– Tôi thấy người Mỹ thường rất lo lắng khi bị thất nghiệp, tìm được việc làm luôn là ưu tiên hàng đầu của các sinh viên mới tốt nghiệp. Anh không lo à?
– Có chứ, tôi cũng sợ bị thất nghiệp. Bởi ở Mỹ mà không có việc làm thì bạn chẳng có gì cả. Nhưng khi đã có việc làm rồi thì hầu như người Mỹ không có thời gian để đi du lịch. 12 ngày trong một năm với tôi là quá ít. Vì vậy, trước khi bắt đầu sự nghiệp thì tôi dành cho mình một năm để bước ra thế giới. Tôi tin chuyến đi này sẽ giúp tôi biết mình thực sự muốn gì sau 20 năm nữa.
– Vậy anh muốn gì sau 20 năm nữa?
– Nghĩa là…?
– Đó hẳn là một thay đổi lớn?
– Đúng vậy. Dự định ban đầu của tôi chỉ là muốn nhìn ngắm thế giới trước khi bị bó hẹp trong bốn bức tường, nhưng cuối cùng chuyến đi này lại là lúc tôi nhìn lại chính mình để xem mình thực sự muốn gì. Ví dụ như lúc tôi lên kế hoạch du lịch ở Nhật chỉ 2 – 3 tuần vì chi phí ở đây rất đắt đỏ, nhưng cuối cùng tôi cứ mải mê đi theo bản đồ Lá phong để ngắm nhìn rừng cây đổi màu vào thời điểm giao mùa từ thu sang đông, nên cuối cùng tôi đã ở Nhật đến 3 tháng. Tôi trân trọng hơn những khoảnh khắc của hiện tại, và không còn lo lắng điều gì sẽ xảy đến ngày mai. Khi đó tôi nhận ra mình có thể lãng mạn hơn mình tưởng.(cười)
– Nhiều người lo lắng khi bước vào một hành trình bất định. Còn anh có vẻ biết cách tận hưởng sự tự do này?
– Tôi thấy nó rất phù hợp với mình (cười). Tuy nhiên đôi khi tôi cũng phải đối mặt với những quyết định khó khăn khi mọi việc trở nên rối tung. Đó là lúc tôi dừng lại để lắng nghe mình. Sự ngẫu hứng cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời mà hẳn là tôi không thể có được nếu như mọi việc được lên kế hoạch chi tiết từ trước.
– Nhưng hãy thực tế hơn chút, anh chỉ chuẩn bị tiền đủ cho một năm thôi mà?
– Tôi đã bắt đầu tiết kiệm tiền từ khoảng một năm rưỡi trước khi lên đường. Khi đi du lịch ngắn ngày bạn mới phải lo tìm khách sạn, còn tôi thường không quá quan trọng việc sẽ qua đêm ở đâu. Tôi thường chọn nhà dân, hoặc couchsurfing (Mạng toàn cầu nơi chủ nhà thể hiện tinh thần hiếu khách, trao đổi văn hóa với khách du lịch bằng cách cho ở miễn phí qua đêm – PV), nếu không thì ở trong những nhà trọ rẻ tiền. Bằng cách đó tôi tiết kiệm được tiền để đi nhiều hơn nữa. Nếu cần tôi cũng có thể dạy thêm tiếng Anh để trang trải bớt chi phí.
Việc ở nhà dân cho tôi những trải nghiệm rất thú vị. Ví dụ, vài ngày trước khi còn ở Sapa, tôi đã đi sâu vào trong các bản làng, bởi tôi vốn không thích sự ồn ào của dân du lịch (cười). Tôi được một gia đình người Mông mời ngủ qua đêm. Sáng ra họ cho tôi ăn một bát phở bò rất to rồi kéo ra ngoài đồng. Lần đầu tiên tôi được giẫm chân xuống ruộng, phải bổ những nhát cuốc rất nặng dưới trời nắng chang chang, tôi thở không ra hơi. Trông tôi lóng ngóng, các bà các cô quanh đó được một mẻ cười ra trò. Nhưng đó lại là lúc tôi thực sự cảm nhận được cuộc sống của họ khó khăn như thế nào. Họ đã cười rất tươi khi chỉ cho tôi những cây lúa đầu tiên trổ đòng. Tôi đã rất xúc động khi nhìn thấy những hạnh phúc giản dị như vậy. Đó là một trải nghiệm mà chỉ khi thực sự dấn thân bạn mới hiểu.
– Vậy điều gì thử thách anh nhất khi rong ruổi qua những miền đất xa lạ?
