Gặp Trần Tiến không khó, nhưng để Trần Tiến trả lời phỏng vấn thì quả là khó! Phải qua sự “bắc cầu” của Trần Thu Hà, tôi mới có dịp trò chuyện với Trần Tiến – người nhạc sĩ lúc nào cũng bông lơn, nhưng lại rất phức tạp (“Trần Tiến phức tạp vì luôn nhìn cuộc sống bằng cái lõi” – Trần Thu Hà).
Trần Tiến mở đầu câu chuyện bằng một sự liên hệ ngộ nghĩnh: “Tôi là con heo rừng, lang thang khắp cuộc đời. Con heo rừng đi một mình, không sợ voi, không sợ hổ. Mà voi, hổ cũng đừng chạm vào nó, vì nó có nanh, độc lắm. Ăn thịt heo rừng rất bổ, vì thịt heo rừng tẩy hết độc tố trong người. Tôi là Thiên Bồng Nguyên Soái. Tôi cũng đi lấy được chân kinh nhưng lại mắc tội hay… tán gái”.
Rồi Trần Tiến lại chuyển sang một “phạm trù” khác: “Tôi làm việc như nông dân. Không điều gì khiến tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa bằng làm việc. Ngày xưa làm việc để kiếm tiền, còn giờ, tôi lớn tuổi, các con cũng lớn, nên qua thời làm việc kiếm tiền rồi. Tôi hay hỏi những người bằng tuổi xem buổi tối họ làm gì? Còn tôi cứ 9h30 là mắt díp lại, thấy phí đời quá. Mà tôi ngủ được 6 tiếng thôi. Cứ 3 – 4 giờ sáng là dậy. Dậy lúc đó buồn lắm. Tối nay dứt khoát tôi đi chơi. 10h30 – 11h mới về. “Chat” với bạn xong, tôi sẽ đi đâu đó. Nếu bạn thích thì đi nhậu với tôi, còn bận việc tôi đi một mình”.
Có lúc ngủ ngoài vỉa hè, công viên, đợi ăn từng mẩu bánh mì
Nhiều người đánh giá nhạc sĩ thành công trong âm nhạc, trong kinh doanh và trong… tình trường. Còn tôi thích nhìn con người ở khía cạnh thất bại hơn (vì khi thất bại mới thấy rõ nhất bản lĩnh của con người). Nhạc sĩ có nhiều thất bại trong cuộc đời không?
Ngày xưa tôi hay ngồi trên sân thượng mơ mộng về một vũ trụ thần kỳ. Tôi ước mơ trở thành nhà khoa học, và rất ghét tiếng hát ô ố của ông Trần Hiếu đi từ dưới cầu thang lên. Rồi một ngày, tôi hiểu tôi là một lí lịch tồi nhất của Hà Nội thời đó: Lí lịch của con nhà tư sản. Tôi học giỏi nên không phải thi đại học, nhưng cứ vào trường lại bị đuổi.
Gần một năm học Kiến trúc, giấu được lí lịch, nhưng sau đó tôi vẫn bị đuổi. Rồi tôi đi lang thang kiếm sống. Tôi làm khuân vác cho đoàn văn công. Không muốn vất vả nên tôi tập hát. Cái giọng ồ ồ, vớ vẩn của tôi bỗng trở thành một giọng bass quý hiếm. Hồi đó thị hiếu âm nhạc rất sơ khai. Hát cho người ta vui thì được yêu thích. Tôi cứ ra sân khấu, chưa hát người ta đã buồn cười, vỗ tay. Tôi nổi tiếng lắm, nhưng nổi tiếng như một thằng hề trên sân khấu ca nhạc. Thanh niên mê tôi, nhưng tôi không thích. “Không được, ta có phải là thằng hề của các người đâu.
Đời ta phải để lại công trình khoa học, hoặc ít nhất là điều gì sâu sắc. Ta không phải thằng hề”. Nên đang nổi tiếng, nhưng hai năm sau tôi bỏ nghề. Mấy người bạn còn xui dại: mày muốn bỏ nghề hát thì phải ăn ớt, ăn thật cay cho nó hỏng giọng. Thế là tôi ăn ớt. Bây giờ, tôi ăn ớt nổi tiếng ở Việt Nam. Vừa rồi sang sa mạc Sahara, dân Hồi giáo nổi tiếng ăn ớt, thế nhưng thấy tôi ăn ớt họ còn sợ. Vậy mà giọng tôi vẫn chưa hỏng. Nhưng tôi phải bỏ diễn thì mới chuyển sang ngành sáng tạo được, vì sáng tạo là đi sâu vào cái lõi, không được diễn. Tôi không yêu âm nhạc. Tới giờ vẫn không yêu.
