Thầy trẻ “hút hồn” sinh viên bằng Sử Việt
Thạc sĩ Trần Văn Đại Lợi hiện là giảng viên ngành Lịch Sử, Khoa Sư phạm Khoa học Xã Hội trường Đại học Sài Gòn. Trước đó, anh từng công tác tại nhiều nơi với nhiều vai trò nhưng chỉ khi đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức lịch sử cho lớp trẻ thì mới thỏa mãn hết đam mê dành cho Sử Việt của anh “Từ nhỏ tôi đã hoạch định tương lai của mình sẽ chỉ gắn với đam mê về kiến thức lịch sử dân tộc. Tôi tham vọng đào tạo được một thế hệ giáo viên trẻ, yêu lịch sử không chỉ có trọng trách truyền đạt kiến thức mà còn phải truyền lửa cho nhiều người cùng yêu lịch sử Việt Nam như mình”.
Chia sẻ nhanh với người viết, không ít sinh viên từng theo học Đại Lợi đều thừa nhận cách giảng dạy của anh không giống với mô hình truyền thống và mang tính hiện đại, cởi mở và ứng dụng thực tiễn nhiều hơn. Ví dụ sinh viên có thế mạnh công nghệ, Đại Lợi giao bài thực hiện clip về một đề tài lịch sử nào đó. Nếu nhận thấy sinh viên chưa biết hệ thống kiến thức, anh hướng dẫn làm sơ đồ tư duy (mindmap) cho mỗi bài học. Còn với những buổi ngoại khóa tại bảo tàng thì chẳng có chuyện “cưỡi ngựa xem hoa” vì mỗi buổi chỉ học đúng một phòng hoặc một khu vực nào đó trong bảo tàng.
“Lịch sử dạy về nhân cách và làm nên cốt cách con người. Là một người đàn ông ít nhất phải có chút kiến thức về sử để trước nhất là yêu nước sau là có bản lĩnh và là trụ cột gia đình đồng thời giáo dục con cái.”
Giáo viên Sử là người “đổ móng nhà”…
Chia sẻ về hiện trạng “Dân ta phải biết sử ta, cái gì không biết thì tra Google” của giới trẻ ngày nay, Đại Lợi cho rằng vai trò quan trọng nằm ở người truyền đạt kiến thức lịch sử “Tôi nghĩ người thầy dạy lịch sử có thể ví như người đổ móng nhà, còn học sinh là người sẽ quyết định căn nhà đó to nhỏ đẹp xấu thế nào. Người giáo viên, trước tiên, phải làm nhiệm vụ khơi gợi sự hứng thú, yêu thích của học sinh với lịch sử dân tộc. Từ đó, học sinh mới có động lực để tìm đọc sách, tìm tài liệu, trang bị thêm kiến thức cho bản thân”.
Bên cạnh đó, anh cũng nhấn mạnh để đại đa số người dân hứng thú tìm hiểu Sử Việt thì trách nhiệm không chỉ thuộc về các nhà giáo, sử gia mà cần có sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan truyền thông, văn hóa “Mới đây thành phố vừa khai mạc phố đi bộ Bùi Viện nhưng các phương tiện truyền thông, báo chí và cả mạng xã hội có giới thiệu ông Bùi Viện là ai, đóng góp thế nào cho lịch sử Việt Nam không? Cá nhân tôi nghĩ chỉ cần một vài động thái nhỏ sẽ thay đổi thói quen học hỏi của mọi người về Sử Việt. Chẳng hạn dưới mỗi bảng tên đường chỉ cần thêm một bảng nhỏ chú thích ngắn gọn về nhân vật/sự kiện được đặt tên cho con đường đó. Hoặc đẩy mạnh hỗ trợ các tác phẩm điện ảnh, nghệ thuật đề tài lịch sử để thu hút giới trẻ. Đây là việc dễ mà khó, khó mà dễ cần sự góp sức của nhiều nguồn lực”.
“Chuyện phiếm giữa tôi và bé Noel (cậu con trai 12 tuổi của Đại Lợi – pv) phần lớn là từ những nhân vật hay sự kiện được đặt tên cho các con đường. Chúng tôi cũng xả stress bằng những chuyến tham quan tại các khu di tích lịch sử. Tôi tự hào vì con mình ít nhiều có hứng thú nhất định với các câu chuyện về lịch sử dân tộc. Đây cũng là “trợ lý không lương” chuyên đọc các tài liệu nghiên cứu giúp tôi hiệu chỉnh bài giảng tốt hơn”.
