Trang Trần: Tiếc tiền không dám đi taxi - Tạp chí Đẹp

Trang Trần: Tiếc tiền không dám đi taxi

Sao

Thậm chí cô tiếc tiền đến mức không vào quán Tây uống ly nước vài chục ngàn, xót ruột tiền taxi nên chỉ chọn đi xe ôm cho tiết kiệm. Điều gì khiến người mẫu Trang Trần lại “gây sốc” như vậy?

Hà Nội đang vào đông. Hẹn hò Trang Trần vào một quán cà phê Tây, phục vụ chu đáo ngay sát Nhà Thờ Lớn, cô… le lưỡi: “Tôi chỉ uống trà chanh vỉa hè thôi. Vào đây tiêu tiền xót lắm! Chỉ có người mời, tôi mới dám ngồi”.

Tôi khá bất ngờ trước một người mẫu vốn dĩ nổi tiếng, kiếm được tiền như Trang lại có kiểu chi tiêu chặt chẽ như vậy. Gạt bỏ tiếng xì xầm của những người ngồi bàn bên cạnh, cô hé mở dần những nguyên nhân khiến mình… vác tiếng “Grandet” (nhân vật nổi tiếng keo kiệt trong tác phẩm Eugénie Grandet của Honoré de Balzac).

Uống cà phê Metropole mà chỉ dám đi xe ôm 30 ngàn đồng

– Phần lớn hoa hậu đăng quang chỉ làm từ thiện, làm việc cộng đồng khi đương nhiệm, sau đó thì… quên luôn?

– Tôi thấy nhiều nhan sắc đoạt ngôi vị cao nhất vẫn âm thầm làm từ thiện đấy chứ. Một số biến mất có thể vì ở thời điểm đăng quang họ buộc phải làm từ thiện cho đẹp mặt bằng chung vậy.

Điều gì khiến một người mẫu không có đại gia chống lưng, sống không hề dư dả như chị nói mà mấy năm nay lại chuyên tâm làm từ thiện đến vậy?

Không chỉ người giàu, hoa hậu mới làm từ thiện. Một người bán rau cũng có thể làm. Phát tâm thiện nguyện nằm trong suy nghĩ mỗi người. Từ một đứa luôn nghĩ mình xui xẻo, khi tiếp xúc với những người khó khăn, tôi nhận ra mình thật may mắn. Từ đó tôi biết yêu, quý trọng cuộc sống của mình hơn.

Trang Trần tên thật là Trần Thị Trang, sinh năm 1985 ở Hà Nội, là em gái trong gia đình có 5 anh em. Cô bước vào nghề người mẫu năm 2005 khi đang học Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, từng đoạt giải Khuyến khích Hoa hậu thời trang 2008, top 10 Siêu mẫu Việt Nam 2008

Tôi làm từ thiện 3, 4 năm nay rồi, nhất là khi Facebook phát triển. Trường hợp khó khăn nào tôi biết, sau khi xác định thông tin chính xác, tôi đưa lên trang cá nhân và được các bạn cộng đồng mạng giúp đỡ ít nhiều. Sức người có hạn, nhưng sự giúp đỡ của những người không biết nhau mang lại tình cảm ấm áp, giúp họ có động lực để tin rằng cuộc sống không vô cảm.

– Thế cuộc sống trước đây của chị thì sao?

– Ngày trước cái tôi cá nhân của tôi lớn, lúc nào cũng thích hơn người, chơi phải chọn người đẹp chứ người xấu tôi không chơi đâu. Tôi buồn cười lắm. Độ tuổi 18-20, khoảng thời gian ở Hà Nội tôi sống như thế, ra đường khinh khỉnh, tinh tướng. Đi bar, vũ trường đa phần có các anh trả tiền, tôi trả taxi, sắm sửa quần áo, giày dép, son phấn.

Thời sinh viên, thu nhập một tháng của tôi là 6,4 triệu đồng nhờ đi diễn thời trang, làm phù dâu bê quả cưới… nhưng đều phá hết, không bao giờ tích lũy vì nghĩ mình còn quá trẻ. Sau này va chạm đời sống, có hiểu biết, tôi mới bắt đầu tiết kiệm.

