Trắng hay là chết!

Chả hiểu tại sao và chả hiểu từ bao giờ, nước da trắng trở thành niềm mơ ước, thành mục tiêu phấn đấu của bao đời gái phố.

Nếu như bên châu Âu, một nước da sáng màu là nỗi hổ thẹn, là bằng chứng không thể chối cãi về sự nghèo (bởi nghèo thì ở trong nhà, giàu đã nằm phơi nắng bên bãi biển), đến mức nhiều thiếu nữ sau mùa hè không có tiền du lịch phải lén đi hấp điện để có làn da đen nhân tạo. Cũng lại ở châu Âu, con gái thấy nắng như mèo thấy mỡ, vội vã cởi quần áo (rất nhiều khi cởi hết) ra phơi (kể cả phơi ở chỗ đông người) thì bên ta, các cô gái cứ nhìn thấy ánh sáng mặt trời là hét lên, co giò chạy như chuột thấy mèo.

Những lúc không co giò được mà phải xông ra, nhiều thiếu nữ sẽ trang bị còn hơn hiệp sĩ ngày xưa xung trận. Đội mũ, đeo khẩu trang, đeo bao tay, mặc áo khoác, đi tất chân… Tất cả chỉ nhằm mục đích chống chọi một cách sống còn với quầng sáng Thái dương.

Mặt trời có thể đẹp trong các bộ phim, có thể đẹp trong văn học và trong bài hát “Mặt trời bé con” của anh Trần Tiến. Nhưng Mặt trời, nhất là lúc đã lên cao, trở thành kẻ thù số một của thiếu nữ thị thành. Chim chóc hót líu lo đón chào bình minh thì kệ chim chóc, chị em ta không hót thì việc gì phải nghênh đón Mặt trời.

Hiểu sâu sắc vấn đề này, các hãng mỹ phẩm danh tiếng hoặc chả hề có chút danh tiếng khi bán hàng ở Việt Nam luôn luôn đề vào sản phẩm dòng chữ “làm trắng da”. Chả ai hiểu tác dụng làm trắng tới đâu và làm trắng chỗ nào, làm trắng bao lâu và ngoài trắng da còn trắng thêm gì nữa nhưng biết bao tiền bạc đã được các cô gái nộp để mua mấy chai lọ bé như cọng tăm đó một cách ngây thơ và tội nghiệp đến đau lòng… trai tráng (vì phần lớn chủ chi đều là giai).

Trắng tay, trắng mặt, trắng cổ còn chưa đủ, các cô còn bày đặt trắng toàn thân. Thế là dịch vụ tắm trắng ra đời. Chưa gã đàn ông nào, dù già hay trẻ, dù đẹp hay xấu được tận mắt chiêm ngưỡng dịch vụ cao quý và thầm kín đó. Nhưng theo một số nguồn tin không chính thức, thì các cô gái vô đấy đều bị một số “bà mụ” (mà cả hình thức cả đạo đức đều giống như phù thủy), tóm lấy vứt vào một cái bồn có pha thứ nước gì đen đen, màu sắc khả nghi, mùi vị hắc ám, nhúng lên nhúng xuống từ đầu tới chân rồi vớt ra như cua luộc. Sau đó dùng bàn chải loại to chà lên người như chà sàn nhà.

Nhưng bất chấp tất cả, vượt lên tất cả và vượt lên chính mình, điều gì các cô cũng chịu được, cũng thấy hợp pháp, miễn có làn da trắng, nếu không như trứng gà bóc thì trứng vịt hay trứng cút bóc cũng xong.

Và cũng chỉ ở Việt Nam, nhiều cô gái đi tắm biển toàn đi vào lúc sáng sớm hoặc chiều tà, chạy vụt một cái xuống nhúng nước rồi chạy lên, thà chết khô chứ đừng hòng chịu chết cháy.

Theo một số nguồn tin đáng quan tâm, mỗi cô gái thành phố hiện nay một tháng tiêu thụ chưa tới hai ký gạo nhưng dùng hết ít nhất bốn ký kem chống nắng. Đây là một thị trường béo bở cho bọn làm kem giả, có đại lý tiêu thụ chính thức và rộng rãi ở các sạp chợ. Những loại kem đó chả những chống nắng mà còn chống vệ sinh, chống niềm tin và hy vọng. Và có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có hoa hậu kem chống nắng (tức Miss Sunlight). Nghe nói nàng đi tới đâu, mùi kem lan tỏa ra đến đấy và mặt trời thấy nàng là vội vã lặn xuống.

“Trắng hay là chết” – khẩu hiệu này đang được các cô gái Sài Gòn khắc sâu trong tim. Nếu bây giờ có một chảo nước sôi để giữa ngã tư đường, ai nhảy vào sau đó nhảy ra thân hình trắng như tuyết thì tôi cam đoan chị em sẽ xếp hàng, tranh cướp nhau hoặc cướp cả chảo đem về.

Bài: Lê Thị Liên Hoan


 


From the same category