Không phải các minh tinh hay ngôi sao ca nhạc nào của Trung Quốc mà chính Trần Mạn mới là “nữ hoàng ảnh bìa” của làng giải trí Hoa Ngữ. Đơn giản bởi nữ nhiếp ảnh gia này chính là người thực hiện vô số ảnh bìa cho các tờ báo lớn phiên bản Hoa ngữ như Vogue, Elle, Harper’s Bazaar,…
Là một trong số ít các nhiếp ảnh gia tài sắc vẹn toàn nổi tiếng nhất Trung Quốc, Trần Mạn được ngợi ca là người thay đổi hình ảnh Trung Hoa, định hình ngành công nghiệp thời trang, thậm chí là “Annie Leibovitz của Trung Quốc”,… Nhưng có lẽ chẳng bao giờ là đủ để chúng ta bàn luận hay hiểu về Trần Mạn – người phụ nữ với khao khát hợp nhất vẻ đẹp đương đại phương Đông với yếu tố mỹ thuật đặc sắc của phương Tây trong từng bức hình của mình – chỉ bằng những lời tán dương hoa mỹ.
Xóa mờ ranh giới giữa nhiếp ảnh và thiết kế đồ họa
Một trong những điều khiến phong cách cũng như lối tư duy của người phụ nữ này trở nên đặc biệt có lẽ phải kể đến bối cảnh xuất thân của cô. Trần Mạn sinh năm 1980 trên mảnh đất thảo nguyên Mông Cổ nhưng lại lớn lên tại khu phố cổ Hồ Đồng gần Quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh). Trưởng thành trong bối cảnh đất nước bắt đầu chuyển mình sau cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976), Trần Mạn sớm thấm nhuần những giá trị văn hóa và truyền thống của quê hương. Đó là lý do vì sao, người ta luôn thấy trong những tác phẩm của cô chưa bao giờ thiếu vắng dáng hình đất nước.
Từ lúc còn nhỏ, Trần Mạn đã có năng khiếu về thiết kế đồ họa, đặc biệt yêu thích hội họa và thư pháp. Cô theo học tại Học viện Hý kịch Trung ương tiếp đến là Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh để rèn giũa và trau dồi thêm tiềm năng của mình. Và cũng trong thời gian ấy, cô bắt đầu khai phá niềm say mê chụp ảnh thời trang. Năm 23 tuổi, tài năng của Trần Mạn tỏa sáng khi cô được thử sức chụp ảnh bìa cho Tạp chí thời trang Vision trong 2 năm 2003-2004, và nhanh chóng nhận được sự chú ý trong giới nhiếp ảnh thời trang nhờ phần hậu kỳ hình ảnh độc đáo trước giờ chưa từng thấy – áp dụng thành thạo kỹ thuật siêu thực để tạo hiệu ứng bắt mắt.
Ngôi sao của làng nhiếp ảnh thời trang Hoa ngữ
“Những ký ức đầu tiên của tôi về nhiếp ảnh có lẽ giống với hầu hết người Trung Quốc thuộc thế hệ của tôi: những tấm ảnh chụp ảnh tại Quảng trường Thiên An Môn – nơi không chỉ gắn với nhiều sự kiện mang tính lịch sử mà còn được xem là biểu tượng của đất nước chúng tôi” – Trần Mạn kể lại. Có thể nói, nhiếp ảnh với Trần tiểu thư là điều không có trong kế hoạch nhưng lại chính là thứ giúp cô phát huy được tiềm năng vô hạn của mình.
Và khao khát muốn hình ảnh của một Trung Quốc với những thăng trầm lịch sử tiến ra thế giới chính là ngọn nguồn cho mọi sự sáng tạo của cô: “Tôi muốn cho mọi người thấy một Trung Quốc đương đại là như thế nào và cái đẹp của người Trung Quốc là ra sao. Thế giới vẫn cho rằng người Trung Quốc ai cũng giống ai, trăm người một nét mặt nhưng thật ra chúng tôi có 56 tộc người khác nhau”, nữ nhiếp ảnh gia sinh năm 1980 chia sẻ.
Dù bước chân vào nhiếp ảnh – địa hạt vốn có rất ít cơ hội dành cho nữ giới, Trần Mạn không vì thế mà vội vàng đi theo xu hướng chung của làng nhiếp ảnh lúc bấy giờ. Trái lại, cô càng thêm trung thành với quan điểm nghệ thuật ban đầu đã vạch ra. Chính cách tiếp cận và góc nhìn độc đáo ấy đã khiến sự nghiệp của Trần Mạn ngày càng thăng hoa.
Tại Trung Quốc, người ta gọi Trần Mạn là “nữ hoàng ảnh bìa” bởi cô là nhiếp ảnh gia được “chọn mặt gửi vàng” thực hiện ảnh bìa cho các tờ báo lớn phiên bản Hoa ngữ như Vogue, Elle, Harper’s Bazaar, Marie Claire, Cosmopolitan, i-D, Grazia, The Times,… và làm việc với vô số ngôi sao từ Á sang Âu: Vương Phi, Chương Tử Di, Lưu Gia Linh, Châu Tấn, Phạm Băng Băng, Lý Băng Băng, Rihanna, David, Victoria Beckham, Benedict Cumberbatch, Nicole Kidman, Candice Swanepoel,…
Bên cạnh đó, cô cũng được nhiều thương hiệu quốc tế xa xỉ ủy quyền cho các chiến dịch sáng tạo của họ, cụ thể là Dior, Prada, Dolce & Gabbana, Gucci, Coach, Adidas, Swarovski, La Mer,… Ngoài ra, những tác phẩm ảnh chụp đặc sắc của cô cũng được triển lãm ở các bảo tàng uy tín như “The Astronaut” (2003) tại Bảo tàng Victoria và Albert (London – Anh), “Long Live the Motherland” (2010) và “Four Seasons: Spring” (2011) tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á (California – Mỹ).
Trần Mạn chính là Trần Mạn, không phải là “Annie Leibovitz của Trung Quốc”
Trước một làn gió tươi mới và độc đáo như vậy, người ta tự hỏi nguồn cảm hứng của người phụ nữ này đến từ đâu, và có điều gì khác ngoài những giá trị văn hóa và hình ảnh đất nước trong trái tim cô? Nữ nhiếp ảnh gia từ tốn cho biết: “Người truyền cảm hứng cho tôi là phóng viên ảnh đầu tiên của Trung Hoa nhận được giải Pulitzer – tiền bối Lưu Hướng Thành. Anh ấy trưởng thành trong bối cảnh Trung Quốc phải đối diện với cuộc Cách mạng Văn hóa nhưng vẫn duy trì được một tâm thế sống lạc quan. Thái độ và cách đối diện tích cực với cuộc sống của anh được truyền tải vào những bức ảnh và điều đó thắp lên ngọn lửa trong tim tôi”.
Trong 6 năm liên tiếp (2013-2018), Trần Mạn được tổ chức Business of Fashion 500 vinh danh là nhiếp ảnh gia có tầm ảnh hưởng và góp phần định hình ngành công nghiệp thời trang. Những tác phẩm của cô ấn tượng đến nỗi khiến thế giới phải ngả mũ thán phục và gọi cô bằng danh xưng của huyền thoại nhiếp ảnh khác: Trần Mạn – “Annie Leibovitz” của Trung Quốc. Nhưng thay vì tự hào, Trần Mạn bày tỏ: “Nếu nói về phong các chụp ảnh tôi đang theo đuổi thì đó là sự hòa trộn. Bạn sẽ dễ nhận thấy luôn có sự hội tụ của điện ảnh, hội họa và triết lý Đông – Tây trong hầu hết tác phẩm của tôi, khác với phong cách thực tế hay tư liệu đặc trưng của bà Annie Leibovitz”.
Trước câu hỏi nghệ thuật đương đại Trung Hoa có đủ tầm vóc để vươn tới đỉnh cao thế giới hay không, Trần Mạn khẳng khái đáp: “Tôi muốn dùng nghệ thuật tạo hình của mình như một thứ ngôn ngữ đầy hàm súc, tinh tế và ý vị. Nghệ thuật là thứ tồn tại không biên giới và hình ảnh là ngôn ngữ không cần bất kỳ sự chuyển ngữ nào. Cách truyền tải giàu cảm xúc và đa chiều như thế sẽ chứng minh rằng: người Trung Hoa không hề tụt hậu so với thế giới”.
Năm 2018, Trần Mạn đã cho ra đời ứng dụng dựng hình ảnh và video có tên Big Shot (Da Pian) với mong muốn thu ngắn khoảng cách của mọi người với nghệ thuật. “Chúng tôi muốn khuyến khích mọi người sống, cảm nhận và chia sẻ những xúc cảm rung động bằng các thước phim ngắn tự dựng. Tôi hy vọng mọi người sẽ không còn bất kì sự chần chừ hay dang dở nào trong việc lưu giữ điều tuyệt vời trong cuộc sống”, nữ nhiếp ảnh gia nói về dự án đầu tiên cô kết hợp cùng Apple.
Từ buổi đầu bỡ ngỡ với làng nhiếp ảnh đầy ngả rẽ, đến khi ở thời kì đỉnh cao của sự nghiệp, cô vẫn luôn tâm niệm rằng giới hạn duy nhất chính là bản thân mình. Và dường như không có bất kỳ ai hay tiêu chuẩn nào định nghĩa được Trần Mạn. Bởi dù nữ nhiếp ảnh gia có nhận được bao nhiêu lời tán dương hay danh xưng lẫy lừng đến đâu, vẫn có một sự thật chưa bao giờ thay đổi: đó là mỗi lần người ta chiêm ngưỡng tác phẩm của cô, đều không khỏi trầm trồ rằng đúng là “Một phong cách rất Trần Mạn”.