Tranh cãi về quyền kết hôn của người đồng tính

Chỉ nên cho phép sống chung

Mặc dù xã hội đã có cái nhìn mở hơn về người đồng tính, tuy nhiên rất nhiều ý kiến vẫn chưa chấp nhận việc kết hôn giữa họ.

Trong Hội thảo khoa học cấp bộ “Nhận diện những bất cập trong luật hôn nhân và gia đình năm 2000 nhìn từ thực tế” do Bộ Tư pháp tổ chức, TS Nguyễn Phương Lan, ĐH Luật Hà Nội cho biết, cá nhân bà chưa ủng hộ việt kết hôn đồng tính.

Theo TS Lan, việc kết hôn đồng tính không chỉ chi phối cuộc sống của người đồng tính mà còn tác động ảnh hưởng đến người khác có liên quan. Chính vì vậy, pháp luật chỉ thừa nhận quyền sống chung của họ.

“Con người không có khả năng lựa chọn giới tính của mình khi sinh ra, mà do bẩm sinh. Những người đồng tính không có lỗi trong xu hướng tình dục của mình, họ có thể cần được thông cảm, giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, xã hội, cần được sự bảo vệ của pháp luật đối với những quyền con người tự nhiên của mình. Tuy nhiên, bảo vệ quyền lợi của họ là không ngăn cấm việc họ sống chung. Nhưng không thừa nhận hôn nhân”, TS Lan nói.

Giải thích cho quan điểm của mình, bà Lan cho biết, ngoài những người đồng tính thật (do cấu trúc gen bẩm sinh) còn có những người đồng tính giả (những người đồng tính do bị chi phối bởi lối sống, sự đua đòi, bắt chước kiểu sống khác lạ). Khi chưa có cơ sở, hiểu biết thấu đáo về quan hệ tình dục cùng giới tính để phân biệt rõ đâu là đồng tính thật, đâu là đồng tính giả thì chưa thể điều chỉnh luật.

Mặc dù có cái nhìn rất mở và có kiến thức sâu về người đồng tính “đồng tính không phải là bệnh”, nhưng Bà Trịnh Thị Lê Trâm, Uỷ viên BCHTW Hội luật gia Việt Nam , Giám đốc Trung tâm chính sách về y tế, HIV/AIDS vẫn chưa thể chấp nhận hôn nhân đồng tính.

“Việc quan hệ tình dục, sống chung với nhau là quyền của người đồng tính, pháp luật không cấm. Nhưng cho phép kết hôn thì còn phải cân nhắc. Học tập quốc tế là một chuyện nhưng Việt Nam còn có phong tục tập quán riêng”, bà Trâm nói.

Theo bà Trâm, tuy không đăng kí kết hôn nhưng người đồng tính có thể tổ chức đám cưới vì đám cưới không phải thủ tục kết hôn.

92% người đồng tính muốn pháp luật cho phép kết hôn cùng giới

Tiến sĩ Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ việc Việt Nam sửa luật Hôn nhân và Gia đình để công nhận hôn nhân đồng tính. Điều đó thể hiện sự bình đẳng giới.

 

Tiến sĩ Lê Quang Bình.

Sau 5 năm nghiên cứu về cộng đồng người đồng tính, TS Bình cho rằng, ngày nay xã hội tiến bộ, người đồng tính dám thừa nhận mình. Tuy nhiên họ vẫn bị xã hội kỳ thị và phân biệt đối xử.

“Định kiến và kỳ thị người đồng tính ở Việt Nam còn rất phổ biến. Gia đình bạo hành, bạn bè xa lánh, hàng xóm khinh ghét. Có đến 25% người đồng tính mất bạn, 6,5% bị mất việc khi họ công khai. Tôi cũng đã từng gặp những trường hợp cha mẹ xích con, cấm cửa, nhốt lại khi phát hiện con là người đồng tính”, TS Bình nói.

