Trần Ly Ly: Tôi từng muốn một công việc “thời thượng” hơn

Tôi may mắn vì có những người thầy tuyệt vời

Chị có nhớ cảm xúc lần đầu tiên khi chị đến với múa không?

– Mình sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố mẹ mình đều làm trong nghề nên từ khi sinh ra mình đã quen với múa. Nói đúng hơn là từ khi còn trong bụng mẹ mình đã nghe và “thấm” những bản nhạc múa, đã quen với những nhịp điệu, giai điệu nên khi lớn lên vào trường múa như một sự tự nhiên, sự tự nhiên của con nhà nòi.

 

Vậy có thể nói, truyền thống gia đình đã đưa chị đến và gắn bó với nghề múa?

– Mình luôn nghĩ, cái duyên với múa là duyên từ kiếp trước, trời đã cho mình được sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật, năng khiếu là duyên trời cho. Trời trao cho mỗi người một nghề, trao cho mình khả năng để bước vào nghề múa. Bố mẹ là những người thầy đầu tiên và luôn ở bên ủng hộ, giúp đỡ mình. Sau này, trong quá trình đi học nhiều lần cũng muốn bỏ nghề, nhưng cái duyên, cái nghiệp nó cứ cuốn mình đi, cuốn đi đến tận bây giờ mình vẫn không bỏ được, càng ngày càng yêu nghề hơn.

Chị nói đã có những lúc muốn bỏ nghề, vì sao vậy, và lúc chị muốn từ bỏ múa nhất là lúc nào?

– Mình học khá giỏi cả văn hóa và chuyên môn, cách đây gần 20 năm nghề múa chưa phát triển lắm, cơ hội để kiếm sống rất vất vả, tương lai để phát triển sự nghiệp cũng mông lung, không biết thế nào. Vì thế, mình đã quyết tâm học một nghề khác tốt hơn, để làm những công việc “thời thượng” hơn. Nhưng đúng thời điểm quan trọng là vào cấp 3 mình định chuyển trường thì “định mệnh” đến, mình được giải thưởng về múa (giải tài năng múa trẻ toàn quốc), được đi nước ngoài biểu diễn trong một festival nên lại từ bỏ ước muốn “bỏ nghề”.

Sau này, trong quá trình làm việc, dù không nhiều cũng có một vài lần có ý định hay là mình làm cái khác có tốt hơn không, không hiểu sao vẫn gắn bó với múa. Có lẽ là duyên trời, mình chỉ có thể lý giải như vậy.

Thời gian đi du học ở Úc có phải là một bước ngoặt trong sự nghiệp của chị không?

– Đó là một kỉ niệm đẹp. Đi học xa nhà, xa gia đình, hạn chế về ngôn ngữ, văn hóa… mình và các bạn đã chia sẻ với nhau rất nhiều điều. Tuổi trẻ nhiều đam mê và khát vọng mà.

Khi chị xuất hiện trên ghế nóng của Bước nhảy Hoàn vũ, các cựu sinh viên cùng khóa với chị khi học ở Úc đã thông báo cho nhau trên Facebook thế này: “Các cậu ơi, nhớ xem chương trình này nhé, có Trần Ly Ly, cô bạn rất “nice” dạy chúng mình học nhảy hồi xưa đấy!”, hẳn là chị đã có những kỷ niệm tuyệt đẹp với họ?

– Hồi đó, mình có tham gia một câu lạc bộ, cùng các bạn dạy nhau nhảy múa, hát để gắn kết sinh viên Việt Nam rất cảm động. Chính những ký ức đẹp này là hành trang của mình trong những năm sau đó, mình có thêm kinh nghiệm khi dạy cho những người không biết múa, những người là bạn của mình, xây dựng bài học như thế nào, làm chương trình ra sao. Ngoài ra, mình có thêm những mối quan hệ rất đáng quý và cảm động. Nghe bạn nói vậy, mình rất mong được gặp lại các bạn.

Trong nghề, ai là người mà chị thần tượng và học hỏi ở họ nhiều nhất?

– Mình tự cảm thấy là mình quá đỗi may mắn vì ngay từ khi mới chập chững vào nghề đã được những người thầy tài năng dạy bảo và dìu dắt, đó là những thầy cô ở trường múa Việt Nam (nay là trường Cao đẳng múa Việt Nam) – những người thầy mà tôi không thể nào quên như NSND Trần Quốc Cường, NSND Thanh Thủy, NSND Kim An, NSND Lê Ngọc Cường và rất nhiều thầy cô nữa.

Chị từng có cơ hội làm việc ở một đoàn múa nổi tiếng và được đề nghị ở lại Pháp, điều gì đã khiến chị từ chối một cơ hội tuyệt vời để phát triển nghề nghiệp vậy?

– Khi đó, mình được mời làm việc 1 năm cho đoàn ballet Régine Chopinot Atlantique, đây là 1 công ty rất lớn về múa đương đại ở Pháp, bà giám đốc Régine Chopinot là người có nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực múa đương đại ở Pháp, một người thầy rất giỏi, nhà biên đạo múa tài năng. Bà chính là người đã truyền cho mình lửa, dòng suy nghĩ, cách tư duy và cảm nhận về múa khác với những người khác.

Bà Régine đặt rất nhiều ước muốn và kế hoạch ở mình nên đã có lời đề nghị mình ở lại làm việc lâu dài. Nhưng lúc đó mình cảm thấy mình đã học hỏi đủ và muốn trở về. Dù sao mình cũng yêu đất nước mình hơn, thèm một bát bún, thèm hít thở không khí, mình cần điều đó và tự nghĩ là 10 năm nữa nếu ở đây mình sẽ thế nào, sau đó mình đã quyết định về và sẽ tiếp tục cộng tác.

Rời Pháp, mình quyết định sẽ quay lại Úc để học tiếp đại học, nhưng lại không có học bổng như khi học Cao đẳng, và chính bà giáo Régine là người đã cho mình tiền để đi học, sau này mình sẽ làm việc để trả lại tiền cho bà. Bà Régine là người mình mang ơn rất nhiều, bà cũng là người truyền cảm hứng để mình lựa chọn múa đương đại làm sự nghiệp để theo đuổi và vạch cho mình con đường mà mình sẽ đi trong tương lai. Có một người thầy như vậy là điều may mắn nhất với mình.

Những chuyến lưu diễn rong ruổi ở nhiều nơi trên thế giới có ý nghĩa như thế nào với chị?

– Mọi thứ mình làm đều có kỷ niệm, đó là điều cực kỳ cần thiết với người nghệ sĩ, mình được va chạm với mọi người, gặp những người khác nhau, văn hóa khác nhau, tầm nhìn khác nhau, tri thức khác nhau, hành trang mình đầy dần lên sau những chuyến đi như vậy.

Ký ức quan trọng với mình vô cùng, ký ức là con người của mình, đến vào những lúc mình cần, ảnh hưởng nhiều đến các tác phẩm múa của mình, bồi đắp cho mình trưởng thành để cho ra những sản phẩm tốt.

Trong khó khăn, có rất nhiều cơ hội

Với phần lớn khán giả phổ thông ở Việt Nam, múa đương đại còn khá xa lạ, khó hiểu, chị nghĩ và chia sẻ gì không với khán giả về điều này?

– Sự “xa cách” và bỡ ngỡ của khán giả không làm mình sợ, mình nghe rất nhiều lời nhận xét để mình làm tốt hơn chứ không phải không làm nữa.

Múa đương đại là xu thế tất yếu của thời đại, mình sống trong dòng chảy của thời đại, mình không thể trốn chạy, đóng cửa mãi được. Với mình, múa đương đại giống như một ngôn ngữ, giống như các nhà văn sử dụng ngôn ngữ để viết, ngôn ngữ là công cụ còn con người mới là chủ thể tạo ra tác phẩm.

Không thể nói múa đương đại là của Tây, người Việt không múa đương đại. Có chăng đó là thứ ngôn ngữ hơi xa lạ nên ta phải học. Quan trọng là mọi người có muốn học không hay có mở lòng để học không mà thôi. Mình sẽ không bao giờ ngừng lại việc đưa ra các sản phẩm đương đại vì mình nghĩ bên cạnh mình còn có một nhóm nghệ sĩ đương đại khác đều muốn thế hệ này phải làm một điều gì đó khác đi.

Mình đang nỗ lực trong từng tác phẩm để giúp khán giả Việt Nam hiểu đúng hơn về múa. Ngoài ra, với một tác phẩm nghệ thuật, có cảm xúc hay không mới là quan trọng. Phải cảm thấy yêu hoặc ghét, không cảm thấy gì là tác phẩm đó hỏng. Và muốn có cảm xúc, thì chính khán giả phải chủ động quan tâm, tìm hiểu để tiến gần hơn với tác phẩm.

Theo chị, điều gì làm nên giá trị thực sự của người nghệ sỹ?

– Nghệ thuật là một tấm gương phản chiếu cái đẹp, nếu âm nhạc truyền đạt những giai điệu đẹp, văn chương thể hiện những ngôn từ đẹp, thì múa thể hiện những chuyển động đẹp. Nghệ sỹ chính là người mang những cái đẹp đó đến với công chúng qua những tác phẩm của mình trên sân khấu. Mọi người, đặc biệt là nghệ sỹ đều phải được liên tục bồi đắp, phải đọc, học và xem thì mới thay đổi và bắt kịp xu hướng, thị hiếu của khán giả.

Nếu người nghệ sỹ không được đặt ra, hoặc không tự đặt ra những khó  khăn, không được trao cho một trọng trách, sứ mệnh hay đơn giản là một đề bài khó thì không bao giờ làm được tốt, không thể thăng hoa được. Nghệ sỹ luôn phải đặt ra những “đề bài” khó nhằn đến kịch kim thì mới làm được những sản phẩm tốt.

Ngoài công việc biên đạo, chị còn là một giảng viên múa, chị dạy cho các sinh viên của mình điều gì về nghề múa?

– Với các em sinh viên, tôi luôn dặn phải hết lòng hết sức làm việc, làm việc chăm chỉ, phải đam mê, say mê. Không có loại lờ nhờ mà làm nghệ thuật tốt hay có những sản phẩm hay ho. Các em phải nỗ lực đến cực điểm, một động tác phải triệt để, có cảm xúc. Sau khi kĩ năng đã hoàn thiện thì cái quan trọng hơn tất thảy là phải múa với một tâm hồn đẹp, phải thể hiện được vẻ đẹp đó, vẻ say sưa đó, thì mới thành công.

Múa nổi tiếng là một công việc vất vả, đặc biệt là với một phụ nữ, điều khó khăn nhất chị gặp phải khi làm nghề là gì?

– Cuộc đời là đầy rẫy những khó khăn và mình sống với những khó khăn đó cho nên mình cảm thấy chẳng có khó khăn gì cả (cười). Mình cũng phải sắp xếp chuyện gia đình, con mình ai trông… để có thể làm việc đến tận cùng, làm việc như điên không biết gì cả, không ăn không ngủ và thường sau đó là sẽ rơi vào những khoảng trống, bị hẫng, bị rơi… Những lúc như thế, mình mặc kệ cho mình rơi, sống tự nhiên, bay lơ vơ vật vờ, đi lang thang trong nhà, không nghe điện thoại, không làm việc. Trong khó khăn có rất nhiều cơ hội, đấy là cơ hội để mình thể hiện.

Cuộc đời mà, gặm nhấm tất cả, cả nỗi buồn, mình thấy buồn cũng hay, vui cũng hay, lặng lẽ cũng hay, trống rỗng cũng hay, mình trải qua các cung bậc cảm xúc và thấy yêu nó lắm, trân trọng những khoảnh khắc đó, mình muốn sau này mình chết sẽ chết rất là nhanh, đón nhận cái chết ngọt ngào, vì mình đã sống một cuộc sống tươi đẹp, rất vui, thế nên phải sống cho tốt, làm cho tốt. Mình sáng tạo nghệ thuật cho mọi người xem nhưng mình phải hài lòng với bản thân, tự hào về bản thân, phải cố gắng đến tận cùng của bản thân.

Mình không hài lòng thì người khác cũng không thể hài lòng được. Với công việc mình là người khó tính, là người nỗ lực để đi trước và dẫn đầu.

