Lỗ, cán bộ không được thưởng
Dẫn lại kết luận kiểm toán được công bố, ông Năm nhấn mạnh: “Năm 2011, tổng quỹ tiền lương tăng 1,6% so với năm 2010 (60,368 tỷ đồng) nhưng tiền lương thực tế bình quân so với năm 2010 lại giảm 1,7% (20,961 triệu đồng/người/tháng). Sở dĩ quỹ lương tăng là do quy mô nhân sự tại công ty mẹ đã tăng lên so với trước đó. Việc nhân sự tăng là do nhu cầu phát triển của Tập đoàn”.
Theo giải thích của ông Năm, công ty mẹ Tập đoàn Petrolimex có khoảng gần 250 người chủ yếu là cán bộ lãnh đạo và chuyên gia quản lý. Đặc điểm công ty mẹ là cơ quan chỉ đạo kinh doanh xăng dầu trên phạm vi toàn quốc. Vì vậy, hệ số lương theo chức danh của nhà nước quy định rất cao. Đó cũng là lý do mà mức lương bình quân ở đây cao hơn 1,75 lần so với mức lương khối văn phòng các công ty thành viên trực thuộc.
Bên cạnh đó, việc trả lương cho nhân sự Tập đoàn là do Liên Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt theo cơ chế tiền lương đối với DNNN.
Theo kết luận kiểm toán, đơn giá tiền lương của Petrolimex là áp dụng vào trường hợp đặc biệt, thuộc nhóm DN mà Nhà nước có quyền can thiệp để bình ổn thị trường. Năm 2011, đối với hoạt động bán buôn, đơn giá tiền lương là 3 đồng/1.000 đồng doanh thu, đối với bán lẻ là 14,8 đồng/1.000 đồng doanh thu.
Do vậy, khi doanh thu tăng thì quỹ tiền lương cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, ông Năm cũng khẳng định, Nhà nước cũng đã quy định quỹ tiền lương này sẽ tăng lên nếu lợi nhuận tăng, năng suất tăng, sẽ giảm nếu lợi nhuận giảm, năng suất giảm. Vì vậy, việc Liên Bộ phê duyệt đơn giá tiền lương cho Petrolimex như trên, trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu thua lỗ thì chắc chắn, Liên Bộ cũng đã thẩm định kỹ càng đúng quy định rồi.
Đáng chú ý, cũng vì thua lỗ trong kinh doanh xăng dầu tới 2.358 tỷ đồng (lợi nhuận trước thuế) nên năm 2011, cũng như các năm bị lỗ xăng dầu khác, cán bộ, người lao động của Petrolimex không được khen thưởng.
Ông Năm khẳng định: “Vì lỗ nên chúng tôi không có nguồn trích Quỹ khen thưởng, phúc lợi, cán bộ nhân viên khối kinh doanh xăng dầu rất thiệt thòi và họ chỉ trông chờ thu nhập từ mỗi khoản tiền lương đó”.
Cũng theo phản hồi của Tập đoàn này, hầu hết lỗ của đơn vị là do thực hiện nhiệm vụ chính trị và hoàn cảnh khách quan. Đó là việc phải giữ giá xăng dầu vì bình ổn thị trường, việc tăng tỷ giá và các khoản chi phí kinh doanh định mức thấp hơn nhiều so với giá vốn thực tế.
Nói cách khác, lỗ kinh doanh xăng dầu không phải do người lao động của Petrolimex.
Ông Nam nhấn mạnh, lương cao hay thấp cần có sự so sánh khách quan với những Tập đoàn , DN cùng quy mô khác. Ví dụ, với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã từng công bố, bình quân lương công ty mẹ đã khoảng 30 triệu đồng.
Đầu tư chứng khoán không lỗ?
Cơ quan Kiểm toán cho biết, vốn chủ sở hữu của Tâp đoàn bị giảm mạnh vì sản xuất kinh doanh năm 2011 lỗ tới 1.423 tỷ đồng. Nếu tính thêm khoản chênh lệch lỗ do định giá lại các khoản đầu tư chứng khoán tại thời điểm chuyển từ DNNN sang công ty cổ phần là 949 tỷ đồng thì thì tổng số lỗ Nhà nước phải xử lý tồn tại khi bàn giao sang công ty cổ phần là 3.413 tỷ đồng.
Về điểm này, ông Trần Ngọc Năm than thở: “Bản chất vấn đề về khoản lỗ đầu tư chứng khoán không phải như vậy. Khi xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 1/1/2010, chúng tôi đã tính tổng vốn đầu tư chứng khoán là 3.000 tỷ đồng. Đây là vốn gốc thực tế.
Tuy nhiên, khi Nhà nước đánh giá tính theo giá thị trường trên sàn giao dịch chứng khoán, “bắt” doanh nghiệp ghi tăng lên 1.213 tỷ đồng. Như vậy, theo định giá của Nhà nước tổng giá trị đầu tư chứng khoán của Petrolimex là 4.213 tỷ đồng.
“Điều đó có nghĩa, giá trị các khoản đầu tư chứng khoán của chúng tôi chỉ giảm so so với con số giá trị do Nhà nước tính là 4.213 tỷ đồng . Nhưng nếu so sánh với vốn gốc 3.000 tỷ thì giá trị đầu tư chứng khoán vẫn tăng tới 264 tỷ đồng”, ông Năm khẳng định.
Nói thêm về câu chuyện, năm 2009, Petrolimex lãi lớn tới 2660 tỷ đồng, ông Năm cho biết, thực chất, Petrolimex đã phải trả lại cho ngân sách 1.812 tỷ đồng tiền Ngân sách tạm ứng năm 2008, khi kinh doanh xăng bị lỗ nhưng cơ chế bù lỗ đã chấm dứt.
Tập đoàn chỉ lãi 1.257 tỷ đồng tương đương khoảng gần 140 đ/lít. Đây là năm giá thế giới xuống thấp nên hầu hết, các doanh nghiệp đầu mối đều có lợi nhuận Tuy nhiên, trên báo cáo lại phải phản ánh là lãi của doanh nghiệp vì phải theo quy định của chế độ kế toán hiện hành.
Năm 2012, thực tế kinh doanh xăng dầu phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới và điều hành giá bán trong nước. Vì vậy với sản lượng tiêu thụ của Petrolimex thì có thể lãi rất nhanh nhưng lỗ thì cũng không kém, do đó rất khó có thể nói trước được mặc dù chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa.