Tràn lan giấy chứng nhận sức khỏe mua bằng… tiền

  Người đến khám tự ghi vào giấy chứng nhận sức khỏe

Người đến khám tự ghi vào giấy chứng nhận sức khỏe. 

Nộp tiền đủ, khám qua loa

8h sáng, bệnh viện Xây Dựng (ở phố Trần Quý Đức, Thanh Xuân) tấp nập người đến làm thủ tục khám sức khỏe. Tôi đến đây nhờ “mách nước” của một người quen: “Chỉ cần đợi khám qua loa cho có lệ, không như một số bệnh viện khác vừa nộp lệ phí cao, lại mệt người vì phải chờ quá trưa mới có kết quả”.

Và đúng như những gì được phản ánh, với 50 nghìn đồng, tất cả người đến làm thủ tục tại đây đều không mất quá 1 giờ đồng hồ để được cầm trên tay tờ giấy chứng nhận sức khỏe 4 mặt đóng dấu tròn, đỏ chót của bệnh viện.

Theo giải thích của một phụ nữ đang ngồi đợi kết quả, sở dĩ việc khám sức khỏe được hoàn tất nhanh chóng là do người đến làm thủ tục được hướng dẫn tự kê thông tin cá nhân và tiền sử bệnh. “Đầu tiên, mọi người đến khám được hướng dẫn tự đánh dấu vào các ô có/không các bệnh: mắt, tim mạch, cao huyết áp, động kinh, ý định tự tử…

Sau đó, việc khám lâm sàng liên quan đến tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa… do bác sỹ chuyên khoa đảm nhiệm, tuy nhiên chỉ là hình thức thôi vì ai cũng được kết luận bình thường, ngay cả khi có bệnh” – người phụ nữ cười nhạt, rồi vội vã chạy đến nhận tờ giấy chứng nhận sức khỏe từ tay một y tá mặc áo blouse.

Tại bệnh viện Giao thông vân tải (ở đường Láng, quận Đống Đa) việc khám và cấp giấy liên quan đến thủ tục này cũng “thoáng” không kém. Tôi cố tình dán ảnh một người bạn vào tờ giấy chứng nhận sức khỏe vừa mua, nhưng suốt quá trình làm thủ tục cũng như khám lâm sàng, không ai thắc mắc.

Chỉ khi thấy mục khám thể lực còn bỏ trống, một bác sỹ trung tuổi mới ngước nhìn người khám, quát: “Cân nặng, chiều cao của mình mà không biết để điền vào thì còn biết cái gì”. Và thật bất ngờ khi nhận tờ Giấy chứng nhận sức khỏe sau khoảng nửa tiếng chờ đợi, kết quả ghi rõ: cao 1m75, nặng 70kg, mạch 70 lần/phút, huyết áp 110/60mm Hg, trong khi các mục còn lại đều được xác nhận “Bt” – bình thường, hoặc “Ko” – không…

Cận “lòi mắt” vẫn 10/10

Có tiếp xúc với người đến làm thủ tục khám sức khỏe mới thấy hết những sự hài hước. Vì nhiều lý do mà có người gầy còm, ốm yếu nhưng được chứng nhận có chỉ số hình thể như siêu mẫu, cũng có trường hợp một phụ nữ bụng chửa vượt mặt, chân tay phù nề vẫn có trong tay kết luận “đủ sức khỏe làm việc”…

Chị Nguyễn Hồng L (23 tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội) là một trường hợp như thế. Mặc dù cầm trong tay tấm Bằng tốt nghiệp Đại học loại Giỏi nhưng do thân hình nhỏ bé, mắt cận thị 7 độ và mắc bệnh thoát vị nên mỗi lần chị L nộp hồ sơ là lại bị nhà tuyển dụng gạch tên.

Lần này nhờ bạn bè tư vấn, chị L đã đến các bệnh viện đa khoa có cơ chế làm việc thoáng, nên “bỗng nhiên” trong tập hồ sơ xin việc đã có giấy chứng nhận sức khỏe với những chỉ số như mắt đạt 10/10.

“Cánh” xe ôm ở khu vực ngã ba Trần Quý Đức – Nguyễn Trãi vẫn nhớ như in trường hợp nực cười của một thanh niên tên Hà (quê ở Bắc Ninh). Do mắc bệnh ung thư và có tiền sử bại liệt nên ở địa phương, người này gặp khó khăn trong việc xin giấy chứng nhận sức khỏe.

Để thực hiện ý định xin vào làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà đã nhờ một người xe ôm cùng độ tuổi “đóng thế”. Chẳng mất mấy thời gian, nam thanh niên mắc bệnh nan y này đã được các bác sỹ chứng nhận có sức khỏe bình thường, đủ điều kiện làm việc.

Nếu như trước đây, để mua loại giấy chứng nhận sức khỏe này, người có nhu cầu phải tự tìm gặp “cò” thì giờ đây, việc mua bán được giao dịch qua điện thoại và quảng cáo rầm rộ trên mạng internet. Chỉ từ 50.000 đến 120.000 đồng, người mua sẽ được giao hàng đến tận nhà. Ngoài giấy chứng nhận sức khỏe, sổ khám chữa bệnh và giấy nghỉ ốm cũng được bán tràn lan.

Cùng với việc lo ngại về chất lượng thật – giả của các loại giấy chứng nhận được rao bán, thực hiện “tốc hành” với số lượng lớn, thì trách nhiệm về mặt quản lý, cấp phát liên quan đến thủ tục này cũng cần được siết chặt.

Theo Tùng LâmAn ninh thủ đô


From the same category