Ước mơ trở thành nhà khoa học, cuối cùng trở thành nhạc sĩ nổi tiếng. Vậy thì, “nhạc sĩ nổi tiếng” có được coi là sự thất bại của Trần Tiến?
Theo ước mơ trở thành nhà khoa học thì đó là thất bại. Nhưng hồi đó tôi còn nhỏ, mà cuộc đời ít cho ai hai ước mơ tuổi thơ. Giống như ai cũng ước mơ về tình yêu, nhưng có phải ai cũng có tình yêu đâu. Chỉ đến khi ra đi khỏi cõi trăm năm mới hiểu đó có phải tình yêu thật không. Tôi không ước mơ thành nhạc sĩ nổi tiếng, chỉ muốn làm việc gì ra việc đó, không được hổ thẹn với bố mẹ, với chí khí của thằng đàn ông.
Tôi làm việc gì cũng cố gắng hết mình, không được thua bạn bè. Mấy người bạn của tôi: Nguyễn Cường, Dương Thụ, Phó Đức Phương, rất thông minh. Họ sinh ra để làm âm nhạc, còn tôi thì không. Nhưng không muốn thua bạn bè, nên tôi cố. Phần của tôi chỉ được 10%, còn ông Trời cho tôi 90%. Vậy mà vẫn có những lúc khốn nạn, tôi phải ngủ ngoài vỉa hè, công viên, đợi ăn từng mẩu bánh mì.
Một Trần Tiến tài năng, phiêu lãng, nhìn là thấy dòng dõi con nhà, mà cũng có những lúc “khốn nạn”?
Khi ở Hà Nội, tôi khổ lắm, nên quyết định vào Nam kiếm sống. Lúc đó, người bạn thân làm ở ga cho tôi cái vé của công nhân ga. Vào được Đà Nẵng, tôi lại hát hò, ngoại giao với cậu trưởng ga Đà Nẵng, cậu ấy cho tôi vào đến Sài Gòn. Bước xuống tàu không một đồng dính túi. Người bạn già của tôi là Trịnh Công Sơn ra đón. Trịnh Công Sơn nói: Ôi, nhạc sĩ nổi tiếng bây giờ lại sống khổ thế này ư? Tiến có biết Tiến rất nổi tiếng không? Bài “Những đôi mắt mang hình viên đạn” của Tiến nổi tiếng khắp Sài Gòn.
Tôi nói: Nhờ bài này mà em được đi hát đám cưới, người ta cho em ăn một bữa cơm. Nhưng đâu thể ăn ở mãi nhà anh Sơn được, nên tôi bỏ đi ngủ ngoài đường, ngoài công viên. Mẹ anh Sơn cứ thương thằng cộng sản Trần Tiến, tại sao nó quá tự trọng? Em anh Sơn tìm được tôi về. Anh Sơn nói: Những bài hát của Tiến khiến biết bao người ơn Trần Tiến. Tiến không hàm ơn cuộc đời thì làm sao trả ơn cuộc đời được. Tiến ở nhà mình ăn một vài bát cơm có đáng gì đâu. Ở Sài Gòn, tôi rất nổi tiếng, nhưng vẫn đói.
Tôi viết “Sao em nỡ vội lấy chồng”, được 300 ngàn, thế là có gạo. Bạn hỏi tôi có thất bại không thì tôi chưa thất bại, vì tôi đâu muốn thành công mà thất bại. À, nhưng có đấy, có một lần tôi thất bại trên sân khấu. Lúc đó, Trịnh Công Sơn đưa nhóm trí thức đi biểu diễn. Trịnh Công Sơn giới thiệu Trần Tiến với “Những đôi mắt mang hình viên đạn”. Tôi ôm đàn guitar hát, lần đầu tiên hát ở Sài Gòn, thấy khán giả vỗ tay quá trời, tôi hát bài thứ hai thì bị… đuổi vào cánh gà, vì tôi hát giọng opera, mà bài đó lại buồn. Từ đó tôi thay đổi quan niệm sáng tác. Tôi sáng tác nhạc trẻ.
