Trần Anh Hùng: “Mong là tôi và vợ sẽ đi đến ‘vĩnh cửu’!”

Bộ phim “Eternité” của Trần Anh Hùng khiến người ta luyến nhớ mùa hè, với những cảnh sắc thiên nhiên rạng ngời, tươi sáng, nơi những con người đẹp đẽ ngồi ngoài trời đọc sách, đàn hát, đùa vui… Nhưng nếu có một mùa trong năm gợi liên tưởng đến chính vị đạo diễn tài ba này, thì có lẽ phải là mùa thu, khi ở anh luôn tỏa ra sự nhẹ nhàng, tinh tế, ân cần, điềm đạm, vừa ấm vừa lạnh… – như cách một chiếc lá chầm chậm tìm điểm rơi…

“Không, tôi không ca ngợi gì cả!”

Trong bài viết dành cho Đẹp, nhà văn Thuận đã viết về anh: “Mơ màng và bướng bỉnh là hai tính cách thường trực trong con người anh”. Nhận xét đó theo anh có chính xác?

Chính xác đấy! Người ta nói “bướng bỉnh”, nhưng Hùng dùng từ “kiên trì”. Phải kiên trì và dũng cảm mới có thể theo đuổi một dự án làm phim, trong nhiều năm trời. Rồi trong lúc chờ có đủ tiền để được làm phim thì mình lại vẫn phải tiếp tục mơ màng và giữ một tâm hồn trẻ thơ để có thể ngạc nhiên trước một điều gì đó.

Thuận cũng lại nói: “Phim của Trần Anh Hùng, ngay cả ở những cảnh ngọt ngào nhất, người xem vẫn cảm nhận một vị đắng nhất định”. Với anh, vị đắng đó đến từ đâu?

Nó xuất phát từ đời sống, từ những cái mình trải qua và nhiều lúc mình gặp phải những chuyện rất khó, những nỗi buồn… Đời sống là thế, có những lúc vui nhưng đến một tuổi nào đó, ngoái nhìn thời gian trôi qua, đời sống trước mắt rộng dài, đôi khi mình cảm thấy có một gì đó bị thắt lại, tưởng đến một lúc nào đó, mình sẽ chết…

Và vì vậy, ngọt ngào luôn song hành cùng vị đắng?

Đúng thế! Nếu không, nó sẽ không thú vị!

Vì sao lúc này anh lại làm một bộ phim ngợi ca sống chậm, và các giá trị gia đình? Anh có nghĩ những người Pháp đương đại, có tư tưởng tự do, phóng khoáng sẽ khó đồng cảm với “Eternité”?

Tôi không nghĩ đến hai từ “tư tưởng” ở đây, cũng không ca ngợi. Đây là một câu chuyện đã có của thời đó, thì tôi cho thấy nó là như thế. Muốn thay đổi lịch sử, thay đổi sự thật về thời đó để cho hợp với thời nay là điều vô lý. Không, tôi không ca ngợi gì cả. Đây chỉ là tôi nhìn, với một cái nhìn rất thiện cảm về những nhân vật đã sống trong thời đó, xã hội đó, với những cách sống đó, mà thôi!

Nhưng vẻ như anh đã “nhìn” vào bức tranh đó hơi lâu, hơi chậm?

Không có, “Eternité” không chậm. Phim chỉ dài 1 tiếng 50 phút, kể một câu chuyện dài hơn một thế kỷ, chứng tỏ tốc độ rất nhanh, chứ không hề chậm.

“Khi nó đúng, nó sẽ đẹp”

Những bất ổn gần đây trong xã hội Pháp đã cho thấy Paris không phải lúc nào cũng là một “ngày hội”. Vì sao anh lại né tránh hiện thực đó? Hay đó không phải là sở trường của anh?

Những gì bạn vừa đề cập không liên quan gì đến suy nghĩ của Hùng về cách làm phim. Quan trọng là Hùng phải cảm thấy được điều đó, và cái gì làm cho Hùng xúc động.

Còn xã hội này kia thì tất nhiên cũng quan trọng, nhưng khi Hùng làm phim này, Hùng không muốn nói lên một cái gì đó về xã hội. Xã hội đã như thế rồi, một lúc nào đó nó sẽ thay đổi, sẽ biến đi, không quan trọng. Quan trọng là nó phải đưa đến cho người xem một cảm xúc đặc biệt, để cái chất nhạy cảm trong con người ta trở nên phong phú và tế nhị hơn. Hùng nghĩ công việc của Hùng là làm sao xáo trộn được cảm xúc của người xem, “làm loạn” nó lên. Đó mới là mục đích cuối cùng của nghệ thuật.

Ban giám khảo của Cannes nhiều năm gần đây thường bỏ phiếu cho các bộ phim mô tả sự khốc liệt của hiện thực xã hội phương Tây, đời sống bất ổn của người nhập cư, bạo lực trong lòng xã hội Pháp… Anh có nghĩ đó là lý do họ từ chối “Vĩnh cửu”?

Cũng có thể. Tất nhiên những người chọn phim đi Liên hoan phim thường sẽ thích chọn những phim có nội dung gần với những gì đang xảy ra hơn. Phim của Hùng không đi đến đó được chắc vì không gắn với những cái đang xảy ra bây giờ. Nhưng đáng lẽ người ta phải nhận ra cái quan trọng nhất trong điện ảnh là cái gì mới phải! Đó không phải là xã hội, không phải đạo đức, mà là ngôn ngữ điện ảnh, chính điều đó mới đưa lại cái mới. Nếu người ta không nhận ra điều đó là kém về văn hóa điện ảnh. Hơi kém đấy!

