Clip phỏng vấn Trần Lập tại nhà riêng của anh, sau ca phẫu thuật đặc biệt
Tôi không biết bạn sẽ hỏi chuyện gì một người mắc bệnh ung thư? Cái bệnh mà ai cũng thấy hãi hùng, không biết lúc nào nó sẽ rơi vào đầu mình! Nhân vật của tôi, một người mà mới đây thôi còn tràn trề sức sống, đầy ắp các kế hoạch, dự định cho tương lai, chỉ một ngày đi khám rồi bỗng dưng nghe tin mình mắc bệnh ung thư và phải phẫu thuật luôn. Tức là, mọi sự tới, và diễn ra một cách nhanh chóng đến bàng hoàng.
Tôi tới phỏng vấn anh, nhưng sao luôn thấy bối rối, trống rỗng, và thấy giá đây chỉ là một cuộc tới thăm bình thường, chúng tôi sẽ tặng anh một lẵng hoa, nói với anh những lời động viên chân thành, thực tâm mong anh mau khỏe. Rồi chỉ thế thôi, chứ không phải những câu hỏi xoắn hay vặn hay thẳng thắn, hay đôi khi ngờ nghệch vô tâm để khích nhân vật nói. Không, không như vậy. Chỉ là một cuộc nói chuyện bâng quơ, ngẫu hứng và thật nhẹ nhàng.
Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng?
Nếu không đọc cuốn tự truyện “Trần Lập, phía bên kia bức tường”, ít ai ngờ một rocker bụi bặm mạnh mẽ vậy lại có một tuổi thơ khá vất vả. Cảm thấy mình “đơn độc trong cái thế giới tưởng tượng”, trước khó khăn của thời cuộc và sự eo hẹp kinh tế của gia đình, Trần Lập trở thành cậu bé tự lập, bản lĩnh nhưng đôi khi cũng yếu đuối và tự ti. Dường như bao giờ anh cũng thấy những điều mà các bạn cùng lứa không thể thấy trước, và trở thành một đứa trẻ già trước tuổi.
– Trong cuốn tự truyện, anh có nói mình là một đứa bé đơn độc, tại sao vậy? Còn giờ thì sao?
– Đó là tuổi mới lớn, khi cứ thui thủi, bế tắc và tối tăm do hoàn cảnh gia đình. Rồi cũng dần thoát khỏi vòng u uất, dễ thở. Những lát cắt cuộc sống khiến tôi phải trải qua nhiều biến cố, nhưng có lẽ do nhút nhát nên tôi đã không bị sa ngã vào con đường tội lỗi, mà luôn muốn tìm đường thoát. Chính vì thế, có lần tôi đã muốn đi lính, và nếu đi lính thật, thì có lẽ cuộc đời tôi đã rẽ theo đường khác, không rõ sướng hay khổ, nghèo hay giàu, nhưng không là Trần Lập bây giờ. Cho tới khi tự mình phải tìm đường sống, sự đơn độc của một người tìm đường, một người mở lối, ai mà chẳng có lúc đơn độc. Đằng sau những hào quang, có cả những lúc không thành công, những lúc mình phải đối diện với chính mình. Nó là cảm xúc rất bình thường của vô vàn người đàn ông trên bước đường trưởng thành.
– Thời trước, khi Bức Tường đem lại thành công cho bọn anh, nhưng cũng bị nghe rất nhiều lời dè bỉu, nói xấu khắp các quán nhạc rock, anh có phản ứng gì không?
– Chúng tôi mỉm cười, cho qua hết, cần đoàn kết, lắng nghe nhau. Đấy mới là điểm mạnh.
– Ngoài những lúc “thăng”, còn có những lúc “trầm”, tổng kết lại, rock đã đem lại cho anh điều gì?
– Việc chơi nhạc chưa bao giờ mang lại cho chúng tôi tiền bạc, vật chất nhiều, nhưng nó mang lại những giá trị về tình bạn, tình cảm anh em, mang lại sự trưởng thành của từng thành viên trong cách ứng xử xã hội. Tóm lại chúng tôi là những kẻ không có tiền để chơi nhạc.
– Có lẽ nào, rock lại vất vả đến vậy?
– Bởi đây là thứ nhạc cũng cần phải đầu tư nhiều nhưng thu lại lợi nhuận là hầu như không có. Nhiều anh em đã hy sinh nhiều thứ vì đam mê, thậm chí phải bán hết đồ đạc, tài sản cá nhân, vay mượn để phục vụ cho sự đam mê rock của mình rồi cũng có khi lặng lẽ rời bỏ. Không phải vì họ mất kỹ năng, mà vì không còn niềm tin, không còn thấy con đường sáng khi cứ chơi mãi nhạc. Giờ có nhiều ban nhạc thế hệ mới với nhiều người tài, ngoài sự nhiệt thành của tuổi trẻ, sự bất cần không cần biết đến tương lai xa, khiến họ rất nhiệt huyết trong thời gian đầu. Mà hình như ai chẳng vậy. “Đã chịu nhiều vết cứa thì phải đi đến cùng, sao có thể dừng lại và uổng phí?”. Tôi đã nghĩ thế mỗi lần khó khăn, bế tắc…
– Từ khi mang trọng trách “leader”, hay “thủ lĩnh”, anh thấy thế nào?