– Ngôn ngữ. Ở bất kỳ nơi nào tôi cũng đều cố gắng nói chuyện với người bản địa nhiều nhất có thể. Nhưng tiếng địa phương của tôi rất hạn chế, tất cả chỉ giới hạn ở “Xin chào”, “Bạn khỏe không?”, “Tôi độc thân” (cười). Vậy nên tôi khó mà hiểu được họ nghĩ gì, nói gì. Tôi chỉ cố gắng quan sát, xem người bản địa làm gì, mình bắt chước giống họ. Nhưng đôi khi điều này lại cho phép tôi trải nghiệm nhiều cuộc sống khác nhau, rất thú vị.
– Gia đình anh có sốt ruột không khi thấy cậu con trai cứ mải lang thang khắp chốn đến quên cả sự nghiệp như vậy?
– Ồ, có đấy. Bố mẹ tôi đã thật sự bị sốc khi nghe tôi nói sẽ kéo dài chuyến đi thêm 6 tháng hoặc một năm nữa. Câu hỏi đầu tiên mà họ hỏi tôi là: “Bao giờ thì con sẽ lấy vợ?” (cười). Tôi nghĩ kết hôn là một việc hệ trọng của người Ấn Độ (Kevin là người Mỹ gốc Ấn – PV), Việt Nam có lẽ cũng không khác nhiều.Tôi đã giải thích cho họ hiểu tại sao tôi lại cần phải đi nhiều hơn nữa, chuyến đi đã giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều. Tôi nghĩ bố mẹ tôi đã nhìn thấy điều đó, nên họ không ngăn cản gì hết.
Tôi thường xuyên nói chuyện với bố mẹ qua Skype, nên họ không có cảm giác tôi ở nơi nào đó quá xa. Bố mẹ thường nhắn tin “Chúc ngủ ngon” cho tôi mỗi đêm. Thật kỳ lạ, khi đi du lịch như thế này gia đình tôi lại trở nên gắn bó hơn bao giờ hết.
– Có phải “gap year” đang trở thành một-việc-phải-làm với giới trẻ Mỹ trước khi kiếm được việc làm?
– Cũng không hẳn. Tôi nghĩ điều này phụ thuộc vào việc bạn là người như thế nào. Nhiều người tôi biết tỏ ra rất e dè, họ lo lắng không tìm được việc làm sau khi trở về. Tôi thì nghĩ rằng cứ bỏ ra 1 năm đi du lịch, với những kĩ năng mà bạn có được thì kiểu gì bạn cũng tìm được việc làm. Bạn có cả một cuộc đời phía trước để làm việc, bạn đang còn trẻ, chưa có nhiều ràng buộc. Tin tôi đi, khoảng thời gian này của bạn không nhiều đâu, nên chẳng việc gì phải vội vàng làm việc. (cười)
Tôi nghĩ với vài người, đi du lịch là bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình, điều này làm họ e ngại, bởi họ không tự tin làm điều đó. Nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại, đặc biệt là khi đi du lịch một mình. Bạn phải đối diện với rất nhiều tình huống mà trước đó bạn không hề nghĩ mình sẽ gặp phải. Trong bất kể tình huống nào, bạn cũng phải tìm cách đối diện với nó, điều đó giúp bạn mạnh mẽ và tự tin hơn.
Cảm ơn Kevin. Chúc chuyến đi của anh có thêm nhiều trải nghiệm thú vị.
30 giây/10 câu hỏi
1. Khởi hành: tháng 9/2015
2. Các nước đã đi qua: Nhật Bản, Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam
3. Các nước dự định sẽ đến: Indonesia, Trung Quốc, Đức, Bỉ
4. Chuẩn bị
– Tài chính: Tiết kiệm tiền từ trước đó một năm rưỡi
– Kế hoạch: Không lên chi tiết
5. Packing list/Đóng gói đồ đạc
– Vài bộ quần áo
– Điện thoại và sạc pin
– Túi zipper các loại: Phân loại đồ và xếp chúng trong những túi zipper khác nhau
6. Món ăn thích nhất: Bún chả Hà Nội
7. Sợ nhất: Bị mất đồ, nên lúc nào cũng rất cảnh giác
8. Giữ liên lạc với người thân: 2 ngày/lần qua Skype hay WhatsApp
9. Ấn tượng tốt và xấu về Việt Nam: Lòng hiếu khách và giao thông
10. Nơi muốn quay lại nhất: Nhật Bản. Muốn đi ngược lại hành trình đã thực hiện để xem lá cây đổi màu thế nào.
Kevin Luke – Tiến sĩ công nghệ máy tính Đại học Cornell Mỹ