Nghe cái tên bài rùng rợn quá, bạn đọc khéo lại nghĩ, Lão Khoa chắc chán văn chương rồi, muốn chuyển sang “sản xuất” kịch bản phim kinh dị. Nhưng không! Lão đâu dám ngộ nhận. Tiếng ta thán của dân đấy!
Số là, trận bão Kaitax, bà con ta vẫn quen gọi là cơn bão số 5, vừa tràn qua Biển Đông rồi đổ vào Trung Quốc, chỉ vẹt qua Móng Cái của ta. Những năm gần đây, mưa bão rất nhiều. Nhưng chưa có trận bão nào đổ thẳng vào Hà Nội. Thủ đô của ta cũng như nhiều tỉnh ở Bác bộ, chỉ chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão. Thế mà đường phố đã thành sông. Cây đổ hàng loạt. Nhiều tuyến phố ngổn ngang, tanh bành như vừa qua một trận bom B52. Nhiều “xế hộp” đang chạy trên đường còn bị bẹp dúm vì cây đè. Thật khổ cho anh bạn trẻ lái xe cho hãng Taxi Mai Linh, đã phải bỏ lại người vợ trẻ cùng hai đứa con thơ dại rồi “ra đi” vì một cái chết “lãng xẹt”, không thể tưởng tượng nổi.
Đoạn đường Lê Văn Lương, Hà Nội, kéo dài đã bất ngờ sụt lún sáng 19/8 (Ảnh vov.vn) |
Giữa trung tâm Thủ đô còn xuất hiện cả hố “Tử thần”. Một cung đường chính vừa mới “khánh thành” chưa được bao lâu đã bị “bẻ gẫy” vì một cái hố toang hoác đủ “nuốt” đến cả mấy cái xe tải.
Thật kinh hoàng!
Thế rồi cơ quan chức năng “vào cuộc”. Tranh cãi loay hoay đến mấy ngày để tìm nguyên nhân xảy ra sự cố đáng tiếc. Cuối cùng cũng bắt được thủ phạm. Kẻ tội đồ nguy hiểm, không thể tha thứ được ấy là… Mưa bão!
Thế là… huề cả làng!
Làm sao bắt được ông… Thiên lôi ra để nghiêm trị.
Thật khổ cho “ông Thiên lôi”. Khổ vì bị đổ vạ. Nhưng cũng may cho “ông”, dân chúng ngày nay cũng đã khác rồi. Chẳng ai tin lời “phán quyết” trơn mòn mà đến cả trẻ con cũng không tin được. Nguyên nhân dẫn đến thảm họa ấy vẫn là cách làm ăn điêu chác. Điều này dường như đã thành hệ thống rồi. Ngay cả đường sá lộ thiên trên mặt đất, đến mấy cái cọc tiêu đường, người ta còn lấy cọc tre thay cốt thép xi măng thì làm sao tin được những công trình ngầm chìm sâu dưới lòng đất mà mắt người lại không nhìn thấy được!
Trong khi các nhà chuyên môn vẫn loay hoay muốn xác định rõ đường sụt trước làm cho cống vỡ, hay cống vỡ rồi mới dẫn đến sụt đường, thì người dân bình thường cũng đã nhận ra ngay sự thật, dù họ không phải là người có chuyên môn. “Tất cả cũng chỉ do cẩu thả”. Hệ thống thoát nước đường cống, phần đế móng làm quá tạm bợ, khi có nước chứa, ống đầy nước, sức nặng tăng lên, làm lún đất, ống sẽ bị bẻ gãy, nước rút hút theo đất cát bao quanh ống, thế là rỗng ruột tức khắc. Công trình bị phá. Đường xá bị đứt gẫy, sạt lở là điều không thể tránh khỏi. Tất cả mọi hố tử thần đều sinh ra như thế.
Tôi đồng ý hoàn toàn với một người dân, khi anh đề nghị, cần phải xem xét lại chất lượng thiết kế, kể cả khâu giám sát thi công. Ở đây còn thiếu cả những cái tối thiểu. Thứ nhất: Thiếu móng hay gối đỡ cống. Thứ hai: Chất lượng bê tông cống ly tâm không bảo đảm. Dạng cống này, trong thân cống phải có thép, vì là cống chịu lực, thường cống qua đường như thế này phải là cống có sức chịu trọng tải lớn. Ở đây, mới chỉ do sạt lở xô đẩy, cống đã vỡ vụn vì không có thép. Thứ ba: Đó là mối nối liên kết các đốt cống. Ở đây, mối nối chỉ có khoảng 5cm là không hợp lý. Đúng ra, phải sử dụng loại mối nối có ron cao su, có thể ngậm sâu đến 10cm thì may ra mới bảo đảm được sự an toàn. Do mối nối ngắn, dưới tác dụng lớn của xe cộ, sự lún không đồng đều vì không có móng, làm các mối nối hở, để nước thoát ra ngoài cống, dẫn đến sự lún sụt là điều xảy ra tất yếu.
