/2012. Còn 1.241 bộ của năm 2011, 1.901 bộ của 2010 đã phát kèm thẻ (phần lớn các sở đều cấp ra nhiều nhất vào năm này, đại đa số là cấp đổi thẻ giấy cũ sang thẻ từ) coi như… xí xóa!
Còn máy quét, thẻ từ làm gì?
Dù đã chịu cung cấp dây – bao cho toàn bộ thẻ từ tháng 4/2012, trong công văn đề nghị địa phương góp ý điều chỉnh tỷ lệ phân bổ lệ phí cấp thẻ, Tổng cục Du lịch vẫn gợi ý: Sở 40%, Tổng cục Du lịch 50%. Tuy nhiên, hai sở Hà Nội và TP.HCM đồng loạt đòi 60%, Tổng cục 30%. Khiêm tốn như Ninh Bình cũng đòi 50%, Tổng cục 40%…
Cán bộ phòng Nghiệp vụ du lịch của một sở VH-TT&DL thừa nhận Tổng cục Du lịch rất khó chấp thuận tỷ lệ trên, dù có hợp lý hay không. Ông này cho rằng, mâu thuẫn tranh giành tiền đáng xấu hổ suốt hai năm qua giữa cơ quan quản lý TƯ và địa phương, chủ yếu do sở phải chịu toàn bộ tiền mua thẻ từ.
Cả ông này và người viết bài từng tham dự hai hội nghị có đại diện Tổng cục Du lịch giải thích chuyển sang cấp thẻ từ chủ yếu nhằm khắc phục tình trạng HDV sử dụng thẻ giấy giả. Cơ quan này sẽ cung cấp cho các sở máy rà thẻ. Khi tác nghiệp ngoài hiện trường, thanh tra du lịch đút thẻ của HDV bị kiểm tra vào máy sẽ phân biệt được thật – giả…
Tuy nhiên, sau hơn hai năm cấp thẻ từ, rất nhiều sở (gồm cả Hà Nội, TP.HCM) tuyên bố không biết đến cái máy quét thẻ ra sao. Vị trưởng phòng còn nhấn mạnh, loại máy này đã trở ít hữu dụng trước sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng và phương tiện công nghệ thông tin.
Theo quan điểm của ông, Bộ VH-TT&DL nên cho phép các sở cấp thẻ giấy trở lại như trước năm 2010, giá trọn gói chỉ 30.000 – 35.000 đồng/thẻ. Trên website của mỗi sở lập chuyên mục riêng cập nhật họ tên, ảnh, ngoại ngữ sử dụng – nếu là HDV quốc tế, ngày cấp thẻ và thời điểm hết hạn…, của từng HDV được cấp thẻ.
Khi tác nghiệp ngoài hiện trường, thanh tra du lịch chỉ cần mang theo một máy vi tính xách tay bình dân kèm USB 3G, hoặc một điện thoại di động có thể truy cập internet (xa xỉ hơn là máy tính bảng hiện khá nhiều cá nhân đang sở hữu, với giá ngày càng rẻ) sẽ nhanh chóng xác minh có đúng người – đúng thẻ không, thẻ còn hạn sử dụng không… Trên thẻ giấy còn đóng dấu của sở cấp thẻ, thể hiện vai trò của cơ quan quản lý nhà nước. Cấp thẻ giấy còn giảm chi phí đáng kể cho người lao động.
Theo thống kê đến ngày 10/8 của Tổng cục Du lịch, Trung tâm Thông tin du lịch đã bán ra 11.070 thẻ từ, thu về gần 1 tỷ đồng (tính riêng phần thẻ) của người lao động.
Theo Vietnamnet