 

Mình thường nhắc con tự lập

Chị có hay đi du lịch không?

– Chắc vì mình tuổi ngựa nên đi rất nhiều. Nghề múa không có nhiều tiền để đi du lịch đâu, nhưng lại có cơ hội được đi rất nhiều nơi, mỗi chuyến công tác chính là một chuyến đi du lịch, rất thú vị. Mình may mắn được những người thân yêu hiểu và tạo điều kiện đi để làm việc tốt.

Vậy trong những phút rảnh rỗi hiếm hoi, chị thường làm gì?

– Ngày xưa thì hay nghe nhiều rock, bây giờ nghe nhiều dòng hơn, nghe nhạc nước ngoài, nghe nhạc Việt Nam đương đại, đọc sách, đi du lịch, chơi với con, nấu ăn, rủ bạn bè đến nhà chơi. Mình chẳng thích món gì nhất, thường nấu ăn bằng Google, vì không có năng khiếu và nhiều thời gian để nấu nướng nên những khi cần nấu đãi bạn bè thường nấu kiểu “khoa học” theo công thức.

Cuộc sống của chị có xáo trộn nhiều khi vào Sài Gòn làm việc không?

– Cuộc sống cũng có xáo trộn nhưng không thay đổi nhiều, vì mình vẫn được làm việc mình thích, vẫn gặp gỡ, sáng tác. Có chăng là mình phải bay ra bay vào giữa Sài Gòn – Hà Nội nhiều hơn và ở đây thì mình thấy 1 ngày rất “dynamic” và thời gian trôi qua nhanh hơn thôi.

Chị thường chia sẻ với các con điều gì?

– Mình có 2 cậu con trai nên mình thường nhắc các con phải tự lập. Mình yêu thương các con và dù ở đâu thì tình yêu của mình dành cho con vẫn không thay đổi và các con mình phải hiểu điều đó. 2 anh em đều rất tự lập, biết tự chăm lo cho mình và chăm sóc lẫn nhau. Mình luôn dạy cho con biết phải làm một người tử tế như thế nào, dạy con sống nhân hậu, biết yêu thương mọi người vì đó là giá trị cốt lõi của con người để sống ở thời đại nào cũng được.

Hiện nay, các mẹ thường có “mốt” cho con đi học các môn năng khiếu, là một người mẹ làm nghệ thuật, chị có “chế độ học tập” đặc biệt gì cho các con không?

– Các con yêu mình vô cùng, chúng thích chơi với mẹ, đòi hỏi mẹ, thi thoảng cũng giận dỗi bắt mẹ yêu thương chúng. Nhưng mình cũng là người mạnh mẽ, rõ rang, mạch lạc nên yêu thì rất yêu nhưng cái gì phải ra cái đấy. Mình không bắt con học vì việc học hành là tự nhiên, con thích gì mình cho con học cái đấy, cậu bé thích học vẽ, còn anh nó thì thích học võ. Từ sở thích đó dần dần sẽ phát hiện ra năng khiếu của con để bồi đắp.

Mình không ép con học và để chúng học bình thường như trẻ khác. Mình chú trọng rèn cho con cách học, cách tiếp cận, để con tự tìm hiểu và làm chứ mẹ không làm hộ.

Chị có nghĩ ngợi gì không khi có ít thời gian dành cho các con?

– Các cháu phải chấp nhận điều đó. Trời sinh ra chúng có một bà mẹ nghệ sỹ, có một bà mẹ rất khác người thì chúng phải thích nghi chứ. Cuộc sống của các gia đình rất khác nhau, và các con mình biết chấp nhận đó là điều bình thường. Đổi lại các con sẽ có những khoảnh khắc thăng hoa hơn những gia đình khác, dù là ít thời gian nhưng thời gian ở bên nhau giá trị hơn. Chưa chắc ở bên con nhiều đã là tốt, quan trọng là làm cho các con tự hào về bố mẹ chúng. Mọi thời gian dành cho con là dành cho chúng những điều tốt đẹp nhất và chúng nó phải tự hào về những việc bố mẹ chúng làm.

Cảm ơn chị về những chia sẻ.

Hoài Anh

(Theo Lửa ấm)

From the same category