Trang Trịnh hẹn gặp tôi tại studio riêng của vợ chồng cô ở khu chung cư cao cấp Keangnam. Giữa căn phòng được sơn trắng sang trọng với những ô cửa kính lớn mở rộng ra khoảng trời Hà Nội xanh ngắt chỉ có một thứ: cây đàn piano.
Với giới trong nghề, Trang có một tiếng đàn được đánh giá là rất đẹp, mang phong cách riêng và đạt trình độ biểu diễn ở tầm quốc tế. Còn với người yêu nhạc cổ điển, Trang Trịnh thuyết phục những đôi tai sành sỏi bằng phong cách biểu diễn chuyên nghiệp và truyền cảm. Nhưng đối tượng mà Trang Trịnh quan tâm lại không hẳn là những người trong nghề hay khán giả trung thành của nhạc cổ điển trong nước. Cô muốn hướng tới… những người chưa yêu nhạc cổ điển.
Những năm giữa thập niên ’90, khi phong trào cho con đi học đàn organ xuất hiện trong một bộ phận gia đình trung lưu ở Hà Nội, bố mẹ Trịnh Mai Trang cũng cố gắng mua cho cô con gái một cây đàn organ để cô đi học đàn. Nhưng cô giáo của Trang khi đó đã nói với gia đình rằng Trang rất có năng khiếu nghệ thuật. Chính cô bé cũng cảm thấy thích thú với âm nhạc và đặc biệt yêu nhạc cổ điển, mê được chơi đàn. Và con đường trở thành một nghệ sĩ piano chuyên nghiệp của Trang bắt đầu từ đó.
“Mọi thứ bắt đầu từ nỗi cô đơn rất riêng từ khi tôi mới bắt đầu đến với cây đàn piano cách đây hơn 20 năm…” Trang Trịnh giải thích. Càng chơi đàn, càng yêu nhạc cổ điển Trang càng cảm thấy… cô đơn. Xung quanh cô, bạn bè không ai thích nhạc cổ điển, chẳng ai nghe được hơn vài giai điệu quen thuộc. “Có những lúc tôi đã rất buồn, nhưng mình còn quá trẻ, không biết phải làm thế nào. Chỉ nung nấu một ý nghĩ thôi: “Sau này phải làm thế nào đó để có nhiều người ở Việt Nam nghe nhạc cổ điển hơn nữa”.
Năm 2004 Trang nhận được học bổng danh giá của Học viện Âm nhạc hoàng gia Anh quốc. Điều đầu tiên khi sang Anh du học là Trang phát hiện ra ở nước Anh, người nghe nhạc cổ điển cũng ngày một ít đi. “Trong các môn học khi đó có môn bắt buộc là “Phổ cập âm nhạc”. Tôi rất bất ngờ về điều này, nhưng khi học thì thấy rất hứng thú vì nhận ra đây chính là lời giải cho vấn đề cứ nặng trĩu trong lòng mình bao nhiêu năm qua”.
Vậy là song song với việc trở thành một nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc, Trang Trịnh tìm tòi và làm đầy hành trang kinh nghiệm phổ cập âm nhạc từ nước bạn với ấp ủ về Việt Nam sẽ áp dụng những điều này.
Cách làm của Trang khá thú vị. Mỗi chương trình biểu diễn của cô không phải là những chương trình biểu diễn đơn thuần mà có sự kết hợp giữa “xem” và “nghe”. “Thứ nhất sự dẫn dắt bằng những câu chuyện thay vì nhạc mục đơn thuần sẽ làm người nghe dễ tiếp cận hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rằng ngày nay cách tiếp cận âm nhạc với chỉ phần “nghe” sẽ gây nhàm chán vì sự phát triển của công nghệ đang rất nhanh. Vì thế cần làm sự thưởng thức trở nên sống động hơn với phần xem và thậm chí nhiều hình thức khác nữa,” Trang giải thích.
Hiệu ứng rất tốt từ các thử nghiệm đầu tiên trong hai năm vừa rồi khiến Trang tin tưởng vào con đường phổ cập âm nhạc cổ điển của mình. Nhưng theo cô vẫn còn rất nhiều việc phải làm. “Một mình tôi sẽ không thể làm gì được nhiều. Ở nước ngoài, công cuộc phổ cập âm nhạc cổ điển có sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ. Vì thế tôi muốn có thêm những người đồng hành cùng làm với mình. Phải như vậy mới mong hòng có những kết quả rõ ràng và khả quan hơn”.
Trước khi chia tay nữ nghệ sĩ piano trẻ tuổi, tôi không thể rời mắt khỏi cây đàn piano được đặt giữa căn phòng rực rỡ ánh nắng tự nhiên. Dường như ở đây, âm nhạc rất đẹp, thật tự nhiên và không xa vời gì.
Một đời sống văn hoá, văn nghệ phát triển cần có sự tiếp biến của những thế hệ người làm nghề mới tham gia vào công cuộc sáng tạo bên cạnh những thế hệ đi trước hay đã thành danh. Và trong sự vận động ngày càng mạnh mẽ của đời sống âm nhạc Hà Nội những năm gần đây, một thế hệ mới những nghệ sĩ trẻ đang bắt đầu xuất hiện, gây ấn tượng và hứa hẹn những đóng góp sáng tạo trong tương lai gần.
Họ sinh ra vào những năm cuối thập niên 1980 và đều sớm được vun đắp tài năng từ môi trường đào tạo âm nhạc chuẩn mực. Chính điều này khiến họ định vị được tư duy âm nhạc nghiêm túc và quan trọng hơn là tiếp cận công chúng bằng những sản phẩm âm nhạc có trách nhiệm.
Tất nhiên, thế hệ của họ có được những điều kiện tốt hơn hẳn những thế hệ đi trước về sự hội nhập, cọ sát chuyên môn cũng như những cơ sở vật chất của sự sáng tạo. Giờ đây, một nghệ sĩ không cần bước ra khỏi biên giới đất nước mình cũng có thể tạo ra thứ âm nhạc mà khán giả trong nước đang “hóng” các nghệ sĩ nước ngoài trên Internet hay mấy kênh truyền hình giải trí. Nhưng vấn đề cái anh ta làm ra là gì? Một bản sao của cái người khác đang làm? Hay chọn lọc những gì đang là xu hướng, đang là đương đại để đưa cái riêng của mình vào tạo nên những sản phẩm mới?
Trong 4 gương mặt trẻ mà TTVHĐÔ giới thiệu lần này, chúng tôi chỉ đề cập tới nhóm nghệ sĩ thứ hai. Họ bắt nhịp được xu hướng của thời đại và với nền tảng đào tạo, cảm hứng sáng tạo dồi dào cũng như ý thức bản sắc rõ ràng, họ tạo nên những sản phẩm để khẳng định là một thế hệ nghệ sĩ mới của Hà Nội
Đón đọc những bài viết trong chuyên đề:
– Dương Cầm: Giấc mơ mang tên mình
– Trang Trịnh: Cô gái dương cầm
– Slim V – Từ DJ đến Composer
– BigDaddy – Gã Rapper 9x ấn tượng
Text: Doc Cam
Photo & Stylist: Trupi
Producer: C.H
Assistant: Cong Cong
Makeup: Bul Nguyen