– Ấy đừng, từ ấy, thực ra là chỉ nói cho vui thôi. Anh em gọi nhau, đại ca, hay là cái gì đấy, chỉ là cách nói cho vui. Cái gọi là trưởng nhóm hay ý chỉ người phụ trách giải quyết các tình huống thực ra mong muốn nhất là có người cùng gánh vác chia sẻ với mình. Rock là một thể loại nhạc cá tính, những người chơi rock cũng cá tính, chính vì thế, nếu có mâu thuẫn, bất hòa, hay có sự việc gì đó, quan trọng là phải có sự uyển chuyển trong lắng nghe và sáng suốt trong xử lý. Đôi khi cũng cần có sự cứng rắn và quyết đoán (chứ không phải độc đoán). Mà đó là hồi trẻ còn sung sức thôi, giờ thì tất cả đã trầm hơn xưa.
– Anh có phải thay đổi mình không, khi là “thủ lĩnh”?
– Nó đến với tôi rất bình thường, tự nhiên, không quá sức. Bình thường giúp được ai điều gì là tôi giúp ngay. Tôi cũng không tự ứng cử, hay cố nhào nặn ra một cái gì đó quá sức để tạo ra giá trị ảo. Cái quan trọng, có lẽ “lửa”. Giữ hoặc khuấy được lửa cho mình và anh em, đó là điều quan trọng.
Hình ảnh Trần Lập thật “ngầu” trên trang bìa Thể Thao Văn Hóa & Đàn ông, số ra đầu tháng 12
Ước mơ có hình thang, phải kiễng chân mới lên được từng nấc
12 năm đỉnh cao, khi cảm nhận được sự mỏi mệt của những con ngựa chiến đã về chiều, cảm giác hưng phấn do rock mang lại cũng không còn nữa, khi bạn bè xung quanh đều thành đạt, còn Bức Tường chỉ nổi danh chứ vẫn loay hoay với cơm áo gạo tiền. Nhiều mâu thuẫn nảy sinh trong chính nội tâm, sự lo lắng về tương lai lấy gì để đảm bảo cuộc sống? “Lâu nay tôi chợt thấy như người đi xa bỗng nhiên mệt nhoài. Cũng có lúc tôi muốn nói lời từ giã với con đường quen. Bước tiếp bước lặng lẽ một đời nghệ sĩ có nên cần cù. Sao nâng lên đặt xuống ly rượu còn cay chưa vơi nỗi niềm.” (Mỏi). Bức Tường quyết định tổ chức Liveshow chia tay, tan rã. Chắc hẳn công chúng vẫn còn nhớ livesshow “Ngày thứ Bảy cuối cùng” của Bức Tường dưới cái lạnh 12 độ C vẫn nóng như một chảo lửa khổng lồ. Ca khúc “Cây bàng” kết thúc liveshow trong nước mắt và cảm xúc tràn đầy.
Sau lời chia tay, giã biệt của ban nhạc với khán giả,
Trần Lập đã lâm vào chứng khủng hoảng nhẹ. Sáng nào cũng đắm mình với ly café đắng ngắt và những mẩu thuốc cụt đầu. Lời giã từ với bao ước vọng những tưởng dìm chết nhưng luôn trỗi dậy. Bốn năm trôi qua, gom những ngọn lửa âm ỉ, Bức Tường đánh dấu sự trở lại với liveshow thứ 10:
“Nhiệt”. Quyết tâm thay đổi tư duy, tìm một con đường, một lối khác xa đám đông vội vã, “thay ly beer đã nhạt”, thay lối đi cũ, một sự làm mới mình để tồn tại. Hình như chẳng có gì ngăn được nhiệt huyết của Trần Lập. “
Càng va chạm, ngọn lửa trong tôi càng không thể kìm lại được”.
Nhưng tôi tin rằng mình không cúi đầu
Vừa sáng tác, vừa là vocal trong ban nhạc Rock (The Wall- Bức Tướng), hầu như các sáng tác của Trần Lập, đều mang một tư duy tích cực, lạc quan trước cuộc sống. Cùng với lối sống lành mạnh, luôn hướng về phía trước, tính tình phóng khoáng và tâm hồn du ca, Trần Lập sớm trở thành một biểu tượng trong làng nhạc Rock. Sau khi ra Album “Đất Việt”, anh dành thời gian đi trải nghiệm chứ không còn ngồi sáng tác trong studio. Những chuyến xuyên Việt, leo Fansipan, cày ải khắp các cung đường miền Nam bộ hoặc Tây Đông bắc, đường Trường Sơn càng làm cho Trần Lập thêm mạnh mẽ, nhiều trải nghiệm đã được ghi lại. Thế rồi, cái căn bệnh quái ác đến bất ngờ, tin anh bị ung thư gây shock cho mọi người.
