Trắng tay với dưa hấu

Trúng mùa dưa hấu nhưng nông dân lại lo trắng tay vì dưa ế hàng và rớt giá – Ảnh: Tr.Tân

Thị trường tiêu thụ chủ lực là Trung Quốc hiện không còn ăn hàng như mọi năm, hàng ngàn hecta dưa hấu tại các tỉnh Tây nguyên có nguy cơ mất trắng, nhiều nông dân phải hái bán từng trái cho khách qua đường với giá bèo.

Ế hàng và rẻ như bèo

Chỉ còn khoảng một tuần nữa là đến ngày thu hoạch ruộng dưa hấu, nhưng không khí trong gia đình ông Phạm Tiến Trình khá nặng nề, ai cũng lo lắng. “Hơn 60 tấn dưa hấu nhưng chẳng biết thu được đồng nào không. Nếu đến ngày thu hoạch mà không có ai mua, chỉ trong vòng một tuần là dây sẽ héo úa và trái dưa cũng hư theo…” – ông Trình nói.

Cũng như nhiều người dân khác ở Quảng Ngãi, gia đình ông đã gom góp tiền bạc lên thuê 2ha đất tại buôn Đ’Răng Phốk, xã Krông Na (Buôn Đôn, Đắk Lắk) để trồng dưa hấu với hi vọng đổi đời. Suốt ba tháng trời không kể nắng mưa, từ khi xuống giống, làm cỏ, bắt chèo (nhánh), cắt nhánh, cả gia đình ông đổ hết công sức vào chăm sóc ruộng dưa. Thấy dưa trúng mùa, trái dưa tròn đẹp với trọng lượng 10-15kg, cả nhà ai cũng hi vọng. Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch thì tìm mãi cũng không có người mua, thương lái thường mua dưa hấu bán đi Trung Quốc các năm trước giờ “bặt vô âm tín”.

Tại khu vực hồ Ea Súp thượng (xã Cư M’Lan, Ea Súp), hàng trăm hộ dân trồng dưa đến từ các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… cũng đang dở khóc dở mếu với ruộng dưa hấu khi giá bán rẻ mạt nhưng vẫn không tìm được người mua.

“Giá dưa rẻ như… cho, chỉ có 800-1.000 đồng/kg, ai trồng dưa cũng lỗ nặng. Nhưng rẻ mà có người mua cũng phải bán chứ biết làm sao. Gần 200 triệu đồng đầu tư vào ruộng dưa chẳng biết thu lại được mấy đồng” – anh Đào Duy Kỳ, một người trồng dưa hấu tại khu vực hồ Ea Súp thượng, than thở. Tương tự, tại hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, nông dân trồng dưa hấu cũng đang đứng ngồi không yên. Từ TP Kon Tum lên trung tâm huyện Đắk Tô, nhiều người dân phải dựng bạt bên vệ đường để đứng bán từng quả dưa cho người đi đường.

May nhờ rủi chịu…

Chị Huỳnh Thị Kim (Đắk Tô, Kon Tum) cho biết năm trước giá dưa lên đến 7.000-8.000 đồng/kg, nên năm nay gia đình chị và nhiều hộ dân khác vay tiền đầu tư trồng 2,2ha dưa hấu, nhưng vào vụ thu hoạch thì không có người đến hỏi mua. Xót của, mấy anh em đành cắt dưa rồi chia nhau ra đứng trên đường bán với giá 500-1.000 đồng/kg. Nhiều người dân trồng dưa cho biết dưa hấu ế hàng và rớt giá là do vụ thu hoạch dưa hấu năm nay rơi vào thời điểm tiết trời bên Trung Quốc… trở lạnh, nhu cầu dưa hấu giảm trong khi đây là thị trường tiêu thụ chủ lực. “Nghe họ báo năm nay sẽ nóng vào dịp tết nên mình trồng dưa hấu nhiều với hi vọng bán được giá, ai dè…!” – anh Đào Duy Kỳ nói.

Ông Trần Văn Long, phó Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ea Súp, cho biết dưa hấu được trồng tại địa phương này từ năm 2000, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Do năm ngoái dưa hấu được giá, nhiều người đổ xô vào trồng, chỉ riêng trên địa bàn huyện năm nay có khoảng 400ha dưa hấu. Tuy nhiên, đến nay đã vào mùa thu hoạch nhưng các thương lái đã lặn mất tăm, nhiều nguy cơ dưa hấu bị bỏ hư ngoài ruộng.

Theo ông Trần Văn Chương – phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum, diện tích dưa của Kon Tum hầu hết được trồng tự phát, trên những diện tích nhỏ lẻ nên địa phương này không nắm được thông tin cụ thể, kể cả chuyện dưa hấu ế hàng và rớt giá. Trong khi đó, nhiều người trồng dưa tại địa phương này đang điêu đứng do phần lớn đều vay nợ để trồng dưa hấu, nguy cơ trắng tay và mang nợ rất lớn.

Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai, ông Kpă Thuyên, cho rằng dưa hấu rớt giá và khó tiêu thụ vào mùa thu hoạch rộ là bình thường, từng xảy ra vào những năm diện tích trồng dưa nhiều.

THÁI BÁ DŨNG – TR.TÂN

Chưa có thông tin Trung Quốc ngưng mua dưa hấu từ VN

Trước thông tin Trung Quốc ngưng mua dưa hấu khiến giá dưa trong nước giảm mạnh, ông Đỗ Văn Nam – cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) – cho biết đến thời điểm hiện tại chưa có thông tin chính thức về việc phía Trung Quốc tạm dừng mua dưa hấu từ VN. Hiện đơn vị này đang kiểm tra thông tin từ phía Trung Quốc cũng như tại các cửa khẩu để có hướng giải quyết trong thời gian tới.

Trong khi đó ông Phạm Văn Dư, cục phó Cục Trồng trọt, cho biết thời gian qua ở nhiều địa phương xảy ra tình trạng nông dân trồng ồ ạt một số loại nông sản sau đó không bán được hàng. Cục Trồng trọt khuyến cáo người dân nên sản xuất theo nhu cầu của thị trường, sản xuất theo hợp đồng để tránh trường hợp sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được.

TRẦN MẠNH

Theo Tuổi trẻ

 


From the same category