Vì sao các bạn mẫu trẻ muốn tìm “chỗ dựa”?
Là một người làm việc trong nghề, phần nào Trang thật sự hiểu “thế giới” mình đang “sinh tồn”. Với cá nhân Trang, nghề người mẫu không quá tiêu cực, có thể Trang may mắn hơn nhiều bạn trẻ khi có một khởi đầu tốt với nghề. Nhưng Trang cũng hiểu, với một số bạn khác, sự bắt đầu cũng chẳng dễ dàng.
Người mẫu Trang Khiếu
Có lần Trang ngồi tâm sự với một bạn mẫu trẻ vừa vào một công ty nhỏ. Bạn kể về đam mê nghề, nhưng rồi cũng chia sẻ về những băn khoăn sẽ sống ra sao khi giá catse trung bình của một người mẫu mới không cao, show diễn không có nhiều và theo đó cuộc sống phải tằn tiện chi tiêu mới đủ dùng. Chưa kể, những bạn làm trong công ty, ít được nhận show ngoài. Nhưng để cạnh tranh với những người mẫu khác, bạn buộc phải mua sắm, phải có mỹ phẩm, có quần áo, giày dép đẹp… Đự tiệc phải đi taxi, ăn với đối tác phải chọn nhà hàng xịn, phỏng vấn phải ngồi cà phê máy lạnh khu vực trung tâm. Những chi phí đó khiến các bạn rất khó để “thu xếp” với khoản tiền lương không nhiều từ việc làm nghề. Và các lí do nho nhỏ đó dần trở thành chất xúc tác để nhiều bạn trẻ đi tìm “chỗ dựa”.
Trang hiểu những người mẫu lỡ đi “đường tắt” nghĩ gì. Vì Trang từng nếm thử cảm giác trắng tay, bị từ chối, thất vọng liên tục khi ở Mỹ. Khi là một người mẫu trẻ, công việc bế tắc, không nhiều tiền, nhưng hàng trăm khoản chi, hướng đi mù mờ và cảm thấy cô đơn, các bạn đi sai đường ấy, Trang vừa thấy họ đáng giận lại thấy đáng thương. Tất nhiên ở đây Trang không nói đến những cô nàng lười lao động, nghiện mua sắm, muốn có tiền bằng mọi giá và không có đam mê nghề nghiệp – họ không phải là người mẫu!
Và vì sao để hình phạt đưa con người vào ngõ cụt?
Mấy ngày nay trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều bình phẩm cay nghiệt dành cho mấy bạn bán dâm vừa bị bắt. Lẽ thường, sai, bị phạt, và hình phạt là công cụ răn đe để người mắc lỗi sửa chữa chứ không phải công cụ đưa ai đó vào ngõ cụt. Nhưng việc những người mẫu “bán dâm” vừa bị phạt, vừa bị công khai tên tuổi, thân thế, Trang thấy không giúp ích gì. Cũng chẳng thể nói, làm thế để răn đe. Vì Trang nghĩ, những cô gái khác (đang ôm ấp giấc mơ làm giàu) không chỉ vì vài bức ảnh và tên tuổi bị phơi bày mà chùn tay trước những lời mời giá ngàn đô. Còn công chúng, sau khi họ thỏa tò mò với mặt tối của nghề người mẫu có thể chẳng cần quan tâm đến những mặt sáng. Đặc biệt, những người mua dâm thì “vô tư” khi chẳng ai biết họ là ai làm gì, ở đâu. Để rồi, dăm ba bữa họ lại dùng tiền tiếp tục những cuộc mua bán khác? Trong việc công khai danh tính của những người “bán dâm” lần này, những “thiệt thòi” cuối cùng rơi vào các cô gái trẻ.
Trang thấy việc này khá tàn nhẫn và vô ích. Những cô gái bị bắt có cô bằng tuổi Trang, có cô nhỏ hơn, nhưng bây giờ thì coi như họ chấm hết một tương lai, và hậu quả của những sai lầm hôm nay, khi được xử lý theo cách này sẽ đeo bám họ nhiều năm sau nữa.
Trang chỉ luôn tự hỏi, nếu muốn “răn đe”, tại sao không “răn đe” cả những người mua – bởi xét theo khía cạnh nào đó họ lại là người chủ động. KHÔNG CÓ KẺ MUA, CŨNG SẼ ÍT ĐI KẺ BÁN. Trang tin, nếu giải quyết được cái gốc vẫn là cách giảm bớt những tiêu cực một cách hiệu quả nhất.
Người mẫu Trang Khiếu
Ảnh: Luciola
Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.