Trần Huỳnh Triều An: Con người là những mảnh vụn

 Tôi thích gương mặt mộc của mình.

“Bóng – Hình” là một tác phẩm chứa nhiều cảm xúc và nhiều sự đóng góp từ cá nhân Triều An và êkip làm việc. An nghiên cứu về gương mặt và sự chuyển đổi cảm xúc từ cái thật sang cái ảo. Đó là một đề tài nghệ thuật dài hơi mà cô muốn thực hiện cho chương trình học PhD in Fine Arts sau này.

Đề tài vẫn đang được nghiên cứu và khai triển bằng hằng loạt triển lãm nghệ thuật cùng biểu diễn ở UK và Việt Nam cùng một số nước khác. Triều An đã dùng những tấm gương soi và bài thơ của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, cùng cảm hứng từ tác phẩm của nhà văn Đoàn Thị Minh Phượng để biểu diễn tác phẩm của mình.

Người ta thường hay muốn mình đẹp, nhất là một cô gái, cảm giác của chị khi làm cho khuôn mặt trở thành khuôn – mặt – một – kẻ – khác như vậy?

Việc chuyển đổi gương mặt trở nên xấu xí và ma quái là một phương thức hỗ trợ cho quá trình trình diễn. Việc này không có liên quan tới chuyện một cô gái muốn đẹp hay xấu. Tôi là một nghệ sĩ trình diễn, tôi quan tâm tới việc mặc trang phục và hóa trang cho phù hợp với tác phẩm trình diễn hơn là việc làm cho mình đẹp.

Điều đó nhằm gây hiệu quả đáng sợ với khán giả?

Chắc chắn rồi. Việc làm cho người khác thấy mình đáng sợ cũng là một phương thức trình diễn. Tác phẩm là sự trao đổi và giằng co tâm lý trong cùng một cá thể, một con người. Sự tương tác giữa bóng (trong gương) và hình (trong thực tại) là sự biến đổi giữa cái thật và cái ảo. Một khi bạn phải đối diện với chính mình, bạn luôn luôn hoảng sợ bởi sẽ chạm được tới những góc khuất của tâm hồn bạn, những điều mà bạn muốn che giấu không để cho người khác biết.

Hành động và trạng thái trước và sau khi trang điểm tạo cho chị những cảm giác gì?

Tôi vẫn thường soi gương và trang điểm hằng ngày. Tôi nhận ra sự khác biệt của gương mặt thật và gương mặt hóa trang. Có lúc tôi thành một người phụ nữ đẹp khi tôi trang điểm. Cũng có lúc tôi trở nên ghê rợn trong sự hóa trang cho trình diễn.

Mỗi một hành vi, động thái có yêu cầu và mục đích riêng của nó. Tôi thích gương mặt mộc của mình khi không có phấn son hay màu vẽ. Vì hơn bao giờ hết, gương mặt mộc nói lên nhiều điều về chính bản thân tôi hơn là những nhân vật mà tôi trình diễn dưới lớp trang điểm họăc hóa trang.

Có bao giờ chị nghĩ tới một điều kinh khủng rằng bộ mặt hóa trang sẽ là khuôn mặt của chị, và đời sống của chị sẽ thay đổi khi nhận thức rằng mình đang phải mang một mặt nạ. Mặt nạ, và mặt thật, đã là một?

Đó chính là cái điều mà tôi chuyển tải trong tác phẩm “Bóng – Hình”. Con người ta sống với muôn vàn cách hóa trang (hay trang điểm). Khi bạn trang điểm để xuất hiện trước mọi người, đó là gương mặt công chúng. Khi bạn trút bỏ lớp hóa trang và về lại với người thân, đó là gương mặt gia đình. Bạn biến đổi gương mặt (hay bề ngoài) hằng ngày hằng giờ mà không nhận thức được sự biến đổi đó.

Tôi không thể nói mình sẽ trở thành như thế nào nếu cái gương mặt tôi hóa trang trở thành gương mặt thật vì tôi vẫn nhận thức được sự biến hóa và cố gắng để giữ cái thật ở lại. Nhưng chắc chắn sẽ rất tệ nếu cái thật chuyển hóa thành cái không thật, cũng như điều tốt chuyển hóa thành cái ác. Tôi hy vọng điều đó không xảy ra với mình.

   

Điều gì khiến chị nghĩ rằng “Số phận là những mảnh vụn, như tấm gương vỡ tan trong đêm” mà không phải là những thứ khác? Ví dụ: Số phận là do chính mình làm nên?

