Trấn Thành: "Tôi và Thanh Bạch đều là hai người đàn ông mặc veston cầm micro " - Tạp chí Đẹp

Trấn Thành: “Tôi và Thanh Bạch đều là hai người đàn ông mặc veston cầm micro “

Giải Trí

Truyền thông đâu phải cảnh sát giao thông

– Gặp anh khó nhỉ!

So sánh

Người ta nói mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng lại chẳng thể tránh khỏi việc so sánh cũng như bị/được so sánh. Nhiều ngôi sao giới showbiz phàn nàn “Đừng so sánh tôi với ai”, nhưng đôi khi đó lại là việc cần thiết để đọc ra cá tính. Ba nhân vật Feature kỳ này vốn chẳng có gì liên hệ với nhau, chúng tôi chọn họ để thử soi chiếu với mỗi mẫu hình, qua đó phần nào phản chiếu một góc chân dung họ.

Các bài viết trong chuyên đề:

1. Nguyễn Thế Hoàng Linh: Người dơi trong thành phố

2. Lý Quí Khánh: Hoàng tử bé với quyền lực kẹo bông gòn

3. Trấn Thành: Tôi và Thanh Bạch đều là hai người đàn ông mặc veston cầm micro

– Vì tôi đang phải cố gắng làm việc. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành “Cặp đôi hoàn hảo”, “The Voice Kids”, “Ai hiểu mẹ nhất”, “Chào bé yêu”, “Ai thông minh hơn học sinh lớp 5”. Năm nay tôi định làm liveshow hài và ca hát, tất cả mọi khả năng tôi có sẽ bỏ vào đó, nhưng chủ yếu là hài kịch. Tháng 6 này tôi sẽ đi Nga, Úc, Canada và có thể lưu diễn ở Mỹ nữa.

– Anh thấy sao khi các cuộc thi hát cho trẻ em quá nhiều, trong khi cuộc đời các em còn cần nhiều thứ khác ngoài chuyện hát?

– Người lớn chúng ta, đặc biệt là ở một số nước Châu Á, đang có một quan niệm sai lầm: Trẻ em đừng bắt làm gì quá, không nên cho tiếp xúc ánh đèn sân khấu. Tôi nghĩ quan niệm này đã lỗi thời. Nếu một em bé được nuôi dưỡng ước mơ ngay từ nhỏ, biết đâu khi lớn lên sẽ là một hiện tượng âm nhạc. Đừng cấm các em, nhưng nên có định hướng. Tuy vậy tôi cũng không cổ suý cho các cuộc thi nặng nề, tôi muốn các em được chơi tự nhiên và làm quen với ánh đèn sân khấu. Đừng bắt các em phải trở thành một phiên bản thu nhỏ của người lớn, với những ganh đua và sân si…

– Nhưng các show truyền hình đã từng có những hiện tượng như vậy, và vô tình tạo ra những cuộc “ném đá” vào những đứa trẻ…

– Những đứa trẻ không có tội. Lỗi là do người lớn chúng ta tạo ra, nhiều khi là vô tình thôi, nhưng lại gây ra những hậu quả không lường trước.

– Với “Cặp đôi hoàn hảo”, anh thấy cuộc thi đó có thành công không?

– Tôi cảm thấy mùa giải này “Cặp đôi hoàn hảo” thiếu đi một chất nổ. Nó là một lò phản ứng hạt nhân nhưng không sản xuất ra được chất nổ, mà chỉ sản xuất ra được một số loại vũ khí nho nhỏ. Sự dàn dựng đã lấp đi giọng hát quá nhiều…

– Và thế là, MC Trấn Thành phải trở thành một… ngòi nổ? Anh gây ra sóng gió với truyền thông bằng những câu đùa bị… “thổi còi”?

– Truyền thông sao thổi còi được tôi, họ đâu phải cảnh sát giao thông! Về truyền thông, tôi thấy có một số bài viết khen Trần Thành dẫn tốt và cũng có những bài viết theo kiểu… “thổi còi”. Nhưng tôi chưa phạm một lỗi gì nguy hiểm cho chương trình này. Tất cả những lời nói của tôi đều có sự kiểm soát, không nói bừa bãi. Đôi khi MC có một lời nhận xét, giám khảo nói “tôi không đồng ý với Trấn Thành” và họ đưa ra ý kiến của họ. Đó là họ đưa ra ý kiến trái chiều với MC, nhưng chưa hẳn MC sai. Chúng ta không thể thổi còi bậy bạ vậy được.