Tôi mê một cô, bị vợ và hai con bắt được
Một tâm hồn vĩ đại mới có tác phẩm vĩ đại. Cuộc đời âm nhạc của nhạc sĩ có nhiều tác phẩm vĩ đại, và nhạc sĩ cũng từng nhận không ít giải thưởng danh giá của Nhà nước. Vậy nhạc sĩ có tự tin mình có tâm hồn vĩ đại?
Tôi không quan tâm chuyện đó, mà chỉ quan tâm việc hãy sống tốt với mọi người. Con người nói chung, không ai sinh ra để làm nhân vật vĩ đại hay anh hùng. Con người cần hạnh phúc hơn sự vĩ đại và anh hùng, và hơn cả mấy cái bằng khen kia. Mà bằng khen cũng là vợ tôi treo, chỉ treo trong phòng làm việc của tôi, không treo ở phòng khách.
Không hiểu sao, người ta hay nghĩ tôi sướng, trong khi tôi có gì sướng đâu. Tôi chỉ cần sống sao cho tốt với mọi người và mọi người yêu quý mình. Chấm hết. Còn có tiền cũng được, không có cũng không sao. Nhưng đừng có đói. Làm thằng đàn ông thì không được để cho mình và vợ con đói.
Một người bạn của tôi nói rằng: Em có thể yêu một người đàn ông bất tài, nhưng không được yêu một thằng hèn. Tuy nhiên, tôi nghĩ, cả cuộc đời, làm sao tránh khỏi những lúc hèn. Nhẹ thì hèn trong tư tưởng, nặng thì hèn ở hành động. Còn nhạc sĩ, có khi nào thấy mình… hèn không?
Có chứ. Vài lần hèn.
Hèn theo nghĩa nào?
Hèn đúng nghĩa hèn ấy. Hồi ở đường 9 Nam Lào, tôi bị sốt rét, đúng là tôi chết lâm sàng rồi. Đồng đội tưởng tôi chết, nên vùi đi. Vì chiến trận phải rút rất nhanh. Nhưng vẫn chưa chết, tôi bò dậy, đuổi theo đơn vị. Tôi không có súng, không đèn pin, không phù hiệu, chỉ có mỗi cái quần xà lỏn và cái áo cộc tay, giày cũng bị lấy đi.
Sợ chết, một mình trong đêm tối, tôi tìm đường đuổi theo đơn vị, mà đơn vị cách xa 80km đường núi. Tôi đói. Tôi khát. Rồi lên cơn sốt rét. Tôi cứ hét lên: Ai cứu tôi với! Không một tiếng người vọng lại. Tôi thấy le lói một ánh đèn. Tôi bò tới nơi thì mệt quá rồi. Lúc đó, lần đầu tiên tôi hèn. Tôi thì thào nói: “Tôi là Trần Tiến, tác giả của bài “Thanh niên ra tiền tuyến”. Hãy cứu tôi!”.
Tôi không cho đó là hèn. Cận kề cái chết ai cũng sợ, đói thì có nhu cầu được ăn. Trong hoàn cảnh đó, đem cái tên ra làm phương tiện để cứu mình khỏi chết, khỏi đói là bình thường. Có vẻ, nhạc sĩ đang nói về cái hèn cao thượng!
Hèn mà còn cao thượng sao? Làm gì có cái hèn cao thượng. Lúc đó tôi chết đến nơi rồi, vì thám báo trong rừng rất nhiều. Chúng nó cũng giống tôi. Tôi là một xác chết trở lại, làm sao chứng nhận được là ngụy hay Việt cộng? Tôi phải giảng giải là đơn vị đã đi qua, tôi là Trần Tiến, sáng tác bài hát “Thanh niên ra tiền tuyến” các bạn đang thích. Họ yêu cầu tôi hát xem có đúng không? Thế là tôi thều thào hát. Trời ơi, lúc đó tôi nhục!
Nhạc sĩ nói có vài lần hèn. Vậy lần hèn thứ hai có bớt cao thượng hơn không?
Cũng chả cao thượng gì đâu. Tóm lại, tôi mê một cô, tôi bị cả vợ và hai con bắt được. Lúc đó, tôi hèn nhất trên đời này!