Q&A
1. Nhân vật lịch sử yêu thích nhất?
Nhân vật lịch sử Việt Nam thời cổ trung đại tôi chọn Thái sư Trần Thủ Độ. Ông là người có bản lĩnh, sống có mục đích, và cá tính hơn người. Có thể nói ông có tính cách “gian hùng”, nhất là những việc đã làm đối với triều Lý. Nhưng với nhà Trần, Trần Thủ Độ có công lập quốc và là nhân vật trụ cột. Không chỉ có tài trị nước, xử lý sự việc rất cương trực, quyết đoán, ông còn sẵn sàng nhún nhừng khi cần để bảo vệ quyền lợi của dòng tộc và đất nước. Những việc ông làm đã đưa nước nhà qua khỏi cuộc suy vong cuối triều Lý và xây dựng nên thời đại Đông A với những thành tựu rực rỡ. Hơn nữa, Trần Thủ Độ có vai trò rất quan trọng trong thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất.
Về nhân vật lịch sử Việt Nam thời hiện đại, tôi vừa cảm phục vừa thương thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn – một điệp viên hoàn hảo và sống hết mình vì lý tưởng, sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời cho đất nước.
2. Người phụ nữ ấn tượng nhất trong Sử Việt?
Trần Thị Dung – Hoàng hậu cuối cùng của triều Lý và được gọi là Linh từ quốc mẫu của triều Trần. Trong cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên, bà là người có công lớn khi cùng toàn dân đồng lòng thực hiện mưu kế vườn không nhà trống. Trong khi vua và quân nhà Trần đang đánh nhau với quân Mông Cổ thì bà Trần Thị Dung đứng phía sau lo về hậu cần, để những người đàn ông yên tâm đánh giặc.
Hơn nữa, tôi “mê” bà Trần Thị Dung, vì tôi võ đoán bà rất đẹp! Chắc bà phải đẹp lắm, tài lắm thì thái tử Sảm (sau là vua Lý Huệ Tông) mới “nhất kiến chung tình” và Trần Thủ Độ mới si tình đến vậy (cười).
3. Một thiên tình sử nước Việt để lại ấn tượng sâu đậm?
Tôi ngưỡng mộ tình cảm và sự khắng khít giữa Thừa thiên Cao Hoàng hậu và vua Gia Long. Thừa thiên Cao Hoàng hậu đã luôn theo vua Gia Long từ lúc gian khó và luôn bên ông trong những cơn nguy khốn. Năm 1783, khi quân Tây Sơn đánh Gia Định, Gia Long phải lánh ra Phú Quốc, ông đã tin tưởng gửi gắm mẹ của mình lại cho hoàng hậu.
Tôi nghĩ tình càm giữa vua Gia Long và Thừa thiên Cao Hoàng hậu vượt ngoài khuôn khổ mối quan hệ “vua – hoàng hậu”, ngoài tình yêu, tình nghĩa còn có cả sự kính trọng. Việc vua Gia Long để cho mộ của Thừa thiên Cao Hoàng hậu được đặt kề bên mộ của mình là minh chứng cho tình cảm sâu đậm của ông đối với bà.
4. Giả sử có thể ngược về quá khứ để gặp gỡ một nhân vật lịch sử Việt Nam, anh muốn gặp ai nhất và sẽ nói gì?
Tôi muốn gặp Nguyễn Nhạc để nói với ông một điều rằng: Nếu ông không đủ sức hoặc không có ý định tiến quân vào Gia Định thì hãy rộng lượng mà nhường lại và tạo điều kiện cho Nguyễn Huệ thực hiện việc đó. Chuyện bất hòa anh em trong nội bộ Tây Sơn nên gác lại để “giải quyết” sau khi đã thống nhất đất nước.
Theo tôi, chính Nguyễn Nhạc là “mấu chốt” cản trở Nguyễn Huệ thống nhất đất nước. Tôi cảm thấy tiếc cho giai đoạn này.
5. Cuốn sách về lịch sử đang đọc?
“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của tác giả Trần Mai Hạnh, từng là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam ở chiến trường miền Nam.
6. Địa danh lịch sử yêu thích từng đến?
Đèo Cả và núi Đá Bia thuộc Đèo Cả. Tương truyền trong cuộc viễn chính về phía Nam, vua Lê Thánh Tông đã cho người khắc bia trên dãy núi Đèo Cả. Ngoài ra, từ Đèo Cả nhìn xuống có thể thấy cả vịnh biển Vũng Rô của Phú Yên – nơi tiếp nhận bốc dỡ hàng hóa, chi viện hàng trăm tấn vũ khí đạn dược cho chiến trường khu V và Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Với tôi, Đèo Cả là một địa danh đẹp để du lịch và tìm hiểu về lịch sử, địa lý và văn hóa.
7. Danh ngôn lịch sử yêu thích?
“Sử phải thật, không thiên kiến tô hồng, không chủ quan tùy cảm, không định kiến khen chê” – Lê Anh Dũng.