Có thể ví dụ thẳng, khi tôi nói “Hôm nay anh Nguyễn Hải Phong có hai tác phẩm được trình diễn rồi, còn đạo diễn Lê Hoàng không có. Nhưng tác phẩm của anh đã đưa lên sân khấu với… rất nhiều trai nhảy”. Nếu chúng ta hiểu theo nghĩa hài hước, thì nó là những chàng trai nhảy múa, nếu chúng ta vạch lá tìm sâu thì nó sẽ là trai bao. Và rõ ràng không có một cuốn sách nào trên thế giới này viết trai nhảy bằng nghĩa với trai bao. “Trai nhảy” là một cách chơi chữ của tôi.

Hay khi tôi dùng từ “chiêu trò”, Lưu Thiên Hương không đồng ý, thích dùng từ “dàn dựng”, nhưng đó là cách dùng từ của chị chứ không đồng nghĩa là Trấn Thành đã sai. Cái gì người ta làm hay gọi là chiêu, cái gì người ta làm chưa hay, người ta lấp liếm gọi là trò. Chiêu trò bản thân nó không hàm nghĩa là chê.

Tôi nghĩ, show truyền hình không phải là con vi khuẩn, không nên xem nó bằng kính hiển vi, hãy xem nó với một thái độ thích thú và thoải mái nhất. Mà điều buồn cười nhất là cùng một tờ tạp chí, cách đúng một tuần lễ, có hai bài viết với hai hướng hoàn toàn trái ngược nhau. Bài đầu tiên nói Trấn Thành cứu nguy “Cặp đôi hoàn hảo”, bài thứ hai nói Trấn Thành liên tục mắc lỗi vì nhận xét tùy tiện.

Một tạp chí không nhất quán với hai bài trái ngược nhau trong vòng một tuần, thì nó không đáng tin. Phải hiểu một điều rằng giám khảo là một khán giả có chuyên môn, nhưng điều họ phát ngôn ra chưa hẳn hoàn toàn đúng.

 

– Anh thích chơi chữ để tạo màu sắc. Mà các cụ nói thích chơi dao thì có ngày đứt tay. Trấn Thành thích chơi chữ thì có ngày… bị “ném đá”!

– Thà là có 5 người thương và 5 người ghét, còn hơn là một MC mà 10 người không ai thương cũng không ai ghét. Tạo ra cái mới là tiêu chí sống của tôi, phải biết nghĩ khác với những gì người khác nghĩ. Tại sao MC cứ phải tìm những câu chữ óng mượt hoàn hảo, thế thì còn gì là Trấn Thành nữa. Đó là một biên tập viên cầm giấy đọc thuộc lòng.

Tôi dám chấp nhận rủi ro. Chúng ta hãy đưa ra cái mới, có người khen có người chê, nhiệm vụ của tôi là làm tới khi chê là 1, khen là 9.

Tôi chấp nhận chơi chữ dù có ngày bị “ném đá”. Nhưng không có nghĩa là chơi nổi. Làm ăn phải có vốn liếng, đã làm nghề phải có vốn sống và vốn từ. Phải đủ kĩ thuật để tự cứu mình, chứ không phải chơi nổi như thiêu thân lao đầu vào chỗ chết.

Tôi chưa xem hết chương trình nào của anh Thanh Bạch

– Anh nói luôn muốn nghĩ khác và làm khác đi. Anh nghĩ sao khi người ta nhận xét Trấn Thành ảnh hưởng nặng phong cách Thanh Bạch?

– Tôi không ăn mặc giống Thanh Bạch, văn phong thường dùng cũng không giống. Nụ cười tôi tạo ra không giống cách tạo ra nụ cười của anh ấy. Anh Bạch tạo nụ cười từ sự lém lỉnh, bằng những trò kĩ xảo tạp kĩ. Còn tiếng cười tôi tạo được là do những câu nói thông minh, hài hước của một diễn viên hài vốn có, và cả vì sự tỉnh táo, nói ra những điều người khác không dám nói. Tôi không biết mình giống anh Thanh Bạch chỗ nào, nếu nói giống đi chăng nữa thì đó chỉ là hai người đàn ông mặc veston cầm micro đứng nói trên sân khấu mà thôi.