Cá thể của bạn, như bạn gọi chính mình, thật là sự góp nhặt từ những mảnh vụn. Bạn làm nên số phận của chính mình từ cái gì? Từ sắc đẹp, tài năng, học vấn? Tất cả các khái niệm đó nếu bạn đóng băng lại, chúng sẽ trở thành mảnh vụn. Mảnh vụn sắc đẹp, mảnh vụn tài năng, mảnh vụn học vấn… Trong cái mảnh vụn sắc đẹp, bạn sẽ lại có những mảnh vụn khác như: đẹp hiền hòa, đẹp sắc sảo, đẹp sang trọng…

Nhà văn Đoàn Minh Phượng có lần viết về những mảnh vụn của cuộc sống như thế này: “Thật ra con người là những mảnh vụn. Tuổi thơ của anh ta là những mảnh vụn. Hiểu biết của anh ta là những mảnh vụn. Tình yêu của anh ta là những mảnh vụn. Giấc mơ của anh ta là những mảnh vụn.

Nỗi buồn của anh ta là những mảnh vụn. Anh ta viết nhật ký, ghi danh đại học, xưng tội ở nhà thờ, lấy vợ, bỏ nhà ra đi, vẽ hoa hướng dương, ngồi thiền… để gom góp những mảnh vụn lại. Để có cái tôi trọn vẹn. Để buổi sáng thức dậy tôi biết mình là ai”.

Chiếc gương là một câu chuyện ẩn dụ, thậm chí, hơi triết học một chút, đó là câu chuyện về Alice?

Bạn có xem phim hoạt hình “Alice lạc vào xứ sở thần tiên”? Alice là câu chuyện về việc đi tìm những cái mình nghĩ là nó tốt với mình, rằng cuộc sống hiện tại của mình thật tệ hại, mình không được chị cho cái bánh cho buổi sáng; để rồi trong cái thế giới thần tiên mà mình cho là tốt đẹp đó, cũng không có gì tốt hơn cái thế giới mà mình đang sống.

Con mèo có thể không cần có khuôn mặt khi nó không muốn mà nó muốn trong truyện cũng là một yếu tố dẫn dụ. Chiếc gương soi mặt cũng chỉ là một yếu tố dẫn dụ. Những tư tưởng này được đặt ra cũng chỉ cho chúng ta nhận ra một điều rằng cuộc sống hay số phận là những trải nghiệm, những mảnh vụn lắp ghép để trở thành hoàn thiện, là một quá trình lâu dài và đòi hỏi nhận thức cùng tư duy.

Alice rồi cũng sẽ lớn một ngày nào đó và nhận ra cuộc sống không phải như xứ sở thần tiên, và ngay cả xứ sở thần tiên cũng không luôn luôn đẹp như cô thường nghĩ. Như những giấc mơ phải luôn luôn thức tỉnh.

Chị đã hành động trong cuộc trình diễn của mình là đập vỡ tan những mảnh gương, điều đó biểu hiện điều gì?

Tôi thích cái tư tưởng những tấm gương vỡ tan. Tấm gương là sự phản chiếu chân thực nhất cái bạn có. Bạn có bao nhiêu nếp nhăn khi về già? Bạn là người xinh đẹp nhất? Tấm gương sẽ cho biết sự thật. Không có chiếc gương nào biết nói dối, kể cả những chiếc gương biến đổi trong Nhà Cười.

Bạn cần một cái gương lành lặn để nhìn thấy bạn trọn vẹn. Số phận cũng vậy vì nó là chính bản thân bạn, chứ không phải cái bạn làm nên. Bạn sẽ cho số phận một chút buồn, một chút đau, một chút cay đắng từ những thứ bạn đang làm. Nhưng số phận là chính bạn.

Nhà triết học đầu tiên (tạm coi thế) của phương Tây Plato (bởi vì Socrates là nhà hiền triết hơn là nhà triết học) cho rằng con người, cả thể xác và tâm hồn đã là các mảnh vụn. Theo Plato, loài người đầu tiên được sinh ra với bốn tay, bốn chân, một tâm trí và một linh hồn.

Lo sợ trước sức mạnh của loài người, thần Zeus xẻ họ ra làm hai, và buộc số phận của họ phải lang thang đi tìm một nửa kia của mình trong suốt cả cuộc đời. Từ soulmate (hay twin soul) trong tiếng Anh ra đời chính là để chỉ việc này. Trong tiếng Việt, về sau người ta nhắc tới "đi tìm một nửa" cũng là do ảnh hưởng quan điểm này của phương Tây.

Nhưng theo Platon, soulmate – đó không chỉ là sự hòa hợp về mặt tâm hồn, mà chính xác hơn là sự hòa hợp toàn diện, cả về tình cảm, tâm hồn, tinh thần và thể xác.

Đã có hơi hướng của triết học, tôi hiểu để đi tìm bản nguyên của con người, thường hay vận dụng triết học. Nhưng thường không phải độc giả nào cũng cảm thấy dễ hiểu và dễ… chịu khi đọc chúng. Vậy chị có thể giải thích một cách đơn giản nhất về những mảnh vụn của chị?