Nhiều người nói: “Con này đến Metropole uống cà phê mà đi xe ôm”. Bình thường nếu đi taxi mất 70 ngàn đồng, tại sao tôi không đi xe ôm chỉ mất 30 ngàn đồng? (cười) Mình tiết kiệm, dù không dùng đến nhưng khi gặp ai đó có cơ duyên, tôi tặng. Ngồi với chị ở đây thôi (cà phê Moka, phố Nhà Thờ), chứ bình thường tôi chỉ trà chanh vỉa hè. Bây giờ ít khi tôi vào chỗ đắt lắm, nếu vào kiểu gì cũng có người trả tiền cho. Mấy ông bạn mời đi ăn, tôi nói: “Đến chỗ này làm gì, mất mấy chục ngàn taxi”, rồi tôi bắt các ông ấy chi tiền taxi chứ tôi không trả (cười).

Ngẫm lại thấy mình thay đổi, trước đây ra đường ai gây sự là tôi “bộp” liền, cần là đánh nhau luôn vì tôi có đai đen karate. Nhưng giờ tôi chỉ nói “em xin lỗi”. Mọi người quen trước đây đều gọi tôi là “con ngựa bất kham”, nhưng đúng là chẳng ai nắm được chính mình, chỉ có mình tự cảm nhận nên đi theo con đường nào thôi.

– Hoa hậu Thùy Lâm từng chia sẻ, làm thiện nguyện để lấy phúc đức cho con cái sau này. Chị có vậy không?

– Tôi quan niệm phúc đức tại mẫu, tôi được như hôm nay đều nhờ đức mẹ và chỉ thần tượng duy nhất mẹ. Bà là người rất nóng tính nhưng lại “phổi bò”, chỉ là một tiểu thương nhỏ nhưng rất có tấm lòng.

Từ nhỏ tôi đã thấy mẹ hay đi chùa, làm công đức hay tặng bàn ghế cho chùa, cùng các sư đi phát gạo cứu trợ nhưng không bao giờ bà kể cho hàng xóm gì hết. Đùng một cái bà nón áo đi khoảng hai ngày, về xách cho mấy quả cam, quả xoài… sau này lớn tôi mới biết mẹ hay đến chùa để làm những việc đó.

Tôi vô tâm lắm, con nít mà, cho tới khi ra đời tự lập, gặp bất cứ chuyện gì đều có người giúp đỡ, mà toàn người lạ. Tôi nghĩ có lẽ số mình may mắn. Tới tận sau này đọc nhiều sách về tâm linh, tôi mới nghiệm ra rằng những thứ mình có được là nhờ mẹ hay làm phước.

– Khi làm một việc tốt, sự lan tỏa của nó tựa mùi hương giữa cơn gió. Chị có nhận thấy làm việc thiện thì phải suy nghĩ thiện không?

– Tôi từng trải để nhận ra được điều đó. Nhưng tôi thấy những người xung quanh mình cũng có sự thay đổi khi tiếp xúc với cái thiện. Chẳng hạn khi các em sinh viên đến xin giúp sức ở bếp ăn từ thiện, tôi hỏi: “Sao các em biết mà đến giúp?”. Các em bảo: “Đọc Facebook của chị, bạn bè em chia sẻ hoài à”. Tôi hỏi thêm: “Sang đây làm những việc này, các em học được gì không?”, tụi nhỏ nói: “Đến đây làm để có việc, chứ bình thường Chủ nhật em ngồi chơi không à”. (cười) Như vậy là bước đầu các em đã biết làm việc vì cộng đồng.

Có một đứa nhà rất giàu, mỗi tháng tiêu đến mấy chục triệu đồng. Ngày đi làm từ thiện, quý tôi quá nó mua tặng đôi giày 3,5 triệu đồng. Tôi la quá trời và nói chỉ đi giày 350 ngàn đồng ở đường Lý Chính Thắng thôi. Nó sốc khi tôi từ chối món quà. Một hôm gặp tôi, nó khóc: “Chị ơi, từ ngày đi làm từ thiện với chị, em không dám tiêu tiền nữa. Mẹ em hỏi em có bị… điên không” (cười).

Trước đây có ngày nó ngủ tới 12h trưa mới dậy, mở mắt là có người hỏi: “Thưa cậu chủ hôm nay ăn gì?”. Thế mà giờ đây nó đi rán đậu phụ, bán bún mắm tôm. Nó lau bàn, đổ rác, nhặt rau, thái thịt, phát cơm, không dám đi cà phê chỗ sang trọng nữa, chỉ uống sinh tố vỉa hè 5.000 đồng một ly. Tháng đầu tiên lãnh lương, nó bỏ ra ½ số lương rồi nói: “Mỗi tháng em với chị bỏ ra nhiêu đây để góp vào bếp ăn từ thiện nhé!”.