– Anh chắc chứ?

– Từ nhỏ đến lớn, chưa bao giờ tôi ngồi xem hết một chương trình của anh Thanh Bạch. Tôi đến với nghề MC là một cơ duyên. MC từng là nghề tôi ghét nhất. Một nghề phũ phàng, đi sớm nhất, về trễ nhất, chuẩn bị nhiều nhất, trách nhiệm nhiều nhất. Hay thì chả ai khen, dở thì tất cả đều ụp vào đầu mình, suốt ngày bị “ném đá”, phải cắt lời ca sĩ những lúc cần, phải kéo dài chương trình những lúc người ta mong muốn. Là một nghề mà khi coi băng, người ta sẽ bấm tua để qua tới tiết mục người ta cần coi. Bạc bẽo nữa là giới thiệu người ta ra, khán giả sẽ tán thưởng vỗ tay cho người đó, còn mình là người lặng lẽ đi vào.

Tôi sợ nghề này lắm, rất là chán nản. Nhưng tổ nghiệp đẩy tôi vào nghề, sau 6 năm tôi mới yêu nó. Tôi là một MC tự phát và không muốn khán giả phải tua phần nói của MC mỗi khi xem video, không muốn khán giả bịt tai lại, ăn bánh ăn kem khi MC đứng trên sân khấu, nên phải tự biến mình thành một tiết mục. Tôi muốn khán giả phải chờ xem tôi nói gì, giới thiệu gì cho tiết mục sau.


– Nói như anh, là một cách gián tiếp phủ nhận những MC khác đang làm nghề chung ở thành phố này?

– Tôi phủ nhận họ bằng cách không xem chương trình của họ à? Tôi nói thế này, hiện nay có nhiều MC đang nói những câu nhạt nhẽo hơn là những MC nói những điều người ta cần phải nghe. Tôi không phủ nhận ai, nhưng rõ ràng chúng ta hãy nhìn lại, ở Việt Nam hiện có rất nhiều người dẫn chương trình nổi tiếng, nhưng có bao nhiêu người được khán giả yêu thích thực sự?

Tôi không nói mình giỏi, tôi không nói là tất cả. Tôi cũng là khán giả và tôi đứng ở góc độ một khán giả để nói điều đó. Và nếu như MC nào ra sân khấu và đọc đúng những từ ngữ có trong giấy thì họ sẽ nhận lại kết quả là lượng yêu thích chỉ bằng vỏn vẹn tờ giấy mà họ đang đọc. Nhưng khi họ nói ra những điều từ trong trái tim thì những điều ấy sẽ đến với trái tim khán giả và sẽ đọng lại.

– Nếu như 10 năm trước, mở ti vi sẽ thấy Thanh Bạch, người ta gọi anh ấy là ông hoàng gameshow. Còn bây giờ, hình như là anh. Làm ông hoàng, sợ không?

– Đừng bao giờ gọi tôi là ông hoàng, vì khi gọi là hoàng đế, là mọi người đều phải chấp nhận. Còn khi tôi là một đứa trẻ, chưa tới 30 thì xin lỗi… không có cửa.

– Không muốn làm hoàng đế thì làm hoàng tử vậy?

– Thôi, chả thích hoàng tử, chỉ cần là một người trong hoàng gia thôi (cười).

Đồ hiệu không bao giờ giảm giá

– Trên truyền hình người ta biết Trấn Thành là một MC, còn trên youtube người ta chỉ quan tâm Trấn Thành diễn viên hài, anh nghĩ như thế nào về hai dòng chảy này?

– Tôi xuất phát từ một diễn viên hài nhưng được biết đến nhiều hơn khi thành MC, giờ trở lại diễn hài thì có vẻ được yêu mến. Đó là một con đường vòng.