Thực ra, ý tưởng về sự tồn tại của hoàn thiện và cái Một và hành trình của con người thực tế là đi tìm nửa kia của mình thực ra là ý tưởng lạc quan của phương Tây. Phương Đông quan niệm mỗi người là một mảnh vỡ và cái Nhất thể của mỗi người chỉ hòa được với cái Một của Toàn thể khi có sự tìm kiếm hướng vào bên trong mình, chứ không phải đi tìm một nửa nào đó đang tồn tại trôi nổi trên thế giới.

Hay nếu hình dung khác, thì không phải như Plato nói rằng Zeus xẻ con người làm đôi mà ông ta đã xẻ con người thành hàng ngàn hàng vạn mảnh, bắn chúng tứ tung khắp thế gian. Và trong những người chúng ta gặp, có thể đó là một mảnh vụn nào đó từng nối kết với linh hồn mỗi chúng ta.

Tôi thấy chị nhắc đến cái chết? Có sự ám ảnh nào chăng?

Đối với cuộc sống, cái chết dường như là một sự giải thoát. Khi đang ở trong một tâm trạng tuyệt vọng cùng cực, khi mọi cánh cửa dành cho một cuộc sống tốt đẹp mà bạn mong muốn khép lại hoàn toàn sau lưng, khi đang bệnh thập tử nhất sinh… tất cả sẽ dẫn dắt bạn nghĩ tới cái chết (sự tự tử chẳng hạn).

Cái chết là một nút thắt để giải tỏa sự xung đột của các cá thể, hoặc các nhân tố hình thành cá thể. Cái chết là sự hoàn tất của một quá trình sống trọn vẹn.

Tôi ở trong một trạng thái nhìn cái chết như một điều hiển nhiên. Tôi không sợ chết. Tôi chỉ chưa muốn chết khi mình còn rất nhiều điều dang dở phải làm. Giống như trong phim Casper – con ma vui vẻ, con người để lại linh hồn sau khi chết để thành ma lang thang bởi vì họ còn những thứ chưa làm xong. Những thứ đó níu kéo họ. Họ phải hoàn thành xong ước nguyện để được siêu thoát.

Chị nghĩ gì về sự yếu đuối và mạnh mẽ? Nhiều người than phiền và buồn bã tự trách mình vì quá yếu đuối. Chị thì sao?

Tôi là một người mạnh mẽ. Không ai thích mình trở thành yếu đuối. Nhưng đôi khi người ta cần có một chút yếu đuối để nhận ra sự mạnh mẽ tiềm tàng trong con người mình. Những ý nghĩ bi quan có thể làm yếu đuối và chùng bước, nhưng khi vượt qua nó sẽ cảm thấy mạnh mẽ.

Ví dụ như khi người ta sợ nước và không biết bơi, họ nghĩ mình sẽ bị chìm khi ra biển. Nhưng khi đến biển, đặt chân xuống nước và vẫn an toàn, người ta sẽ không bao giờ sợ nữa. Tôi gọi đó là quá trình chiến đấu với chính bản thân.

Tôi rất muốn biết Bóng và hình ngay trong chính những suy tư của chị, chúng nhằm biểu lộ điều gì trong cuộc sống của chị?

Tôi rất cảm ơn nghệ sĩ, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chấp nhận cho tôi quyền sử dụng bài thơ “Khi ta là một” của chị làm phần soundtrack cho tác phẩm trình diễn “Bóng – Hình”. Tác phẩm là sự trăn trở của một cá thể khi phải đối diện với hai phần Thật – Ảo trong cùng một cơ thể.

Một phần đòi được giải thoát để thành một cá thể độc lập khác. Một phần giữ lại vì sự kết hợp mới giữ được sự sống. Thật – Ảo thực chất là hai phần cộng sinh không thể tách rời. Sự tách rời sẽ tạo ra sự tan vỡ và hủy hoại cho môéi phần độc lập và toàn cá thể.

Tôi luôn luôn phải đối diện chính mình, luôn chất vấn bản thân để sống tốt và sống đẹp. Khi cuộc sống có quá nhiều cạm bẫy xung quanh, sự độc thọai với bản thân là một phần cuộc sống của tôi, giúp tôi nhìn thấy mình, trong gương và trong cả thực tại.

Hình như chị cũng thuộc tuýp người thích xê dịch?

Cuộc sống của tôi là chuỗi ngày lang thang từ nơi này sang nơi khác, để nắm bắt được cảm xúc và những thay đổi. Tôi thích ngồi trên những chuyến xe bus, xe lửa hay máy bay, để quan sát những người xung quanh, cảm nhận cách người ta biểu lộ cảm xúc. Đó là chất liệu sáng tác không bao giờ cạn cho các tác phẩm của tôi. Tôi hạnh phúc được sống và làm việc như vậy mỗi ngày.

Bài: Codet
Ảnh: Xuân Hải


From the same category