Nghề “một vốn, bốn lời”
So với những nghề khác, nghề dán xe (hay còn gọi là nghề dán keo xe hoặc nghề bọc nilon cho xe máy) được coi là nghề nhàn hạ. Đồng vốn bỏ ra để kinh doanh ít, thời gian học việc không lâu nhưng lãi thu về rất lớn. Nếu chăm chỉ học việc trong một tháng, người học có thể bắt đầu công việc của một người thợ chuyên nghiệp. Trong khi đó, giá mỗi một chiếc xe khi được dán chống xước, từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng, tùy loại xe và chất lượng đồ dán. Bởi thế, trong thời gian qua, các quán dán xe “mọc lên như nấm, sau mưa” và có mặt trên khắp các con phố ở thành phố lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng…
Hiện nay, việc dán nilon chống xước không chỉ cho xe máy mà tất cả các phương tiện đều có thể thực hiện, nếu chủ sở hữu có nhu cầu. Từ máy tính, điện thoại, cho đến ô tô, nếu khách hàng có nhu cầu, chủ hàng vẫn phục vụ nhiệt tình. Tuy vậy, dán nilon chống xước cho xe máy đắt tiền vẫn là việc làm mang lại lợi nhuận nhiều và nhanh nhất cho những người hành nghề này. Nếu dán nilon chống xước cho một chiếc laptop, dao động từ 30.000 – 50.000 đồng thì giá dán một chiếc xe máy gấp chục, thậm chí vài chục lần.
Đồ nghề của người thợ dán nilon khá đơn giản. Theo quan sát của PV, phương tiện chính để “hành nghề” của họ chỉ gồm: Nilon, bật lửa, máy sấy nóng, một miếng vải sạch và nửa con dao tem. Quá trình dán một chiếc xe kéo dài khoảng 1-2 tiếng đồng hồ tùy vào kích thước và độ phức tạp của xe. Nhìn tưởng chừng đơn giản, nhưng công việc này cũng đòi hỏi không ít công sức, sự tỉ mỉ, độ khéo léo của người làm. Thường phải có 2 hoặc 3 người cùng dán, với những công việc được phân công rõ ràng như: Người chuyên tháo bộ phận xe, người chuyên lau xe và bôi dầu, người chuyên dán.
Tùy vào yêu cầu của khách hàng mà người thợ sẽ dán nilon toàn xe hay từng bộ phận. Sau khi những bộ phận được tháo rời, người thợ sẽ đem lau sạch, sau đó bôi lên đó một lớp xi bóng. Lớp xi này vừa có tác dụng làm cho xe trở nên mới, vừa có tác dụng gắn chặt lớp nilon vào xe. Cuối cùng là đến công đoạn quan trọng nhất: Dán xe. Việc này thường được giao cho thợ chính, có tay nghề cao và có kinh nghiệm. Công việc cơ bản của người thợ là kéo, vuốt và đè. Đây là ba thao tác cơ bản trong quá trình dán xe. Người làm quấn một tấm vải mềm vào ngón trỏ, miệng ngậm một máy sấy nóng, tay còn lại kéo căng tấm nilon. Họ sẽ dùng máy sấy để làm cho tấm nilon mềm ra, một tay kéo thật căng, tay còn lại miết mạnh, sao cho nilon dính chặt vào xe mà không bị nhăn hoặc bị “tăm” là được. Người có tay nghề cao sẽ khiến người ngoài nhìn không phân biệt được xe đã được dán hay chưa dán.
Anh Vũ Văn Thành, chủ một cửa hàng trên đường Cao Bá Quát (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Nhìn người khác làm, trông khá đơn giản, nhưng nghề này đòi hỏi phải tinh ý. Một người thợ giỏi, có kinh nghiệm, sẽ được thể hiện khi dán những khe hẹp, đường cong, lượn. Phải dán làm sao cho nilon không bị nhăn, không có bọt khí. Tất cả phải mịn giống như dán ở những mặt phẳng. Nhìn vào chiếc xe, người ta có thể biết trình độ người dán đến đâu”. Anh Thành cho biết thêm, đây là nghề đòi hỏi sự cẩn trọng. Nếu không cẩn thận, xe chỉ dầm mưa, dãi nắng mấy hôm là nilon bung hết. Chủ sở hữu xe sẽ đến “bắt đền”, khi ấy thì cửa hàng “ê mặt”, mất khách.
Vậy là, với số tiền bỏ ra mua nguyên, vật liệu rất thấp, trong khi giá thành dán xe lại tương đối cao, người chủ có thể kiếm được khá nhiều tiền, thậm chí… bộn tiền/tháng. Anh Trần Thanh Quang, chủ một cửa hàng trên đường Láng, Đống Đa, Hà Nội, cho biết: “Đối tượng dán xe chủ yếu vẫn là những thanh niên. Xe thường là xe “xịn”. Họ “chịu chơi” và chịu chi cho những chiếc xe yêu quý của mình. Tuy nhiên, công việc khá thất thường, đa phần chúng tôi phải chịu cảnh “no dồn đói góp”. Những ngày cuối tuần thường nhiều việc nên bận rộn hơn so với ngày thường. Nhiều hôm đông khách, nhân viên cửa hàng làm không hết việc, chủ cửa hàng ra “tiếp sức”. Nhưng, cũng có ngày, cửa hàng chỉ nhận dán 2 – 3 chiếc xe”. Khi chúng tôi hỏi giá, anh Quang cho biết, giá dán xe ga dao động từ 350.000 – 500.000 đồng, tùy loại xe. Cửa hàng của anh Quang hiện có 5 nhân viên chuyên dán nilon. Nhân viên có thu nhập cao nhất là 10 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 3,5 triệu đồng/tháng.