Tôi làm cả hai lĩnh vực, và chưa ai nói nó là thảm họa cả. Thế nên không lý do gì dừng lại. Có bao giờ bạn từ chối khi người ta mang tiền đến nhà mình không? Một người đa năng và dễ thích nghi như tôi thì luôn có thể sống được trong mọi hoàn cảnh. Bởi vì, tôi đang đặt 10 quả trứng ở 10 cái rổ khác nhau, để khi mất quả này còn quả khác, tôi không thể bỏ 10 quả trứng vào trong một cái rổ rồi làm bể mất nó. Nếu biết mình làm cái gì đó tệ, thì tôi sẽ không làm nữa. Tôi không bao giờ lấn sân. Lấn sân là nhảy sang làm một chuyện chả tới đâu. Còn tôi mua hẳn một cái sân, tôi ký hợp đồng làm ăn hẳn hoi. Khác chứ!

– Tài năng của Trấn Thành khi là diễn viên hài chưa nổi tiếng có khác với lúc này không?

– Hiện nay tôi đang bị lười. Khi nghèo khổ, tôi làm mọi cách để kiếm ăn, khi đã có miếng ăn rồi thì làm bớt lại (cười). Cái lười đó cũng dễ lý giải, không phải tự mãn mà một phần do không còn bị thúc ép về tiền bạc, và thiếu đi cái sự “làm cho bằng được”. Ngày xưa hoặc sống hoặc chết, giờ thì… từ từ cũng không sao. Và thời gian bị xẻ vụn ra, nhiều show hơn, lịch diễn dày hơn nên đầu óc không còn rảnh rỗi để nghĩ ra nhiều sản phẩm mới. Tôi từng kiểm điểm mình vì điều đó và sẽ không cho phép mình như thế nữa. Nhưng, cái lười đó lại giúp mình sâu sắc hơn, làm việc có chọn lọc hơn, có tư duy tốt hơn.

– Tài năng vẫn vậy, nhưng vì nổi rồi, thì cát sê của Trấn Thành cũng tăng cao hơn?

– Có bao giờ bạn thấy đồ hiệu Louis Vuitton giảm giá không? Vấn đề là chất lượng luôn phải đi đôi với giá trị của nó.

– Tôi đồng ý một nửa. Tất nhiên, Trấn Thành ngày càng tốt hơn và diễn có sức hút hơn, nhưng chưa chắc Trấn Thành sẽ có thể mãi là một chiếc túi Louis Vuitton không giảm giá …

– Dĩ nhiên. Nhưng, trước sau gì một cái túi LV vẫn sẽ là một cái túi LV. Nếu nó vẫn còn chất lượng, thì sẽ vẫn có người tìm tới mua nó. Mua với giá nào thì tính sau!

Ta không thể bỏ một số tiền nhỏ ra để đòi hỏi một cái tốt cho mình. Tại sao người ta phấn đấu để đạt cái tốt, đó là vì người ta muốn giá trị của mình được tăng cao. Khi người ta đạt được cái tốt, mà giá trị người ta nhận lại không xứng đáng, thì phấn đấu để làm gì?  Để được nổi tiếng, tìm được tình yêu của khán giả, thì tôi phải sống và làm việc tốt hơn.

Nói như thế không phải là vỗ ngực xưng tên, tôi là một người tốt, tôi là một người có cát sê cao, mà tôi chỉ nói một chân lý ở đời, cái gì tốt phải càng tốt hơn, thì giá trị sẽ càng ngày càng cao. Nhưng giá trị và trị giá hoàn toàn khác nhau. Trị giá là cái mình có thể tự đặt ra, còn giá trị là cái người ta đánh giá mình. Vì vậy một vật có giá trị chắc chắn có trị giá, nhưng một vật có trị giá chưa chắc có giá trị. Tôi đang hướng tới, dù mai mốt tuổi già đi, sức hút kém đi, trị giá của tôi có thể giảm, nhưng giá trị tôi tạo ra trong lòng khán giả vẫn cao.  

Bài: Dương Bình Nguyên
Ảnh: Tuấn Fr

Bạn quan tâm tới đời sống showbiz thế giới và Việt Nam. Bạn có trong tay những thông tin chính xác mới nhất, “nóng” nhất về những người nổi tiếng? Bạn thích thú biên dịch các bài viết về “sao”, về thế giới văn hóa – nghệ thuật, về các sự kiện đình đám…? Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online qua địa chỉ email: giaitri@dep.com.vn hoặc hangdtt@lemediavn.com.

Thực hiện: depweb

10/05/2013, 11:16