Lúc đó, nhạc sĩ phản ứng thế nào: chết trân, thanh minh hay… tháo chạy?
Tôi chả biết nói thế nào, lặng đi, mặt tái xanh tái mét. Hèn lắm! Tôi cũng giống nhiều đàn ông, có vợ rồi vẫn mê cô này cô nọ và không muốn mất hạnh phúc gia đình!
Tôi nghĩ, đàn ông mê “cô này cô kia”, nhưng lại không muốn mất gia đình, thì gọi là tham, là hèn đều được!
Đàn ông không ngu gì bỏ vợ bỏ con, chỉ lấy thêm vợ, thêm con thôi!
Đó là sự ích kỷ của đàn ông?
(Cười). Bạn cứ thay mặt phụ nữ chiến đấu với Trần Tiến! Tôi là thế, một người đàn ông bình thường, không có cái gì cao cả. Có chăng, tôi hơn những người đàn ông khác là tôi chơi với ai, yêu quý ai thì tận lòng. Bạn trai, bạn gái, người yêu đến vợ con, tôi đều hết lòng.
Câu nói: “Đàn ông không ngu gì bỏ vợ bỏ con, chỉ lấy thêm vợ, thêm con thôi” của nhạc sĩ cũng đủ để nhận diện quan điểm tôn vinh chủ nghĩa ích kỷ đến tận cùng rồi!
Tôi nói chung chung thôi. Gia đình nào chứ gia đình của tôi chả có lỗi gì hết. Vợ và hai con tôi đều rất yêu thương tôi thì ngu gì tôi bỏ.
Còn với người tình?
Tôi rất tử tế với người tình. Cái người bị bắt gặp đó đến bây giờ tôi vẫn chăm lo. Chưa có người phụ nữ nào, đã từng gặp tôi, từng có những kỷ niệm với tôi, mà trách tôi được.
Chẳng qua vì nhạc sĩ biết mở cánh cửa và biết đóng cánh cửa đó lại?
Tôi không có quan niệm như bạn. Tôi không phải ngượng ngùng gì, kể cả khi vợ con biết tôi cũng có cô này cô nọ. Con gái lớn của tôi còn nói: Mẹ để bố có bồ chứ. Bố không có bồ làm sao sáng tác. Con biết bố thương mẹ quá trời, nhưng bố có hợp với mẹ đâu. Mẹ là nhà giáo, chả dính gì đến nghề của bố cả. Bố là nghệ sĩ thì phải để bố sống cuộc sống nghệ sĩ. Bố có bao giờ không chăm sóc ba mẹ con mình đâu!
Tôi không coi phụ nữ là cái gì ghê gớm đối với đời mình
Ai là người tình lớn trong cuộc đời nhạc sĩ?
Tôi chỉ có thêm vài người đàn bà khác, không phải là vợ, chứ không có người tình lớn. Tại Trời không cho, chứ cho là tôi đồng ý liền. Mỗi người đàn bà đều có vẻ đẹp của họ. Nó là số phận bạn ạ. Mình bỏ chuyện đạo đức, bỏ chuyện vợ con đi. Nếu cuộc đời cho anh một mối tình lớn, thì đó là hạnh phúc, là gia tài lớn nhất của con người. Nhưng cái đó không phải ai cũng có. Tôi không buồn nhiều, vì tôi sinh ra trên đời không phải để cần có mối tình lớn. Phụ nữ không phải là lớn đối với cuộc đời tôi!
Cái gì trong cuộc đời nhạc sĩ là lớn: Âm nhạc?
Không phải âm nhạc.
Sự nghiệp?
Không phải sự nghiệp?
Sự giàu có về vật chất?
Không. Chẳng là gì cả. Tôi phải là một người đàn ông tốt, một người bố tốt, một người bạn tốt, một công dân tốt. Đó là những thứ quan trọng nhất đối với đời tôi.
Còn một người chồng tốt?
Tôi là người chồng tốt.
Người chồng ngoại tình có gọi là người chồng tốt?
Bạn đừng hỏi tôi, mà hãy hỏi vợ và các con tôi. Chồng tốt là gì? Là khi vợ anh khen anh. Bố tốt là gì? Là khi các con của anh khen bố là người bố tốt.