Không ngại bán bún đậu mắm tôm

– Đúng là rất “hoàn cảnh” khi có người mẫu xót vài chục ngàn tiền taxi, đi bán bún đậu mắm tôm, trong khi nhiều người mẫu khác lại khoe đại gia bao bọc, một bước lên xe hơi, xài tiền ngàn đô và mặc toàn đồ hiệu?

– Người mẫu hoàn cảnh như tôi thì không bình thường à? (cười) Rất nhiều người hỏi tôi cảm giác thế nào khi bán mẹt bún đậu mắm tôm, tôi thấy hết sức bình thường. Lao động chân chính thì không có gì phải ngại.

Có người nhìn tôi với con mắt dè bỉu, chê xấu khi thấy mình xắn quần, xắn áo đứng rán đậu… nhưng cũng có người khen không ngờ một cô người mẫu lại chăm chỉ vậy. Có người nói tôi tạo hiệu ứng này nọ, nhưng cũng có người tò mò đến ăn rồi thành khách quen. Thôi, mình chẳng đủ hơi sức để chiều hết lòng người. Ai hiểu, tôi cảm ơn. Ai không hiểu lại càng phải cảm ơn, chứ không thể hôm nay ra bắc loa tôi thế này, mai tôi thế nọ, mệt lắm!

Thời sinh viên, thu nhập một tháng của tôi là 6,4 triệu đồng nhưng… phá hết. Sau này va chạm đời sống, có hiểu biết, tôi mới bắt đầu tiết kiệm.

Nhưng rõ là tủi! Cũng là phận mặt hoa da phấn, tài chí chẳng thua ai nhưng người ta thơm nức nước hoa đắt tiền, còn mình nhiều lúc ám đầy mùi dầu mỡ, mắm đậu?

Do mỗi người một kiếp, chắc kiếp trước mình chưa tu (cười). Nói không mong muốn vật chất xa hoa, đó là nói dối. Các bạn khác người yêu đón, che ô, dùng khăn chấm nước mắt… có lúc tôi cũng tự hỏi sao mình bơ vơ, chắc tại mình “mồm chó vó ngựa” nên cứ phải đi diễn bằng xe ôm để giữa đường trời mưa lại tủi thân.

Lúc ấy cứ nghĩ sao mình khổ sở thế nhỉ, sao mình không mua cái xe “cóc ghẻ” nào mấy trăm triệu đồng thôi để che nắng che mưa, rồi nghĩ lại thấy không nên. Nếu mua xe hơi, sướng cho bản thân thôi nhưng trộm mồm, lỡ đùng một cái gia đình có vận hạn gì, lấy tiền đâu ra. Thế là mình tự vỗ về mình (cười): “Thôi, coi như cắn răng chịu đựng”, rồi tích tắc đó cũng nhanh chóng qua đi. Mình lại quyết tâm, khi chưa dư dả tài chính thì không nên phóng khoáng trong chi tiêu, chỉ cần đủ thôi.

– Đôi khi phụ nữ tử tế trong chốn này lại chẳng được vinh hoa phú quý, thôi thì cứ mắt nhắm, mắt mở có hơn không?

– Thôi thì cứ nghĩ họ may mắn hơn mình, hoặc AQ bản thân là họ sống cúi đầu. Nhưng có sống cúi đầu thật thì họ vẫn khéo léo hơn mình.

Chẳng qua tính cách của mình quá đàn ông nên chẳng người nào muốn che chở hoặc họ cảm thấy mình là một “thể loại nguy hiểm”, ở bên cạnh dễ bị cháy vì mình hay nổi máu điên. Thế nên mình cứ lãng mạn, ru ngủ bản thân rằng không phải mình vô tích sự, chẳng phải mình cô độc, chỉ vì người đàn ông của mình đang ở đâu đó mà chưa lộ diện thôi (cười).

– Showbiz có những phân cấp khá rõ, một ví dụ nhỏ thế này: Một nhóm người nổi tiếng đi Mec (Mercedes), họ thân thiết, hay đi cùng nhau và không “nạp” thêm thành viên mới. Chị sống thế nào khi mình khác nhiều so với số đông ấy?

– Tôi chọn cho mình cách không quan tâm xung quanh và ngược lại, chắc họ cũng vậy với tôi. Diễn xong, tôi thường gặp bạn bè ngoài giới để đi ăn ốc hoặc về thẳng nhà nghỉ ngơi. Tôi có một số bạn diễn có điều kiện kinh tế, làm được nhiều tiền hoặc có bạn trai giàu có giúp đỡ. Các cô ấy quý mến, cư xử rất tốt với tôi, chẳng hạn cho tôi quá giang xe đến buổi diễn. Còn đám bạn thân trước đây từng cùng trong hội ăn chơi với nhau, bây giờ thấy tôi họ nói tôi giả nghèo, giả khổ (cười).

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Công việc từ thiện của tôi ở hai nhóm, Tâm Thiện Bụi Đời và Hội từ thiện chùa Giác Nguyên (do sư thầy Phú Minh đứng đầu). Bếp ăn hàng tuần của sư thầy thấp nhất là 1.600 phần, còn bếp ăn Tâm Thiện Bụi Đời mỗi tháng nấu một lần và cũng trên 1.700 phần. Để làm hơn 1.600 phần ăn, phải cần đến vài trăm người mới xong (40 người nhặt rau, vo gạo, nấu cơm, hơn 70 đi phát cơm khắp các phố, hầu hết là sinh viên).

Chi phí hai mươi mấy triệu đồng, là nhờ nhiều cơ sở bán giá rẻ. Đi mua gạo nhiều quá, họ hỏi thăm và xin phép góp thêm mỗi tuần 200kg, người khác góp đường, muối, dầu ăn… Đến cửa hàng gas họ bán giá gốc, rau củ quả thì chúng tôi mua tận chợ đầu mối. Có nhiều buổi vui lắm! Sư thầy cùng cả nhóm đi chợ tối mua cho rẻ, biết nhóm từ thiện nên người này xin góp 5kg rau dưa, người kia 5kg khổ qua… Sư thầy “cười như Liên Xô”. Còn các trường hợp khó khăn tôi đưa lên Facebook, được rất nhiều bạn bè, cộng đồng trên này giúp đỡ. Người ít nhất cũng được 15 triệu đồng, có trường hợp chỉ cần cái giếng khoan hay vài chục chiếc chăn ấm, nhưng có người chúng tôi giúp đến mấy trăm triệu đồng.

Lần này ra Hà Nội, tôi rất vui vì nhận được điện thoại của em Dung mập khoe đã khỏe mạnh. Dung bị tai nạn giao thông và phải phẫu thuật, nhưng nhà nghèo đến mức có thể để em nằm một chỗ. Sau khi xác minh hoàn cảnh của em, tôi đã kêu gọi các bạn trên Facebook giúp đỡ. Giờ Dung đã khỏe mạnh, nghe mừng lắm. Tôi nhận ra, bản chất của thiện nguyện chính là đoàn kết. Một cá nhân người mẫu, hoa hậu chẳng thể làm được gì vì họ không giàu đến mức có thể đổ muối cho mặn cả biển Đông, mà mỗi người bỏ một chút muối mới thành.

Tôi mở quán bún đậu mắm tôm Cô Khàn tại 102/1B Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM. Quán toàn những người trong nhóm từ thiện, hai cô rửa bát, nhặt rau là người hàng tuần được nhận cơm. Tôi rủ về phụ giúp, mỗi tháng có trả công.

Thức ăn thừa của khách, các cô để sạch sẽ ra hai cái túi phần đậu, phần bún để mang về. Cô bày ra hai cái đĩa nhựa rồi gọi tất cả trẻ con, người lượm rác trong xóm lại ăn. Nhà tôi thuê gần chỗ cô sống nên tôi hay chạy xe Cub phía sau mà cô không biết. Có lần tôi giả vờ hỏi: “Đồ thừa của khách cô lấy làm gì, vứt cho heo ăn thôi”. Cô nói: “Người ta ăn thừa chứ có phải rớt xuống đất đâu, mang về cho mấy đứa trong xóm, tụi nó làm gì có mà ăn”.

Các cô ấy khiến tôi xúc động. Tôi thấy họ nghèo mà đồng cảm với mình quá! Tôi đi ăn nhà hàng có nhiều hot girl, người mẫu luôn coi khinh tôi ra mặt vì tôi mang đồ về cho người khác. Tôi sợ nhà hàng cũng vứt thùng rác nên tiếc, gói về cho bác xe ôm, bảo vệ, quét rác cũng quý mà.

Theo Mốt & Cuộc Sống

 

Thực hiện: depweb

05/02/2013, 10:42