Thêm nữa, chúng ta vẫn thiếu một cái nhìn có tính đại cục, lại không đồng bộ. Bởi thế, đi trên phố, ta luôn gặp cảnh đào đường. Ông Bưu điện đặt dây điện thoại và cáp quang. Ít tháng sau lại đào đường. Ông Cấp nước đô thị đặt ống dẫn nước. Tưởng đến thế đã là yên. Ai ngờ lại đào đường. Lần này thì ông Điện lực chuyển dây tải điện xuống hệ thống ngầm. Cứ liên miên thế, ông nọ đào ông kia. Mà ông nào cũng chỉ biết mỗi việc của mình. Vậy thì làm sao tránh được hiểm họa (!?).
Chúng ta vẫn quen tư duy theo lối nhiệm kỳ với cách làm ăn manh mún tạm bợ, miễn là có lợi ích trước mắt cho một người, hay một nhóm người, rồi hết nhiệm kỳ thì an toàn hạ cánh. Còn lại “sống chết mặc bay”! Hậu quả tội vạ thế nào đã có con cháu gánh chịu.
Với lối nghĩ như thế, cách làm ăn như thế, nên các công trình của chúng ta thường không bền vững, cho dù đó là những công trình có tính thế kỷ. Nhiều cung đường chưa kịp sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng. Cầu Thăng Long chữa đi vá lại, rồi đường hầm Thủ Thiêm rạn nứt, đập Sông Tranh bục nước. Người ta còn lấy cả rẻ rách nhét vào các lỗ rò. Nghe cứ như chuyện phiếm. Bây giờ con đập ấy đã được khắc phục. Nhưng cách làm ăn chắp nhặt vá víu như thế, liệu có bảo đảm được sự an toàn bền vững hay không?
Trở lại với Hố tử thần giữa Thủ đô Hà Nội. Tôi đồng ý với tiếng nói của rất nhiều người dân lương thiện: “Thuế của dân không thể đổ xuống sông, xuống biển, cũng không để chảy hết vào túi các nhà thầu”. “Đã đến lúc phải rõ ràng, minh bạch trong mọi việc, ai làm sai, làm vô trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm, chứ không ngồi đổ lỗi cho nhau, để rồi cuối cùng, dân vẫn phải gánh chịu thiệt hại. Cần xử lý nghiêm khắc để chấn chỉnh cho việc tiến hành xây dựng các công trình lớn về sau. Chỉ mới ảnh hưởng hoàn lưu bão mà đã như thế, nếu có bão đổ vào thực sự, hay lớn hơn, nếu xẩy ra động đất thì sẽ ra sao? Không thể hình dung nổi thảm họa sẽ khủng khiếp như thế nào?
Thảm họa không phải chỉ đến từ thiên nhiên, mà đến từ sự cẩu thả, vô trách nhiệm đối với cộng đồng của một người hay một nhóm người. Còn bao nhiêu những hố tử thần vẫn đang mai phục dưới mặt đường kia? Nên yêu cầu các bên, từ thiết kế đến thi công, phải chịu mọi tổn thất và bỏ ra kinh phí để xây dựng lại chứ không thể cấp thêm bất cứ đồng vốn nào. Tiền của dân không phải là vỏ hến. Ngay cả người được trao quyền nghiệm thu cung đường đó cũng phải chịu trách nhiệm về sự cố này.
Còn vụ cây đổ, đè bẹp hàng loạt xe cộ, dẫn đến cái chết tang thương của một tài xế Taxi thì ai chịu trách nhiệm? Chẳng lẽ Công ty cây xanh của Thành phố không có chút liên quan? Nếu vừa rồi, bão lớn thực sự đổ vào thành phố thì thảm họa sẽ như thế nào? Thật không thể hình dung được! Hầu hết các cây lớn đổ trên các tuyến phố vừa rồi đều là xà cừ. Loại cây lớn, nhưng lại có rễ chùm, độ bám đất không sâu, vì thế, không cây nào có thể tồn tại được khi có gió lớn. Vậy có nên để loại cây ấy trên những đường phố có đông dân cư không?
Chẳng phải ngẫu nhiên, một ký giả đã phải kêu lên một cách đắng đót: “Tử thần ở đâu ư? Tử thần vẫn chờ ta, đứng đầy cả ở hai bên đường. Đi giữa thành phố Hòa bình mà cứ thấy nơm nớp…”
Ở các nước văn minh, thường luật pháp rất nghiêm ngặt. Vứt mẩu thuốc lá xuống đường cũng bị phạt đến mấy trăm đô la. Chỉ một vụ đổ tàu, một cây cầu bị sập, người chịu trách nhiệm ngành đó, thậm chí cả ở cấp cao hơn có liên quan cũng đã tự làm đơn từ chức. Ngay cả khi sự cố xảy ra, người chịu trách nhiệm đã chuyển công tác khác, kể cả người đã về hưu rồi cũng vẫn phải hầu tòa. Ta hiểu vì sao có những vị Tổng thống, quyền thế lẫy lừng, mà đến lúc nghỉ rồi còn phải ra đứng trước vành móng ngựa. Khi đã làm làm điều ác, có tội với dân, thì sẽ không còn được yên thân, cũng không còn chốn an toàn nào để mà “hạ cánh”
Bao giờ chúng ta mới tới được một nếp sống văn minh như thế?
Cần lấy lại niềm tin của nhân dân. Không thể khác. Bởi mất niềm tin là mất hết. Đó mới chính là một thảm họa khó lường./.
Trần Đăng Khoa – Theo VOV