Thế thì nhạc sĩ nên ngợi ca sự cam chịu của người phụ nữ Việt Nam?
Tôi ngợi ca chứ. Người phụ nữ ai cũng phải chịu đựng nhiều, trong đó có chịu đựng tôi! Tôi rất tốt, nhưng tôi lông bông, mà phụ nữ lại muốn người đàn ông hoàn toàn là của họ. Vợ tôi biết tính tôi, nhưng hồi đầu không chịu được đâu. Cũng phải mất 10–15 năm đấy. Được cái, không bao giờ tôi đi chơi buổi tối, ngoài đi diễn là về. Tôi không biết chơi bời, không biết thế nào là xe đẹp, là vũ trường, là massage.
Nhưng nhạc sĩ lại biết đàn bà đẹp?
Có người đàn ông nào mà không biết thế nào là đàn bà đẹp?
Ngoại tình là “căn bệnh” hay chỉ là sự điểm xuyết trong cuộc đời nhạc sĩ?
Thứ nhất, như đã nói, tôi không coi phụ nữ là cái gì ghê gớm đối với đời mình. Đối với tôi, phụ nữ là thiên thần, nhưng không thể làm tôi suốt đời vì phụ nữ được. Thứ hai, tôi thích làm việc hơn. Tôi có ngoại tình giống nhiều người đàn ông khác, nhưng tôi vẫn thích làm việc hơn.
Còn lăng nhăng cho đến chết
Bây giờ nhạc sĩ còn lăng nhăng không?
Còn chứ. Còn cho đến chết. Dại gì mà không lăng nhăng!
Nhạc sĩ đang lăng nhăng với ai?
Chưa có ai để tôi lăng nhăng cả. Lăng nhăng cũng phải có người để mà đáng lăng nhăng chứ.
Người thế nào thì đáng để nhạc sĩ lăng nhăng?
Chẳng nói trước được. Đối với tôi, con người không có giá trị. Chỉ là ta thích hay không thích người đó thôi. Còn người đó làm gì cũng được, kể cả làm điếm. Quan trọng nhất là trái tim ta rung động.
Bất cứ hành động gì cũng có hậu quả của nó. Vậy thì trong cuộc đời lăng nhăng của mình, nhạc sĩ có để lại hậu quả nào không?
Có hậu quả chứ, và tôi phải lo hậu quả đó bằng hết tình cảm của mình.
Hậu quả đó là gì?
Tôi có cần phải trả lời câu hỏi này không? Chắc là không nhỉ?
Đi “dọn” hậu quả có khiến nhạc sĩ mệt không?
Có gì là mệt. Nó do mình tự tạo ra mà. Do mình thì mình phải lo từ A đến Z. Nói chung, tôi chưa bao giờ ân hận vì sống không ra gì với tất cả những người tôi từng gặp trong cuộc hành trình đi qua trái đất này. Có lẽ đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi. Tôi chết, tôi nhắm mắt, sẽ nở một nụ cười…
Kết thúc cuộc trò chuyện, nhạc sĩ Trần Tiến nói đến mong muốn quay trở lại Hà Nội. Vẫn bằng cái giọng bất cần, bông lơn, nhưng đằng sau đó (tôi cảm nhận) là một nỗi buồn, Trần Tiến nói: “Tôi bây giờ sống gửi thác về. Năm nay tôi 62 tuổi. Còn trẻ gì nữa đâu. Tôi chỉ biết đến lúc phải trở về quê hương rồi.
Nó là hành trình cuộc đời thôi. Giống như những con người từ mái lều ven sông đói nghèo, đi vào huyện, từ huyện lên tỉnh, từ tỉnh lên thành phố, từ thành phố về thủ đô, từ thủ đô sang Mỹ, sang Pháp kiếm sống. Cuối cùng, có tiền rồi, cuộc sống ổn rồi, lại quay lại đi tìm mua một cái lều ven sông sống như ngày xưa.
Trần Tiến kết thúc cuộc trò chuyện bằng sự trải nghiệm của con người đã đi một chặng đường dài trong cuộc sống: “Cuộc đời vui ư? Cuộc đời có cả niềm vui và nỗi buồn, nhưng buồn là chính, vui là phụ. Bạn cứ băn khoăn đi, rồi bạn lại vui, vui rồi lại buồn. Thế mới là cuộc đời!”.