Trải nghiệm đặc biệt: Làm phấn nụ cung đình Huế - Tạp chí Đẹp

Trải nghiệm đặc biệt: Làm phấn nụ cung đình Huế

Làm Đẹp

Một điểm nhấn trong chuyến đi Huế vừa rồi của tôi là tìm về nơi sản xuất phấn nụ Huế. Không khó để tìm ra cơ sở sản xuất phấn nụ Cung đình Vỹ Dạ. Nó gần với khu cơm hến nổi tiếng của cố đô.

 

Tiếp đón tôi là cô Hồng Thị Diệu Loan, chủ xưởng sản xuất. Cô Loan năm nay đã 58 tuổi, và việc đầu tiên tôi làm khi gặp cô là “soi” xem da cô thế nào. Da của cô mịn màng, hồng hào và đều màu, không nám, không mụn, gần như không có nếp nhăn.

Cơ sở sản xuất này cũng là nhà của cô Loan. Cô có một gian riêng vừa làm nơi thờ cúng và đồng thời sản xuất phấn nụ. 

Cô Loan kể, phấn nụ nhà cô đã sang đời thứ  4. Nó có từ thời ông bà của cô, tức vợ chồng cụ Hồng Trọng Nậy. Họ tìm ra cách làm phấn nụ và đưa được đến cho các cung tần mỹ nữ trong cung. Họ cũng mang phấn nụ này ra chợ Đông Ba để bán. 

Quy trình làm phấn nụ thời ấy có phần phức tạp hơn bây giờ. Đầu tiên, họ phải mua một tảng kaolin (cao lanh) trắng, nung nó một ngày một đêm trong điều kiện khoảng 600 đến 700 độ C. Sau khi nung nóng, tảng kaolin mềm ra, nó sẽ được nghiền mịn thành dạng bột. Đến đây, bột sẽ được trộn với nước mưa và nước nấu từ hoa hồng hoặc hoa cúc thành hỗn hợp nhão, rồi đổ khuôn để tạo nên hình nụ hoa.

Hiện tại, cô Loan đã không còn phải mua kaolin dạng tảng nữa, cô mua bột kaolin. Đây cũng chính là loại bùn kaolin mà nhiều phụ nữ thời nay thường dùng để đắp mặt nạ.

 

Cô Diệu Loan, người đang điều hành cơ sở sản xuất phấn nụ Cung đình Vỹ Dạ
   

Cô Loan dành ra 10 ngày mỗi tháng để làm phấn nụ. Xưởng của cô có 4 người, trong đó có cả con của cô – truyền nhân đời thứ 4 của phấn Cung đình Vỹ Dạ. Mỗi đợt sản xuất, gia đình cô làm được 3000 sản phẩm, đủ bán trong một tháng. Quy trình sản xuất cũng không có gì cầu kỳ hoặc khó hiểu. Nó đơn giản và khá an nhàn. 

Cô Loan bày “đồ nghề” của cô cho tôi xem: Một bát bùn kaolin, một chậu nước để hòa nhão kaolin, một cái giá to có phủ vải để làm nơi đổ khuôn, và mấy cái khuôn rỗng hình trụ.

Bạn có thể hình dung, toàn bộ quá trình làm phấn gói gọn trong hai việc: Hòa bùn kaolin với nước, rồi xúc ra các khuôn. Đơn giản vậy thôi mà nó lại làm nên cuộc sống của mấy thế hệ nhà cô Loan.

Tôi đã từng tưởng mỗi nghề gia truyền đều phải chứa trong nó bao nhiêu kỹ xảo lắt léo. Nhưng có lẽ chính sự bình dị, đơn sơ lại là cách dễ nhất khiến một nghề có thể tồn tại mãi với thời gian. 

 

Theo cô Loan,viên phấn nụ đạt yêu cầu phải có 5 tầng

Cô Loan dạy tôi làm phấn nụ. Tuy rằng thành phần và quy trình làm ra nó không có gì cao siêu, nhưng việc đổ khuôn thế nào thành nụ hoa thì đối với tôi lại không đơn giản. Thời vua Khải Định, khối phấn hình nụ hoa với nhiều tầng, nhiều lớp thể hiện sự cao sang, đài các của người Huế.

Cô Loan cho rằng, mỗi viên phấn nụ phải có 5 tầng mới là chuẩn. Mỗi tầng đều phải cân đối và rõ ràng. Cô Loan “truyền nghề” cho tôi với một sự chỉn chu của một “nghệ nhân” làm phấn nụ lâu năm.

Trái với cách hiểu ban đầu của tôi, phấn nụ không được đúc trong khuôn kín. Khuôn phấn nụ rỗng, đặt trên một cái giá phủ vải. Như vậy, nước sẽ nhanh chóng rút ra khỏi viên phấn nụ và công đoạn phơi khô sẽ diễn ra nhanh hơn.

 

Thành phẩm của tôi, trông là biết, nó khác hẳn với những viên phấn gọn gàng của cô Loan

Sau khi đúc khuôn, cô Loan sẽ đặt phấn nụ trong lồng kính có lỗ và phơi nắng trong 2 ngày để nó khô hẳn. Sau đó cô sẽ đóng gói theo một cách đặc biệt để chúng không bị ẩm và nhanh hỏng.

Nếu bạn cầm một viên phấn nụ Huế trên tay, bạn sẽ thấy nó đơn sơ hơn bất cứ loại mỹ phẩm nào bạn đã từng sử dụng. Nó không được đầu tư nhiều về hình thù hay bao bì nhãn mác, danh sách thành phần của nó cũng chỉ vỏn vẹn có kaolin, và thỉnh thoảng thì có thêm nước nấu hoa hồng đối với phấn nụ màu hồng phớt. 

Đối với cá nhân tôi, tôi thích những loại mỹ phẩm ít thành phần, vì như vậy, tôi sẽ kiểm soát tốt nhất về công dụng và các phản ứng của nó lên da. Kaolin có tác dụng làm sạch và hút dầu. Nó không hút dầu tốt như một số loại bùn dành riêng cho da nhờn, nhưng như thế, nó lại dùng được cho mọi loại da, kể cả da nhạy cảm. Nếu kem chống nắng khiến da của bạn bóng nhờn, thì bạn có thể sử dụng một lớp kaolin mỏng: trông bạn sẽ sáng sủa, mịn màng và không bị trắng như tượng.

Cầm phấn nụ về đến nhà, tôi thấy tôi may mắn vì đã trở thành “truyền nhân ngoại đạo” của một món hàng có từ thời phong kiến.

Bài và ảnh: Thư Đỗ


logo

Hãy chia sẻ bí quyết làm đẹp của bạn với độc giả Đẹp Online bằng cách gửi thông tin, hình ảnh và công thức làm đẹp của bạn tại đây. Bài được chọn đăng sẽ hưởng nhuận bút theo quy định chung của tòa soạn.

Thực hiện: depweb

25/08/2015, 19:57