Nhưng, bản lĩnh, và tinh thần của một người đàn ông mạnh mẽ với ngọn lửa sống vẫn luôn rừng rực trong anh. Tất cả đang ngóng trông sức khỏe của Trần Lập và mong anh chóng bình phục, tiếp tục những dự án còn đang dang dở. Những lời trong bài hát “Anh sẽ đến” giống như một lời thì thầm gửi tới trận chiến còn dài:
“Nếu biết sớm mai chẳng ai thức dậy
Gượng làm gì hôm nay cho lần cuối
Điều đó lớn lao hoặc nhỏ bé cũng không sao
Gạt tiếng nói lạ giằng co suy tính đắn đo thiệt hơn
Sống chết mong manh nơi kia bao nhiêu tuyệt vọng
Nhưng tôi tin rằng mình không cúi đầu
Nguy nan sự sống chỉ còn le lói
Chợt biết lý do để làm tốt phút cuối cùng
Dường như số phận đã chọn ra phút đó để đặt lòng tin.
Làm sao buông xuôi mọi điều cứ thế tiêu tan”.
Trần Lập thường nói, trước mỗi biến cố, anh thường tự nhủ: “Không sao đâu, chỉ như là mơ, ngủ dậy sẽ hết thôi!”
Lần này cũng vậy nhé, thủ lĩnh của Bức Tường!
30 phút phỏng vấn nhanh trên giường bệnh
– Được biết, ngay khi bị bệnh, anh đã báo ngay cho vợ, và cả hai người con còn khá nhỏ của mình biết. Tại sao anh lại muốn báo cho con của mình mà không nghĩ tới chuyện chúng chưa đủ nhận thức để hiểu?
– Tôi muốn chính mình báo tin này cho các con. Tôi sẽ trấn an, sẽ nói để các con hiểu. Các con rất buồn nhưng phải đón nhận nếu có chuyện gì xảy ra.
– Còn khi các status của anh được viết ra, có nhiều lời hỏi thăm rất tình cảm, nhưng cũng có nhiều thái độ phản biện, ác ý cho rằng anh đang kêu gọi tình thương, anh có giận người ta không?
– Không. Tôi thấy là chuyện bình thường thôi, tôi không quan tâm. Thực ra tôi hiểu, vì xã hội bây giờ khiến cho người ta thấy mất lòng tin, cái gì cũng làm cho họ nghi hoặc, không biết thật hay giả. Tôi không post nhiều, chỉ có ba cái status về hiện trạng của mình trong thời gian vừa rồi. Sự yêu quý, tình cảm của anh em bạn bè, của khán giả là rất lớn. Tôi vô cùng cảm kích. Những gì tiêu cực, tôi không lưu trữ đâu. Rất nhiều người nhắn tin, gọi điện thoại hỏi thăm mà tôi không trả lời từng người được, nên viết vậy chỉ mục đích để anh em bạn bè, họ hàng ở quê được hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình, và để cảm tạ họ đã quan tâm, động viên tôi.
– Hiện tại, anh có nghe nhạc gì không, cho dịu cơn đau?
– Không. Trái ngược lại hồi trẻ, tôi nghe quá nhiều thể loại, riêng với rock là không kể. Còn trước khi bệnh, tôi vẫn nghe, nhưng nghe với tâm thế của người vừa thưởng thức, vừa tìm hiểu và học tập. Tôi thích tìm hiểu quá trình thai nghén một tác phẩm. Đó hẳn là những trí tưởng tượng, sự trải nghiệm của họ, dần dần tích lại rồi trở thành ca khúc. Bây giờ, mấy ngày qua, để chống lại sự mất ngủ, tôi đọc sách.
– Đọc sách? Bác sĩ không cấm anh ư? Và tôi nghĩ đọc sách khó hơn là nghe nhạc đó?
– Vâng, tôi đọc khá nhiều sách trong mấy ngày nằm trên giường bệnh. Những cuốn sách giúp tôi lấy lại sự cân bằng, ý chí.
– Có cuốn nào, đoạn nào mà anh thấy “cảm” nhất?