Theo ông Bình, việc kỳ thị và định kiến khiến không ít người đồng tính có hành vi tự tử. Người đồng tính không dám công khai, phải tìm bình phong bằng cách lập gia đình với người dị tính, điều này sẽ dẫn đến những hậu quả về sau.

“Có người bảo thừa nhận hôn nhân đồng giới sẽ ảnh hưởng đến xã hội. Nhưng không thừa nhận còn ảnh hưởng hơn rất nhiều. Hàng triệu gia đình sẽ có vợ hoặc chồng là người đồng tính, thử hỏi có bao nhiêu người dị tính muốn lập gia đình với người đồng tính. Bởi khi không được thừa nhận, họ sẽ phải tìm bình phong bằng cách lập gia đình với người khác giới. Lập gia đình khi không hề có tình yêu họ sẽ vẫn duy trì những mối quan hệ đồng tính của mình. Hôn nhân của họ sẽ không hạnh phúc hoặc rất dễ đổ vỡ”, TS Bình phân tích.

“Tình yêu không phân biệt giới tính. Tại sao điều tốt lại không được thừa nhận”, TS Bình nói thêm.

Với những ý kiến cho rằng hôn nhân đồng tính sẽ ảnh hưởng đến việc “duy trì nòi giống” và nuôi dạy con cái. TS Bình cho biết, Người đồng tính là những người nam giới hoặc phụ nữ như những người dị tính chỉ khác biệt duy nhất là xu hướng tình dục – thay vì yêu người khác giới họ yêu người cùng giới. Chính vì vậy khả năng sinh con là bình thường như những người dị tính. Còn với việc nuôi con, các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng sự phát triển của trẻ không phụ thuộc vào giới tính của bố mẹ mà phụ thuộc vào mối quan hệ của bố mẹ (môi trường sống).


“Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, khi hai người đàn ông sống với nhau, họ phải thực hiện hết các công việc của nữ giới, sẽ tác động rất tích cực đến quá trình bình đẳng giới”, TS Bình nói thêm.

Ủng hộ việc sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 để thừa nhận hôn nhân đồng tính, TS Bình còn bày tỏ mong muốn luật sửa đổi sẽ đảm bảo quyền bình đẳng của quan hệ đồng giới như quyền có tài sản chung, quyền có con, quyền xin con nuôi, quyền thừa kế, và các quyền khác mà pháp luật đang đảm bảo cho quan hệ khác giới chứ không chỉ dừng lại ở những quy định về giải quyết hậu quả pháp lý khi hai người đồng giới sống chung.

92% người đồng tính muốn pháp luật cho phép kết hôn cùng giới

Đó là kết quả điều tra về đồng tính nữ của iSEE năm 2012. Trong điều tra tương tự năm 2012 do ICS (Trung tâm bảo vệ quyền người đồng tính, song tính và chuyển giới) thực hiện với hơn 2.000 đồng tính nam và đồng tính nữ tham gia thì 71% mong muốn được pháp luật cho phép kết hôn đồng giới, 25% muốn được sống chung có đăng kí và chỉ 4% muốn được sống chung không có đăng kí.

Tiến sĩ Bình cho biết, số người đồng tính và song tính tạm tính ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15-59 vào khoảng 1,65 triệu người (3% dân số). Định kiến cho rằng chỉ có văn hóa nghệ thuật và giải trí mới có nhiều người đồng tính là sai lầm. Thực tế người đồng tính làm việc trong tất cả các cơ quan, ngành nghề công việc như một xã hội thu nhỏ.

“Định kiến và kỳ thị xã hội do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là hiểu biết về xu hướng tình dục đồng tình ở Việt Nam còn hạn chế và sai lệch. Cần phải có nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục để giảm định kiến và kỳ thị tiến tới bảo vệ quyền bình đẳng cho người đồng tính”, TS Bình nói. 

Theo Vietnamnet

From the same category