Tranh cãi về quy chuẩn quốc phục Việt Nam

Hội thảo mang tên Lễ phục Việt Nam và tiêu chí lựa chọn, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên nhấn mạnh: “Việc xây dựng lễ phục nhằm khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc và vị thế độc lập nền văn hiến quốc gia. Do đó, Việt Nam cần khẳng định bản sắc văn hóa riêng trong trang phục của mình thông qua việc thiết kế lễ phục, đây là một việc làm hết sức cần thiết”.

Việc lựa chọn quốc phục vẫn gây tranh cãi
Việc lựa chọn quốc phục vẫn gây tranh cãi

Từ hơn đầu những năm 90 đến nay, việc chọn quốc phục, đã được đưa ra “cân đo, đong đếm” nhiều lần qua các kì họp của cấp nhà nước và các cuộc thi thiết kế thời trang, nhưng vẫn chưa được quyết định thống nhất do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Dẫu còn có những băn khoăn nhưng nhiều nhà quản lý, nghiên cứu, các chuyên gia, nhà ngoại giao văn hóa… khẳng định, quốc phục là biểu tượng văn hóa VN cần có trong bối cảnh hiện tại nhất là khi nước ta đang mở rộng hội nhập. Tuy nhiên, để tuyển chọn được biểu tượng mang bản sắc văn hóa dân tộc nhất thiết phải xây dựng các tiêu chí và lộ trình bài bản.

“Cần có một cơ quan đứng ra để quy chuẩn một bộ quốc phục cho Việt Nam, nước ta có một nền lịch sử hào hùng mà không có lấy cho mình riêng một bản sắc thì quá đáng tiếc”- Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh. Theo ông Quốc, quốc phục là khi mặc vào người ta nhận ra ta không lẫn vào đâu được nhờ “bộ cánh” ấy. Quốc phục quan trọng nhất là thuộc diện lễ phục, chính là những ngày quan trọng của đất nước hay nguyên thủ quốc gia đi ra nước ngoài đối ngoại họ có thể mặc…

Quốc phục cho nam giới đặc biệt gây tranh cãi
Quốc phục cho nam giới đặc biệt gây tranh cãi

Việc lựa chọn áo dài truyền thống là lễ phục cho nữ giới các đại biểu đã đồng tình thông qua thì việc lựa chọn âu phục hay áo dài khăn xếp cho nam giới lại là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời kỳ xã hội phát triển việc lựa chọn âu phục làm lễ phục cho nam sẽ thể hiện được sự trang trọng, năng động, tiện ích. Trước vấn đề này, một số đại biểu cho rằng nên chăng cần có hai loại trang phục Quốc gia: Quốc phục và Lễ phục.

Chính vì lựa chọn quốc phục là một vấn đề khá nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội nên mới chỉ bắt đầu khởi động công việc ở mức độ thăm dò dư luận, thu thập thông tin để chuẩn bị xây dựng đề án. Nhiều ý kiến cho rằng, áo dài lâu nay đã là một biểu tượng đại diện cho các giá trị văn hóa Việt và nhìn từ nhiều góc độ, áo dài xứng đáng được tôn vinh là Quốc phục.
 
Sau khi quy chuẩn quốc phục, các chính trị gia sẽ mặc quốc phục khi ra nước ngoài ngoại giao
Sau khi quy chuẩn quốc phục, “các chính trị gia sẽ mặc quốc phục khi ra nước ngoài ngoại giao”

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và các nhà quản lý, chỉ áo dài thôi sẽ không hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, vì áo dài thường chỉ dành cho nữ giới, còn nam giới thì chọn được quốc phục cũng còn nhiều tranh cãi. Nhiều chuyên gia khẳng định, cần có một mẫu “chuẩn” cho cả nam và nữ. Giữ nguyên các yếu tố mang tính cổ truyền hay vừa dân tộc, vừa hiện đại… cho đến nay là những câu hỏi mang đến nhiều tranh cãi, đồng thời là bài toán khó, dẫu vậy, không thể vì có những băn khoăn mà bỏ qua.

Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp thu các ý kiến và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án này, quyết tâm triển khai thành hiện thực. Tại Hội thảo hôm nay, các đại biểu đã thống nhất một nội dung rất cơ bản, đó là cần thiết phải có một bộ trang phục chính thức đại diện cho văn hoá Việt Nam, đất nước Việt Nam. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục xin ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, hoàn thiện Đề án báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong thời gian tới.

Quốc phục của một đất nước được thể hiện ở những nét văn hóa của một nước, nó mang tính dân tộc cao, hy vọng VN sẽ sớm khoác cho mình một bộ cánh mới mang tên quốc gia để chúng ta quảng bá bản sắc, hình ảnh đất nước ra thế giới.

Theo Dân trí


From the same category