– Đó là cuốn “Quẳng gánh lo đi và vui sống”, khi tác giả nghiên cứu về sự lo lắng, ông đã phát hiện ra tại thư viện ở New York chỉ có 22 cuốn sách xếp dưới đề mục WORRY – LO LẮNG và thích thú khi thấy ngược lại, có tới 189 cuốn sách có đề mục WORMS – CÁC LOẠI GIUN! Vậy là gì? Là số sách viết về loài giun nhiều gấp 9 lần số sách viết về sự lo lắng. Tiếp theo, là câu chuyện sống trong những ngăn kín của thời gian. Ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, hãy nhấn nút, ngăn không cho quá khứ của những ngày hôm qua đã chết tràn vào. Hãy nhấn một nút khác để tách ta khỏi tương lai, khỏi những ngày chưa đến. Lúc đó, mình sẽ an toàn trong ngày hôm nay. Sự suy giảm về nhiệt huyết cũng như phiền muộn và căng thẳng tinh thần sẽ bám theo cho những ai cứ mãi lo lắng cho ngày mai.
– Vậy bây giờ, anh lo lắng điều gì nhất?
– Không phải không còn, nhưng tôi đang tập buông bỏ. Trong thời điểm này, tôi buông, không nghĩ gì quá xa, vì có giải quyết được gì đâu. Việc của tôi là hàng ngày giải quyết từng bước một, mắc ở đâu, gỡ tới đấy! Tôi chỉ nghĩ, đây là một biến cố. Mà sau mỗi biến cố nào thì cuộc sống đó cũng có nhiều thay đổi. Thay đổi đó là gì? Và tới đây, tôi không nghĩ nữa. Vì có nghĩ, cũng không thể biết trước được điều gì. Nếu nghĩ quá nhiều cho ngày mai, tôi sẽ lâm vào tình trạng lo lắng.
– Những lúc như vậy, anh có thấy mình yếu đuối, cần nhờ đến một tôn giáo nào đó không?
– Tôi theo Phật lâu rồi, chứ không phải lúc này hay bây giờ vào tình trạng này mới theo. Tôn giáo nào cũng vậy thôi, cần có niềm tin, càng nhiệm màu. Buông bỏ được, cũng chính là đạo Phật. Tôi thấu hiểu luật Nhân Quả. Làm việc có ích, và tích Đức.
– Vậy thì không có chỗ cho chữ “chán” và “tuyệt vọng” nhỉ?
– Có lẽ trước kia, tôi luôn là người phải “hứng”, phải hoặc được nghe những câu chuyện vướng mắc của người khác, của anh em bạn bè, người thân, họ cần tôi giúp, hoặc đôi khi chỉ là lắng nghe. Nếu tôi buồn, bi quan, thì cần chia sẻ với bạn bè, mà đôi khi nghe chuyện của họ, lại cảm thấy khỏe lên, mạnh lên. Lạc quan sẽ làm mình phấn chấn, nhẹ nhõm hơn chứ! Và nhớ, nương náo vào bạn bè!
– Nương náu vào bạn bè, sao không là vợ?
– Vợ vẫn nghe, nhưng có những điều, những nỗi buồn không thể, và không nên “trút” lên đầu vợ. Hãy chỉ mang niềm vui tới cho cô ấy…
– Với con cái anh thì sao? Anh có hay chăm các con không?
– Thực sự mà nói, tôi đi suốt, không chăm con được nhiều. Nhưng từ khi làm bố, tôi đã sống khác đi nhiều, có trách nhiệm dạy dỗ con cái hơn, có những thứ mà chỉ người bố mới dạy được con chứ không chỉ là người mẹ. Phải kiên nhẫn với các con.
– Nghe nói anh sẽ bán đi những đồ vật ưa thích, nếu vì cần chi phí cho cuộc kháng chiến trường kỳ chữa bệnh này, nhà anh còn nhiều đồ không, và anh sẽ bán những gì?
– Chắc là xe, máy ảnh, một số thiết bị âm thanh… Một số thứ đã lên đường rồi. (cười)
– Với anh, tự do là gì?
– Là làm được điều mình thích.
– Một lời dành cho những người mắc phải bệnh như anh?
– Giữa cái sống, và cái chết, giữa lằn ranh giới ấy, nếu nhìn rõ được hiện trạng, bình tĩnh tháo gỡ, và quan trọng là lạc quan. Hãy lạc quan, cho dù thế nào đi nữa!
– Nếu khỏe mạnh trở lại, việc đầu tiên anh sẽ làm là gì?
– Đi chơi, nghề chính của tôi là việc đi chơi mà! Nói vậy thôi, nhưng cứ mơ một liveshow mới của Bức Tường. Tiếp theo, như những người bạn của tôi từng gợi ý, lập quỹ thiện nguyện Bức tường dành cho các bệnh nhân ung thư, một căn bệnh mà chỉ khi bạn mắc phải, bạn mới thấu hiểu.
– Xin chân thành cảm ơn anh và chúc anh mau khỏe!
Bài: Codet HaNoi
Hình ảnh:
Lê Lai