“Vĩnh cửu” gây cảm giác cần một nhà quay phim tốt, hơn là… một đạo diễn giỏi. Nếu ai đó thấy hẫng vì điều đó, anh nghĩ sao?

Hùng nghĩ những người này nên đi học một chút về văn hóa điện ảnh. Điện ảnh không phải là thứ để nhìn xem nó đẹp hay không đẹp, mà nó có ý nghĩa và ngôn ngữ riêng của nó.

Cái đẹp trong tác phẩm trước hết phải đúng thì nó mới đẹp được. Một đoạn phim quay đẹp mà ở sau đó không có chiều sâu triết học và cái nhìn chính xác về đời sống thì nó chỉ đơn giản là một cái hình đẹp thôi, một đoạn phim quảng cáo… Cái đẹp của điện ảnh khác! Trong điện ảnh, tất cả đều có thể đẹp, một củ khoai hay một bó hoa, tùy cái nhìn thế nào, có đúng hay không. Khi nó đúng, nó sẽ đẹp. Còn những người xem phim mà không thấy gì cả ngoài những cái hình đẹp thì rất là tội cho người ta!

Có người chê: Phim anh về cơ bản là hay, trừ… cảnh nóng?

Tại sao? Muốn xem những cái gì khác, trong cái chuyện đó? Nếu như anh quay một cặp vú thì làm sao người ta biết được cái gì đang diễn ra trong tâm lý nhân vật? Quan trọng là tâm lý nhân vật trong lúc họ làm tình như thế nào. Chẳng hạn như trong “Rừng Na Uy” thì trường đoạn giữa Naoko và Watanabe là cái đẹp tỏa ra từ hai gương mặt đó, mình phải tập trung vào đó. Nếu có một cách nào khác tốt hơn thì tôi rất muốn xem và muốn mời họ thử làm xem.

“Hãy đẹp đi, và im cái mồm lại? Không có chuyện đó!”

“Vĩnh cửu” không có bất kỳ một lo âu vật chất nào, và tâm thế chung của các nhân vật đều là chấp nhận và thỏa hiệp trước các biến cố. Đó có phải là cách anh tìm quên, hoặc “ru ngủ” người Pháp, sau những biến cố gây bất ổn: khủng bố, tài chính…?

Ồ, không đâu! Những gì bạn nhìn thấy trong “Eternité” chỉ giống như một trải nghiệm sống, về việc đời sống trôi qua. Đó chỉ là một cảm xúc của tôi về điều đó, chứ không định “hướng dẫn” gì cả. Nó chỉ như một món quà. Khán giả đón nhận nó thế nào là tùy họ.

Nếu có trong tay cỗ máy thời gian của chú mèo máy Doraemon, anh có sử dụng nó không?

Sử dụng ngay. Trở lại tuổi 20. Hùng luôn có thèm muốn đó, để được bắt đầu một cái gì mới. Có người thì bỏ vợ, Hùng thì không.

Phim Trần Anh Hùng, đặc biệt là phim mới này, thường rất ít thoại. Phần lớn các ông chồng cũng thích vợ kiệm lời. Anh thì sao?

Thích người vợ ít nói nghĩa là làm sao? Là hãy đẹp đi, và im cái mồm lại, có nghĩa như vậy à? Chuyện đó đối với Hùng rất là lạ. Những người như thế là có vấn đề đấy!

Yên Khê nói với Đẹp rằng không muốn các con theo nghề vì bố mẹ chúng đã quá vất vả để được làm phim. Anh có nghĩ vậy không?

Không, phải để chúng nó tự do tìm đường chứ! Nếu nó chọn con đường này thì mình có thể giúp nó. Còn nếu đường khác thì mình chịu. Quan trọng là nó phải tìm được niềm vui trong cái nghề đó.

Rất nhiều biến cố, nhiều cái chết… trong “Vĩnh cửu” đã không được giải thích nguyên nhân. Trong cuộc sống, anh có thường tránh đi đến tận cùng sự việc và bóc mẽ hết mọi nguyên nhân, để đỡ mệt đầu?

Đi đến tận cùng trong đời sống thì không. Trong đời sống sao Hùng đi đến tận cùng được! Đời sống cứ lơ lửng, có những bất ngờ đến với mình và mình chịu nó, thế thôi!

Người tinh tế và duy mỹ thì thường dễ tổn thương. Anh nghĩ, đóng phim của anh, hay… làm vợ anh sẽ khó hơn?

Phải là cả hai chứ, lâu lâu là vợ, lâu lâu là diễn viên, thì như thế mới ở với nhau lâu được!

Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi đã đường ai nấy đi từ lâu. Còn anh và Yên Khê thì vẫn nắm tay nhau từ bấy đến giờ. Đã là lúc anh gọi tên đó chính là sự “vĩnh cửu” chưa?

À, mong là thế! Vì Hùng và Yên Khê rất may mắn được làm việc với nhau, thành ra đời sống rất thú vị, có thể nuôi một cái chung với nhau và chia sẻ về nó hàng ngày, khiến cho tình vợ chồng có thêm một màu khác. Đó là một may mắn.

Xin cảm ơn anh!

Ý tưởng: Thủy Lê

Thực hiện bài viết: Thư Quỳnh, Huyền Lê, Hellos

Video: Huyền Lê – Trần Đỗ Trung Đông – Felice Võ

Nhiếp ảnh: Kỳ Anh – Stylist: Huy Mạch

Trần Anh Hùng: Trang phục Hugo by Hugo Boss
Yên Khê: Trang phục Lam, trang sức Bvlgari, giày Jimmy Choo

Địa điểm: Lý Club Sài Gòn

Bài viết được đăng tải trên tạp chí Đẹp 213 phát hành tháng 10/2016


From the same category