Công phu “trang điểm” cho xe hạng sang
Trong các địa điểm dán xe trên địa bàn Hà Nội, đường Cao Bá Quát được giới “sành xe” gọi là “thủ phủ” chống xước. Nhờ vào chất lượng nilon cũng như chế độ bảo hành sau khi dán tốt nên nhiều chủ sở hữu xe máy, ô tô tìm đến đây dán xe. Nhân viên chuyên dán nilon xe, tên Hà Huy cho biết: “Khách đến dán xe đa phần là những người trẻ đi Liberty, LX 125, SH, Piaggio, Spacy… Tất nhiên ngoài những xe hạng sang ra, người đến đây dán nilon toàn là xe ga. Xe số cũng có, nhưng rất ít”. Thời gian dán một chiếc xe khoảng đôi ba tiếng đồng hồ. Thông thường, những xe hạng sang được các chủ nhân bảo quản rất cẩn thận nên dán cũng lâu hơn, tỉ mỉ hơn và thường là người có tay nghề cao mới được giao thực hiện. Đồ sử dụng để dán bao giờ cũng là tốt nhất, đẹp nhất và độc nhất. Anh Hoàng Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), tâm sự: “Tôi chi hơn trăm triệu đồng để mua xe, lẽ nào lại tiếc đôi ba triệu đồng để bảo vệ cho nó. Dán nilon vừa không bị xước, vừa mới”.
Người thợ Hà Huy cho biết thêm: “Xe mới bao giờ dán cũng dễ, nhanh hơn xe đã qua sử dụng. Có những xe đã dán đi dán lại mấy lần, người thợ phải tốn thêm nhiều công sức. Bình thường, nếu muốn dán mới, người thợ sẽ phải bóc tấm dán cũ ra. Sau đó họ dùng giẻ tẩm xăng để đánh sạch lớp keo còn bám trên thân xe. Cuối cùng họ đem rửa sạch bằng xăng, bùn đất và làm lại công đoạn từ bước đầu. Thời gian cho việc này chiếm mất 1/3 trong tổng số thời gian cho việc dán nilon một chiếc xe”.
Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ cửa hàng sửa xe máy trên phố Cao Bá Quát, thì so với việc trang trí bằng sơn Aibrush, việc dán nilon giá thành rẻ hơn nhiều. Với một chiếc xe SH, tổng chi phí dán toàn thân xe khoảng 1 triệu đồng, chất lượng nilon tốt hơn so với những xe thường. Giá dán xe hạng sang so với xe thường chênh lệch gấp đôi, gấp ba nên có thể coi đây là một ngành kinh doanh béo bở. Thế nhưng, theo chia sẻ của một thợ dán keo của cửa hàng anh Tuấn, thì thỉnh thoảng thợ làm vẫn xảy ra tai nạn nghề nghiệp. Đầu tiên là áp lực về chất lượng sản phẩm, giá thành cao đi đôi với chất lượng phải cao. Loại xe này thường được bảo hành trong một thời gian nhất định. “Có người vừa dán xong hôm qua, hôm nay đã mang đến đòi bảo hành vì không ưng ý. Vậy là nhân viên cửa hàng phải tháo ra, làm lại, vừa tốn công, vừa tốn sức”, nhân viên này chia sẻ.
Anh này cũng cho biết, có những hôm làm nhiều, tối về ngón tay cái đau ê ẩm, phải bóp dầu nóng cho đỡ đau. Những người chưa quen việc, ngón tay đau phải nghỉ mất vài ngày. Chuyện bị rách miệng, rách lưỡi trong khi làm việc là rất bình thường. Làm nghề dán xe, người thợ bao giờ cũng có mảnh dao lam dùng để cắt những miếng nilon thừa trên xe. Để tiện cho việc sử dụng, họ thường kẹp vào miệng. Thế nhưng, nhiều người vô ý bị dao lam cứa đến chảy máu khiến cho việc ăn uống phải kiêng, rất khổ sở.
Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh giữa các cửa hàng diễn ra rất khốc liệt. Thêm vào nữa, họ phải cạnh tranh với những địa điểm bán xe máy. Hiện nay, các cửa hàng bán xe máy thường kiêm luôn cả dịch vụ dán nilon với đội ngũ khá lành nghề. Lợi dụng tâm lí khách hàng vừa mua xe, lại muốn xe mới 100% nên các đại lý, cửa hàng bán xe cũng không bỏ lỡ cơ hội để kinh doanh. Khách hàng theo đó yên tâm về chất lượng cũng như bảo hành. Chính vì vậy, lượng khách đến các cửa hàng “truyền thống” giảm đi rõ rệt.
“Nếu trước kia công việc làm ăn khá thuận lợi, thì độ hai năm trở lại đây, việc “trang điểm” cho xe đã bị chững lại. Xe hạng sang cũng không đi dán nhiều như trước. Có thể, vì kinh tế khó khăn, nhưng một phần người mua xe thường dán ngay tại chỗ mua” , anh Tuấn nói.